Người Việt Khắp Nơi

Học sinh lớp tiếng Việt trung học: “Em không muốn bị mất gốc”

Băng Huyền/Viễn Đông Sunday, 10/06/2012 - 08:51:06

Trong các em vẫn có một tiềm thức bản năng về nơi mình sinh ra, và điều này, may thay, đã được những thế hệ đi trước trong gia đình, và các thầy cô giáo… gốc Việt tiếp tục vun bồi.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 23)

Băng Huyền/Viễn Đông


Xung quanh câu chuyện tâm tình với vài em học sinh đang học tiếng Việt tại trường trung học mà phóng viên Viễn Đông đã ghi nhận được trong bài viết này, dù các em sinh ra ở Mỹ hay rời Việt Nam từ nhỏ, các em vẫn ý thức mình là người Việt, quyết tâm học tiếng Việt và giữ gìn văn hóa Việt cho bản thân, với mục đích rất đơn giản: “Vì em là người Việt Nam, dĩ nhiên em phải biết nói tiếng Việt, không thể để mất gốc”.
Suy nghĩ và nói ra được những lời giản dị như trên, rõ ràng các em phải có một quá trình được bố mẹ, ông bà… dạy dỗ ngay lúc còn ấu thơ. Trong các em vẫn có một tiềm thức bản năng về nơi mình sinh ra, và điều này, may thay, đã được những thế hệ đi trước trong gia đình, và các thầy cô giáo… gốc Việt tiếp tục vun bồi.


Một hoạt cảnh trong Đêm Văn Hóa của trường trung học La Quinta, do Hội Học Sinh Việt Nam tổ chức - ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông

Học sinh Valerie Hoàng, hiện đang học lớp 11 và lớp Việt 3 với cô Quỳnh Trang tại trường trung học Bolsa Grande, cho biết em sanh ra tại Mỹ, từ nhỏ em đã quen nói tiếng Việt tại nhà với ba mẹ, nhưng đến lớp 2 thì em quen nói tiếng Anh với bạn của mình nhiều hơn, nên cũng quên tiếng Việt nhiều. Dù lúc đó em vẫn còn nói được tiếng Việt, nhưng lối phát âm của em không còn rõ như hồi nhỏ. Tuy nhiên, những câu sinh hoạt thông thường trong gia đình em hiểu hết. Đến khi em vào học lớp 9, em biết được trường có dạy tiếng Việt, em quyết định ghi danh học, vì em thấy em không biết nhiều tiếng Việt, nên không thể nói chuyện với ông bà ngoại của em được.
Valerie Hoàng nói rằng do em không học đọc và viết tiếng Việt khi còn nhỏ, nên ban đầu em rất khó khăn trong việc bỏ dấu khi học lớp Việt 1 trong trường. Nhưng nhờ có nói chuyện ở nhà với ông bà ngoại, ba mẹ cũng thường nhắc em nói tiếng Việt, nên khi vào học, được cô giáo dạy mỗi ngày, dần dần em tiếp nhận được bài học không khó khăn nữa. Cũng một phần do em thích học, nên em vẫn cố gắng. Valerie cho biết: “Má của em thường hay giúp em học tiếng Việt, hỏi những câu chuyện cổ tích này, chuyện cổ tích kia… em đã được học chưa…”.
Theo Valerie Hoàng cũng nhờ học tiếng Việt trong trường, em đã không còn sợ nói tiếng Việt nữa, em có thể tự tin nói chuyện với người lớn. Em cũng biết xem phim bộ có chuyển âm tiếng Việt cùng với ông bà ngoại và hiểu trong phim nói gì. Còn những bài hát thì em đọc được lời và hát theo dễ dàng hơn.
Em cho biết ngay từ khi vào học lớp 9 tại trường, em đã tham gia sinh hoạt trong Hội Học Sinh Việt Nam tại trường, em rất thích sinh hoạt trong hội này, vì được học hát, học múa những bài Việt Nam, học múa lụa, các bạn nam thì học múa lân…
Valerie Hoàng nói: “Em nghĩ những bạn sanh ra hoặc lớn lên bên này, khi muốn học tiếng Việt, đừng nghĩ nó khó, rồi sợ không học. Lớp Việt 2 của em năm ngoái cũng có một số bạn người Mexico và người Mỹ theo học. Những bạn đó không có ba mẹ hay ông bà ở nhà để hỏi thêm những gì chưa hiểu, mà vẫn cố gắng học. Còn những bạn Việt Nam thì có cơ hội nhiều hơn, dĩ nhiên cần phải cố gắng hơn. Theo em phần khó khăn khi mới học là phần bỏ dấu. Nhưng nếu cố gắng học, thì cũng không khó lắm. Hiện nay, em đang dạy tiếng Việt cho em gái của em học thêm ở nhà”.
Học sinh Monique Nguyễn đang học lớp 11 và lớp Việt 3 tại trường trung học Garden Grove, kể rằng: “Hồi nhỏ ở nhà, mẹ dạy em nói tiếng Việt, nhưng khi vào trường học, bắt đầu học viết, em thấy hơi khó vì có chữ a, chữ ă, chữ â, chữ ơ, chữ ô… Hồi đầu em tưởng em là người Việt Nam, em học tiếng Việt sẽ dễ và kiếm được điểm A ngay. Nhưng không phải vậy đâu, em phải bỏ nhiều thời gian học môn này hơn mới có được điểm A, so với những môn khác em tìm điểm A dễ hơn. Dù học hơi vất vả, nhưng em không muốn bỏ lớp tiếng Việt. Vì từ khi em còn nhỏ, mẹ luôn luôn nói với em, mẹ sợ khi mẹ già, em không biết nói tiếng Việt nữa, hai mẹ con không nói chuyện được với nhau. Em cố gắng học tiếng Việt, để vẫn còn nói chuyện với ba mẹ, sau này em có gia đình, có con, em cũng sẽ dạy con mình tiếng Việt, vì em thấy tiếng Việt nghe rất đẹp, nói như hát, rất hay. Và qua tiếng Việt, em còn biết được văn hóa Việt Nam rất độc đáo. Vì em sinh ra và sống ở Mỹ, nên em phải giữ gốc rễ của em không bị mất đi”.
Riêng học sinh Tina Ngô sinh ra tại Mỹ, đang học lớp 11 và lớp Việt 3 tại trường Bolsa Grande thì cho biết em có học lớp tiếng Việt ở nhà thờ Santa Barbara một năm lúc em học lớp 3 trường Mỹ. Đến khi em vào trường trung học, em đã ghi danh học tiếng Việt, nhờ thường nói tiếng Việt với ba mẹ ở nhà và đã biết đánh vần nhờ học tiếng Việt cuối tuần 1 năm, nên em thấy việc học không khó khăn lắm. Tina Ngô nói: “Em thấy nhiều bạn em chọn học tiếng Pháp, hoặc tiếng Tây Ban Nha, nhưng cũng chỉ học 2 năm đủ quy định tối thiểu, khó mà thông thạo được. Em nghĩ mình không dùng những ngoại ngữ đó nhiều bằng tiếng Việt, vì vậy em muốn học tiếng Việt trong trường để thông thạo hơn, nhất là khi học, được cô Quỳnh dạy nhiều về văn hóa Việt, em càng tự hào thêm vì mình là người Việt Nam. Em thấy những bạn Việt Nam như em, nhưng không hiểu văn hóa Việt thì thật tiếc, văn hóa Việt không chỉ có phở và áo dài, mà còn có rất nhiều nét độc đáo khác. Em thấy mình may mắn được sống tại cộng đồng người Việt đông, là cơ hội tốt để giữ gìn ngôn ngữ. Em muốn sau này theo học ngành Dược và phục vụ cho cộng đồng Việt Nam”.
Tina Ngô kể rằng em có sinh hoạt trong Thiếu Nhi Thánh Thể tại nhà thờ Santa Barbara, những lần sinh hoạt cắm trại, có thi đóng kịch, ban tổ chức quy định phải chọn những chuyện cổ tích Việt Nam, nếu đóng và nói tiếng Việt thì sẽ được điểm cao. Còn những bạn không giỏi tiếng Việt, thì có thể nói bằng tiếng Anh. Nơi Tina sinh hoạt có khoảng 50 phần trăm các bạn học tiếng Việt, và nói tiếng Việt rành. Còn 50 phần trăm khác có hiểu tiếng Việt nhưng không giỏi. Nhờ thời gian học tiếng Việt trong trường trung học, Tina đã hiểu và nói giỏi hơn, nên em càng thích học hơn.
Cũng như Tina Ngô, học sinh Phạm Nguyễn Aileen đang học lớp 10 và lớp Việt 3 tại trường trung học Westminster, ngay từ nhỏ đã được mẹ cho học tiếng Việt cuối tuần. Nhưng em kiên trì hơn, đã theo học đến hết lớp 7 tiếng Việt tại trường Việt Ngữ Cộng Đoàn Công Giáo Westminster và hiện đang đảm nhận vai trò cô giáo dạy tiếng Việt cho các em lớp mẫu giáo tại đây vào ngày cuối tuần.
Không chỉ học tiếng Việt, em còn dự thi Giải Khuyến Học và Bé Vui Bé Học ở trường Việt Ngữ Cộng Đoàn Công Giáo Westminster, nên em có cơ hội học nhiều về lịch sử, ca dao, tục ngữ, và địa lý của Việt Nam, và nhờ học giỏi, khi đi thi, em đã lãnh được nhiều phần thưởng đem về khoe mẹ và bà ngoại. Nhờ vậy, em càng thích học hơn.
Em cho biết, có lẽ nhờ đã học lớp Việt ngữ cuối tuần, nên khi vào ghi danh tiếng Việt trong trường trung học, cô Lan đã cho em nhảy lớp, học ngay lớp Việt 2 khi em mới học lớp 9, vì cô sợ em học lại Việt 1 cho người mới bắt đầu học, em sẽ chán. Cũng nhờ đã học tiếng Việt từ nhỏ, nên em hiểu bài nhanh hơn.
Phạm Nguyễn Aileen là một học sinh nhỏ tuổi nhất trong đội thi Academic Decathlon của trường trung học Westminster tham dự tại thủ phủ Sacramento vừa qua. Em cho biết: “Tất cả những bạn gốc Việt trong đội thi chọn học tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Pháp. Vì các bạn nghĩ là học tiếng Việt chẳng ích lợi, vì các bạn đã biết nói tiếng Việt ở nhà rồi. Em lại nghĩ mình là người Việt, thì học tiếng Việt hay hơn, vì muốn nói tiếng Việt và đọc, viết tiếng Việt giỏi như người Việt sống tại Việt Nam, thì em cần phải học nhiều hơn nữa mới giỏi. Cũng nhờ học tiếng Việt, nên em thấy gần gũi với người Việt hơn, muốn dạy lại tiếng Việt cho các em nhỏ để giỏi tiếng Việt như em”.
Phạm Nguyễn Aileen nói thêm: “Khi đi thi ở Sacramento rất vui, vì em được gặp rất nhiều bạn học sinh từ nhiều trường học từ mọi vùng ở Cali. Em dự định sẽ tiếp tục tham dự cuộc thi này trong hai năm tới. Cũng nhờ học tiếng Việt đã giúp em trong cuộc thi này, vì những bài kiểm tra ở trong Academic Decathlon có hỏi một chút về lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, nhờ em nói tiếng Việt nên đã lên đài truyền hình của cộng đồng Việt Nam xin đồng hương Việt Nam giúp đội em gây quỹ để mua vé máy bay, thức ăn, và tiền thuê khách sạn tại Sacramento”.

Chương trình học hấp dẫn
Học sinh Valerie Hoàng nói rằng càng học tiếng Việt, em càng thích, lớp Việt 3 mà em đang học có những câu chuyện truyền khẩu, tục ngữ Việt Nam, dù hơi khó với em, nhưng em thích hiểu thêm về phong tục Việt Nam, nên em luôn luôn cố gắng học.
Em kể rằng: “Hồi mới học tục ngữ, ca dao, em không hiểu lắm. Nhưng cô giáo nhắc lại mỗi ngày, nên dần dần em đã hiểu được nghĩa của nó. Em còn nhớ hồi năm ngoái, em học câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Lúc đó, em không hiểu cô nói gì nữa, em cứ nghĩ cô đang nói đến cây bút, lọ mực và cây đèn. Sau đó, cô giải thích rõ ý nghĩa câu tục ngữ em mới hiểu được. Em thích những câu tục ngữ của người Việt hơn là những câu châm ngôn của tiếng Anh. Trong sách học Ngôn Ngữ và Văn Hóa có bài trò chuyện và bài đọc, em rất thích. Thường khi dạy, có những chữ mới, cô giáo luôn luôn viết ra bảng và giải thích nghĩa tiếng Anh tương đương, để em và các bạn hiểu rõ hơn bài học.
“Có lần chúng em được học bài Sự tích trầu cau, cô giáo có cho em và các bạn về nhà tìm thêm những câu chuyện cổ tích khác để vào lớp và kể cho nhau nghe. Cô giáo thường cho em và các bạn thảo luận bằng tiếng Việt với nhau. Giờ học này rất thú vị. Em thích học vậy lắm, nếu không biết thì em hỏi thêm ba mẹ, tìm trên mạng lưới Google…”.
Theo Valerie Hoàng và những học sinh mà phóng viên Viễn Đông phỏng vấn được trong bài viết này, các em đều cho rằng viết bài văn tiếng Việt là khó nhất. Nhiều khi đọc một bài văn, các em phải đọc nhiều lần mới hiểu được bài văn đó, còn những ẩn ý của ngữ nghĩa thì có lúc các em hiểu hết, có lúc cũng không hiểu được ý nghĩa thâm thúy và vẻ đẹp của bài văn.
Còn Monique Nguyễn thì khen buổi học tiếng Việt với thầy Robert Nguyễn rất hay, thầy vui tính và thường xuyên tạo cho không khí lớp học rất vui và hài hước, nên việc học rất dễ dàng cho em và các bạn. Thầy còn dạy những câu tục ngữ rất hay, dễ hiểu, giảng thêm nhiều câu chuyện quanh câu tục ngữ này, nên học sinh thích học.
Tina Ngô thì nói rằng năm em học lớp Việt 1, em học đọc, học viết nhiều, và có nhiều bài thi. Năm học lớp Việt 2 em được học nhiều về văn hóa Việt Nam. Và năm nay lớp Việt 3 ôn lại những câu chuyện văn hóa, nên em thấy học năm nay dễ nhất cho em. Em kể: “Cô giáo thường cho chúng em những bài đem về nhà làm, ví dụ bài học về món ăn Việt Nam, thì cô chia lớp ra nhiều nhóm, mỗi nhóm 4 bạn, chọn món ăn Việt Nam và thực hiện, rồi quay phim lại chiếu trên lớp. Chúng em lên mạng lưới để tìm thêm cách chỉ nấu món ăn, hoặc ra những nhà hàng Việt ở quanh vùng để xem thực đơn chọn món gì, rồi về nấu. Hoặc cô có dạy những câu chuyện cổ tích, rồi chúng em chọn câu chuyện để viết kịch bản, viết lời đối thoại cho nhân vật, rồi đóng phim để quay lại và nộp cho cô chấm điểm. Cô dạy hay, lớp học không bao giờ chán. Giờ học trôi qua nhanh lắm. Lúc nào cô cũng tìm mọi cách cho buổi học mỗi ngày trên trường sinh động và hấp dẫn chúng em”.
Phạm Nguyễn Aileen cũng cho biết em rất hài lòng chương trình học tiếng Việt trong trường trung học Westminster, cô giáo dạy rất hay. Tuy nhiên em mong sách giáo khoa sẽ hay hơn nếu có nhiều hình hơn. Theo em, sách học có nhiều hình ảnh đẹp mắt là rất quan trọng, vì em thấy nhiều bạn học cùng lớp em tập trung hơn và dễ hiểu hơn nếu sách có nhiều hình.
Dù những ghi nhận trong bài viết này chỉ dừng lại những em học sinh mà tình cờ người viết phỏng vấn được, chưa thể gọi là những nhận định bao quát của các em gốc Việt đang sinh sống trên đất Mỹ nói chung, hay tại Quận Cam nói riêng, nhưng cũng đủ nhen nhóm một niềm tin: Ở hoàn cảnh nào, những người con gốc Việt vẫn vươn lên mạnh mẽ, để thích nghi, để giữ được hồn Việt trong trái tim của mình... Để rồi một thế hệ mới người Mỹ gốc Việt lớn lên, thành đạt trên đất nước này, nhưng mãi mãi giữ được niềm tự hào: “Tôi là người Việt! Tôi nói được tiếng Việt! Tôi hiểu được văn hóa Việt và sẽ tiếp tục truyền lại cho con, cháu của tôi sau này”. - (BH)

Phóng sự nhiều kỳ "Tiếng Việt tại Hoa Kỳ" đã đăng trên nhật báo Viễn Đông:

Kỳ 22: Những câu chuyện của các phụ huynh có con theo học lớp tiếng Việt trung học
http://viendongdaily.com/nhung-cau-chuyen-cua-cac-phu-huynh-co-con-theo-hoc-lop-tieng-viet-trung-9SWtJLtO.html

Kỳ 21: Thiếu lớp tiếng Việt trong các trường trung học Quận Cam
http://www.viendongdaily.com/thieu-lop-tieng-viet-trong-cac-truong-trung-hoc-quan-cam-Am5dmG9M.html

Kỳ 20: Nội dung lớp tiếng Việt trong trường trung học Quận Cam
http://www.viendongdaily.com/noi-dung-lop-tieng-viet-trong-truong-trung-hoc-quan-cam-CbG0XKwW.html

Kỳ 19 : Sách giáo khoa tiếng Việt trong trường trung học Quận Cam
http://www.viendongdaily.com/thieu-lop-tieng-viet-trong-cac-truong-trung-hoc-quan-cam-Am5dmG9M.html

Kỳ 18: Môn tiếng Việt trong trường trung học Quận Cam
http://www.viendongdaily.com/mon-tieng-viet-trong-truong-trung-hoc-quan-cam-HIUAomFX.html

Kỳ 17: Từ việc thành công đưa Việt ngữ vào trung học đến ước mơ chương trình hai ngôn ngữ
http://www.viendongdaily.com/phone/tu-viec-thanh-cong-dua-viet-ngu-vao-trung-hoc-den-uoc-mo-chuong-trinh-VTsNQ97f.html

Kỳ 16: Dạy và học tiếng Việt trong hệ thống trung học
http://www.viendongdaily.com/day-va-hoc-tieng-viet-trong-he-thong-trung-hoc-j0EBMM6Y.html

Kỳ 15: Học tiếng Việt tại đại học Mỹ khác ở Việt Nam
http://www.viendongdaily.com/hoc-tieng-viet-tai-dai-hoc-my-khac-o-viet-nam-StzuW9nj.html

Kỳ 14: Chuyện của sinh viên học tiếng Việt tại đại học (tiếp theo)
http://www.viendongdaily.com/chuyen-cua-sinh-vien-hoc-tieng-viet-tai-dai-hoc-tiep-theo-qnwZnSyU.html

Kỳ 13: Chuyện của sinh viên học tiếng Việt tại đại học
http://www.viendongdaily.com/chuyen-cua-sinh-vien-hoc-tieng-viet-tai-dai-hoc-bprirQyt.html

Kỳ 12: Sách giáo khoa tiếng Việt dùng trong đại học (tiếp theo) (tiếp theo)
http://www.viendongdaily.com/sach-giao-khoa-tieng-viet-dung-trong-dai-hoc-tiep-theo-RW9JWyRs.html

Kỳ 11: Sách giáo khoa tiếng Việt dùng trong đại học
http://www.viendongdaily.com/sach-giao-khoa-tieng-viet-dung-trong-dai-hoc-MfhhYjNF.html

Kỳ 10: Học viên lớp tiếng Việt ở đại học, họ là ai?
http://www.viendongdaily.com/hoc-vien-lop-tieng-viet-o-dai-hoc-ho-la-ai-6eQfqz9D.html

Kỳ 9 : Những lớp học tiếng Việt đầu tiên tại đại học
http://www.viendongdaily.com/nhung-lop-hoc-tieng-viet-dau-tien-tai-dai-hoc-G0poKsIz.html

Kỳ 8 : Dạy và học tiếng Việt trong hệ thống đại học
http://www.viendongdaily.com/day-va-hoc-tieng-viet-trong-he-thong-dai-hoc-VnhAjKUg.html

Kỳ 7: Cộng đồng nói tiếng Việt và các cộng đồng di dân khác
http://www.viendongdaily.com/phone/cong-dong-noi-tieng-viet-va-cac-cong-dong-di-dan-khac-NDd8fqUo.html

Kỳ 6: Những khó khăn trong việc giữ gìn tiếng Việt
http://www.viendongdaily.com/phone/nhung-kho-khan-trong-viec-giu-gin-tieng-viet-MqixHNNv.html

Kỳ 5: Học sinh cố gắng, cha mẹ dìu dắt
http://www.viendongdaily.com/hoc-sinh-co-gang-cha-me-diu-dat-TRYowDv5.html

Kỳ 4: Tài liệu giảng dạy tiếng Việt tại những trung tâm độc lập
http://viendongdaily.com/tai-lieu-giang-day-tieng-viet-tai-nhung-trung-tam-doc-lap-9wgSXntH.html

Kỳ 3: Dạy và học tiếng Việt tại các trung tâm độc lập
http://viendongdaily.com/day-va-hoc-tieng-viet-tai-cac-trung-tam-doc-lap-XgVv5jyT.html

Kỳ 2: Nỗ lực dạy và học tiếng Việt hiện nay của các trung tâm độc lập
http://viendongdaily.com/no-luc-day-va-hoc-tieng-viet-hien-nay-cua-cac-trung-tam-doc-lap-npqoMLK8.html

Kỳ 1: Dạy và học tiếng Việt tại Hoa Kỳ cách nay 30 năm
http://viendongdaily.com/day-va-hoc-tieng-viet-tai-hoa-ky-cach-nay-30-nam-0NM4ux73.html

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT