Thế Giới

Học sinh Mỹ không được dạy đầy đủ về bầu cử

Tuesday, 25/10/2011 - 07:28:41

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2002, người ta dự đoán rằng cứ trong 5 cử tri trẻ thì có chưa tới 1 người, trong độ tuổi 18-24, sẽ có mặt tại phòng phiếu.

Cử tri và lá phiếu 2012

Vanessa White/Viễn Đông

SAN BERNARDINO, California – Trong học kỳ sắp tới, cô Kyra Mangual sẽ học môn tìm hiểu hoạt động chính phủ và môn giáo dục công dân, tại trường trung học Sierra High School, vì hai môn này là những lớp bắt buộc phải có để tốt nghiệp trung học. Thế nhưng, cô không tin rằng những môn ấy sẽ thuyết phục được cô tham gia bầu cử trong năm tới.
Cô Mangual nói với nhật báo Viễn Đông rằng cô nghĩ lá phiếu của mình sẽ không tạo nên được một sự khác biệt nào, ngay cả trong kỳ bầu cử tổng thống vào năm 2012.
Mặc dù tỉ lệ của những cử tri trẻ tuổi có đi bầu đã tăng lên trong những kỳ bầu cử tổng thống, trong các năm 2000, 2004, và 2008, những điều mà Mangual cảm thấy làm cho người ta nhớ lại những con số thống kê cách đây mười năm. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2002, người ta dự đoán rằng cứ trong 5 cử tri trẻ thì có chưa tới 1 người, trong độ tuổi 18-24, sẽ có mặt tại phòng phiếu.
Vào ngày bầu cử năm 2002, đài phát thanh NPR đưa tin cho biết rằng có nhiều học sinh hội điều kiện để đi bỏ phiếu, nhưng đã quyết định không tham gia bầu cử, vì họ không muốn bỏ thì giờ ra để đi bầu, họ không quan tâm đến những vấn đề, họ cảm thấy chính trị tự bản chất là băng hoại, hoặc tâm trí họ chỉ chú ý đến những chuyện khác. Hồi ấy đài NPR trích dẫn lời của Brian Richiardi, 18 tuổi, học tại trường trung học Stoneman Douglass ở Florida. Richiardi nói: “Lái xe là việc quan trọng hơn đi bầu”. Anh nói rằng nhiều học sinh cùng tuổi với mình cũng cảm thấy như vậy. Tyrone Jenkins, 17 tuổi, cũng học tại trường Stoneman, nói với NPR rằng dù Dân Chủ hay Cộng Hòa đắc cử thì cuộc sống của anh cũng vẫn như vậy thôi.
Tuy nhiên, vẫn có những học sinh cảm thấy rằng đi bỏ phiếu là một việc quan trọng. Andrew De Jesus, cũng là một học sinh của trường Stoneman, nói với NPR: “Những người không đi bầu thì không có lý do nào để than phiền cả. Nếu bạn không bỏ phiếu, thì bạn chẳng làm gì để thay đổi”. Những học sinh khác nói với NPR rằng bầu cử sẽ tác động tới tương lai của họ và là một việc cần thiết.
Vì hầu hết các học sinh đều bị luật lệ đòi buộc phải học một hình thức nào đó về hoạt động chính phủ và giáo dục công dân, liệu các trường trung học có đang chuẩn bị cho các học sinh một cách thích hợp hay không, để cho họ tham gia bầu cử, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khía cạnh này trong nền dân chủ?
Hôm 11-10-2011 và 18-10-2011, nhật báo Viễn Đông đưa tin về chuyện có thể có hơn 5 triệu cử tri gặp phải bất lợi trong kỳ bầu cử năm 2012, vì luật lệ về đầu phiếu thay đổi. Liệu các cử tri học sinh có làm tăng lên số lượng những cử tri chịu thất thế như vậy hay không?

* Lớp giáo dục công dân và tìm hiểu hoạt động chính quyền trên toàn quốc
Nếu vấn đề bầu cử được đem ra giảng day trong các trường, thì hầu chắc nó sẽ được dạy trong các lớp tìm hiểu hoạt động chính phủ và giáo dục công dân (U.S. Government and Civics). Các tiểu bang ấn định những điều đòi hỏi tối thiểu, buộc các học sinh phải học môn giáo dục công dân và môn tìm hiểu hoạt động chính phủ của Hoa Kỳ. Trong khi đó, các địa phương có thể tăng thêm những điều kiện đòi buộc ấy đối với các trường của họ, nếu họ thấy đó là điều thích hợp.
Đa số các tiểu bang Hoa Kỳ đều buộc các học sinh trung học của họ phải lấy ít nhất một nửa tín chỉ, thường là một lục cá nguyệt, một học kỳ, về môn tìm hiểu hoạt động của chính phủ Hoa Kỳ hoặc môn giáo dục công dân, hoặc hết hợp cả hai môn, hay là kết hợp hai môn này với môn kinh tế, lịch sử Hoa Kỳ hoặc những môn tương đương. Nếu không có một nửa tín chỉ ấy về môn tìm hiểu chính phủ và môn giáo dục công dân, thì các học sinh trong những tiểu bang ấy sẽ không được tốt nghiệp trung học.
Có một số tiểu bang, như Alaska, Nebraska và Vermont, không có những điều khoản đòi hỏi nhất định đối với các học sinh trung học của họ, bắt học sinh phải học môn tìm hiểu hoạt động chính phủ và môn giáo dục công dân.
Cũng có một số tiểu bang, như Kentucky và Massachusetts không qui định là các học sinh phải học bao nhiêu tín chỉ về môn tìm hiểu hoạt động chính phủ và/hoặc môn giáo dục công dân, mặc dù những tiểu bang này buộc phải học những đề tài liên quan đến hai môn ấy vào một thời điểm nào đó trong khi các học sinh trung học học các môn nghiên cứu xã hội.
Tiểu bang Missouri buộc các học sinh phải dự một cuộc thi về “các điều khoản và các nguyên tắc” của Hiến Pháp Hoa Kỳ và hiến chương tiểu bang, thay vì dự một lớp thực sự.
Có mấy tiểu bang, như North Carolina và Washington, đòi các học sinh trung học phải học ít nhất nguyên một tín chỉ, thường kéo dài cả một năm, về hoạt động của chính phủ, thì sau đó mới được tốt nghiệp.
Có những tiểu bang đặt cho các tín chỉ môn công dân những cái tên tương ứng với bầu cử, như “Giáo Dục Quyền Công Dân” của Georgia” và “Tham Gia Vào Nền Dân Chủ” của Hawaii.
Tiểu bang Arkansas qui định những chương trình riêng rẽ dành cho các học sinh trung học. Chương trình “Cốt Lõi” là chương trình tiêu chuẩn và cơ bản đối với các học sinh trung học. Trong khi ấy, học phần “Cốt Lõi Thông Minh”  cung cấp chương trình chuẩn bị đại học và nghề nghiệp. Các học sinh dự học phần “Cốt Lõi” đều được yêu cầu phải học một nửa tín chỉ về hai môn hoạt động chính phủ và giáo dục công dân, còn những học sinh theo chương trình “Cốt Lõi Thông Minh” phải học trọn vẹn một tín chỉ. Theo qui định về tốt ngiệp trung học năm 2014 của tiểu bang Arkansas, những học sinh học cả Cốt Lõi và Cốt Lõi Thông Minh đều bị buộc phải lấy nửa tín chỉ của môn tìm hiểu hoạt động chính phủ và môn giáo dục công dân.

* Một số học sinh miền Nam California
Mặc dù California cũng giống như hầu hết các tiểu bang, đòi học sinh phải học ít nhất một nửa tín chỉ, hoặc một học kỳ, về môn hoạt động chính phủ và môn giáo dục công dân, nhưng có một số học sinh không tin rằng mình học biết được nhiều về tiến trình bầu cử.
Cô Kyonne Lightner, đã tốt nghiệp năm 2006 từ trường trung học Dorsey High School ở Los Angeles, nói với nhật báo Viễn Đông rằng các giáo sư của cô không dạy cho cô một điều gì về vấn đề bầu cử, ngoại trừ nói với cô rằng cô nên đi bầu vì việc bỏ phiếu sẽ thay đổi nền kinh tế. Cô nói thêm rằng lần duy nhất cô tham gia bầu cử là kỳ bầu tổng thống năm 2008, khi cô dồn phiếu cho ông Barack Obama.
Cô Jasmine Roberts, tốt nghiệp năm 2010 từ trường trung học Henry J. Kaiser High School ở Fontana, nói với Viễn Đông rằng cô theo học một lớp tìm hiểu hoạt động chính phủ và môn giáo dục công dân trong khóa mùa hè. Cô nói với Viễn Đông: “Họ [các giáo sư] nói rằng ghi danh đi bầu là điều quan trọng đối với chúng tôi, nhưng họ không cho biết chính xác phải ghi danh ở đâu và như thế nào. Tôi chưa ghi danh, cũng chưa hề bỏ phiếu lần nào cả”.
Anh Trần Pierre, tốt nghiệp trường trung học Huntington Beach High School năm 2011, nói với nhật báo Viễn Đông rằng anh cũng không biết ghi danh như thế nào để đi bỏ phiếu, và trong những lớp anh học, không có lớp nào thảo luận về tiến trình bầu cử.
Các học sinh trong Học Khu Huntington Beach phải học một học kỳ mà California yêu cầu, về môn tìm hiểu hoạt động chính phủ và môn giáo dục công dân, song song với yêu cầu của Học Khu Garden Grove đòi các học sinh phải học một học kỳ về hai môn này trong năm lớp 12. Theo Đại Cương Giáo Trình Trung Học của Học Khu Garden Grove, đối với hai môn ấy, thì các học sinh phải học về chuyện bỏ phiếu, cách ứng cử bầu cử, và những đòi hỏi về tuyển cử, vào cuối năm lớp 12.

* Ý tưởng để suy gẫm
Nếu bầu cử được coi là hình thức quan trọng nhất của chế độ dân chủ, thì cần đòi hỏi học sinh phải học bao nhiêu về vấn đề này trong trường? - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT