Người Việt Khắp Nơi

Học tiếng Việt tại đại học Mỹ khác ở Việt Nam

Sunday, 08/04/2012 - 08:59:07

Còn cách dạy bên Việt Nam thì học sinh không được phát biểu ý kiến và suy nghĩ của mình, mà phải nương theo những gì giáo viên dạy. Nếu mình không thích bài thơ, hay bài văn đó, mình cũng không được nói ra, khi làm bài học sinh chỉ được khen bài văn đó mà thôi.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 15)

Băng Huyền/Viễn Đông


Trong bài viết 2 kỳ trước, chúng tôi đã ghi lại những câu chuyện của một số bạn sinh viên gốc Việt học tiếng Việt tại đại học, phải trải qua những khó khăn trong việc học ngôn ngữ để biết được văn hóa, vẻ đẹp của văn chương Việt Nam, để gìn giữ cho chính mình ngôn ngữ “mẹ đẻ”, sau này còn truyền lại cho thế hệ con, cháu. Qua câu chuyện lần này của sinh viên Lê Tuấn, hiện nay là ứng viên tiến sĩ ngành điện toán tại đại học University of California Los Angeles (UCLA), thì bạn không gặp trở ngại nào trong việc học lớp tiếng Việt cao cấp tại UCLA, vì bạn mới đến định cư tại Mỹ cách nay hơn 8 năm, khi bạn đã bước vào lớp 11 trường trung học. Học tiếng Việt với Lê Tuấn không chỉ để biết ngôn ngữ “mẹ đẻ” và giữ gìn để không quên, mà vì muốn khám phá vẻ đẹp của ngôn ngữ, văn hóa, văn chương Việt Nam mà bạn đã không được học đầy đủ khi còn sống ở Việt Nam. Do vậy, khi học tại đại học UC Berkeley để lấy bằng cử nhân điện toán, Lê Tuấn đã ghi danh lớp tiếng Việt cao cấp tại đây, nay khi học lấy bằng tiến sĩ tại UCLA, Lê Tuấn tiếp tục học lớp cao cấp tiếng Việt với giáo sư Quyên Di.


Học tiếng Việt còn để tìm về văn hóa tổ tiên - ảnh: Vincent Thái/Viễn Đông

Lê Tuấn nói: “Em rất thích học lớp cao cấp của thầy Quyên Di, thầy giảng rất kỹ nghĩa của những chữ tiếng Việt, có những từ ngữ em nói quen miệng, nhưng không biết tại sao người Việt mình lại nghĩ ra cách nối kết những chữ đó lại với nhau và có được nghĩa của chữ đó thật sâu sắc. Ví dụ: khi nghe từ nghĩa trang, ta có thể hình dung đó là nơi chôn cất người chết, nhưng không hề biết vì sao chữ nghĩa kết hợp với trang lại có nghĩa như vậy. Nhiều khi người Việt mình nói theo thói quen mà không hề biết nghĩa của từ đó hay như thế nào. Ngoài học nghĩa hay của chữ Việt ra, em còn học về văn hóa, văn chương Việt Nam”.
Lê Tuấn nói thêm: “Chương trình của thầy Quyên Di khác với chương trình tiếng Việt em từng học tại UC Berkley, thầy chia nhóm cho chúng em cùng làm việc với nhau theo từng chủ đề bài học, cách học này rất hay, giúp em học hỏi được thêm từ các bạn trong nhóm”.
Lê Tuấn cho biết khi còn sống tại Việt Nam bạn không thích học môn văn lắm, vì cách dạy Việt Nam khác hẳn cách dạy bên này, học văn bên Việt Nam có vẻ chuyên nghiệp quá, chỉ tập trung vào văn chương. Còn mong muốn của Lê Tuấn là khi học lớp tiếng Việt không chỉ tìm hiểu văn chương Việt Nam, mà học để hiểu về con người, văn hóa Việt Nam. Bởi vì theo bạn, để biết về Việt Nam, thì không chỉ có văn chương mới là quan trọng, mà còn nhiều điều thú vị hơn nữa.
Lê Tuấn cho biết bạn thích cách dạy và chương trình giảng dạy của thầy cô tại Hoa Kỳ khi dạy nhiều về văn hóa, ngôn ngữ và con người Việt Nam.
Để so sánh hai phương pháp dạy Văn và tiếng Việt tại Việt Nam và Hoa Kỳ, Lê Tuấn nhận xét: “Cách dạy và học văn ở Việt Nam mang nặng tính phân tích và chứng minh, ở Mỹ chú trọng tính lý luận. Ở Việt Nam thường một tác phẩm thầy cô chỉ đưa ra một cách phân tích. Ở Mỹ, giảng viên khuyến khích sinh viên nhìn nhận một tác phẩm từ nhiều góc độ khác nhau. Ở Mỹ, dạy và học văn tôn trọng cách suy nghĩ độc lập và giảng viên không muốn thấy tất cả sinh viên của mình đều có một cách cảm thụ văn học như nhau, nhất là khi chấm điểm tiểu luận. Còn cách dạy bên Việt Nam thì học sinh không được phát biểu ý kiến và suy nghĩ của mình, mà phải nương theo những gì giáo viên dạy. Nếu mình không thích bài thơ, hay bài văn đó, mình cũng không được nói ra, khi làm bài học sinh chỉ được khen bài văn đó mà thôi”.
Lê Tuấn nói thêm: “Em nghĩ khi đề nghị phân tích một bài văn, bài thơ, có người thấy hay có người thấy không hay, nếu là một nhà phê bình có quyền phê bình, còn học sinh thì dù khi học [ở Việt Nam], thấy không hay, cũng không được nói khác. Cách đó khác hẳn môi trường dạy bên này, nếu khi học, mình không thích bài văn nào được học, mình có quyền nói lên ý kiến riêng của mình. Còn học bên Việt Nam, thì học sinh rất thụ động, chỉ được phép nói theo giáo viên, còn không thì bị điểm thấp, em cũng thấy đó là một hạn chế của cách học tập bên Việt Nam”.
Sinh viên Tâm Lai, tốt nghiệp ngành tâm lý học đại học UCLA năm 2010, hiện đang là giáo viên dạy môn toán và tiếng Anh từ lớp 1 cho đến lớp 8 tại trường Hope Academy ở thành phố Rosemead, từng theo học lớp tiếng Việt cao cấp 3 mùa với giáo sư Quyên Di. Cô giáo Tâm Lai cho biết: “Tôi đến Mỹ định cư khi học hết lớp 9 tại Việt Nam, vì muốn hiểu thêm ngôn ngữ và văn hóa người Việt của mình nhiều hơn nên tôi quyết định lấy lớp tiếng Việt do thầy Quyên Di dạy. Khác với thầy cô dạy tiếng Việt mà tôi từng học trước đây, thầy Quyên Di dạy học sinh thêm bằng những câu chuyện của thầy bằng cách kể rất lôi cuốn, nên học sinh rất thích nghe thầy giảng. Học với thầy rất khác với học từ cha mẹ hay ông bà. Thầy đã cô đọng lại những tinh hoa về văn hóa Việt… Ngoài ra học lớp thầy Quyên Di có cách làm bài thi rất hay, cho chúng tôi làm phim, chọn nhóm với nhau khoảng 5 đến 6 người. Chúng tôi học viết, học đối thoại, cách nói rõ ràng để trình bày vào trong bộ phim của nhóm, học cách dựng phim. Mỗi phim khoảng 20-30 phút, thường thầy cho mỗi đề tài khác nhau, ví dụ mùa học đầu, thầy cho đề tài tình yêu, nhóm chúng tôi tự viết kịch bản, chia nhân vật, phân cảnh chuyện phim, rồi đưa cho thầy xem có đúng không, sau đó quay phim và hoàn chỉnh phim để nộp cho thầy”.
Cô giáo Tâm Lai nói khi học sách giáo khoa Ngôn Ngữ và Văn Hóa của giáo sư Quyên Di soạn có mỗi chủ đề khác nhau, có những câu chuyện ngắn, những bài thơ, những bài viết rất cảm động. Sách học không có CD kèm theo, nhưng sinh viên vào lớp nghe thầy nói còn hay hơn là nghe CD bài đọc.
Cô giáo Tâm Lai chia sẻ thêm: “Tôi học với thầy là học cách nói, cách sử dụng ngôn ngữ thật cẩn thận, phải lựa lời mà nói, vì ngôn ngữ rất quan trọng trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Vì nói tiếng Việt cũng không khác nói bất kỳ một ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha… Chúng ta giao tiếp với người khác bằng ngôn ngữ, khi mà chúng ta lựa được những từ đẹp nói với người khác, làm cho cuộc sống của mình đẹp hơn và cách giao tiếp với người khác cũng tốt hơn”.

Làm sao duy trì được bộ môn tiếng Việt tại đại học trong tương lai
Sinh viên Lê Tuấn đã chia sẻ với người viết về mối ưu tư của bạn: “Em nghĩ cách hay nhất để gìn giữ và đào tạo lớp trẻ sau này có kiến thức ngôn ngữ văn hóa Việt vững vàng để có những người giống như thầy Quyên Di và các thầy cô khác, thì cộng đồng Việt Nam chúng ta nên vận động để các trường đại học tại đây mở ngành học cử nhân tiếng Việt, thì mới có hy vọng đào tạo được những người trẻ sau này giỏi, kế tục những thầy cô như thầy Quyên Di. Còn nếu chỉ dạy những lớp tiếng Việt nhập môn, trung cấp, hay lớp cao cấp (lớp học này khá hạn chế, chỉ có một vài trường còn giữ được lớp học này) như hiện nay, sinh viên học chỉ để biết tiếng Việt và văn hóa Việt chút ít thôi khó mà đào tạo được thế hệ tiếp nối có thể giảng dạy được như thầy Quyên Di. Em nghĩ hướng để đào tạo ra thế hệ giảng viên trẻ dạy tiếng Việt và văn hóa Việt trong trường đại học là một cách để nuôi dưỡng bộ môn này tại hải ngoại trong lâu dài”.
Cô giáo Tâm Lai cho biết, nhờ học với thầy Quyên Di và có khả năng cảm thụ tốt nên được thầy tin cậy mời tham gia làm phụ giảng cho thầy tại lớp tiếng Việt nhập môn ở UCLA, nhưng công việc này cô chỉ đảm nhận trong khóa học mùa Hè mà thôi, và chỉ giúp cho các sinh viên làm bài tập, dạy viết chính tả, dạy một số từ vựng, giúp các em sửa bài trong lớp. Qua việc phụ giảng này, cô học thêm được nhiều điều hay trong ngôn ngữ và văn hóa Việt để làm giàu thêm kiến thức cho mình.
Giáo sư Quyên Di cho rằng: “Khi thấy các sinh viên chú tâm để ý đến văn hóa và ngôn ngữ tiếng Việt, tôi rất vui, tôi tin rằng với sự cố gắng của các sinh viên, thì sau này những người di dân gốc Việt thuộc thế hệ như chúng tôi sẽ không lo lắm việc tiếng Việt bị mất đi tại hải ngoại hay văn hóa mình sẽ không được lưu truyền nữa. Tôi tin là trong tương lai sẽ có các thầy cô giáo trẻ làm tiếp công việc chúng tôi đang làm và sẽ làm tốt hơn, vì phương pháp dạy học bên nước Mỹ này rất hay, họ học một cách chính thức có hệ thống, họ sẽ biết cách dạy làm sao lôi cuốn, còn về kinh nghiệm văn hóa Việt mà họ thiếu, bản thân tôi và các thầy cô khác sẽ luôn luôn sẵn lòng làm cố vấn giúp các giáo viên trẻ này, hy vọng trong tương lai có nhiều người trẻ tiếp nối công việc dạy ngôn ngữ và văn hóa tiếng Việt.
“Hiện nay tôi biết trường đại học California State Universiry, Fullerton (CSUF) dự định sẽ bắt đầu cho phép sinh viên được ghi danh vào chuyên ngành ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam vào khoảng mùa Thu 2012 hoặc mùa Xuân 2013. Trong tương lai, CSUF sẽ phát triển để sinh viên ghi danh học ngành này lấy được bằng tốt nghiệp cử nhân ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, đây là một tín hiệu nhiều hy vọng.
“Riêng tại đại học UCLA, chúng tôi cũng sẽ cố gắng vận động thành lập chuyên ngành này, tuy nhiên thời điểm hiện nay do ngân sách giáo dục bị cắt giảm nhiều quá, cũng khá khó khăn để vận động thành công như đại học CSUF”.
Tại đại học CSUF, Tiến Sĩ Võ Kim Sơn, cùng các đồng nghiệp khác đã vận động nhiều năm trước đây và được sự ủng hộ nhiệt tình của Dân Biểu Liên Bang Ed Royce, mới được Quốc Hội Hoa Kỳ cấp một ngân quỹ dùng vào việc soạn chương trình học này. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT