Phóng Sự

Hội Bảo Trợ Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn Việt Nam tại Hoa Kỳ (kỳ 2)

Sunday, 30/12/2018 - 10:45:33

Bà Vũ Trần Tuyết Ánh là thủ quỹ của Hội Bảo Trợ Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn Việt Nam tại Hoa Kỳ (tên tiếng Anh VN St. Vincent Mission Support Association) chia sẻ, “Ngay năm đầu tiên nhận lời vào Hội và là thủ quỹ cho Hội, tôi đã về Việt Nam và gặp các cha của Nhà Dòng Vinh Sơn.

Bài BĂNG HUYỀN

Người ta thường nói, cho người con cá, không bằng cho họ một cần câu để câu cá. Các cha của Nhà Dòng Vinh Sơn tại Việt Nam mong muốn các em mồ côi, các em thuộc gia đình nghèo khổ tại Việt Nam, đặc biệt là những em dân tộc thiểu số muốn có tương lai, thì phải có học vấn. Nếu kiến thức không có, các em không có tương lai, không có cơ hội tiến thân. Tại Việt Nam bây giờ, nhiều em bị bán ra nước ngoài, làm nhân công ở nước ngoài, bị đày đọa. Vì các em không có căn bản học vấn. Học vấn là chìa khóa để thành công. Nếu có học vấn thì con đường các em đi ít chông gai trắc trở, tầm nhìn xa hơn.
 
 
Bà Tuyết Ánh, thủ quỹ của Hội Bảo Trợ Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn Việt Nam tại Hoa Kỳ, (bên phải) trong chuyến về Việt Nam gặp được Linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung (bên trái). (Hình cung cấp)

Chương trình từ thiện tại Việt Nam

Bà Vũ Trần Tuyết Ánh là thủ quỹ của Hội Bảo Trợ Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn Việt Nam tại Hoa Kỳ (tên tiếng Anh VN St. Vincent Mission Support Association) chia sẻ, “Ngay năm đầu tiên nhận lời vào Hội và là thủ quỹ cho Hội, tôi đã về Việt Nam và gặp các cha của Nhà Dòng Vinh Sơn. Tôi đã được tận mắt nhìn thấy sự hy sinh của các cha lo cho người nghèo. Các cha đề ra giáo dục là quan tâm đầu tiên. Giúp giải thoát cái nghèo cho người ta, không gì bằng học vấn hết, nhất là người dân tộc thiểu số ở Việt Nam khổ lắm. Vì họ không thích đi học. Nên các cha gặp nhiều khó khăn lắm.

“Nhiều khi các cha phát sách cho họ đi học, ví dụ một quyển sách giá 5 đồng, nhưng quay qua quay lại họ bán đi quyển sách đó 2, 3 đồng. Thay vì giữ sách để học, thì đem đi bán lấy tiền. Các cha cố gắng giúp người dân tộc thiểu số thay đổi suy nghĩ. Để người ta nhìn thấy rằng không có cái gì bằng sự học. Các cha mong người dân chú trọng đến việc học, để từ việc học giúp đời sống họ vươn lên. Có học vấn thì mới thay đổi được đời sống của người ta.”
 

Người dân nhận được thùng đựng nước sạch của Hội. (Hình cung cấp)

Bà Tuyết Ánh kể, các cha Dòng Vinh Sơn còn lập ra trường huấn nghệ.
“Ở Việt Nam chính quyền lấy đất của dân. Ngày xưa người dân có đất, trồng cấy. Nay bị lấy đất hết, nên các cha phải giúp người ta học nghề để người ta đi làm nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng muốn họ đến học, thì phải cho họ ăn, giúp họ có chỗ ở, mướn các thầy cô giáo dạy nghề. Đây là áp lực rất nặng cho các cha.”

Bà Tuyết Ánh cho biết, trong chuyến đi về Việt Nam vợ chồng bà và vài thành viên trong ban điều hành của Hội Bảo Trợ Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn Việt Nam tại Hoa Kỳ đã đi theo các cha Nhà Dòng Vinh Sơn tìm đến những vùng sâu vùng xa ở Việt Nam, những nơi mà xe không đến được, không có điện. Các cha luôn dấn thân tìm đến các nơi chưa có đoàn từ thiện nào đến, vì những nơi này người dân khổ vô cùng. Nhiều nhà dân chỉ có 4 cây cột và mái che trên đầu thôi, vách không có. Các cha mua những tấm bạt cho họ quây vào cho đỡ lạnh những lúc mưa gió, trời rét.
 

Chuyên chở những thùng đựng nước sạch đến nhà người dân. (Hình cung cấp)

Bà Tuyết Ánh kể, “Chúng tôi đi theo các cha đến Bình Phước để thăm người dân tộc thiểu số. Đường đi rất xấu, nhiều lần cảm giác đầu mình đụng trần xe. Người dân ở đây nghèo lắm. Trong bếp của họ chỉ có hũ muối thôi, chứ không có gạo. Vách nhà không có. Hôm đó chúng tôi đi theo một nhóm đến phát gạo cho họ. Hẹn là 9 giờ đến, nhưng do đường đi khó khăn, đến 12 giờ trưa xe mới tới. Đến nơi thấy họ ngồi đợi mấy tiếng đồng hồ. Các cha phải nấu mì cho họ ăn.

“Thường các cha luôn tìm đến những vùng có người dân tộc thiểu số sống. Vì người Kinh dù sao cũng đỡ khổ hơn. Còn người dân tộc thiểu số, dân trí của họ thấp, nên họ khổ lắm. Tôi có đi cùng các cha đến thăm trại cùi ở Kontum. Tôi may mắn gặp được cha Augustinô Nguyễn Viết Chung, CM. Cha vốn là một bác sĩ và là một người sinh ra trong gia đình Phật giáo, nhưng cha chịu ơn gọi và trở thành linh mục công giáo thuộc Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn. Cha là một linh mục của người nghèo, bệnh nhân sida, và bệnh nhân phong cùi, phục vụ tại giáo Xứ Đăk Tân, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Cha hy sinh cuộc đời để chăm lo cho người cùi, dù bản thân Cha khi ấy bệnh trong người, nhưng cũng không về nghỉ ngơi.”

Cha Augustinô Nguyễn Viết Chung đã được Chúa gọi về chiều ngày 10 tháng 5, 2017 tại Nhà Sài Gòn (Tu hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn- Phụ Tỉnh Việt Nam), hưởng thọ 62 tuổi.
 

Những thùng đựng nước do Hội Bảo Trợ Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn Việt Nam tại Hoa Kỳ gửi tiền về Nhà Dòng Vinh Sơn tại Việt Nam giúp người dân có nước sạch để uống (Hình cung cấp)

Bà Phan Ánh Tuyết là Hội trưởng của Hội Bảo Trợ Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn Việt Nam tại Hoa Kỳ giới thiệu, “Hội ở bên này là cánh tay nối dài, phụ giúp các cha giúp cho người nghèo, giảng đạo cho người nghèo, để người ta biết Thiên Chúa luôn thương yêu mọi người. Những người nghèo tại Việt Nam không cần phải có đạo Chúa mới được giúp. Dòng Vinh Sơn giúp tất cả mọi người Lương, Giáo như nhau hết. Hội gửi tiền về, nếu đủ vốn thì các cha sẽ mở xưởng may, xưởng mộc, vừa dạy cho người dân học nghề, vừa tạo cho họ có công ăn việc làm để mưu sinh.

“Những nơi các anh chị em hội viên và mạnh thường quân của Hội giúp tiền, cha Trần Nam Sách đến kiểm soát, xem thành quả ra sao, rồi gửi hình ảnh sang bên này. Chúng tôi chỉ mới thấy hình ảnh thôi, chứ chưa về tận nơi. Đợi đến đầu năm thì về tận nơi thăm. Có những mạnh thường quân trong nước giàu có, họ tặng cho các cha đất để trồng trọt, trồng rau, trồng ớt chuông để bán.

“Có những nhà buôn bán ở trong nước tặng sữa, tặng thịt để nuôi các tu sĩ đang học đạo để trở thành linh mục trong tương lai. Ở vùng Yên Bái, người dân tộc thiểu số hái trà, thường bị người Kinh ép giá, không bán được giá cao. Các cha đề nghị Hội có thể giúp các cha mua máy sấy trà để chế biến trà đã sấy thì giá cao hơn, vừa giúp cho người dân tộc có công ăn việc làm. Sau khi có thành phẩm xong thì bán thẳng cho người mua trà không qua trung gian, giúp người dân tộc không bị ép giá nữa. Hoặc Hội giúp các cha mua bình chứa nước lọc cho người dân có nước sạch để uống. Giúp tiền để các cha cho gây giống dê để người dân tộc thiểu số nuôi dê, cải thiện đời sống.”

Bà Ánh Tuyết nói, “Lần đầu tiên tôi về thăm những nơi giúp người nghèo của Nhà Dòng Vinh Sơn tại Việt Nam vào năm 2015, gây cảm xúc vô cùng. Từ Đà Lạt, đi Cao Bằng, Yên Bái... các cha đưa chúng tôi đến xem tận mắt người ta khổ như thế nào. thì mình mới ý thức được, giúp mình mở rộng lòng hơn nữa.”
Chính những chuyến đi về Việt Nam, nhìn các cha của Dòng Vinh Sơn về những nơi “khỉ ho cò gáy” để hầu hạ phục vụ người dân tộc thiểu số, giúp bà Ánh Tuyết thêm sức lực để tiếp tục đảm nhận vai trò Hội trưởng của Hội Bảo Trợ Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Tinh thần phục vụ tha nhân

Bà Ánh Tuyết tâm sự, “Hồi trước, tôi đi làm công sở rồi về lo cho chồng con. Tôi chỉ đi lễ nhà thờ, không hoạt động trong hội đoàn nào hết. Khi chồng tôi mất, tôi đi làm thêm hai năm, thì đến tuổi về hưu, nghỉ được một năm thì lại có duyên nhận làm Hội trưởng của Hội. Khi Hội mới lập ra năm 2010, ban điều hành khi đó có khoảng bốn người thôi. Tôi vừa là hội trưởng, kiêm thư ký kiêm thủ quỹ luôn. Tôi phải đi lãnh các check của hội viên, quý ân nhân, lưu vào sổ để báo cáo, rồi bỏ tiền vào nhà băng, rồi gửi tiền đi. Bận rộn như đi làm một công việc toàn thời gian, nhưng không có lương, và còn bỏ tiền túi ra nữa. Nhưng tạ ơn Chúa là mình vẫn còn khỏe và làm được việc cho Hội.

“Đến khi mời được vợ chồng chị Tuyết Ánh vào, tạ ơn Chúa có thêm người giúp tôi bớt gánh nặng. Khi làm việc trong Hội, thì mình phải hòa đồng với các anh chị em, phải lắng nghe, kể cả những bất đồng, đều nghe để lấy kinh nghiệm và để anh chị em đều đồng ý với nhau, đó là cách uyển chuyển trong công việc của mình. Cũng có lúc có những người có cá tính, mình cũng phải lắng nghe nhau và cố hòa giải để người ta lại hợp tác với mình.”

Bà Ánh Tuyết cho biết ban đầu khi nhận làm hội trưởng, bà chỉ định nhận làm một năm rồi từ chức, vì thấy áp lực nhiều quá. Tháng 10 năm 2010 bà nhận làm hội trưởng, đến tháng 8 năm 2011 thì đi học khóa hội học Cursillo. Học trong ba ngày từ sáng đến tối. Học tối thứ Năm, chiều Chủ Nhật thì kết thúc. Mỗi năm tổ chức một lần.

Khóa hội học Cursillo để thao luyện học đạo, sùng đạo và hành đạo, giúp người kitô hữu biết yêu Thiên Chúa, yêu tha nhân. Hầu thánh hóa bản thân và Phúc Âm hóa môi trường người Kitô hữu đang sống.
“Tôi thấy rằng nếu mình không đi học lớp này là cả một thiếu sót lớn. Giúp rất tốt cho tâm linh của mình. Nhìn thấy sự hy sinh tận tụy của các anh chị em của khóa học phục vụ cho những người đến học, nghĩ rằng mình nên làm gì để đền ơn. Không đền ơn cho người ta được thì đền ơn cho người khác.
“Trong gia đình hai vợ chồng trước khi học lớp này nhiều khi ông trời với bà trăng. Nhưng khi học khóa này về, gia đình đầm ấm, đạo đức. Vì khi mình học rồi, mình biết nhường nhịn nhau. Cũng nhờ học khóa học này, tôi nguyện tiếp tục dấn thân phục vụ thông qua công việc là hội trưởng của Hội Bảo Trợ Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn Việt Nam tại Hoa Kỳ.”

Tiếp lời, bà Tuyết Ánh chia sẻ, “Điều tôi cảm nhận sau khi học khóa hội học Cursillo là mình sung sướng quá, được Chúa thương và cho mình nhiều quá. Mình thấy được sự khiêm nhường của mọi người trong ban tổ chức khóa học lo cho mình những ngày diễn ra khóa học, trong lòng nghĩ rằng muốn đem tình yêu của Chúa đến những nơi nào mà mình tới. Học xong, giúp mình nhìn rõ những lỗi của mình, cái tôi của mình không còn đặt cao nữa, biết khiêm nhường, nhìn được con người lúc nào cũng yếu đuối, người nào dù có khuyết điểm thì cũng có ưu điểm. Biết nhìn ra ưu điểm của người ta.

“Trước khi học khóa này thì không nhìn ra. Khóa học này rất tốt, mong những ai là người Công giáo, có thể tham dự được khóa học này thì rất tốt. Làm thay đổi đời sống, suy nghĩ của mình rất nhiều, nhất là đối với những người xung quanh của mình trong cách cư xử. Còn khi tôi vào Hội, tôi về Việt Nam, nhìn thấy sự hy sinh của các cha, tôi cảm thấy hãnh diện là một thành viên giúp cho Hội Bảo Trợ Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn Việt Nam tại Hoa Kỳ. Cộng tác với các cha, trợ giúp những việc các cha đang làm. Chỉ mong Chúa cho mình sức khỏe ngày nào thì cố gắng dấn thân làm việc để giúp cho Nhà Dòng.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT