Người Việt Khắp Nơi

Triển lãm cây kiểng, bonsai và hòn non bộ

Tuesday, 05/07/2022 - 10:23:02

Hội Cây Kiểng Bonsai giai đoạn đầu chỉ có mười mấy hai chục hội viên, nay đã lên đến hơn 100 hội viên, có nhiều vị đã cao tuổi.


Dr. Phạm Chí Nhân bên tác phẩm Bonsai tuyệt đẹp. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 

Bài THANH PHONG

 

GARDEN GROVE - Hội Cây Kiểng, Bonsai và Non Bộ vừa tổ chức cuộc triển lãm tại Chùa Việt Nam Quan Thế Âm trên đường Magnolia St, thành phố Garden Grove vào hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật (2 -3/7/2022), đây là lần triển lãm thứ 22 của Hội thu hút nhiều người đến thưởng lãm.

 

Chơi cây cảnh Bonsai và Hòn Non Bộ là thú tiêu khiển tao nhã, vừa thể hiện lòng yêu thiên nhiên, vừa rèn luyện tính cẩn thận và kiên nhẫn. Vì nếu không có hai đức tính này, không thể thực hiện được một cây Bonsai cũng như một hòn non bộ mà ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ, thích thú. Theo nhà sư Tinh Cần, thú chơi Bonsai được người Nhật ưa chuộng nhiều nhất. Riêng người Việt Nam hiện nay cả trong quốc nội cũng như hải ngoại có khá nhiều người chơi Bonsai, nhất là tại Việt Nam, nhiều chậu Bonsai trị giá hàng tỷ đồng VN.

 

Tại Nam California cách nay một phần tư thế kỷ, một số đồng hương mê Bonsai đã tụ họp nhau , sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm và lập nên Hội Cây Kiểng Bonsai, Non Bộ; hàng tháng Hội đều tổ chức họp mặt các thành viên để trao đổi nghiệm, và hàng năm đều tổ chức triển lãm tại chùa Việt Nam và tại Westminster Mall chung với Hội Hoa Lan Việt Nam.

 


Ba nghệ nhân, từ trái ông Nguyên Duy, ông Bình và Dr. Phạm Chí Nhân. (Thanh Phong/Viễn Đông)

  

Như chúng tôi vừa nói, nghệ thuật chơi Bonsai đòi hỏi sự nhẫn nại, chịu đựng khó nhọc, vất vả vì muốn kiếm được “đồ chơi” tức là những gốc, rễ cây cổ thụ có thể tạo nên một chậu Bolsai, người chơi phải lên rừng, trèo núi, đa số tại núi Mojave Desert cách xa Little Saigon gần trăm dặm, thời tiết lại khắc nghiệt. Tuy nhiên dù vất vả, mồ hôi nhễ nhại nhưng khi tìm được vật mình muốn tìm thì bao nhiêu vất vả, cực khổ biến mất. Điểm đặc biệt của Bonsai là những gốc cây khá to nhưng chỉ cần một chậu rất nhỏ mà chúng vẫn sống và sống lâu năm. 

 

Anh Bình, cựu Hội Trưởng chia sẻ điều này với người viết. Sau khi tìm được một gốc, rễ ưng ý đem về nhà còn phải làm nhiều giai đoạn khác mới hoàn thành được phân nửa, phân nửa sau là trồng cây, chờ cây sống, phát triển rồi mới cắt, tỉa, uốn nắn, tạo hình cho cây Bonsai có khi mất năm, mười năm; thế nên nếu không kiên nhẫn thì không thể làm nổi.

 

Bác Phạm Chí Nhân, một lão niên và cũng là một bác sĩ Đông Y. Ông có năng khiếu về nghệ thuật nên khi còn ở các đảo bên Mã Lai, Singapore chờ đi định cư, ông đã lặn lội vào những khu rừng tìm những gốc, rễ cây có hình dáng đặc biệt mang về cắt gọt, tạo dáng để trở thành những tác phẩm nghệ thuật, cách nay vài chục năm ông đã triển lãm các tác phẩm này, và sau đó chuyển qua chơi Bonsai.

 


Một chậu Bonsai xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật của ông Phạm Thông cựu Hội Trưởng. (Thanh Phong/ Viễn Đông) 

 

Trong cuộc triển lãm lần thứ 22, Dr. Phạm Chí Nhân có hai chậu Bonsai rất đẹp. Cả hai đều là gốc cây hay rễ cây chết từ bao giờ, vỏ cây không còn, thân gỗ nhiều chỗ đã gần mục nát nhưng giữa gốc, rễ cây tưởng không còn sự sống ấy lại vươn lên những nhánh cây California Juniper xanh rì.

 

Hiện nay có nhiều chậu Hoa Giấy Bonsai nhiều màu sắc và nhiều chậu ra trĩu trái nhìn thật bắt mắt. Bác Phạm Chí Nhân và anh Bình đã chia sẻ với chúng tôi nhiều chi tiết thú vị khi làm một chậu Bonsai. Anh Bình cho biết, trong lần triển lãm này, các anh có hướng dẫn cách làm “demo”, cách cắt tỉa, uốn nắn để tạo dáng sao cho trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

 


Một trong rất ít Hòn Non Bộ trong cuộc triển lãm, tác phẩm của nghệ nhân Hoa Lương. (Thanh Phong/ Viễn Đông) 

 

Anh Đan, Hội Trưởng Hội Cây Kiểng Bonsai cho biết, giai đoạn đầu Hội chỉ có mười mấy hai chục hội viên, nay đã lên đến hơn 100 hội viên, có nhiều vị đã cao tuổi như Dr. Phạm Chí Nhân, ông Nguyên Duy, một đảng viên cách mạng, ngoài sinh hoạt Đảng, ông đã gắn bó với Hội từ nhiều năm qua, chứng tỏ càng ngày càng có nhiều người ham thích thú chơi tao nhã này, và đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật không thua kém Nhật Bản. 

 

Riêng bộ môn Hòn Non Bộ thì ít người chơi hơn vì chỉ nguyên việc di chuyển cũng đã khó khăn. Anh Hội Trưởng cũng cho hay, trong các cây Bonsai thì cây California Juniper và cây bông giấy là loại cây dễ sống nhất. Ngoài ra còn có các cây như Chinese Elm, Trident Maple hay Olive; nói chung cây nào cũng có thể tạo thành cây Bonsai nếu biết cách thực hiện và chăm sóc.

 


Hoa giấy cũng trở thành một tác phẩm tuyệt đẹp. (Thanh Phong/ Viễn Đông) 

 

Anh Hội Trưởng cũng cho biết, Phó Thị Trưởng Garden Grove, Diedre Thu Hà Nguyễn đã đến thăm phòng triển lãm và trao tặng Hội Bằng Tưởng Lục của Hội Đồng Thành Phố Garden Grove. Anh Bình, cựu Hội Trưởng cho hay, hai ngày triển lãm có khá nhiều đồng hương đến xem. Mong rằng càng ngày Hội càng có thêm nhiều nghệ nhân, giúp kinh nghiệm cho nhau và cùng sinh hoạt vui vẻ, yêu đời nhất là với các vị lão niên.

 

Cần tìm hiểu về Bonsai, Non Bộ quý độc giả có thể vào trang Web: www.hoicaykiengvietnamusa.com hoặc liên lạc với anh Đan, Hội Trưởng qua số điện thoại (949) 331-4050.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT