Chuyện Nước Pháp

Hội Chợ Quốc Tế ở miền Đông nước Pháp

Wednesday, 28/06/2017 - 07:40:51

San Francisco đại diện cho nước Mỹ được làm khách mời danh dự. Báo ghi hàng chữ nhỏ bên cột mặt hình chụp “San Francisco invité de la foire de Nancy 2017”

Bài NGỌC DIỄM

Vào ngày thứ Tư hàng tuần trước đây, trẻ em mẫu giáo và tiểu học được nghỉ ngơi không phải đến trường. Cha mẹ đi làm phải giao con cho cô hay bà “Ô-Sin”, tức là người giúp việc trong nhà trông nom cả ngày. Rồi các chính phủ sau thay đổi hủy bỏ ngày thứ Tư vẫn được quen gọi là ngày Trẻ Em mặc cho dân chúng phản đối vì đã vào lề lối cả chục năm rồi. Đối với khi có mở Chợ Phiên Quốc Tế nơi tôi cư trú thuộc vùng đất Lorraine trù phú về Nông Nghiệp & Thực Phẩm thì thứ Tư là ngày vào cửa miễn phí cho phụ nữ. Các ông phải móc túi mua vé nhưng cũng chẳng nói gì, trong khi các bà các cô vào cửa tự do sau khi cũng lấy vé ghi miễn phí.
Tất cả đã thành lệ, và tôi cứ chờ ngày đó là tót vào xem dù đến trễ mấy hôm, khi đó mới thấy sự “ưu ái” rẻ tiền (5 đồng Tây tại chỗ, 4 mua trên mạng) của ban tổ chức dành cho mỗi nữ nhân vào xem nhưng là “khối tiền” cho số đông không thu phí. Quả thật tôi thấy hôm ấy đa số là phụ nữ vào cửa. Có thể xem đây là truyền thống ga-lăng tốt đẹp của Pháp nên được bắt chước bởi các nước khác trên thế giới. Sau khi khóa sổ, tổng cộng có 115,881 khách vào xem lần thứ 83 tại đây trong vòng 11 ngày vui náo động. Xe hơi sắp hàng vào xem nườm nượp một dãy dài, 1 đồng 1 chiếc vào đậu ở bãi mênh mông trước cửa chính.

Hội Chợ nổi bật với quảng cáo năm nay thành phố San Francisco thuộc Tiểu Bang California đại diện cho nước Mỹ được làm khách mời danh dự. Báo ghi hàng chữ nhỏ bên cột mặt hình chụp “San Francisco invité de la foire de Nancy 2017”. Người Pháp rất tò mò và chú ý nhiều đến hai địa danh có tiếng trên thế giới này. Vì thế nó được chọn về hình thức quảng cáo, còn nội dung không thay đổi gì nhiều nhưng Hội Chợ mang đến nhiều nguồn lợi cho khách địa phương và quốc tế ghi danh. Pháp có tiếng là một quốc gia phong phú về sinh hoạt Triển Lãm và tổ chức Hội Chợ. Hàng năm, theo báo cáo của Bộ Nội Vụ thuộc Kinh Tế thì doanh số áp-phe riêng về 2 sinh hoạt khổng lồ này là 30 tỷ đồng Âu Kim!



Nhật báo lớn nhất tỉnh nhà tổ chức đi thăm viếng trực tiếp phố xá SF qua truyền thanh, truyền hình.

Năm nay Chợ Phiên quốc tế bắt đầu ngày cuối tuần thứ Sáu 2 tháng 6 và chấm dứt thứ Hai tuần sau 12. Tổng cộng có 520 gian hàng thương mại khác nhau trong đó có một nửa đến từ vùng đất rộng tại chỗ. Đây là 1 trong 30 phiên chợ quốc tế tổ chức hàng năm tại Pháp được công nhận về luật pháp vì cách tổ chức điều hành phức tạp và rộng lớn với hàng trăm ngàn người vào xem.

Đất Lorraine từ lâu nổi danh về văn hoá truyền thống và lịch sử với diện tích hơn 20 ngàn cây số vuông và 2 triệu dân cư trú trong 4 thành phố lớn đại diện cho 4 vùng chiến thuật 54, 55, 57 và 88. Có 82 hãng doanh thương địa phương trong gian phòng cao và rộng khoảng hơn 2 ngàn mét vuông chưng bày mang tên Ngành Nghề và Thủ Công Nghệ. Nơi tổ chức Hội Chợ bao gồm 8 cao ốc chính và nhiều cái phụ với diện tích tổng cộng 24 ngàn mét vuông. Chúng mang tên A, B,C, D, E, F, G và H. Trung bình, mỗi nơi rộng 3 ngàn thước vuông.
Một vài nét mới lạ đáng kể - ngoài gian phòng triển lãm San Francisco, Cali dựa trên biến cố lịch sử quan trọng – là sự hiện diện của các loại vật thể bay gián điệp drones và đại học Lorraine đưa ra phòng thí nghiệm phố thông minh cùng với các hãng xưởng thương mại nảy sinh từ đó.

Vừa vào cửa bên hông phụ là tôi thấy ngay gian phòng dành cho triển lãm San Francisco nói trên, dinh D. Bên trong, nhiều chỗ tối đen để ánh sáng đèn tập trung vào các vật thể chưng bày nổi bật. Chủ đề xoay quanh nguồn gốc của thành phố lừng danh thế giới đến từ sự đô hộ dân Da Đỏ, tiểu bang California có liên hệ Tây Ban Nha và Mễ Tây Cơ, cuộc viễn chinh của người Anh, chuyến du hành Perouse, nền móng của Yerba Buena sau này là SF. Từ từ, theo thứ tự mũi tên chỉ chiều đi thăm gian phòng tôi thấy và đọc những tấm bảng nhỏ xíu giải thích nguồn gốc vật triển lãm.


Bản đồ thành phố SF hình thành sơ sài từ thế kỷ thứ 19, năm 1856.

Khách viếng nhìn thấy trước tiên lá cờ của tiểu bang -TB- Cali năm 1920 ở Nappa Valley, Calistoga. Hiện nay, quốc kỳ của TB này vẫn là thế nhưng ít thấy tại chỗ hơn là lá cờ với 50 ngôi sao thông thường hơn. Vĩ đại và sầm uất, Cali phong phanh mang tiếng đồn muốn ra khỏi Mỹ thành quốc gia độc lập.


Cờ California năm 1920

Quanh lá cờ, những vật chưng bày như thuyền gỗ, vũ khí thô sơ và hình ảnh người nhắc đến nguồn gốc nơi sinh sống của dân Da Đỏ gồm 9 bộ lạc khác là Yuman, Chumash, Maidu, Miwoks, Modocs, Mojaves, Salina, Ohlones và Tongvas. Sau đó, là dụng cụ đãi cát lấy vàng, thời buổi khét tiếng giàu sụ của vùng đất này thu hút dân nghèo đến khai thác để thành triệu phú. Hình chụp ống hút thuốc phiện của người Trung Hoa và Nhật đã có mặt nơi đây trước cả người Đại Hàn và sau 1975 là dân Việt Nam lưu vong nhưng thành công vượt bậc.
Vòng quanh gian phòng, tôi chụp được tấm ảnh các viên tướng Mỹ trong quân phục nhìn qua rất giống thời vua Pháp Nã Phá Luân. Trong ảnh chụp vị đứng giữa râu quai nón rậm rì tên là Ulysses Simpson Grant, vị giống vua Pháp bên trái và phải ảnh là Windfield Scott và Zacary Taylor.


Ba nhân vật lịch sử Hoa Kỳ Grant, Scott và Taylor trong trận chiến với quân Mễ Tây Cơ

Ngược dòng lịch sử, ông đại úy Grant sau này là Tổng Thống thứ 18 của Hoa Kỳ phục vụ dưới lệnh của hai vị tướng kia trong thời nước Mỹ chinh phục phần đất thuộc nước Mễ đã được vinh danh can đảm chiến đấu 2 lần. Đi xa hơn vài mét, tôi lạc vào… nhà tù Alcatraz khủng khiếp của thế kỷ 20. Nó nằm trên hòn đảo chơ vơ giữa biển thuộc vịnh SF và nghe đồn rằng chưa có tù nhân nào vượt ngục nổi, nếu có ra đến vùng nước bao quanh họ đã bị cá mập tấn công.


Ảnh chụp nhà tù khét tiếng tàn bạo không ai đào tẩu thoát khỏi nó được.

Đến nay, đảo Alcatraz lại trở thành địa điểm du lịch thu hút cả ngàn người khách tò mò đến thăm viếng nhà tù đã thành công trong việc giam giữ những tên tội phạm có thành tích cứng đầu cứng cổ nhất mà các nơi khác đã chịu thua. Hội chợ đã dựng lại căn phòng nhỏ xíu để khách viếng vào ngồi bên trong nhìn ra song sắt hầu cảm nhận vài giây phù du thế nào là ở tù. Dân trẻ tuổi thay nhau chui vào ngồi chụp ảnh kỷ niệm! Ngoài ra lịch sử chiếc cầu Golden Gate cũng được nhắc tới. Trong vòng 1500 mét vuông, thế là bao nhiêu sử liệu phong phú của tiểu bang Cali hơn 40 triệu dân riêng về San Francisco đã hiện ra trước mắt dân Tây.
Riêng về xứ Việt Nam lần này, các gian hàng chỉ bán toàn trái cây ướp khô làm mứt nhiều loại như xoài, dừa, thơm. Màu sắc rất đẹp và ăn rất ngon, nhưng tôi mua rồi cứ lo ngay ngáy bị đau bụng bởi thuốc trừ sâu và chất bảo quản độc hại. Có thể đồ tranh khảm xà-cừ và quần áo không bán chạy nên họ dẹp hết.


Quầy hàng Việt Nam bán mứt trái cây khô, rất đắt đỏ 49 đồng 1 ký.

Tạt ra vòng ngoài dinh D của SF, tôi được xem cảnh cao bồi Mỹ hay dân da đỏ đua ngựa. Hàng ngày họ đều biểu diễn vào giờ cố định như các tiết mục khác của doanh thương địa phương. Các sô ca múa nhạc cũng có về đêm phải kiên nhẫn ở lại cho đến 10 giờ tối.


Cao bồi Mỹ biểu diễn từng đôi cỡi ngựa phi vòng vòng cho khán giả xem.

Còn quá nhiều hình ảnh và chuyện khác ghi lại không thể kể hết trong phạm vi bài viết. Tôi xin mời độc giả quý mến Viễn Đông xem mấy bức ảnh chụp phạm pháp nghệ thuật vẽ tranh vì bị cấm nhưng bà giữ gian hàng cũng bỏ qua cho tôi. Cuối cùng là bức ảnh kỷ niệm khi người viết bài đứng kế bên chiếc xe ngựa thời còn dân Da Đỏ đang bị chinh phục bởi người Mỹ da trắng để lập nên tiểu bang California sau này.


Tranh vẽ trưng bày của nhà Pierron, Paris


Bức tranh thứ 2 vẽ phố xá thời nay.



Mở đầu buổi thăm viếng hữu ích ở Hội Chợ Quốc Tế năm 2017.

Trên thực tế, tôi nhiều lần đi ngang các hàng quán ăn uống bên ngoài 8 cao ốc ABCDEFGH để qua lại coi và đều bị thu hút bởi hương thơm lừng lẫy của nhà bếp Pháp chính tông! Từ bánh mì vàng rụm bắt mắt cho tới đồ nướng giữa hè nóng bức, những chỗ có kem ngọt mát lạnh gọi mời vào rồi tới quán ăn ngoại quốc như Sicile qua chẳng hạn, ôi thôi tha hồ cho du khách thưởng thức và khám phá món ăn lạ! (nd)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT