Chuyện Nước Pháp

Hội chợ quốc tế về nghệ thuật xâm mình ở Paris (hết)

Wednesday, 25/05/2016 - 09:57:57

Lương tháng xoay quanh từ 1000 cho đến 2000 đồng Âu kim trong tiệm riêng, nhiều khi chỉ là bán thời gian; họ cũng thực hành luôn nghề xỏ qua da đặt đồ trang hoàng (percage) tại tiệm kim hoàn.

Nguyễn Thị Ngọc Diễm


Hình chụp 3 nam nữ nghệ sĩ gốc Việt nổi danh hành nghề xâm mình ở Châu Âu

Trong bài viết trước tôi có nhắc đến cô Kim Anh Nguyễn ở Hòa Lan, kỳ này là anh chàng Christian Nguyễn ở Suisse (Thụy Sĩ) và cô Wendy Phạm ở Đức quốc. Kể ra thật hiếm hoi, chỉ có 3 người Việt ở ngoại quốc (trong khi ở nước chính thức lại không có ai tham gia hành nghề, chúng ta biết rằng họ cũng phải di chuyển khắp nơi để có thêm thu nhập và là niềm vui khi đi du lịch cùng lúc) trong số hàng trăm nghệ sĩ đến từ Pháp (nhiều nhất), Bỉ, Đức, Ý, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh, Hoa Kỳ, Canada, Ukraine, Nam Hàn, Nhật (cũng khá nhiều sau Pháp), Đài Loan, Trung Hoa, Thái Lan... Tiếc thật, khi hội chợ chỉ kéo dài trong vòng 3 ngày là 4,5 và 6 tháng Ba năm nay. Không ai biết những nghệ sĩ xâm mình này đã tốt nghiệp ở trường nào, chỉ biết họ có cùng một niềm say mê tột bực trong công việc trang hoàng cơ thể với những hình xâm độc đáo làm chủ và khách cùng hãnh diện vô ngần. Tại Pháp cũng vậy, những thanh niên nam nữ sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông nếu muốn theo nghề này thì tự học hay học nghề với thầy xâm mình đi trước từ lâu qua những ngày tháng huấn luyện với họ. Các tay thầy này cũng theo đúng trình tự nghĩa là tự học hay học với tổ sư trong nghề. Lương tháng xoay quanh từ 1000 cho đến 2000 đồng Âu kim trong tiệm riêng, nhiều khi chỉ là bán thời gian; họ cũng thực hành luôn nghề xỏ qua da đặt đồ trang hoàng (percage) tại tiệm kim hoàn.

Chiếc máy điện (dermographe) dùng kim nối liền với hệ thống bơm mực vào da được nghệ sĩ dùng với đôi bao tay vì sợ lây nhiễm trùng khi máu có thể chảy ra từ các vết chích tuy nhỏ li ti. Đôi khi họ phải mang chiếc mặt nạ bảo vệ và kính đeo mắt luôn thể. Một tay họ cầm máy và tay kia cầm chiếc giẻ nhỏ lau mực dư ra hòa lẫn với máu hay dịch nhầy tiết ra từ da. Những màn châm mực để thực hiện bức họa nghệ thuật theo khách hàng mong muốn kéo dài khá lâu nhưng không bao giờ được vượt quá 4 tiếng đồng hồ. Sự đau đớn gây ra do vết châm là có thực và gây khó chịu ít nhiều. Trẻ em và phụ nữ mang thai, những người có tinh thần yếu đuối sợ kim chích đau không được phép làm chuyện này. Những hình xâm có thể bị xóa đi nhưng “bệnh nhân” phải đến phòng bác sĩ chuyên khoa về da để tẩy mực đi hết. Tại Hoa Kỳ, dân số ưa thích xâm mình khá cao; thường xuyên là các tay anh chị bự chịu chơi. Tại Pháp thì ít người theo hơn nhưng ngày nay dân thể thao nhà nghề như đá banh (túc cầu), quần vợt, võ sĩ, chạy bộ, nhẩy sào, ném tạ hoặc ca sĩ, nhạc sĩ, ông bà bầu gánh v.v... đều xâm mình tỏ vẻ theo sát thời trang quốc tế. Nghệ thuật xâm mình đã bớt đi tiếng xấu từ lâu. Trong suốt 3 hôm hội chợ, ban tổ chức (BTC) đã trao 25 cúp giải thưởng cho những hình vẽ xâm mình đẹp nhất nơi đây. Những chiếc cúp này (trophée) do nhà kim hoàng danh tiếng Paris thực hiện riêng cho các nghệ nhân xâm hình tên là Simone El Rana (sản phẩm làm bằng bạc nguyên chất 925 sterling). 24 nghệ sĩ nhận giải về màu sắc đặc biệt (tiểu xảo xám và đen, đại xảo đen và xám - tiểu xảo và đại xảo nhiều màu), về bức xâm tuyệt đẹp của ba ngày thứ sáu, thứ bảy và chúa nhật, về xâm lưng hay toàn thể. Riêng 1 nghệ sĩ được nhận cúp đặc biệt trình sô do ban giám khảo quyết định. Trong phần phụ diễn văn nghệ kèm theo sinh hoạt chính trong những gian phòng nhỏ đang có khách hàng nằm đó cho nghệ sĩ xâm mình tại chỗ (để tranh giải hay không) là những ban nhạc trẻ chuyên nghiệp đa số mang tên Anh Mỹ (Sticky boys, Uncle David...) và hình ảnh một cây đàn ghi ta điện do chính sư tổ Tin-Tin vẽ lên sườn một bức xâm hình rồng rắn ngoạn mục. Một trong những nhà mạnh thường quân ủng hộ cho đại hội là hiệu bán xe Nhật tại Pháp tên Nissan. Truyền thống xâm mình xa xưa của dân xứ Phù Tang rất đáng nể, cuốn phim cùng đề tài thực hiện năm 1966 của đạo diễn Yasuzo Masumura chiếu ở Pháp năm 2004 đã làm người xem ngẩn ngơ về nghệ thuật lạ lùng này. BTC bán thêm các bích chương giá 10 đồng 1 tấm, nhiều chiếc tách và nhiều áo thân trên in hình xâm tiêu biểu giá từ 15 cho tới 30 đồng. Giá vào cửa là 20.

Trong vòng 3 ngày, thủ đô Paris đã tiếp đón 360 tay tổ xâm mình đến từ 35 quốc gia làm việc tại chỗ trên những cánh tay, trên các bờ vai, trên chiếc lưng trần của người yêu chuộng hình xâm trong gian hành nhỏ xíu dành cho họ. Tin-Tin sinh năm 1965 ở Paris là sư tổ đầu tiên của Pháp hành nghề sau khi rời khỏi quân đội. Ông nói rằng ngày nay xâm mình xứng đáng được xem là nghệ thuật thứ 10 - sau nghệ thuật thứ 1 là kiến trúc, thứ 2 là nắn tượng, thứ 3 là tranh vẽ (arts visuels), thứ 4 là âm nhạc, thứ 5 là văn chương, thứ 6 là kịch, múa, xiệc; thứ 7 là xi nê ma, thứ 8 là truyền thông ra-dô, truyền hình và chụp ảnh, thứ 9 là chuyện kể qua tranh vẽ. Như tôi đã nhận xét với bạn đọc ở phần trên bài viết, khuynh hướng xâm mình thiên về 2 màu đen đỏ với trường phái “Trash Polka” do 2 nghệ sĩ Đức Simone Pfaff và Volko Merschky sáng tạo ra (hình vẽ thực tế và tranh ảo tưởng pha lẫn vào nhau). Nên biết giá cả khá đắt đỏ: từ 50 cho đến 100 euro một giờ làm việc của tay nhà nghề xâm mình, nếu nghệ sĩ có tiếng thì là cả ngàn đồng không kể giờ giấc và số ngày ấn định.
Ntnd

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT