Người Việt Khắp Nơi

Hội Cựu Học Sinh Bưởi – CVA tổ chức hội thảo 40 Năm Ly Hương

Thursday, 30/04/2015 - 08:13:36

Phần chào cờ khai mạc và trong phút mặc niệm có tiếng sáo của nghệ sĩ Ngọc Nôi trong bài Chiêu Hồn Tử Sĩ ai oán, xúc động. Sau đó, một đại diện Thiếu Sinh Quân lên phát biểu, nói lên sự liên quan giữa trường TSQ và trường Bưởi CVA.

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Vào lúc 6 giờ chiều đến 10 giờ tối thứ Tư. ngày 29 tháng Tư, 2015 tại hội trường TP Westminster, 8200 Westminster Blvd, Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Bưởi – Chu Văn An Nam California đã tổ chức buổi hội thảo mang chủ đề “40 Năm Ly Hương – 40 Năm Nhìn Lại Và Hướng Về Tương Lai.”
Một số chị em cựu nữ sinh các trường Trưng Vương – Gia Long – Lê Văn Duyệt, Hội Bà Triệu, và các anh Hội Thiếu Sinh Quân, Hội Cựu SVSQ Trường Võ Khoa Thủ Đức cũng đến hỗ trợ cho ban tổ chức trong nghi thức chào cờ và mặc niệm. Ngoài ra, còn có khoảng 200 đồng hương và các cơ quan truyền thông có mặt tham dự.

GS Trần Huy Bích đang thuyết trình. Hàng ngồi từ trái: GS Lưu Trung Khảo, GS Nguyễn Xuân Vinh và NV Bùi Phát. (Thanh Phong/Viễn Đông)



Phần chào cờ khai mạc và trong phút mặc niệm có tiếng sáo của nghệ sĩ Ngọc Nôi trong bài Chiêu Hồn Tử Sĩ ai oán, xúc động. Sau đó, một đại diện Thiếu Sinh Quân lên phát biểu, nói lên sự liên quan giữa trường TSQ và trường Bưởi CVA.
Hai MC: bác sĩ Vũ Quốc Phong và ông Phạm Gia Đại lần lượt mời các cựu Hội Trưởng Bưởi-CVA: Nguyễn Đức Khoát (Trưởng Ban), Nguyễn Mạnh Hiền và Trần Quang Đôn (Thư Ký) lên bàn Điều Hợp. Sau đó mời các diễn giả: các Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, Lưu Trung Khảo, Trần Huy Bích và nghị viên Phát Bùi lên bàn dành cho diễn giả.
Trưởng Ban Tổ Chức buổi Hội Thảo, ông Nguyễn Địch Hà ngỏ lời chào quý quan khách, diễn giả và khán giả và nêu mục đích, ý nghĩa của buổi hội thảo. Sau đó, ông Nguyễn Đức Khoát Trưởng Ban Điều Hợp mời các diễn giả bắt đầu phần thuyết trình, trước tiên là phần thuyết trình của Giáo sư Lưu Trung Khảo và Trần Huy Bích với đề tài “Tình Trạng Trong Nước.”
Kế tiếp, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh thuyết trình đề tài “Tình Trạng Hải Ngoại” và sau cùng, Nghị Viên Phát Bùi thuyết trình đề tài “Vai Trò và Trách Nhiệm Của Giới Trẻ Đối Với Tương Lai VN.”
Mỗi diễn giả trước khi thuyết trình đều được hai MC thay nhau nêu phần tóm tắt tiểu sử. Cả ba bài thuyết trình đều được soạn thảo công phu. Tuy nhiên, vì khuôn khổ bài báo, chúng tôi chỉ đề cập đến bài thuyết trình của hai giáo sư Lưu Trung Khảo và Trần Huy Bích đồng soạn và do GS Trần Huy Bích trình bày có kèm theo hình ảnh dẫn chứng.
Giáo sư Trần Huy Bích cho biết, hiện nay nhờ có phương tiện truyền thông nhanh chóng và hữu hiệu nên tuy cách xa nửa vòng trái đất, chúng ta cũng có thể biết ngay Hà Nội đang có biểu tình ở Long An, ở Bình Thuận, Phan Thiết, ở Long An, Nha Trang… công nhân, nông dân xuống đường biểu tình và bị đàn áp như thế nào, và qua đó, ông chiếu lên hình ảnh những người trong nước, cán bộ, đảng viên, bác sĩ, nghệ sĩ ứu tú của chế độ, nhà văn, một đại tá cộng sản, một số bộ đội v.v. nói gì, nghĩ gì về hiện tình đất nước.
Trước tiên là hình ảnh một số bộ đội Bắc Việt “diễu hành” ngày 15.5.1975, đài Tiếng Nói Tự Do đã phỏng vấn được một số bộ đội có mặt trong ngày đó nay đã là một cao niên, điển hình là ông Phan Trọng Kháng, nguyên là Trinh Sát Đặc Công của Sư Đoàn 2 Trung Đoàn 3 cho biết cảm tưởng: “Khi xưa chúng tôi chiến đấu là mong mỏi cho đất nước được thống nhất, độc lập, tự do, dân chủ. Nhưng khi đất nước đã thống nhất rồi, độc lập vẫn bị chi phối, không có độc lập hoàn toàn, vẫn có một thế lực ngầm bán nước, chịu ảnh hưởng ý thức hệ, quyền tự do con người bị giới hạn, dân chủ thì không thể bảo đảm. Sự hy sinh của chúng tôi và anh em đồng đội cả một thế hệ là một sự hy sinh bị phản bội… Nếu nói có hài lòng với chế độ không thì không ai hài lòng cả! Mỗi năm đến 30 tháng Tư, chúng tôi không vui mừng gì cả. Chính quyền tổ chức diễu hành để khoa trương chiến thắng nhưng thế hệ chúng tôi trong lòng không vui. Khoa trương chiến thắng để làm gì? để gây nỗi buồn cho người khác, để gây chia rẽ trong cộng đồng, cho đồng bào thì tôi thấy điều đó không nên. Chúng tôi thấy sự hy sinh của đồng đội chúng tôi là sự hy sinh bị lừa dối.”
Đại Tá Việt Cộng Phạm Đình Trọng không như nhà văn Dương Thu Hương khi vào đến Saigon thì ngồi xuống vệ đường mà khóc, viên Đại Tá này không khóc nhưng ray rứt mãi, đến năm 2009 ông làm đơn ra khỏi Đảng, và năm nay trước 30 tháng Tư, 2015 năm hôm, ông phổ biến trên internet bài viết của ông dài 3 trang giấy. GS Bích và GS Khảo chỉ nêu câu: “Cuộc chiến tranh mà hệ thống tuyền truyền của nhà nước gọi là cuộc chiến tranh thần thánh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa qua thực ra chỉ là cuộc nội chiến tội lỗi, người Việt bắn giết người Việt. Ngày 30.4.1975 là ngày thua đau cho cả dân tộc VN. Ngày 30.4.1975 qua đi, người dân liền nhận ra một sự thật vô cùng cay đắng. Sự thật lịch sử trớ trêu, “cái hung tàn thắng cái văn minh.”
Người nữ chiến sĩ ưu tú của chế độ CS, nữ du kích Kim Chi (trong hình, sau lưng GS Bích). Năm 1954, đất nước chia đôi, Kim Chi 11 tuổi tập kết ra Bắc vì thân phụ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. 1964, 21 tuổi bà cùng chồng là một đạo diễn xâm nhập miền Nam để làm công việc giải trí cho bộ đội Sinh Bắc Tử Nam” và đánh phá miền Nam.
Năm nay bà được 72 tuổi, bà viết 3 trang giấy trên internet, trong đó có đoạn:
“Mấy năm qua, mỗi lần 30 tháng Tư tôi hoàn toàn mất trạng thái tự hào như những năm trước đây, tôi buồn vì niềm tin trong tôi hoàn toàn đổ vỡ! Khắp nơi dân oan khiếu kiện vì mất đất, mất nhà. Đau xót lắm! Căm hận lắm! Người nông dân mất ruộng, người ta phải tìm vào thành phố, tìm đến các khu công nghiệp bị các chủ nhân bóc lột đến xương tủy. Đã 40 năm giải phóng miền Nam nhưng từ “Giải Phóng Miền Nam thật mỉa mai.
“Miền Nam trước đây được biệt danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông” nhưng khi giải phóng vô, họ mất nhà cửa, tiền bạc, chồng con bị tù đày, mất tất cả và hàng triệu người dân phải trở thành “thuyền nhân”, chết trôi làm mồi cho cá mập. Đối xử tàn bạo với người thua cuộc theo kiểu tiểu nhân như thế, khi nhận ra, tôi vô cùng đau đớn! Với tôi bây giờ, ngày 30 tháng Tư không còn là ngày giải phóng miền Nam.
“Bây giờ mỗi năm đến ngày 30 tháng 4 tâm trạng tôi vô cùng đau đớn. vì niềm tin vào Đảng Cộng Sản và các nhà lãnh đạo CSVN hoàn toàn đổ vỡ, tôi đau buồn không thể diễn tả bằng lời!. Các vị quan chức cao cấp hãy tin đi, khi toàn dân nổi dậy thì các vị sẽ mất tất cả, Nhất định nhân dân sẽ chiến thắng.
“Tôi mơ ước ngày gần đây, nước VN sẽ đổi mới theo cùng thời đại trên trái đất này, có một thể chế mới thực sự hợp với lòng dân, đạp đổ chế độ chuyên chế, độc đảng cộng sản; khi đó tôi lại được hân hoan đoàn tụ với bà con hải ngoại về cùng vui chung với dân tộc, xây dựng lại một nước Việt Nam giàu mạnh và văn minh.”
Sau đó, giáo sư Trần Huy Bích đặt câu hỏi: Tại sao người dân bất mãn chế độ đến như thế? và ông chứng minh bằng hình ảnh các cuộc xuống đường khắp nơi chống lại bạo quyền cộng sản, có những cuộc biểu tình như ở Bình Thuận, đồng bào dùng bom xăng tự chế, gạch đá tấn cống công an, khiến hàng chục công an, cảnh sát cơ động bị thương, đốt cháy một số xe cảnh sát, và những hình ảnh người dân Bình Thuận hàng ngày phải thở hít khói bụi mù mịt do nhà máy gần đó gây ra.
Một số hình ảnh người dân trong nước, trong đó gia đình ông Nguyễn Trung Cang cầm biểu ngữ với những hàng chữ thách thức chế độ: “Gia Đình tôi thề quyết tử chống bè lũ Việt cộng ăn cướp ngày để cảnh tỉnh 90 triệu đồng bào về đại nạn CSVN.” Hay “Nhân dân chúng tôi quyết tâm chống giặc ngoại xâm và nội thù là bè lũ cộng sản VN,” và những cuộc biểu tình tại Hà Nội chống chặt cây xanh, và mới đây giữa thanh thiên bạch nhật, một số thanh niên ngang nhiên mặc quân phục VNCH ra đường ca hát và hô to: Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm,” và bị công an bắt lôi đi, chứng tỏ người dân bây giờ không còn sợ công an nữa. Chẳng những thế, người dân Việt Nam còn in những hình ảnh thanh bình thời VNCH ngày xưa để trang trí trong nhà và chứng minh với bộ đội, công an miền Bắc, “Người dân miền Nam chúng tôi đâu cần giải phóng.”
GS Trần Huy Bích cũng chiếu lên hình ảnh các sĩ quan Hải Quân Việt Nam Cộng Sản mới đây phải mặc lễ phục chỉnh tề chào đón Hạm Trưởng Hải Quân Hoa Kỳ là Hải Quân Đại Tá Lê Bá Hùng con của Hải Quân Trung Tá VNCH Lê Bá Thông. 30 tháng 4, 1975 cộng sản rêu rao “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.” Bây giờ phải sắp hàng chào kính con của ngụy như một anh hùng.
Linh mục Nguyễn Duy Tân ở trong nước nhận định: “Ngày 30 tháng 4, 1975 là “Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh”, ngài có ý nói: Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày Chúa chịu chết, nhưng rồi sau đó Chúa đã phục Sinh, Ngày kẻ ác chiến thắng kẻ lành, và Ngày 30.4.1975 kẻ ác là bạo quyền CSVN cũng chiến thắng VNCH là kẻ lành nhưng chắc chắn không còn bao lâu, Việt Nam sẽ phục sinh như Chúa đã Phục Sinh.”
Hai vị GS Lưu Trung Khảo và Trần Huy Bích cũng đưa ra một số bài thơ của Vũ Hoàng Chương, của GS Doãn Quốc Sĩ (Bưởi – CVA) ngay từ 1965 đã có những bài thơ tiên đoán về vận mệnh dân tộc Việt Nam, nhưng đoạn cuối bài thơ đều là những câu làm cho chúng ta hy vọng một ngày không xa, Đảng CSVN sẽ bị toàn dân đứng lên đạp đổ, Việt Nam sẽ có một thể chế tư do, dân chủ và quyền con người sẽ được triệt để tôn trọng.
Xen kẽ vào các bài thuyết trình có hai ca sĩ Ngọc Quỳnh và Lâm Dung song ca một số nhạc phẩm về quê hương. Sau khi thuyết trình, các diễn giả cũng trả lời một số câu hỏi của người tham dự, và kết thúc với lời cám ơn của Trưởng Ban Tổ Chức và giới thiệu một số sách mới xuất bản của cựu học sinh Bưởi –CVA như “Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” của BS Ngô Thế Vinh, “Người Tù Cuối Cùng” của Phạm Gia Đại, “Việt Nam, My Country” của Phạm Trần Anh.
Buổi hội thảo kết thúc vào lúc 10 giờ tối cùng ngày.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT