Người Việt Khắp Nơi

Hội kịch đưa về những nẻo nguồn ký ức

Tuesday, 23/08/2011 - 07:57:42

Hội kịch là một hình thức kịch mở, không có đoạn kết, mỗi khán giả tham dự đều có thể bước ra và diễn thay cho người đang tham gia.

Băng Huyền/Viễn Đông


Các thiện nguyện viên trong vai trò diễn viên và tiến sĩ dự bị Nguyễn Hữu Quỳnh Trâm
(áo cam) gửi lời chào khán giả trước khi hội kịch bắt đầu – ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

GARDEN GROVE - Chiều Chủ Nhật, ngày 21-8-2011, tại Thư Viện Việt Nam, thành phố Garden Grove, khoảng vài chục đồng hương Việt Nam đã ngồi bên nhau suốt 3 giờ đồng hồ, để cùng trải nghiệm với nhau trong hội kịch “Nẻo Nguồn Hồi Tưởng”, được thực hiện lần đầu tiên trong cộng đồng Việt Nam.

Hội kịch là một hình thức kịch mở, không có đoạn kết, mỗi khán giả tham dự đều có thể bước ra và diễn thay cho người đang tham gia.

Không có cảnh màn nhung khép lại, không có bục diễn sân khấu, diễn viên cũng như khán giả, cả hai đều không phải là kịch sĩ chuyên nghiệp, nơi diễn sát với khán giả, thật gần gũi trong khoảng không gian nhỏ hẹp.

Câu chuyện là những trăn trở trong đời thường của người Việt ly hương. Chuyện hai vợ chồng già “Gia đình ông bà Nam” đến Mỹ, khi đã quá tuổi, không biết tiếng Anh, chưa có quốc tịch, sức khỏe yếu đuối, đi làm bị người ta chê, không biết lái xe. Giờ hai vợ chồng già biết làm gì khi bill mỗi tháng cứ gửi về? Hai con gái thì bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống mới, lơ là thăm nom ba mẹ. Nỗi cô đơn của người già, cùng những hoài niệm đớn đau của ông trong nhà tù cộng sản trước đây, của bà với biết bao vất vả khi chăm con, nuôi chồng học tập, cùng những di vật của quá khứ và những khó khăn chưa thích nghi được trên xứ người. Như đẩy hai vợ chồng ông bà Nam xuống tận cùng của đớn đau.

Mà đau đớn chính là thứ tàn phá mãi mãi thân thể và trí óc của thân phận người Việt ly hương.

Nhiều khán giả khá nhiệt tình, đã tham gia vào câu chuyện với nhiều vai diễn khác nhau, để giải quyết vấn đề mà mình quan tâm. Người thì chọn vai người con, để xoa dịu bớt nỗi buồn đau của cha mẹ do sự vất vả mưu sinh của mình, mà vô tình thăm nom cha yếu, mẹ già.

Có người thì chọn vai cô hàng xóm đến Mỹ từ nhỏ, không còn kỳ thị với sự quê mùa, hay lời than vãn với những hồi ức cũ của ông bà Nam (như trong kịch), mà còn biết lắng nghe và gửi những lời khuyên hữu ích, cùng những giúp đỡ ông bà trước những khó khăn mà ông bà phải đối diện.

Người thì chọn vai ông bà Nam để hiểu biết hơn những khác biệt nơi xứ người và cảm thông hơn cho con cái…

Cũng có khán giả vào vai ông bà Nam bị “lạc đề”, khi giải quyết vấn đề theo hướng nhìn về tương lai của hai vợ chồng vốn rất “dư dả” tiền bạc, giờ chỉ nghĩ đến việc hoạt động phục vụ cộng đồng…

Câu chuyện “Gia đình ông bà Nam”, cùng những trải nghiệm của khán giả hòa cùng vở diễn với các diễn viên, đã đem lại nhiều thú vị cho buổi hội kịch “Nẻo Nguồn Hồi Tưởng”.

Hội kịch này là một đề tài luận án tiến sĩ của tiến sĩ dự bị Nguyễn Hữu Quỳnh Trâm (đại học University of Tilburg, Hòa Lan) đến từ Seattle, tiểu bang Washington.

Để giải thích với đồng hương vì sao có đề án này, tiến sĩ dự bị Nguyễn Hữu Quỳnh Trâm chia sẻ: “Đề án này chỉ là bước khởi đầu như một lời đề nghị giúp mọi người có không gian mở, để cảnh tỉnh, nhìn lại chặng đường lưu vong, và làm thế nào tạo nhịp cầu cho việc khai phóng con người Việt hải ngoại sau các biến cố thăng trầm của lịch sử.

“Nó cũng là phương tiện làm nổi bật tầm quan trọng của ký ức tập thể và mối liên hệ của ký ức tập thể với căn cước cộng đồng và các chuyển nhịp xã hội, chính trị, đã và đang bị ám ảnh bởi lịch sử.
Đây là những trăn trở về cộng đồng từ ngày Quỳnh Trâm vào chương trình tiến sĩ”. 

Chị giải thích thêm: “Hơn thế nữa, đề án này mang tính chất vấn và thông điệp dọn đường, cho tiến trình khai sinh chiêm nghiệm cách sinh hoạt và mô thức giáo dục, cũng như lãnh đạo trong cộng đồng khác với mô thức chính thống lâu nay”.

Chị cũng cho biết 10 nhân vật tham gia dựng hội kịch “Nẻo Nguồn Hồi Tưởng” là 10 tình nguyện viên thuộc 3 thế hệ, hầu hết đều có tham gia vào các sinh hoạt phục vụ cộng đồng. Họ đã cùng nhau tham gia workshop của Quỳnh Trâm trong hai Chủ Nhật của hai tuần qua. Và chủ nhật này là tuần thứ ba, vở diễn được giới thiệu với đồng hương.

Chị nói thêm: “Tôi chỉ là người điều hợp, còn 10 thiện nguyện viên trong hội thảo, chia thành 2 nhóm, là tác giả, là đạo diễn vở kịch của họ.

“Thông qua những sinh hoạt nhóm chọn lọc, họ đã cùng nhau hồi tưởng, chia xẻ những khó khăn, thử thách trong cuộc đời tị nạn của mình. Họ nói ra nhiều khó khăn, uẩn khúc trong tâm tưởng đến nay vẫn chưa giải quyết được”. 

Qua sự chia xẻ trong nhóm, những ký ức tập thể đó được đúc kết lại thành hai vở diễn, mỗi vở dài khoảng 5 phút (“Câu chuyện của gia đình ông bà Nam” và “Những mảnh đời viễn xứ”), để tìm người đồng cảnh ngộ. Ký ức tập thể từ đó được nhân rộng ra, sự đồng cảm trong cộng đồng nhờ đó cũng lan rộng.

Để giải thích vì sao lại chọn hình thức Hội Kịch, chị Quỳnh Trâm cho biết, đây là một trong các phương pháp kịch nghệ cộng đồng mà ông Augusto Boal, người Ba Tây, đã tạo dựng trong thập niên 1960.

Mục đích của các phương pháp này là sử dụng kịch nghệ là phương tiện cho kiến thức và chuyển hóa các thực trạng hiện tại trong xã hội và phạm trù tương quan giữa người và người.

Chị nói thêm: “Phương pháp kịch nghệ của ông Boal phát xuất từ công tác ông hoạt động với thành phần nông dân và công nhân. Hiện tại thì các phương pháp của ông đã lan rộng từ trung tâm Rio de Janeiro và nhân ra khắp thế giới cho các hoạt động tranh đấu xã hội và chính trị, trong các phong trào xây dựng cộng đồng, giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp, trị liệu tâm lý, và thay đổi chính sách ban hành…”.


Vòng tròn trước khi nói lời tạm biệt của khán giả và thiện nguyện viên
cùng chị Quỳnh Trâm và chồng trong buổi hội kịch – ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

* Hội thoại kịch mở lại những ký ức
“Xin về đây với chúng tôi trong giờ phút này. Xin hợp quần với chúng tôi tại nơi chốn này”. Hội trường Thư Viện Việt Nam dường như trở nên trang nghiêm và linh thiêng, khi tất cả mọi người tham dự được sự hướng dẫn của chị Quỳnh Trâm, đã cùng đồng thanh lặp lại câu trên 3 lần. Với hai giọng đọc truyền cảm của người tham dự, cùng nội dung lời khẩn cầu tổ tiên, quốc hồn, hồn thiêng sông núi; các sanh linh trong hiện tại; các sanh linh trong tương lai, đã tạo nên những cảm xúc vừa lạ lẫm, vừa cảm động cho người tham dự ngay từ phút giây đầu của hội kịch.

Cảm xúc ấy càng đong đầy thêm, khi chị Trần Thị Thanh Thúy, một thiện nguyện viên tham gia trong vở diễn “Gia đình ông bà Nam” hát tặng mọi người một ca khúc được chị cảm tác từ những câu chuyện, những mất mát, những đớn đau của các anh, chị, em trong nhóm đã chia sẻ suốt 2 ngày hội thảo và nỗi đau của chính bản thân chị, đã từng trải qua - là một thuyền nhân với biết bao tổn thất trước khi đến được bến bờ tự do.

Giọng hát nhẹ nhàng, cảm xúc, ca từ đầy khắc khoải, tiếng đàn guitar do chính chị tự đệm cho mình, đã đem đến sự nối kết mọi người lại bên nhau, cùng lùi lại với dĩ vãng, cùng nhìn lại vết thương của mình tưởng đã lành, nhưng vết sẹo vẫn hằn mãi với thời gian:

“Có một người em trai đi mãi không về.
Có người con gái ngóng chờ cha từng đêm.
Có một quân nhân nơi rừng sâu nước độc.
Có người mẹ ôm con trong trăng mong manh.

Chiếc ghe nhỏ hẹp lênh đênh không bến bờ. Tiếng trẻ nhỏ gào thét trong sóng xưa xa xăm, ôi trái tim ta, ôi… ôi trái tim Việt Nam, cho tôi xin, cho tôi xin từng cơn đau. Cho tôi quen, quen đau thương đi tìm tự do…”.

Ngoài ca khúc của thiện nguyện viên Trần Thị Thanh Thúy, ca khúc “Mười năm biệt xứ” do chính anh Trạch Huỳnh - một cựu quân nhân Thủy Quân Lục Chiến, tiểu đoàn 2 Trâu Điên - sáng tác năm 1990, sau 10 năm anh vượt biên thành công và đến định cư Hoa Kỳ. Ca khúc này anh dành tặng cho cha của anh (còn kẹt lại Việt Nam) nhân một ngày Father’s Day, cũng góp phần đem lại nhiều hoài niệm và cảm động cho người tham dự, khi anh đàn và hát dạo đầu cho đoạn mở của chuyện kịch “Gia đình ông bà Nam”.

Thiện nguyện viên, ông Cao Chơn (phó chủ tịch của một hội sức khỏe tâm thần), với tuổi đời ngoài 80, đại diện cho thế hệ thứ nhất, trong vai ông Nam, nói với phóng viên Viễn Đông: “Câu chuyện tôi đóng không giống đời tôi, nhưng giống rất nhiều người khác, mà tôi biết, tôi thấy hội kịch của cô Quỳnh Trâm đưa ra rất hay và giá trị vô cùng, bởi những khó khăn mà thế hệ thứ nhất đang gặp phải, đến nay vẫn không cũ chút nào.

“Để sống thật cho hôm nay và để cùng nhau phác họa ước mơ cho tương lai”.

Chuyện kịch thứ hai “Những mảnh đời viễn xứ”, không còn bó hẹp trong bi kịch một gia đình, mà mở rộng ra bi kịch của một cộng đồng.

Bối cảnh chuyện kịch nhắc đến biến cố đau thương 30 tháng 4 năm 1975, mất mát của gia đình một phụ nữ, có em trai bị bắt đi nghĩa vụ quân sự và mất xác bên chiến trường Campuchia. Hoảng loạn của những người dân, đi tìm sự sống trong cái chết, khi lên tàu vượt biển để đến bến bờ tự do.

Sự cọ xát của hai nền văn hóa Việt- Mỹ. Những vấn đề nan giải của Little Saigon, với những nghi kỵ, chia rẽ. Vì sao, sau bao năm tị nạn, người Việt vẫn chưa có tiếng nói chung mạnh mẽ.

Cùng thông điệp những người Việt ly hương mang theo những di vật từ quê nhà với khát khao gìn giữ chúng trên quê hương mới…

Chuyện kịch đã đưa người xem vào thế giới của suy tư và tưởng tượng.

Tuy khán giả không ai hưởng ứng lên thay thế vai diễn, những đóng góp thảo luận của khán giả về các vấn đề vở kịch nêu ra, có nhiều tâm tình và trăn trở quý giá.

Có một ý kiến cho rằng: “Ở Little Saigon có sự chụp mũ, nghi kỵ, ganh ghét nhau… đó là những kẻ giấu mặt trong xã hội, tôi nghĩ khó có nhân vật nào, khó có ai nhận lãnh vai đó, bởi vì khi ra đóng kịch, nói hết ra sự thật, cũng rất sợ”.

Người đóng góp ý kiến cho rằng vở kịch rất hay, đặt chủ đề rất tốt, nhưng phải làm sao tạo được sự dễ dàng cho nhân vật nói lên những điều nhạy cảm, và tất cả mọi nhân vật, già, trẻ phải cùng giải quyết vấn đề đó.

Chị Quỳnh Trâm chia sẻ: “Chuyện kịch này không còn trong phạm trù gia đình nữa, điều đó đòi hỏi sự tế nhị của những người xem kịch và diễn kịch. Quỳnh Trâm mong mọi người hiểu được tấm lòng của những tình nguyện viên đã thao thức chuyện này.

Không biết có nên đem ra hỏi ý kiến cộng đồng? Làm sao thông cảm cho nhau? Làm sao để mình có thể hàn gắn vết thương lòng, mà bao năm nay không thể nói ra được?

Làm sao mình đi tới từ vết thương lòng đó, hàn gắn với nhau và có sự thông cảm cho nhau?”.

Ý kiến của một thanh niên, thuộc thế hệ thứ hai, vượt biên cùng gia đình đến Mỹ khi mới 7 tuổi, cho rằng: “Em nhận thấy cộng đồng Việt khó khăn nhất là sự đoàn kết để hướng về một hướng. Ai cũng muốn cộng đồng Việt Nam phát triển hơn, mạnh mẽ hơn. Nhưng có khác biệt là làm thế nào để đạt được mục tiêu đó. Vì ai cũng có ý kiến riêng, và khi chỉ tập trung ý riêng thì sẽ quên đi mục tiêu, và bắt đầu chia rẽ tiếp.

“Em nghĩ, cộng đồng cần tập hợp với nhau và ra một mục tiêu với viễn cảnh rõ ràng. Thì khi đó mình mới xây dựng được thành một cộng đồng với nhiều bàn tay đóng góp, chứ không phải chỉ một hai người”.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến xoay quanh thông điệp chuyện kịch về việc gìn giữ di sản cha ông.
Khán giả nam đóng góp ý kiến cho rằng, dòng chính của xã hội này muốn người Việt dân quên đi dĩ vãng, quên đi bản sắc. Điều này rất tai hại cho những thế hệ mai sau, khiến người trẻ mang mặc cảm không muốn là người Việt Nam.
Ý kiến của khán giả nữ phản đối: “Xã hội dòng chính mạnh, nên nó luôn thu hút mình hội nhập vào. Mình không giữ được văn hóa của mình, thì đó là lỗi tại mình. Vì vậy, mình phải biết vị trí và mình làm được chuyện đó. Như người Hoa, Nhật đã ở đây cả trăm năm, họ vẫn giữ bản sắc của họ. Cộng đồng Việt Nam của mình có nhân lực, sức mạnh và văn hóa, nhưng chưa tích cực giữ gìn nét riêng cho con cháu”.

Ý kiến khác phủ nhận cộng đồng Nhật tại Hoa Kỳ vẫn giữ được tiếng nói, văn hóa. Phụ nữ này cho rằng, người Nhật đã từng bị đưa vào trại tập trung thời Đệ Nhị Thế Chiến. Cho nên, khi họ ra khỏi trại tập trung, họ cố gắng hội nhập, vì vậy có nhiều thế hệ của họ trên Hoa Kỳ đã bị đồng hóa. Như trong gia đình của chồng chị, từ bà ngoại, mẹ chồng cho đến chồng, không nói được tiếng Nhật.

Anh Quân, một khán giả đã chia sẻ: “Ta chỉ nên nhìn những điểm tích cực của cộng đồng bạn để mình rút tỉa xem nó có phù hợp với mình hay không mà học tập.

“Cũng như mình có bỏ quên những gì tốt đẹp nơi chính mình, mà từ xưa giờ mình rất trân quý. Đến bây giờ qua xứ người, mình lại bỏ đi, điều đó, mình nên nhìn.

“Vì vậy, tôi nhìn thấy là mình nên xem có điểm gì mà người Việt Nam rất quý giá, ví dụ săn sóc mẹ già là một hạnh phúc. Chứ không phải là gánh nặng. Mình có giữ không khi sống ở hải ngoại? Có cách nào giữ không? Nỗ lực của mỗi cá nhân là gì? Sự hỗ trợ của cộng đồng ra sao? Chúng ta đòi hỏi gì ở cộng đồng để giúp cho những việc hỗ trợ đó. Đó là những điều mà tôi thấy chúng ta nên hướng đến…”.

Ngoài ra, còn có những vấn đề được nêu ra như văn hóa cũng có màu sắc chính trị, làm sao để thế và lực của tiếng nói Việt Nam mạnh mẽ tại Mỹ qua những lá phiếu, vấn đề vẽ lại bản đồ địa hạt bầu cử tại Quận Cam liên hệ đến vận mệnh và viễn cảnh cho Little Saigon trong mười năm tới…
Để kết thúc, trong khung cảnh ấm cúng, mọi người đã cùng nắm tay nhau thành vòng tròn, và cùng lắng nghe lời đọc cảm tạ.

* Mở ra nhiều điều cho tương lai
Hội kịch “Nẻo Nguồn Hồi Tưởng” đã khép lại, nhưng với tiến sĩ dự bị Nguyễn Hữu Quỳnh Trâm, với các thiện nguyện viên tham gia hội kịch và tất cả khán giả tham dự, phía trước lại mở ra những hành trình tiếp nối.

Cũng có thể từ đây, những hội kịch hấp dẫn hơn, kỳ thú hơn, sẽ tiếp tục được thực hiện, tạo dựng mối quan hệ tương tác giữa người với người trong cộng đồng, làm giàu thêm cho đời sống mỗi người.
Như lời thiết tha chia sẻ của chị Quỳnh Trâm: “Khi thực hiện workshop, mình suy nghĩ rất nhiều và nghĩ phương pháp làm chuyện kể, các anh chị thực hiện đã nói ra được những thầm kín mà bao năm nay không nói được, tất cả cùng khóc với nhau, và đã không bị phản ứng ngược. Để niềm đau khổ trở thành sức mạnh, cho họ đi tới, điều này không chỉ giúp cho mình, mà còn cho cộng đồng. Đó là món quà quý nhất Quỳnh Trâm đã có trong lúc làm việc với các thiện nguyện viên của workshop.

“Mình mong ngày hôm nay chỉ là buổi đầu tiên, và cái thế, lực của Little Saigon sẽ được nhân rộng bởi 10 người tình nguyện viên và sẽ thành 100 và 1000, 100.000, và có nhiều người tích cực hỗ trợ tinh thần các bạn thiện nguyện viên lan rộng thêm”. - (BH)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT