Thế Giới

Hội nghị Hiroshima: Mỹ đau lòng về bom nguyên tử, G7 chỉ trích Trung Cộng xâm chiếm Biển Đông

Monday, 11/04/2016 - 11:01:30

Ông Kerry đi thăm đài tưởng niệm hôm thứ Hai, trở thành một ngoại trưởng đương nhiệm Hoa Kỳ đầu tiên chính thức viếng thăm đài tưởng niệm Hiroshima. Ông Kerry có mặt trong một phái đoàn gồm các ngoại trưởng thuộc khối Thất Cường (G 7) tới dự một cuộc họp kéo dài hai ngày của khối quốc gia hùng mạnh này.

Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry đang trò chuyện với Ngoại Trưởng Nhật Fumio Kishida sau buổi lễ mặc niệm tại đài tưởng niệm nạn nhân bom nguyên Hiroshima ngày thứ Hai. (Kazuhiro Nogi/ Getty Images)

Trung Cộng nói không xin lỗi cũng không sao

HIROSHIMA - Ngoại Trưởng Mỹ John F. Kerry đã thực hiện một chuyến viếng thăm, mà ông gọi là “rất đau lòng,” tại một đài tưởng niệm ở Hiroshima. Đây là thành phố của Nhật Bản bị trúng một trái bom nguyên tử thả xuống đó cách đây bảy chục năm, giết chết tới 140,000 người. Cuộc tấn công vào Hiroshima, được nối tiếp cách ba ngày sau đó bởi vụ thả bom xuống Nagasaki, báo hiệu lần đầu tiên và lần cuối cùng các thứ vũ khí hạt nhân được sử dụng trong một thời gian chiến tranh.

Ông Kerry đi thăm đài tưởng niệm hôm thứ Hai, trở thành một ngoại trưởng đương nhiệm Hoa Kỳ đầu tiên chính thức viếng thăm đài tưởng niệm Hiroshima. Ông Kerry có mặt trong một phái đoàn gồm các ngoại trưởng thuộc khối Thất Cường (G 7) tới dự một cuộc họp kéo dài hai ngày của khối quốc gia hùng mạnh này.

Khối G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, và Mỹ. Trước khi ông Kerry đến Nhật, các viên chức ngoại đã nói rõ rằng ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ không xin lỗi một cách cụ thể về việc Hoa Kỳ đã thả bom nguyên tử hủy diệt hai thành phố Nhật, dẫn đến việc kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến hơn nửa thế kỷ trước. Thay vì vậy, các viên chức cao cấp của Hoa Kỳ và Nhật Bản đều nhấn mạnh rằng cần phải nhìn tới tương lai, đừng nhìn ngược về quá khứ.
Các bộ trưởng G-7 đã đưa ra một bản tuyên bố chung, nói rằng đất nước của họ “chia sẻ ước vọng sâu xa của dân chúng hai thành phố Hiroshima và Nagasaki mong muốn rằng vũ khí hạt nhân không bao giờ được sử dụng lại một lần nữa” trên trái đất này.

Tuy nhiên, Trung Cộng không bày tỏ sự xúc động nào, còn bộc lộ một mức độ cảnh giác và hoài nghi về sự thân tình giữa Nhật Bản và các cường quốc Tây Phương hàng đầu. Một bài xã luận của Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, bày tỏ sự khinh miệt đối với cuộc họp trọng thể tại Hiroshima. Hãng tin này lưu ý rằng những nỗi kinh hoàng của vụ thả bom “sẽ được dùng làm một lời nhắc nhở rằng sự suy nghĩ về tấn bi kịch này nên tập trung nhiều hơn nguyên nhân gốc rễ của nó, hơn là vào chuyện Nhật Bản trở thành nạn nhân như người ta đã nói quá nhiều rồi.”

Tân Hoa Xã tiếp tục kịch liệt chỉ trích “sự xâm lược quân phiệt của Nhật Bản” và di sản của “bạo lực tàn khốc” trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, khi Nhật Bản chiếm đóng một vùng rộng lớn của Á Châu, và khiêu khích Hoa Kỳ tham gia vào cuộc xung đột toàn cầu, với trận tấn công Trân Châu Cảng trong năm 1941.

Trong năm ngoái, hai chính phủ ở Bắc Kinh và Hán Thành đã sửng sốt và không hài lòng khi Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe từ chối đưa ra lời xin lỗi hoàn toàn về những tội ác chiến tranh mà Nhật Bản gây ra hơn bảy thập niên trước.

Trong một bài diễn văn hồi năm ngoái đánh dấu kỷ niệm lần thứ 70 ngày kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến, ông Abe nói, “Tôi cúi đầu trước các vong linh của tất cả những người đã thiệt mạng ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Tôi xin bày tỏ những cảm xúc đau buồn sâu sắc của tôi, và những lời phân ưu chân thành và vĩnh cửu của tôi.” Nhưng ông nói thêm, “Chúng tôi phải không để cho con cháu, và thậm chí các thế hệ về sau nữa của chúng tôi phải nói lời xin lỗi, họ không liên quan gì tới cuộc chiến tranh đó.”

Ngay chính phủ Nhật Bản cũng không đặc biệt quan tâm đến việc đòi Hoa Kỳ phải xin lỗi về vụ Hiroshima. Nhưng việc các bộ trưởng ngoại quốc thuộc nhóm G-7 đến thành phố này đã được xem là một thắng lợi ngoại giao cho Tokyo.

Sau khi ông Kerry đến Hiroshima, dư luận chú ý tới việc liệu Tổng Thống Obama có thực hiện một chuyến viếng thăm Hiroshima, để trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên đến nơi đây.

G7 phản đối sự khiêu khích ở Biển Đông

Cũng tại hội nghị ở Hiroshima, các ngoại trưởng của nhóm G7 tuyên bố họ phản đối mạnh mẽ sự khiêu khích ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, những nơi mà Trung Cộng đang lún sâu vào tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam, Phi Luật Tân, Nhật Bản và một số nước khác.

Tuyên bố của các ngoại trưởng G7, nhóm gồm các nền kinh tế hàng đầu thế giới, nêu rõ: “Chúng tôi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động cưỡng ép đe dọa hay khiêu khích đơn phương nào có thể làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng.”

Các ngoại trưởng cũng nói họ “quan tâm về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và nhấn mạnh tầm quan trọng cơ bản của việc quản lý và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.”

Tại hai vùng biển nêu trên, trong những năm gần đây Trung Cộng ngày càng hung hăng và mạnh bạo hơn trong việc khẳng định chủ quyền. Đặc biệt là ở Biển Đông, Trung Quốc đã cải tạo một số bãi đá, bãi san hô để củng cố cho tuyên bố của mình, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Phi Luật Tân và một số nước khác cũng đòi chủ quyền về toàn phần hoặc một phần vùng biển.

Gián tiếp nhắc đến vụ kiện của Phi Luật Tân chống Trung Quốc, nhóm G7 kêu gọi các nước hãy tuân thủ luật hàng hải quốc tế và thực thi bất kỳ phán quyết có tính ràng buộc nào của các tòa án và tòa trọng tài.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT