Hoa Kỳ

Hội Nghị Hồng Y tuyển cử Đức Giáo Hoàng mới

Hoài Mỹ/Viễn Đông Monday, 04/03/2013 - 08:16:44

Ngoài ra Napierski còn gây được sự chú ý với danh hiệu tự gán là “phát ngôn viên” chính thức của thứ mà y gọi là “Jesusyoga”.

VATICAN - Chẳng cứ 1.2 tỉ tín hữu Công Giáo trông đợi một vị tân Giáo Hoàng, nhưng có thể nói, dường như cả thể giới dù khác biệt tín ngưỡng đều hướng mắt về Vatican, “thủ đô” của Giáo Hội Công Giáo, với câu hỏi: Ai sẽ lên ngôi Giáo Hoàng để kế vị Đức Benedict XVI vừa thoái vị?

Được biết, kể từ Thứ Hai, ngày 4-3-2013, cả thảy 115 Hồng Y đã khởi sự ẩn mình trong cơ mật viện, cắt đứt hẳn mọi liên hệ với thế giới bên ngoài để chỉ cầu nguyện và chú tâm vào việc tuyển chọn một tân Giáo Hoàng.


Một Giám Mục giả lẻn vào Vatican
Sáng Chủ Nhật, một người đàn ông trong y phục Giám Mục đã lẻn vào được giữa Hồng Y đoàn trước lúc các vị này sửa soạn tiến vào cơ mật viện để tham dự cuộc bầu cử Giáo Hoàng.
Người này thật sự tên là Ralp Napierski, nhưng khi xuất hiện ở Vatican, đương sự tự giới thiệu là “Giám Mục Basilius” của Giáo Hội Cơ Đốc Giáo Ý - một giáo hội không hề có.
Trước khi bị lộ tẩy, Napierski cũng đã kịp tuyên bố với báo chí là những vụ “xì-căng-đan ấu dục đã làm Giáo Hội Công Giáo lung lay”. Với các bộ điệu tự nhiên, đương sự đã đóng kịch để trò truyện với các Linh Mục và Hồng Y, tuy nhiên không bao lâu thì y bị phát giác và bị cảnh vệ Áo đưa ra khỏi cổng, giao cho cảnh sát Ý.
Ralp Napierski viết trên “blog” của y là đương sự cũng có “chức thánh” Corpus Dei Catholic. Napierski còn quả quyết là y đã sáng tạo được một hệ thống khả dĩ giúp con người có thể điều khiển được máy vi tính (computer) chỉ bằng tư tưởng thuần túy.
Ngoài ra Napierski còn gây được sự chú ý với danh hiệu tự gán là “phát ngôn viên” chính thức của thứ mà y gọi là “Jesusyoga”.
*Trước cuộc bầu cử tân Giáo Hoàng
Đúng 9:30 sáng Thứ Hai, các Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo khởi sự thực thi trọng trách của mình trong việc tuyển cử một Giáo Hoàng mới. Thế nhưng không ai biết bao giờ thì các vị này hoàn tất.
Một văn thư với nội dung thỉnh mời chính thức hội họp Hội Đồng Hồng Y (Conclave) để bầu cử Giáo Hoàng, được gửi đi vào sáng Thứ Sáu 1 tháng 3. Thông tấn xã DPA viết là, theo các tin tức từ Vatican, cả thảy 115 Hồng Y - tuổi từ 80 trở xuống - đã được chờ đợi tham dự tiến trình bầu cử này.
Chiều Thứ Năm 28 tháng 2, Đức Benedict XVI đã chính thức từ nhiệm chức vị lãnh đạo tinh thần tối cao của 1.2 tỉ người Công Giáo trên thế giới. Bởi vậy xẩy ra hoàn cảnh gọi là “sede vacante”; chữ Latin này có nghĩa là “tòa trống” với ý chỉ “ghế của thánh Tông Đồ Phêrô” vốn là chức vị truyền thống của Giáo Hoàng.
Nhật báo Il Messaggero sáng Thứ Sáu chậy hàng tít lớn trên trang nhất: “Thế là một vị Giáo Hoàng vĩ đại đã giã từ”. Nhân dịp này tờ Roma cấp tiến cũng ca tụng Đức Benedict về sự khiêm nhượng sâu sắc của ngài và cho rằng ngài rời khỏi ngôi vị thừa kế thánh Phêrô bằng “những bước chân đơn giản của một kẻ hành hương”.
Trong bài thông báo Twitter cuối cùng, Đức Benedict đã cảm tạ tất cả tình thương và sự hỗ trợ mà ngài đã nhận được kể từ khi ngài lên ngôi Giáo Hoàng năm 2005. Kể từ Thứ Sáu, hình ảnh của ngài đã được hủy bỏ khỏi trang mạng @Pontifex và tất cả bài vở Twitter của ngài đã được lưu trữ.


Thể lệ bầu cử Giáo Hoàng
Thể lệ cổ hủ: Mạn phép nhắc lại ở đây 2 điều lệ cổ quan trọng trong cuộc bầu cử tân Giáo Hoàng mà nay không còn nữa:
-Điều kiện để được tuyển chọn làm Giáo Hoàng: Người nam Công Giáo, đã trưởng thành và độc thân. Điều lệ này đã được thay đổi kể từ năm 1389; theo đó chỉ có các Hồng Y được tuyển chọn mà thôi.
-Quốc gia có quyền “veto”: Trước năm 1903, các cuộc bầu cử Giáo Hoàng diễn ra công khai và đặc biệt 3 quốc gia có quyền phủ định bằng lá phiếu “veto” đối với một ứng viên Giáo Hoàng nào một trong 3 nước này phản đối. Đó là Áo, Pháp và Tây Ban Nha. Vào thời đại đó, 3 quốc gia này là những đế quốc hùng mạnh nhất chẳng những ở Âu Châu mà cả thế giới, do đó đã gây ảnh hưởng được cả với Giáo Hội. Đến thời Đức Thánh Giáo Hoàng Pio X (1835 - 1914), ngài quyết định việc tuyển cử Giáo Hoàng phải diễn tiến trong một mật viện và không để bất cứ một thế lực nào có thể “dính líu” đến việc tuyển cử đấng đứng đầu Giáo Hội Công Giáo.
Cách bầu cử: Như trên đã kể, khi phải bầu cử một tân Giáo Hoàng thì Hồng Y đoàn tụ tập ở cơ mật viện, tại Vatican. Họ “được” cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài cho tới khi một tân Giáo Hoàng được tuyển cử.
Việc bầu cử phải được thực hiện bằng chữ viết và được lập lại từ sáng tới chiều tối cho tới khi một Hồng Y đạt được đa số tuyệt đối phiếu. Điều này có nghĩa là: Nếu số phiếu bầu (cho một Hồng Y) chia được cho 3 thì kể như đã đủ đa số tuyệt đối. Nếu số phiếu bầu này không chia nổi cho 3 thì luật đòi hỏi sự ưu thắng của một phiếu phụ trội.
Nghỉ ngơi và cầu nguyện: Theo định luật bầu cử Giáo Hoàng, các vị Hồng Y chỉ được nghỉ ngơi vào thời điểm qui định và phải kết hiệp với việc cầu nguyện và vào các cuộc bàn luận không theo nghi thức trong trường hợp tiến trình kéo dài.
Các lá phiếu bầu được đốt ngay sau mỗi lần bỏ phiếu. Các phiếu này được đốt với rơm ướt để cho khói đen. Ấy là dấu hiệu cuộc bầu cử vẫn chưa đưa tới được kết quả đa số tuyệt đối phiếu cho một ứng viên.
Bởi thế bao lâu tiến trình bầu cử tiếp diễn, một số rất lớn lao máy thâu hình TV vẫn tiếp tục hướng thẳng vào ống khói trên nóc nhà thờ Sixtin.
Khi cuộc bỏ phiếu bầu được một Giáo Hoàng thì rơm khô được đốt cùng với các lá phiếu ấy để cho khói trắng. Nhìn thấy dấu hiệu này, hàng ngàn tín hữu “chầu chực” ở công trường thánh Phêrô lập tức bật lên tiếng reo hò: “Chúng ta đã có tân Giáo Hoàng” và người ta chỉ còn hồi hộp chờ đợi lời thông báo chính thức danh tính của Hồng Y đã đắc cử.
“Accepto”: Trong lúc con số tuyệt đối đa số phiếu đã đạt được, các Hồng Y vỗ tay. Sau đó, vị Tổng Thư Ký của Hồng Y Đoàn và vị Trưởng Nghi Lễ thuộc viện Giáo Hoàng được mời vào. Và vị niên trưởng của Hồng Y đoàn hỏi vị Hồng Y đắc cử bằng câu Latin dưới đây:
-“Acceptasne electionem canonicam in Summum pontificem de te factam?” (Ngài có chập nhận việc bầu cử ngài đúng với luật lệ của Giao Hội làm Giáo Hoàng không?”
“Conclave” - tức hội nghị các Hồng Y - chỉ được giải tán khi câu trả lời xác quyết được phát ra: “Accepto” (Tôi xin chấp nhận).

Các ứng viên Giáo Hoàng... sáng giá nhất
Đối với tín hữu Công Giáo, việc tuyển chọn Đức Giáo Hoàng là do thánh ý Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn cho các Hồng Y sáng suốt trong việc bầu cử này. Thế nhưng, người trần thế vẫn có thói quen “bắt mạch” các ứng cử viên mà họ “đánh giá” là có nhiều hy vọng đắc cử nhất trong bất cứ cuộc bỏ phiếu nào.
Từ trước đến giờ, Giáo Hoàng vẫn là người xuất xứ từ Âu Châu mặc dù chỉ khoảng một phần tư (1/4) tín đồ Công Giáo định cư ở lục địa này.
Mặt khác, khoảng phân nửa của tổng số Hồng Y trong “conclave”, cơ quan tuyển cử Giáo Hoàng, cũng xuất phát từ Âu Châu. Thế nhưng, người Công Giáo thuộc “thế giới thứ ba” vẫn đặt rất nhiều ước mong vào cuộc bầu cử Giáo Hoàng lần này. Gần phân nửa hay trên một tỉ người Công Giáo sinh sống ở Châu Mỹ Latin. Giáo Hội Công Giáo vẫn không ngừng phát triển mạnh ở Phi Châu và Á Châu. Nhiều tín hữu Công Giáo hy vọng rằng nay là thời điểm cho một vị Giáo Hoàng gốc Châu Mỹ Latin hay Phi Châu.
Nhật báo Anh The Telegraph đã viết: Vậy thì sự kiện nêu trên phản ảnh sự gia tăng việc thay đổi quyền hành trong Giáo Hội Công Giáo, từ Âu Châu sang các lục địa khác.
Các ứng viên từ Nam Mỹ: Theo thông tấn xã Reuters, Tổng Giám Mục Gerhard Mueller ở Vatican đã phát biểu: “Tôi quen biết nhiều vị Giám Mục và Hồng Y từ Châu Mỹ Latin vốn có thể lãnh nhận trách nhiệm của Giáo Hội hoàn vũ”. Ông nói thêm: “Học thuyết của Giáo Hội hoàn vũ vốn là giáo lý Thiên Chúa Giáo không chỉ hướng tâm riêng biệt về Âu Châu”.
Hồng Y người Áo Kurt Koch cũng cho rằng vị lãnh đạo tối cao tương lai của Giáo Hội có thể sẽ không xuất xứ từ Âu Châu: “Sẽ rất tốt đẹp nếu là những ứng viên từ Phi Châu hay Nam Phi trong lần Hội Nghị Hồng Y này”.
Nếu lần này đến lượt của Châu Mỹ Latin thì các ứng viên sáng giá có thể là Odilo Scherer (62), Tổng Giám Mục ở São Pãolo (Ba Tây) hoặc Hồng Y Á Căn Đình (Argentina) Leonardo Sandri (69), người hiện điều hành một bộ ở Vatican đặc trách về các Giáo Hội phương Đông.
Ứng viên Ghana “favorite”?: Nhiêu công ty cá cược nhấn mạnh đến hai vị Hồng Y gốc Phi Châu làm ứng viên được “điểm” cao nhất: Peter Turkson (64), người Ghana và Francis Arinze (80), người Nigeria. Hồng Y Turkson hiện điều hành bộ Công Lý và Hòa Bình (cố Hồng Y Việt Nam Nguyễn Văn Thuận cũng đã điều hành bộ này thưở sinh thời), đại diện cho lương tâm xã hội của Giáo Hội. Ngài là một nhà tranh đấu cho công cuộc cải cách tài chánh quốc tế. Mới đây trong một cuộc hội họp ở Vatican ngài cho trình chiếu một cuốn video phê phán người Hồi Giáo; sự kiện này đã đưa tới mối nghi kỵ về mối quan hệ của ngài với người Hồi Giáo.
Lại Giáo Hoàng Ý nữa chăng?: Giáo Hoàng cũng là Tổng Giám Mục của giáo phận Roma. Từ năm 1523 tới 1978 vai trò này vẫn do Giáo Hoàng gốc Ý nắm giữ. Hai vị Giáo Hoàng vừa rồi, một vị người Ba Lan; một vị người Đức - và bởi vậy đã làm gẫy đổ một truyền thống lâun dài. Nay câu hỏi là liệu các Hồng Y có lại muốn quay lại với một Giáo Hoàng Ý không?
Phải, nếu “conclave” lại nghĩ đến việc quyết định tuyển chọn một Giáo Hoàng Ý nữa thì nhiều người cho rằng Tổng Giám Mục Ý ở Milano, Angelo Scola (71) sẽ là người kế vị Đức Benedict XVI. Ngài hiểu biết Hồi Giáo và từng hoạt động tạo mối cảm thông giữa người Thiên Chúa Giáo và người Hồi Giáo. Tuy nhiên, nhược điểm của Tổng Giám Mục Scola là ngài không có tài hùng biện và chắc cũng sẽ không trở thành một vị Giáo Hoàng “karisma” (có sức thu hút tự nhiên).
Liệu có thể đến lượt Hoa Kỳ?: Thì đây là cơ hội của Hồng Y Hoa Kỳ Timothy Dolan (62): Ngài trở thành “tiếng nói” chính thức của Giáo Hội Hoa Kỳ sau khi được tấn phong làm Tổng Giám Mục New York năm 2009. Ngài có máu hài hước và là một người sôi nổi; những đặc trưng mà Vatican vẫn thiếu thốn. Tuy nhiên, theo Reuters, Hồng Y Dolan “gặp” nhiều Hồng Y vốn nghi hoặc “style” thiếu nghi thức và quá “vui vẻ” của ngài. Vả lại, đối với một số vị, ứng viên Dolan lại quá là “american”!
Và ứng viên Á Châu?: Hồng Y Luis Tagle (55) của Phi Luật Tân có nhân cách rất “karisma” và được nhiều người nhận xét là có những nét giống với Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài cũng còn là một “đồng minh” thân cận với Đức Benedick XVI. Ngài được tấn phong Hồng Y vào đầu năm 2012, và bởi thế “conclave” có thể nghi ngờ về tình trạng “thấp kém” về “thâm niên nghề nghiệp” cũng như tuổi đời... trẻ măng của ngài.


Giáo Hoàng sẽ không thay đổi Giáo Hội...
Tổng Giám Mục John Onaiyekan của giáo phận Abuja, ở Nigeria, trước khi đến Vatican đã ghé Oslo, thủ đô Na Uy Thứ Sáu vừa rồi để tham dự một hội nghị về các cuộc xung đột ở Nigeria do Tòa Giám Mục Công Giáo Oslo và European Council of Religious Leaders tổ chức. Ngài cho biết: “Vâng, tôi đã được yêu cầu đến Vatican. Bởi thế, chiều Chủ Nhật này tôi sẽ rời Oslo để bay thẳng đến Roma. Thứ Hai chúng tôi cùng với các Hồng Y khác khởi sự các công việc cần thiết ở Vatican để thảo luận vị Giáo Hoàng nào mà chúng tôi mong ước”.
Trong buổi gặp gỡ giới truyền thông, ngài nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng không ai muốn đặt nặng yếu tố địa lý trong việc bầu cử tân Giáo Hoàng; kể cả tôi cũng vậy. Các vị Hồng Y không tiến vào Hội Nghị với nghị trình nào cả. Chính những nét bản tính của cá nhân mới là yếu tố quyết định”.
Và ngài nhấn mạnh: “Người được tuyển cử phải tự quyết định thứ Giáo Hoàng nào mà mình muốn trở nên với những sự ưu tiên và những việc chọn lựa của mình. Thế nhưng những ai cho rằng một tân Giáo Hoàng sẽ thay đổi Giáo Hội, những người ấy hẳn không hiểu rõ Giáo Hội. Đó không phải vai trò của Giáo Hoàng”. (HM)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT