Thế Giới

Hội nghị khí hậu Paris: Nhiều lời hứa, kêu gọi cho tương lai của nhân loại

Monday, 30/11/2015 - 11:14:15

Ông Obama nói rằng một mối đe dọa đang gia tăng của tình trạng khí hậu thay đổi có thể định hình những đường nét của thế kỷ 21.



Tổng Thống Barack Obama nói chuyện với Chủ Tịch Tập Cận Bình trong một cuộc họp song phương trước khi hội nghị khí hậu bắt đầu ở ngoại ô Paris ngày thứ Hai. (Jim Watson/ Getty Images)


PARIS - Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu biến đổi ở thủ đô của nước Pháp, Tổng Thống Barack Obama đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy cố gắng thêm nhiều hơn nữa, để bảo đảm một tương lai cho nhân loại.

Chuẩn bị chống sóng lớn El Nino
Một bờ đê bằng cát đã được các nhân viên của thành phố đắp lên tại bãi biển Playa Del Rey ở Los Angeles, nhằm bảo vệ những ngôi nhà trước sóng lớn sẽ đến trong mùa mưa El Nino sắp đến trong hình chụp ngày thứ Hai. Trong cùng ngày, hội nghị khí hậu COP21 đã được khai mạc tại Paris với sự tham dự của 150 vị nguyên thủ từ nhiều quốc gia kể cả Mỹ, Nga, Trung Quốc, và Ấn Độ. Hội nghị sẽ đưa đến một hiệp ước với mục tiêu giới hạn tình trạng tăng nhiệt trên toàn cầu, giúp giảm bớt sức tàn phá của các hiện tượng thời tiết như El Nino. (Hình: Mark Ralston/ Getty Images)


Hơn 150 nhà lãnh đạo thế giới đã tới Paris ngày thứ Hai, để tham dự các cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc tổ chức, được gọi tắt là hội nghị COP21. Các vị nguyên thủ quốc gia mang đến đây những lời hứa hẹn, đi kèm với những mức kỳ vọng cao, giữa lúc họ tìm cách ghìm lại nhiệt độ đang tăng lên của địa cầu.

Ông Obama nói rằng một mối đe dọa đang gia tăng của tình trạng khí hậu thay đổi có thể định hình những đường nét của thế kỷ 21.

Ông nói, “Với tư cách là người lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất thế giới và quốc gia thải khí nhiều vào hàng thứ hai ... Hoa Kỳ không những công nhận vai trò của chúng tôi trong việc gây ra vấn đề này, mà chúng tôi còn nhận lãnh trách nhiệm để làm một điều gì đó cho vấn đề ấy.”

“Chúng ta có sức mạnh để thay đổi một tương lai, ngay ở đây và ngay bây giờ, nhưng chỉ với điều kiện là chúng ta cố gắng nhiều hơn nữa để ứng phó với thách đố hiện nay.”

Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc cam kết sẽ làm việc với Tổng Thống Obama, nhưng nói rằng các quốc gia nên được quyền tìm giải pháp riêng của họ cho tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.

Ông Bình nói, “Các nước phát triển cao cần tôn trọng lời họ cam kết huy động $100 tỷ Mỹ kim mỗi năm từ năm 2020, và sau đó cung cấp sức hỗ trợ tài chánh mạnh mẽ hơn cho các nước đang phát triển.”
“Các ngành công nghệ có lợi cho môi trường sinh thái được chuyển giao cho các nước đang phát triển cũng là điều quan trọng.”


Tổng Thống Nga President Vladimir Putin gặp Tổng Thống Mỹ Barack Obama bên lề hội nghị khí hậu tại Paris ngày thứ Hai. (Mikhail Klimentyev/ Getty Images)



Ông Tập Cận Bình cũng nói rõ rằng các nước nghèo không cần phải hy sinh sự tăng trưởng kinh tế.
Ông Bình cho biết, “Việc giải quyết tình trạng khí hậu biến đổi không nên từ chối những nhu cầu chính đáng của các nước đang phát triển, là cần làm giảm bớt mức nghèo khổ và cải thiện những tiêu chuẩn sinh hoạt của dân chúng.”Trung Quốc là quốc gia thải nhiều nhất những loại khí gây hiệu ứng nhà kính, nhưng tính theo đầu người thì Hoa Kỳ thải khí nhiều hơn Trung Quốc.

Hai quốc gia thải khí carbon với khối lượng lớn nhất thế giới này từng đứng ở hai phía đối lập với nhau trong vấn đề khí hậu. Vào năm 2014, Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng nhau khởi động một tiến trình chuyển đổi từ bỏ những thứ nhiên liệu hóa thạch, mỗi nước theo tốc độ riêng và theo cách thức riêng.

Mối quan hệ hợp tác đó là một thứ thuốc xoa dịu nguồn chính yếu gây ra căng thẳng, vốn thường xảy ra những cuộc đàm phán trước đó. Trong những cuộc thương thuyết ấy, các nước đang phát triển lập luận rằng các nước đã phát triển cao, làm giàu bằng cách công nghiệp hóa dựa vào các loại nhiên liệu, đều phải trả chi phí cho việc chuyển đổi mọi nền kinh tế tới một tương lai sử dụng năng lượng tái tạo được.
Tổng Thống Pháp Francois Hollande, người khai mạc kỳ hội nghị thượng đỉnh này, nói rằng một thỏa thuận nhằm tìm cách giữ cho mức tăng thêm của nhiệt độ toàn cầu nằm dưới 2 độ C cần phải là “phổ quát, rõ ràng, và có tính cách ràng buộc.” Những nước giàu hơn phải đóng góp nhiều hơn so với những nước nghèo.

Ông nói, “Tôi không thể tách cuộc chiến với nạn khủng bố ra khỏi cuộc chiến chống lại tình trạng địa cầu tăng nhiệt.”

“Đây là hai mối thách thức toàn cầu lớn, mà chúng ta phải giáp mặt với, vì chúng ta phải để lại cho con cháu chúng ta nhiều điều hơn, chứ không phải chỉ là để lại một thế giới không bị khủng bố. Chúng ta cũng mắc nợ họ một hành tinh được bảo vệ khỏi thảm họa.”

Sau nhiều thập niên cố gắng thương lượng, được đánh dấu bởi sự thất bại của một hội nghị thượng đỉnh trước đó ở Copenhagen cách đây sáu năm trước đây, việc thỏa thuận giữa các quốc gia xem có vẻ sẽ đạt được trong tháng 12 này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT