Hoa Kỳ

Hội nghị quốc tế ở Genève để tìm giải pháp cho Syria

Hoài Mỹ/Viễn Đông Friday, 29/06/2012 - 09:56:00

Ông Kofi Annan, Đặc Phái Viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Liên Hiệp Ả Rập về Syria, vẫn liên tục nỗ lực hoạt động để các bên trong cuộc xung đột này chịu đồng thuận tuân thủ kế-hoạch-sáu-điểm mà ông đã đề xướng.

Hoài Mỹ/Viễn Đông

GENÈVE - Đặc Phái Viên Kofi Annan đã triệu mời một hội nghị về Syria ở Genève, thành phố du lịch đông dân cư của Thụy Sĩ (Switzerland), Thứ Bẩy này, ngày 30-06-2012. Hội nghị diễn ra ở cấp Tổng Trưởng. Thứ Tư vừa rồi, ông Annan cho biết qua một bản tuyên bố, ngoài các đại biểu của Liên Hiệp Âu Châu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Kuwait và Qatar, 5 quốc gia thành viên thường trực (Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc) của Hội Đồng Bảo An LHQ cũng đã được mời.
Saudi-Arabia và Iran không được nhắc đến mặc dù gần đây ông Annan đã bầy tỏ ước mong nhận được sự hợp tác của Tehran để tìm một giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria.
Ông Kofi Annan, Đặc Phái Viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Liên Hiệp Ả Rập về Syria, vẫn liên tục nỗ lực hoạt động để các bên trong cuộc xung đột này chịu đồng thuận tuân thủ kế-hoạch-sáu-điểm mà ông đã đề xướng.

Kế hoạch mới của Đặc Phái Viên Kofi Annan
Thứ Tư vừa rồi, ngày 27 tháng 6, ông Kofi Annan đã đưa ra một đề nghị mới, theo đó là việc thành lập một chính phủ liên hiệp ở Syria
Nga và các cường quốc khác tuyên bố là họ ủng hộ kế hoạch của Đặc Phái Viên LHQ về một chính phủ liên liệp quốc gia Syria.
Một chính phủ liên hiệp như thế sẽ bao gồm cả đại biểu của chính phủ đương quyền lẫn của phe đối lập.
Đề nghị này là một trong những tiết mục chính yếu sẽ được bàn thảo trong hội nghị vào Thứ Bẩy này tại Genève, nhằm tìm được một giải pháp cho cuộc xung đột đẫm máu tại Syria vốn đã kéo dài 16 tháng nay.
Các nhà ngoại giao vốn được biết đề nghị trên đây của ông Annan, nói là cuộc xung đột này chỉ chấm dứt khi cả hai bên đều nhìn thấy một lối thoát hòa bình của một tương lai chung.

Al Assad: “Không chấp thuận giải pháp nào từ bên ngoài Syria”
Dư luận xem như một phản ứng gián tiếp của chính quyền đương nhiệm ở Syria đối với đề nghị của ông Annan về một chính phủ liên hiệp, Tổng Thống Bashar al-Assad đã tuyên bố trong một cuốc phỏng vấn dài một tiếng đồng hồ dành cho một đài TV Iran, vào tối Thứ Năm vừa rồi, là một giải pháp từ bên ngoài áp đặt trên đất nước này thì không thể chấp nhận.
Nhà độc tài này cho rằng: “Bất cứ giải pháp nào không phải của Syria thì bất khả chấp nhận, bởi vì chỉ chúng tôi mà thôi mới biết được việc chúng tôi có thể giải quyết thế nào vấn đề này”.
Assad nói tiếp rằng chính phủ có bổn phận “tiêu diệt các tên khủng bố” để bảo vệ người dân. Ông ta nhấn mạnh: “Chính phủ Syria có trách nhiệm che chở dân chúng. Chính phủ có trọng trách loại trừ các tên khủng bố trên khắp đất nước này. Khi tiễu trừ được một tên khủng bố tức là người ta có thể tiết kiệm được hàng chục, hàng trăm hay hàng ngàn sinh mạng”.
Liên quan đến tình hình căng thẳng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Syria bắn hạ một máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng Thống Bashar al-Assad nhấn mạnh rằng có một sự khác biệt trong thái độ của các nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có quan điểm tích cực về Syria.

Al-Assad: “Syria đang trong tình trạng chiến tranh”
Trước cuộc phỏng vấn kể trên hai ngày, Tổng Thống Bashar al-Assad đã tuyên bố trong một cuộc họp với tân nội các là ông không bận tâm về việc các quốc gia Tây Phương đòi hỏi ông phải ra đi. Theo thông tấn xã SANA của nhà nước Syria, Tổng Thống đã nhấn mạnh rằng các nước đó chỉ tìm kiếm quyền lợi riêng tư của họ mà thôi.
Nhà độc tài này xác định: “Chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh, và một khi người ta ở trong chiến tranh thì mọi chính sách và tất cả sức mạnh phải được đặt vào mục tiêu bảo đảm cuộc chiến thắng. Các nước Tây Phương, họ chỉ thu lấy, chứ chẳng bao giờ cho đi thứ gì. Điều này đã hơn một lần được chứng minh”.
Bất chấp những lời phát biểu hiếu chiến của Assad, Hoa Kỳ vẫn cho là ông ta không còn nắm vững tình hình ở Syria. Phát ngôn viên Jay Carney của Tổng Thống Barack Obama nói rằng: “Nhiều quân nhân cao cấp Syria đã đào tẩu sang Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ và tôi thấy đó là dấu hiệu chế độ đang mất sự kiểm soát”. Tuy nhiên ông Carney cho rằng nhà độc tài Assad sẽ còn bám vào quyền lực với bất cứ giá nào”. Ông nêu rõ thêm là vụ bắn hạ chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ là một thí dụ điển hình về việc những kẻ cầm quyền ở Damascus sẽ sử dụng tất cả phương tiện.
Thứ Tư vừa rồi, nhà hoạt động Hassan Abu al-Zayn al-Homsi đã nói với thông tấn xã NTB: “Vụ (bắn máy bay) này chỉ là một phần của cuộc chiến mà Assad đang điều khiển chống lại dân chủ và tự do”.
Liên quan đến tình trạng đào ngũ của các quân nhân Syria như phát ngôn viên Jay Carney đã đề cập trên đây, thông tấn xã quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận là nhiều sĩ quan cao cấp Syria đã đến Thổ Nhĩ Kỳ sau khi đào tẩu khỏi các lực lượng của Tổng Thống Bashar al-Assad: Một Trung Tướng, hai Đại Tá, hai Thiếu Tá, một Trung Úy và 33 quân nhân. CNN ở Thổ Nhĩ Kỳ nhân dịp này cũng loan tin là các quân nhân đào ngũ ấy cùng với thân nhân, cả thảy 224 người, đã tìm đường đến được quốc gia lân bang này.
Ngoài ra trên 33.000 người đã chạy loạn từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay.

Biện pháp trừng phạt mới của EU đối với Syria
EU gia tăng việc xiết chặt hơn nữa thái độ đối với Syria bằng cách thực thi thêm một số biện pháp trừng phạt mới đối với Damascus sau khi Syria bắn hạ một máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại Trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu minh xác là chiếc máy bay này bị bắn hạ trong không phận quốc tế, nhưng Syria lại quả quyết “phi cơ này sở dĩ bị bắn hạ vì đã xâm phạm không phận Syria”.
Ngoại Trưởng Pháp, Laurent Fabius, đã tuyên bố trước buổi họp Ngoại Trưởng của EU sáng Thứ Hai vừa rồi: “Việc bắn hạ chiếc máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn bất khả chấp nhận”. Ông nhấn mạnh bổ túc: “Phi cơ này không vũ trang và đang thi hành phi vụ thường lệ. Không có một sự khuyến cáo nào được đưa ra”.
Các biện pháp trừng phạt mới này vốn đã được các biểu quyết vào chiều Thứ Hai, là hiệp thứ 16 trong toàn bộ biện pháp trừng phạt của EU đối với Syria. Các nguồn ngoại giao cho biết, những biện pháp mới này nhắm trực tiếp vào 6 công ty ở Syria. Thêm vào đó là việc mở rộng hơn nữa lệnh cấm vận vũ khí.
Và như Viễn Đông đã đăng tin, Thứ Ba vừa rồi, chiếu theo chương 4 trong hiệp ước của Khối Quân Sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ đã tập họp các đồng minh của mình trong tổ chức quân sự này để trình bầy về vụ Syria bắn hạ phi cơ - đồng thời Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh cáo Syria về hành động khiêu khích quân sự.
Đài BBC viết, quyết định triệu tập các đồng minh NATO tham dự các cuộc thảo luận cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn một giải pháp ngoại giao thay vì một kế hoạch phản công bằng quân sự.
Sau buổi họp, Tổng Thư Ký NATO, ông Fogh Rasmussen tuyên bố: “Chúng tôi đánh giá cao việc định hướng mà Thổ Nhĩ Kỳ đã trình bầy. Căn cứ trên đó, các đồng minh NATO kết án một cách mạnh mẽ nhất vụ bắn hạ máy bay; và chúng tôi bầy tỏ sự ủng hộ trọn vẹn của chúng tôi dành cho Thổ Nhĩ Kỳ”.

Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường quân sự ở biên giới với Syria
Thứ Năm, thông tấn xã Anatolia do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu, loan tin là một đoàn công-voa gồm ít nhất 30 quân xa, trong số đó có xe chuyên chở pháo binh và vũ khí phòng không hạng nặng, đã phát xuất từ thành phố Iskendrun di chuyển khoảng 5 dặm đến vùng biên giới cạnh Syria. Sau đó các vị trí đã được thiết lập dọc theo ranh giới này.
Vẫn theo tin của Anatolia, nhiều thiết vận xa khác hiện cũng đang được vận chuyển đến một căn cứ quân sự tọa lạc gần biên giới này. Một nguồn đã tiết lộ với thông tấn xã Reuters: “Tôi có thế quả quyết rằng các lực lượng đang thiết lập các vị trí dọc theo biên giới với Syria. Thổ Nhĩ Kỳ hiện thực hành các biện pháp phòng thủ sau khi một chiếc phi cơ của họ bị bắn rơi”.
Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul Thứ Bẩy tuần rồi đã cảnh cáo là vụ bắn hạ máy bay sẽ gây nên nhiều hệ quả: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện những bước cần thiết để trả đũa việc Syria đã bắn hạ một trong những phi cơ quân sự của chúng tôi”.
Tình hình giữa hai quốc gia này không ngừng trở nên căng thẳng.

Iran muốn góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria
Đại Sứ Iran tại LHQ, Mohammad Khazaee, Thứ Tư vừa rồi, đã tuyên bố là Iran sẵn sàng hỗ trợ Đặc Phái Viên LHQ Kofi Annan để chấm dứt cuộc khủng hoảng trường kỳ ở Syria.
Như trên phần đầu bài đã viết, Iran đã không được mời tham dự hội nghị ở Genève vào Thứ Bẩy này. Đại Sứ Khazaee bầy tỏ: “Nếu có một số quốc gia không mong muốn Iran trở thành một phần trong hội nghị Genève thì đó là vấn đề của họ”.
Theo thông tấn xã NTB, do áp lực của Hoa Kỳ mà Iran đã không được mời. Vụ này có lẽ đã gây nên sự bực tức lớn lao cho Mạc Tư Khoa (Moscow), bởi vì Nga vẫn cho là Iran phải được tham dự để hội nghị được thành công với một giải pháp thuận lợi.
Hoa Kỳ, Anh và Pháp tố cáo Iran vẫn góp phần cho Bashar al-Assad để chế độ này tiếp tục việc đàn áp tàn bạo phe đối lập ở Sria, bởi vậy nước này (Iran) không quan hệ gì đến hội nghị Genève cả.
Tuy nhiên ông Kofi Annan vẫn hứa là Iran sẽ “đồng hành” trong tiến trình mặc dù nước này không đến được hội nghị Genève. Phát ngôn viên LHQ Martin Nesirly hôm Thứ Tư đã giãi bầy: “Ông Annan đã khẳng định rằng Iran phải là một phần của giải pháp; và ông Tổng Thư Ký (Ban Ki-moon) cũng quan niệm như vậy”.

Nga vẫn còn do dự với quyết định bỏ rơi Assad
Theo các nguồn ngoại giao, các cường quốc Tây Phương vẫn cố gắng thuyết phục Nga buông lơi việc yểm trợ Tổng Thống Bashar al-Assad của Syria.
Hôm nay Thứ Bẩy, các cường quốc thế giới hội họp ở Genève để gia tăng hoạt động hầu tìm được một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột bế tắc ở Syria.
Trước hội nghị, Đặc Phái Viên Kofi Annan đã đưa ra đề nghị thành lập một chính phủ liên hiệp ở Syria với các đại diện của chế độ Assad và của phe đối lập. Tuy vậy vẫn có một điều kiện là cá nhân Assad không được hiện diện trong chính phủ tương lai ấy cho dù danh tính này (Assad) không chính thức được nhắc tới trong đề nghị của ông Annan.
Hôm qua khi đến Genève, ông Annan đã phát biểu với các ký giả: “Tôi tin là chúng tôi sẽ có một hội nghị tốt đẹp vào ngày mai. Tôi lạc quan”.
Theo các nguồn ngoại giao Tây Phương, lúc đầu Nga cũng đã ủng hộ kế hoạch mới của ông Annan nhưng sau đó lại thay đổi thái độ và đòi hỏi những sự thay đổi trong bản văn. Tuy nhiên Hoa Kỳ và Anh đã bác bỏ những sự thay đổi ấy vốn liên hệ tới điểm qui định là một số người phải bị loại trừ khỏi một chính phủ liên hiệp.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton trong cuộc gặp gỡ hôm qua Thứ Sáu với đồng nhiệm Nga Sergej Lavrov ở Genève, hẳn phải cố gắng thuyết phục ông ta là hãy “hết lòng hậu thuẫn giải pháp mới của Đặc Phái Viên Kofi Annan”.
Về phía Ngoại Trưởng Nga, ông Lavrov đã gọi hội nghị Genève là một bước tiến tích cực nhưng lại tỏ ý tiếc là Iran, Saudi Arabia, Jordan và Lebanon không được mời. Ông đồng thời quả quyết là việc ngưng chiến và rút quân của các lực lượng kháng chiến lẫn quân đội của chính phủ phải ở vào vị trí thích hợp cho một tiến trình thay đổi chính trị ở Syria.
Đặc Phái Viên LHQ Annan nay nỗ lực thổi mạnh sinh lực mới vào công việc ngoại giao nhằm đạt được một giải phát chính trị ở Syria sau khi kế-hoạch-sáu-điểm của ông về đình chiến và đối thoại bị cả hai bên bỏ qua.
Dù thế nào người ta tiếp tục thấy mấu chốt: Nga vẫn bán những số lượng khổng lồ vũ khí cho Syria và có một căn cứ Hải Quân lớn lao ở đây. Hai quốc gia này đã là đồng minh của nhau từ “thưở sinh thời” của khối Sô Viết. – (HM)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT