Người Việt Khắp Nơi

Hội ngộ 60 năm Nhạc Lam Phương & ra mắt sách Lam Phương Nhạc Và Đời

Thursday, 10/12/2015 - 11:54:47

Một thành viên ban tổ chức cho Viễn Đông biết, “Chúng tôi không ngờ đồng hương đến với nhạc sĩ Lam Phương quá đông như thế. Một số người phải ra về vì nhà hàng không còn chỗ trống, và ban tổ chức rất khó giải quyết chỗ ngồi cho gần 600 đồng hương đến tham dự.”

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Trưa Chủ Nhật, ngày 6 tháng 12, 2015, Nhóm Chủ Trương Nhân Ảnh Tân Văn đã tổ chức buổi kỷ niệm 60 năm âm nhạc của nhạc sĩ Lam Phương, và ra mắt sách “Lam Phương, Nhạc và Đời” tại Moonlight Seafood Restaurant thuộc thành phố Westminster, Nam California.

Họa sĩ Vũ Hối (bên phải) tặng nhạc sĩ Lam Phương (ngồi) bức Thư Họa. Bên trái là hai thân hữu của nhạc sĩ ngày Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015. (Thanh Phong/ Viễn Đông)



Một thành viên ban tổ chức cho Viễn Đông biết, “Chúng tôi không ngờ đồng hương đến với nhạc sĩ Lam Phương quá đông như thế. Một số người phải ra về vì nhà hàng không còn chỗ trống, và ban tổ chức rất khó giải quyết chỗ ngồi cho gần 600 đồng hương đến tham dự.”

Ngay phía trong cửa chính nhà hàng, bên tay phải có một cái bục gỗ, nhạc sĩ Lam Phương ngồi trên chiếc xe lăn, miệng ông lúc nào cũng nở nụ cười hiền hòa. Phía sau lưng có tấm phông vẽ hình ông do họa sĩ Lưu Anh Tuấn thực hiện cùng với bìa cuốn sách “Lam Phương - Nhạc và Đời” do Nhóm Nhân Ảnh Tân Văn ấn hành năm 2015. Đa số người đến tham dự đều muốn được chụp chung với người nhạc sĩ tài hoa này một bức ảnh kỷ niệm, nên ban tổ chức phải chờ đến người cuối cùng chụp ảnh xong mới đưa nhạc sĩ lên bàn gần sân khấu để bắt đầu chương trình.

Hai MC Thúy Anh và Quốc Thái điều hợp chương trình. Sau nghi thức khai mạc, một số quan khách được mời lên phát biểu về nhạc sĩ Lam Phương, trong đó có giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục VNCH. Trong lời phát biểu, có đoạn giáo sư nói, “Người xưa thường bảo nhân bất phong sương vị lão tài, con người không từng trải khó khăn, không thể nào tài giỏi được. Những nhà thơ lãng mạn như Musset vẫn ca ngợi sự đau khổ như là đầu mối của những sáng tác bất hủ. Thật ra thì cảnh phong sương hay những khổ đau mà nhà thơ thường nói chỉ có cần mà chưa có đủ.

“Biết bao nhiêu người đã từng phải khổ đau nhưng không thể viết được một bài thơ hay sáng tác được một nhạc phẩm nào. Cần là điều kiện, hoàn cảnh, môi trường, và đủ là tài năng thiên phú. Phải là một tài năng thiên phú như Lam Phương mới có đủ để thành một nhạc sĩ tài danh.”

Kế đến là giáo sư Quyên Di. Ngoài những lời ca ngợi tài năng thiên phú của nhạc sĩ Lam Phương, giáo sư Quyên Di cũng nổi hứng hát một số ca khúc do NS Lam Phương sáng tác. Nối tiếp là lời phát biểu của Giáo sư Trần Huy Bích, tất cả đều có chung nhận xét: “Trong nền âm nhạc Việt Nam, hiếm có nhạc sĩ nào được phong cách sáng tác đa dạng như nhạc sĩ Lam Phương, từ những ca khúc rất bình dân cho đến những bản tình ca tình tự quê hương, nhạc chinh chiến rồi đến những dòng nhạc có âm hưởng rất trữ tình, lãng mạn và xót xa như: Một Mình, Cỏ Úa, Phút Cuối, Mưa Lệ...”

Sau những lời phát biểu của một số quan khách, ban tổ chức giới thiệu cuốn “Lam Phương – Nhạc và Đời.” Cuốn sách dày 425 trang được thực hiện bởi Nhân Ảnh Tân Văn, trong đó Ban Cố Vấn có các giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Lê Văn Khoa, Lưu Trung Khảo, Trần Huy Bích, Dương Ngọc Sum, Đào Đức Nhuận. Các nhà văn: Nguyễn Huy Quang, Minh Đức Hoài Trinh, Trần Việt Hải, Trương Ngọc Thạch. Ban Biên Tập có Trần Mạnh Chí, Lý Thanh Tùng, Lưu Anh Tuấn, Đường Sơn, Yên Thư Trần Cẩm Tú, Ái Hoa, Ngô Thiện Đức. Phần Kỹ Thuật do Lê Hân, Tạ Quốc Quang và Lê thị Kim Oanh.

Nội dung cuốn sách gồm những lời nhận xét về nhạc Lam Phương của đủ mọi thành phần trong xã hội, từ các nhà giáo đến bác sĩ, họa sĩ, văn, thi sĩ, ký giả đến những cựu nữ sinh; người nào cũng có những nhận xét rất thực, rất tinh túy về dòng nhạc và con người của nhạc sĩ Lam Phương.

Một trong những tác giả có bài viết trong sách “Lam Phương, Nhạc và Đời” là cựu Gia Long Áo Trắng Quế Hương với bài viết “Lam Phương Trọn Đời Cho Âm Nhạc.” Người cựu nữ sinh Gia Long nói, “Nhạc của Lam Phương dễ hiểu, dễ ca, lời hát mộc mạc bình dân, ca lên là hiểu tác giả muốn nói gì liền. Chẳng hạn Thôi là hết anh đi đường anh, tình chúng mình chỉ bấy nhiêu thôi. Những bài hát của nhạc sĩ Lam Phương rất hay như bài Nắng Đẹp Miền Nam hay bài Xuyên lá cành trăng lên lều vải ... (Tình Anh Lính Chiến), Em ơi nếu mộng không thành thì sao? (Duyên Kiếp).

Bà nói tiếp, “Những bài hát của nhạc sĩ Lam Phương hay như vậy mà hầu như những bài trên đều được mấy thằng mắc dịch xóm tôi không hát đúng như lời của tác giả mà hát như vầy: Xuyên lá cành xuyên qua buồng tắm, nàng đang tắm anh rình anh coi. Hay Cười lên đi cho răng vàng sáng chói... hay “Em ơi nếu bụng mang bầu thì sao? Mua chai thuốc chuột uống vô rồi đời.”

Tuy bị sửa lời nhưng theo Quế Hương cho biết, nhạc sĩ Lam Phương không buồn chút nào, trái lại ông còn rất vui vì như thế chứng tỏ nhạc của ông đã thấm vào lòng người.

Cựu ký giả chiến trường Kiều Mỹ Duyên viết: “Nhạc sĩ Lam Phương được đồng bào rất thương mến, nhất là các văn nghệ sĩ. Nhạc của ông được nhiều người thưởng thức với những giọng hát của các ca sĩ nổi danh. Nhưng có một điều đáng buồn là khi hát người ta giới thiệu ca sĩ nhưng đôi khi quên không giới thiệu tên nhạc sĩ. Chân thành chúc nhạc sĩ Lam Phương cũng như các nhạc sĩ tiền bối sức khỏe, vui vẻ và hạnh phúc trong sáng tác hăng say và không ngừng nghỉ.”

Nhà thư họa Vũ Hối từ Maryland tới , mang tặng nhạc sĩ Lam Phương bức thư họa như phượng múa rồng bay:

“Dòng Nhạc y theo dòng Đời
Vô vàn giai điệu tuyệt vời Lam Phương
Còn mặt trời, còn hướng dương
Muôn màu muôn sắc ngoan cường thăng hoa”

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 tháng 3, 1937 tại Kiên Giang, Rạch Giá. Cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa này cũng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, có lúc nghèo khổ, có lúc lận đận vì cuộc tình tan vỡ, lúc khổ sở về bệnh hoạn nên ông đã sáng tác những nhạc phẩm nói lên niềm đau, nỗi khổ đó. Tuy nhiên, dù gặp mọi hoàn cảnh khó khăn ông đều vượt qua và lúc nào cũng nở trên môi nụ cười hiền hòa dễ mến. Ông sáng tác từ năm 15 tuổi và đã cống hiến cho đời hơn 200 nhạc phẩm đủ mọi thể loại. Ngoài thiên tài âm nhạc, NS Lam Phương thể hiện một tình yêu quê hương dạt dào và lập trường chống cộng sản dứt khoát.

Buổi họp mặt 60 năm âm nhạc và ra mắt cuốn “Lam Phương, Nhạc và Đời” kết thúc tốt đẹp với những lời phát biểu dạt dào tình cảm, với bữa tiệc nồng ấm và phút cắt bánh mừng sinh nhật 78 tuổi của NS Lam Phương, một kỷ niệm khó quên. Kết thúc sau một chương trình văn nghệ phong phú do các ca nghệ sĩ đóng góp.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT