Người Việt Khắp Nơi

Hội Phật Giáo Hòa Hảo Nam Cali giỗ Anh Hùng Nguyễn Trung Trực lần thứ 154

Monday, 26/09/2022 - 09:01:09

Nhắc đến Ông thì ai cũng sùng bái cái nghĩa khí "Anh hùng tử chớ khí hùng nào tử” mặc dù đang bị nhà cầm quyền Pháp giam giữ.


Cử hành nghi thức tôn giáo PG Hòa Hảo trong ngày giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực sáng Chủ Nhật tại Hội Quán ở Santa Ana. (Thanh Phong/ Viễn Đông) 

 

Bài THANH PHONG

 

Vào lúc 10 giờ sáng Chủ Nhật, ngày 25.9.2022, Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Nam California đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ lần thứ 154 của vị anh hùng dân tộc, Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực tại Hội Quán, 2114 McFadden Ave, Santa Ana.

 

Để mở đầu chương trình, ông Bạch Văn Trung, người điều hợp chương trình, tuyên bố, “Mỗi khi nhắc đến hai câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Huỳnh Mẫn Đạt “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa / Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần” là người dân Miền Tây Nam Bộ liền tưởng nhớ đến vị anh hùng Nguyễn Trung Trực. Ban tổ chức Lễ Giỗ Anh Hùng Nguyễn Trung Trực rất hân hoan chào đón và cảm tạ sự hiện diện quý báu của quý vị. Hôm nay, ngày 25 tháng 9 năm 2022 nhằm ngày 30 tháng 8 năm Nhâm Dần, Ban Trị Sự PGHH miền Nam California trân trọng cử hành Lễ Giỗ năm thứ 154 của vị anh hùng Nguyễn Trung Trực.”

 

Sau đó, ông mời mọi người đứng lên cử hành lễ chào cờ Quốc Gia Việt Nam, Hoa Kỳ và phút mặc niệm. Ngoài Ban Trị Sự và các đồng đạo PGHH, trong thành phần quan khách có ông Trần Trọng Đạt, Chủ Tịch Đại Việt Quốc Dân Đảng, Giáo sư Trần Văn Chi và ông Phạm Ngọc Lân Hội Trưởng Hội Đồng Hương Tây Ninh, cùng một số cơ quan truyền thông. 

 

 

Ảnh vị anh hùng Nguyễn Trung Trực và hai câu thơ nói lên chiến công lẫy lừng của ông. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 

 

Sau phần giới thiệu quan khách, bà Nguyễn Kim Liên, Trưởng Ban Tổ Chức Lễ Giỗ đọc diễn văn khai mạc:

 

“Kính chào quý quan khách, quý thân hữu, các nhà truyền thông báo chí, quý đồng đạo và quý khán thính giả xem đài đã dành thời giờ theo dõi và tham dự đại lễ tưởng niệm vị anh hùng dân tộc đã oanh liệt hy sinh cho đất nước mà ngàn đời hậu thế vẫn lưu danh.

 

“Ông Nguyễn Trung Trực sinh năm 1838 và đền nợ nước năm 1868 lúc mới tròn 30 tuổi, là người văn võ song toàn. Ông là thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp vào nửa cuối thế kỷ 19 ở Nam Bộ Việt Nam. Sau khi đã đền ơn tổ quốc, được triều đình phong chức Quan Thượng Đẳng Đại Thần.

 

Ông tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh ra và lớn lên tại thôn Bình Nhựt, gia đình sống với nghề chài lưới, được học văn võ tại Bảo Định, Định Tường. Đặc biệt năm 1858-1859 ông đoạt giải quán quân võ đài tại Cái Tài, phủ lỵ Tân An. Võ sinh các môn phái tham gia võ đài đều tôn ông Nguyễn Văn Lịch làm Thủ Lĩnh Dân Quân tham gia chống Pháp.

 

Nhắc đến Ông thì ai cũng sùng bái cái nghĩa khí "Anh hùng tử chớ khí hùng nào tử” mặc dù đang bị nhà cầm quyền Pháp giam giữ, họ dụ ông đầu hàng sẽ phong chức tước nhưng ông một mực từ chối còn dõng dạc với câu nói đầy khí phách cao ngạo: "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người chống Tây” . Ông nổi bật với 2 chiến công hiển hách mà lịch sử đã ghi tạc:

 

-Thứ nhứt, ngày 10/12/1861 Đốt cháy tàu L'Esperance (Hy Vọng) của Pháp trên vàm sông Nhật Tảo.

 

-Thứ hai, ngày 16/06/1868 chiếm đồn lính Pháp tại Rạch Giá Kiên Giang.

 

“Riêng nhà nho Huỳnh Mẫn Đạt đã ca tụng Ngài trong bài điếu văn bằng một bài thơ trong đó có 2 câu để đời: “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa – Kiếm Bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”.

 

“Với trận trên sông Nhựt Tảo, ông là người cầm quân Việt Nam đầu tiên tiêu diệt chiếc thuyền pháo đài của quân đội Pháp. Trận tập kích đồn Rạch Giá, ông là thủ lãnh nghĩa quân duy nhất ở đất Nam Kỳ tạo nên chiến công hiển hách.

 

“Có lẽ không một vị vua chúa, quan chức hay lãnh tụ nào có công với đất nước sau khi chết được xây dựng nhiều đền thờ như ông Nguyễn Trung Trực. Hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…tổng số hơn 20 đền thờ. Riêng Kiên Giang có đến 9 đền thờ chính và còn có rất nhiều đền thờ ghép, tức là thờ chung trong đình làng, trong đền, trong chùa. Thêm một số nhà dân treo ảnh của ông thờ riêng như thờ cửu huyền thất tổ.

 

“Ông cũng đã qui y theo tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy Tây An là sư tổ chuyển tiếp, sau nầy là Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng. Trong thời khoá công phu hằng ngày ĐứcThầy đã lồng tên ông vào bài cầu nguyện trước tam bảo: Nam mô ta bà giáo chủ bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nam mô thập phương Phật. Nam mô thập phương Pháp. Nam mô thập phương Tăng. Nam mô Phật tổ Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần (chính là cụ Nguyễn Trung Trực)

 

“Không những oanh liệt trong các trận chiến mà Ông còn là người trung hiếu song toàn, giữ vẹn Tứ Đại Trọng Ân: Ân tổ tiên cha mẹ- Ân đất nước - Ân Tam Bảo - Ân đồng bào và nhân loại.

 

“Ông đã tự trói mình ra nộp cho giặc vì lòng hiếu hạnh cứu mẹ bị giặc bắt làm con tin và thương đồng bào, đồng đội đang bị bao vây. Trước pháp trường ông luôn hiên ngang đầy khí tiết, chẳng một chút nao lòng.

 

“Tấm gương hy sinh của ông mãi sáng ngời cho hậu thế, là sự tôn kính sống trong lòng mọi người đến muôn đời. Hằng năm rất nhiều nơi trong và ngoài nước tổ chức lễ giỗ linh đình để tưởng nhớ dũng khí của vị anh hùng bất khuất đã dấn thân đền nợ nước.

 

“Rất cám ơn sự có mặt đông đủ của quý vị hôm nay, làm tăng thêm phần long trọng của buổi lễ và cũng là dịp cho chúng ta cùng nhau hồi tưởng lại một chiến tích hào hùng của dân tộc đã trải qua bao ngàn năm văn hiến. Cầu nguyện hồng ân Tam Bảo hộ trì cho thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc.”

 

Bà Nguyễn Kim Liên trong thời gian đầu đại dịch Covid đã cùng một nhóm phụ nữ thiện nguyện bỏ tiền ra mua vải, cắt may hàng chục ngàn khẩu trang gửi cho các chiến sĩ Hoa Kỳ, trong đó có các chiến sĩ Hoa Kỳ gốc Việt đang chiến đấu tại Iraq và một số nơi trên thế giới. Viễn Đông đã phỏng vấn và tường thuật.

 

 

GS Nguyễn Thanh Giàu, Chủ Tịch Hội Đồng Trung Ương GHPGHH tại hải ngoại kiêm Hội Trưởng PGHH Nam Cali trình bày ý nghĩa ngày giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 

 

 

Tiếp theo là nghi thức tôn giáo PGHH do đồng đạo Ngô Văn Ẩn, cựu Trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý, Ban Trị Sự PGHH dẫn phần nghi thức tôn giáo do một số đồng đạo cử hành trước bàn thờ trong Hội Quán và bàn thờ Ông Thiên phía ngoài sân trước. Sau khi cử hành nghi thức tôn giáo, GS Nguyễn Thanh Giàu mời mọi người hướng về bàn thờ Quan Thượng Đẳng Đại Thần để cùng ông dâng lời khấn nguyện.

 

Tiếp đến đồng đạo niên trưởng La Văn Tảo tuyên đọc “Lời Khuyên Bổn Đạo” tức là Tám Điều Răn Cấm của Đức Thầy. Trong đó điều thứ 5, Đức Thầy dạy tín đồ: “Ta chẳng nên ăn thịt trâu, chó, bò và không nên sát sanh hại vật mà cúng thần thánh nào, vì thần thánh không bao giờ dùng hối lộ mà tha tội cho ta, vì nếu ta làm tội sẽ chịu tội, còn những hạng ăn đồ cúng kiếng mà hết bệnh là Tà Thần, nếu ta cúng kiếng mãi thì nó ăn quen sẽ nhiễu hại ta. Điều 6: “Ta chẳng nên đốt giấy tiền vàng bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô lý, vì cõi Diêm Vương không bao giờ ăn hối lộ của ta, mà cũng không xài được nữa, phải để tiền lãng phí ấy mà trợ cứu những người lỡ đường đói rách, tàn tật.”

 

Tiếp tục chương trình, GS Nguyễn Thanh Giàu, Hội Trưởng Ban Trị Sự PGHH Nam California, trình bày “Ý Nghĩa Ngày Giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần.” Lời trình bày của GS Nguyễn Thanh Giàu rất xúc tích, chiếm gần phân nửa thời gian của chương trình buổi lễ nhưng là những điều cần biết cho đồng đạo PGHH.

 

Sau đó, đồng đạo Mỹ Hạnh diễn ngâm bài thơ của Ngài Nguyễn Trung Trực gửi cho thực dân Pháp và đồng đạo Lâm Mỹ Nỷ diễn ngâm bài sấm giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

 

Vị khách duy nhất được mời phát biểu cảm tưởng là giáo sư Trần Văn Chi, một nhân sĩ Phật Giáo, một nhà viết sử và phê bình văn học.

 

GS Trần Văn Chi phát biểu, phía bên phải ông là chân dung anh hùng Nguyễn Trung Trực (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 

 

Giáo sư Trần Văn Chi trình bày ngắn gọn hoàn cảnh của Việt Nam lúc bấy giờ để cho mọi người thấy sự hy sinh cao cả của ông Nguyễn Trung Trực, một người có lòng yêu nước thiết tha và luôn tuân giữ đúng Tứ Ân mà Đức Thầy đã chỉ dạy, xứng đáng là một vị anh hùng dân tộc và xứng đáng với tước vị “Quan Thượng Đẳng Đại Thần”.

 

Về Quan Đại Thần Nguyễn Trung Trực. Giáo sư Trần Văn Chi nói, “Thật sự ông Nguyễn Trung Trực không phải là quan lại của nhà Nguyễn lúc bấy giờ, nhưng khi ông mất rồi vua phong là Thượng Đẳng Đại Thần, có ý nghĩa là sống thì làm Tướng, chết thì làm Thần, và lúc bấy giờ Vua Tự Đức mới phong Thần cho ông và phong một vài người khác nữa trong đó có ông Trương Công Định, nhưng ông Nguyễn Trung Trực được phong chức cao nhất là Quan Thượng Đẳng mặc dù ông không có làm quan ngày nào hết. Cái đó là cái đặc biệt. Thứ hai là tại sao biết bao nhiêu người không lấy cái tên mà lấy tên Nguyễn Trung Trực, không phải vì ông sống ở Rạch Giá không đâu mà ảnh hưởng của ông rất nhiều, có hiếu với cha mẹ, có lòng thương dân, thương đồng bào, cái đó nó hợp với Tứ Ân, và lấy cái đó làm tên Nguyễn Trung Trực. Cái ý nghĩa nó là như vậy.”

 

Hai vị nữ lưu xuất sắc của PGHH, bà Kim Liên (TBTC, bên trái) và bà Huỳnh Mai, một nhà văn chuyên dùng khả năng và kiến thức của mình phổ biến giáo lý PGHH (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 

 

Buổi lễ hoàn mãn vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày.

 

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT