Văn Nghệ

Hội thoại âm nhạc Về buổi nhạc Chiều Nhạc Ngàn Khơi 2017

Thursday, 09/11/2017 - 08:53:06

Chương trình Đàn Chim Tha Hương muốn giới thiệu đến quý vị phạm vi rộng lớn của âm nhạc Hồ Đăng Tín nên có rất nhiều ca khúc và những bài nhạc giao hưởng độc đáo.

Hàng năm, Chiều Nhạc Ngàn Khơi với những bài trường ca, những ca khúc có giá trị nghệ thuật thấm đẫm tình tự dân tộc đã trở thành một trong những sự kiện âm nhạc rất được mong đợi với khán giả yêu nhạc miền Nam California. Chiều Nhạc Ngàn Khơi 2017 vào ngày Chủ Nhật 19 tháng 11 tới đây, lấy chủ đề "Đàn Chim Tha Hương," cũng là tên một ca khúc của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín, sẽ gửi đến khán giả phần lớn các tác phẩm của Hồ Đăng Tín sáng tác hoặc viết hòa âm.
Buổi hội thoại hôm nay với nhạc trưởng Bùi Quỳnh Giao và BS Nguyễn Thị Nhuận thay mặt ban điều hành Ngàn Khơi sẽ giới thiệu đến quí khán thính giả một vài đường nét nổi bật của âm nhạc Hồ Đăng Tín.

Hỏi: Hồ Đăng Tín là một vị nhạc sĩ lão thành hiện sống tại VN với kiến thức âm nhạc uyên thâm, có gia tài sáng tác thanh nhạc và khí nhạc dồi dào với nhiều thể loại khác nhau, bao gồm những tác phẩm hòa âm cho hợp xướng, những bản giao hưởng, những ca khúc trữ tình… Điểm đặc biệt, ông là một nhạc sĩ Phật tử với những bài thiền ca thanh cao, nhưng lại viết nhiều bài thánh ca Công giáo như trường ca "Mẹ La Vang," với cảm xúc rất lạ. Mời BS Nhuận nói sơ lược về tiểu sử, sự nghiệp hòa âm & phối khí của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín. Tại sao chương trình nhạc NK lần này lấy chủ đề Đàn Chim Tha Hương?

NTN: Nhạc s ĩ Hồ Đăng Tín sinh ngày 1.10.1935 tại Huế. Ông giỏi nhạc từ nhỏ. Lúc 10 tuổi, ông đã cùng thầy dạy nhạc là nhạc sĩ Ngô Ganh hòa tấu guitar và mandoline trên con thuyền lơ lửng giữa dòng sông Hương vào những đêm trăng. Năm 12 tuổi, ông là thành viên trong ban nhạc của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, chơi ở một phòng trà tại cố đô Huế và bắt đầu học hàm thụ về Sáng Tác tại Ecole Universelle par correspondance de Paris.

Năm 14 tuổi ông đoạt giải thưởng sáng tác với ca khúc "Thanh Niên Chính Khí Ca" (thất truyền) của bộ Thông Tin Văn Hóa thời bấy giờ.
- Tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Saigon năm 1960.
- Tốt nghiệp Hòa Âm và Đối Âm 1961 tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ SaiGon và cũng là sinh viên độc nhất lớp Sáng Tác thời bấy giờ.
- Đang học Cao Học Luật tại Đại Học Luật Khoa Saigon 1962, ông bị động viên nhập ngũ và sau đó chuyển về Bộ Chỉ Huy Quân Nhạc làm Sĩ Quan Huấn Luyện kiêm Trưởng Phòng Huấn Luyện.
- Năm 1966 ông làm Nhạc Trưởng Đài Voice Of Freedom cho đến 1975.
- Giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật về khí nhạc năm 1971 với tác phẩm "Concerto for Violin and Orchestra".
- Giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật về sáng tác ca khúc 1971 với tác phẩm "Đi Cấy Đi Cầy"dưới tên Phí Ích Bành.
Ông đi tù cải tạo 1975 cho đến hết năm 1980. Năm 1981 ông lập gia đình và hiện nay đang sống tại Việt Nam.

Ông có một kho tàng sáng tác và hòa âm thật phong phú, gồm nhiều ca khúc và những bài nhạc giao hưởng cũng như rất nhiều phần hòa âm cho ca khúc của các nhạc sĩ khác.

Đàn Chim Tha Hương là một sáng tác viết năm 1949 khi ông mới 16 tuổi. Ca khúc nói lên được tâm tình xa xứ của cộng đồng người Việt hải ngoại, do đó được chọn làm tên buổi nhạc được tổ chức như một lời cám ơn nhạc sĩ Hồ Đăng Tín vì những đóng góp âm nhạc dồi dào của ông mà Ngàn Khơi đã được thụ hưởng và đã hát rất nhiều ca khúc do ông sáng tác cũng như viết hòa âm cho hợp xướng.

Hỏi: Thưa nhạc trưởng Bùi Quỳnh Giao, được biết, một trong những nhà thơ rất hợp với nhạc Công Giáo của Hồ Đăng Tín là Lê Đình Bảng. Sự kết hợp giữa thơ Lê Đình Bảng, và nhạc/hòa âm Hồ Đăng Tín đã tạo nên những tác phẩm mang màu sắc tâm linh tuyệt vời. Một số bài hát ấy sẽ được trình diễn trong Chiều Nhạc Ngàn Khơi 2017 như: "Nguyện Cầu" và "Về Nhà Mẹ" trích từ trường ca "Mẹ La Vang. Mời anh nói về khía cạnh này của nhạc Hồ Đăng Tín.

BQG: Muốn hiểu nhạc thánh do nhạc sĩ Hồ Đăng Tín sáng tác chúng ta cần phải biết rằng niềm tin là động cơ mạnh mẽ khi nhạc sĩ Hồ Đăng Tín sáng tác nhạc tôn giáo. Chúng ta biết điều đó qua lời thuật lại của ông về một kinh nghiệm hết sức nhiệm mầu đã xảy ra cho ông.

Trong thời gian ông ở tù cải tạo tại Lạng Sơn, trại tù ông ở đang lan tràn bệnh dịch hạch. Và chính ông đã bị nhiễm bệnh. Trong giờ phút lâm bệnh không thuốc men ông đã thiền. Trong lúc thiền thì ông thấy hình ảnh Đức Mẹ hiện ra, từ hai tay Đức Mẹ tỏa sáng nguồn hào quang phủ lên ông, đây là điều rất đặc biệt vì ông là người theo Phật giáo. Sau khi ngưng thiền, ông sờ lên chỗ nổi hạch, thấy nó đã lặn mất. Sau kinh nghiệm nhiệm mầu này ông đã bắt đầu sáng tác nhạc tôn giáo như bài hợp xướng "Hoa Hồng Của Mẹ", cũng chính là bài đầu tiên ông đã đưa cho Ban Hợp Xướng Trùng Dương tại Sài Gòn để hát ngay sau khi ông ra tù cải tạo.

Hai tiểu khúc "Nguyện Cầu" và "Về Nhà Mẹ" trích từ trường ca "Mẹ La Vang". Trường ca này có tất cả 7 tiểu khúc, 7 tiểu khúc này được ông dựa hoàn toàn trên nền nhạc dân tộc Việt Nam. Tiểu khúc mang tên "Nguyện Cầu" dựa trên điệu Ru Con của Dân Ca Nam Bộ với âm điệu nhẹ nhàng ngân nga đầy tình cảm, còn tiểu khúc "Về Nhà Mẹ" được ông viết dựa trên nền nhạc Tây Nguyên rộn ràng của một điệu vũ dân tộc người Jarai .

Cái độc đáo theo nhận xét của Giao về bài Về Nhà Mẹ là như vầy, Giao xin được đi vào chi tiết để khán thính giả có thể có một khái niệm về nhạc của NS Hồ Đăng Tín. Trong bài Về Nhà Mẹ có câu "nghe bốn phía ngân vang âm phế tích. Mỗi viên đá còn tươi nguyên máu thịt...Cỏ lau reo hay hồn vía bao đời. Mỗi năm thầm thì từ mạch giếng sâu khơi. Mỗi dấu vết mỗi kinh qua lịch sử." Lời bài Về Nhà Mẹ nói về một lịch sử hết sức tang thương, hết sức thiêng liêng trong cộng đồng Công Giáo khi hơn một trăm con dân Thiên Chúa đã tử vì đạo. Trái ngược với sự suy nghĩ bình thường, nhạc sĩ Hồ Đăng Tín đã dùng một điệu nhạc dân tộc hết sức rộn ràng và nhiều dân tộc tính để mô tả một sự kiện rất đau thương. Anh Nguyễn Hoàng Hương đã nói với ca viên trong một buổi tập là anh muốn các cô mặc y phục dân tộc Tây nguyên khi trình bày bài Về Nhà Mẹ... tức là mặc váy nhưng không mặc áo. Dĩ nhiên anh nói đùa nhưng trong cái đùa anh Hương cũng cho chúng ta thấy cái phong cách rộn ràng của điệu vũ dân tộc của bài Về Nhà Mẹ. Nhạc sĩ Hồ Đăng Tín đã dùng một điệu nhạc hết sức bình dân gần gũi với cảm xúc tầm thường của con người để nói lên một điều gì hết sức là thiêng liêng, hết sức thánh khiết. Người VN chúng ta có câu "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", dường như Hồ Đăng Tín đã cố ý tô điểm một vẻ đẹp vô cùng thiêng liêng bằng những hình ảnh và cảm xúc có tánh chất phàm tuc.


Hỏi: Được biết chiều Nhạc Ngàn Khơi 2017 cũng giới thiệu một số những bài Thiền Ca của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín sáng tác hoặc viết hòa âm, xin mời BS Nhuận trình bày.

NTN: Nhạc sĩ Hồ Đăng Tín có in một tập nhạc thiền tên là Mây Trắng Non Xanh với rất nhiều ca khúc nói lên những ý nghĩa Phật pháp mà ông đã thấm nhuần. Lời của những ca khúc này thật an nhiên, tươi đẹp. Cuộc đời của ông cho thấy ông xem âm nhạc như phương tiện làm đẹp thêm cho cuộc đời chứ không như kế sinh nhai vì ông đã học được chữ Vô Ngã của nhà Phật. Ông là nhạc sĩ nhưng không sống về nghề nhạc, tốt nghiệp luật sư nhưng lại sống đời lính. Tựu trung ông vẫn là ông dù dòng đời xoay vần đến đâu. Những ca khúc Thiền trong chương trình hy vọng sẽ đem đến cho khán thính giả những giờ phút an nhiên, thanh thản.

Hỏi: Mệnh nước nổi trôi của đất nước đã tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho những vị nhạc sĩ cổ thụ của nền tân nhạc Việt Nam. Chiều Nhạc Ngàn Khơi 2017 sẽ giới thiệu các ca khúc "Hòn Vọng Phu 3" của Lê Thương và "Nhớ Người Thương Binh" của Phạm Duy do nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết hòa âm cho hợp xướng, như muốn nhắc đến dấu vết chiến tranh trong số phận quê hương Việt Nam. Phần hòa âm của bài Người Chinh Phu Về (tức Hòn Vọng Phu 3) thật sống động, sẽ khiến người nghe như có tiếng vó ngựa đâu đó; và "Nhớ Người Thương Binh" thì như có tiếng khóc nỉ non của người thiếu phụ xót xa cho số phận "chàng về nay đã cụt tay".
Thưa nhạc trưởng BQG, mời anh chia sẻ thêm về ý nghĩa 2 bài hát này trong khuôn khổ buổi chiều nhạc sắp tới

BQG: Chị đã nói lên một vài nét độc đáo của hai bài Hòn Vọng Phu và Nhớ Người Thương Binh. Giao mong khán thính giả sẽ không bỏ qua cơ hội để nghe hai bài này được trình bày dưới hình thức hợp xướng. Khi nghe xong quí vị sẽ khâm phục tài sáng tác của hai vị nhạc sĩ Lê Thương và Phạm Duy vô cùng. Sau đó nếu quí vị có dịp nghe và so sánh 2 bài này dưới nhiều hình thức thì Giao tin rằng quí vị sẽ bắt đầu khâm phục tài nghệ của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín, đã phối âm hai bài này theo hình thức hợp xướng. Và sau đó quí vị chỉ muốn nghe hai bài này dưới hình thức hợp xướng mà thôi.

Hỏi: Chương trình lần này còn trình bày vài ca khúc của nhạc sĩ Cung Tiến, đặc biệt Ngàn Khơi sẽ hợp xướng ca khúc "Hương Xưa", một ca khúc thường được trình bày đơn ca…Trong những lần tập dợt, khi nghe giọng hát của mấy chục ca viên NK với nhiều bè hòa quyện với nhau để diễn tả Hương Xưa của Cung Tiến, cảm xúc anh ra sao?

BQG: Bài Hương Xưa là một bài đơn ca. Nó đòi hỏi một giọng hát có hơi dài và cao vút mà ít ca sĩ có đủ khả năng trình bày. Và giống như nhạc Chopin, nó đòi hỏi người ca sĩ phải hát tự do lả lơi chứ không bị gò bó bởi khuôn nhịp như nhạc của Bach hay Beethoven. Vậy nên khi trình bày bài Hương Xưa dưới hình thức hợp xướng, điều thách thức lớn nhất để khơi dậy hồn của bài ca là làm sao cho 40 ca viên có thể tự do lả lơi thoát ra khỏi sự gò bó của khuôn nhịp...lúc nhanh, lúc khoan thai, lúc dồn dập vũ bão, giọng ca phải du dương bồng bềnh như "một chiều nắng tơ vàng hiền hoà hồn có mơ xa..." Thưa quí khán thính giả, Q Giao tin rằng BHX Ngàn Khơi có thể đạt được mục tiêu đó khi có sự hiện diện của quí khán thính giả. Mong quí khán thính giả đến đông đủ để có thể chứng kiến một sự kiện lịch sử có thể xảy ra trong chương trình Chiều Nhạc NK Đàn Chim Tha Hương. Sự kiện lịch sử đó là những người ca viên hằng ngày chỉ là những bà nội trợ đứng bếp để chuẩn bị mâm cơm cho gia đình và lâu lâu chỉ biết gào lên la con cái phải học bài..., thì trong buổi nhạc, chính giọng hát của họ sẽ đưa quí khán thính giả vào một thế giới mà chỉ qua ngưỡng cửa thơ văn và âm nhạc chúng ta mới có thể bước vào.

Hỏi: Trong gia tài sáng tác của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín còn có những bài tình ca sâu lắng, độc đáo, như bài "Thương Yêu" được ông viết tặng cho bạn đời của mình, hay bài "Cửa Mùa Xuân" lời thơ Nhã Ca, nhạc Hồ Đăng Tín. Mời BS Nhuận chia sẻ về nhạc tình Hồ Đăng Tín, và trình bày những chi tiết cụ thể xung quanh chiều nhạc Ngàn Khơi 2017, sẽ diễn ra ngày nào, ở đâu, bao gồm những thành phần nghệ sĩ nào, bài bản, ra sao, cách thức mua vé.

NTN: Trong gia tài sáng tác của nhạc sĩ Hồ Đăng Tín có những bài hòa âm hoặc sáng tác tình ca rất độc đáo. "Chú Cuội" là một bài tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy viết tặng cho hiền thê của mình, ca sĩ Thái Hằng, khi hai người mới lấy nhau, được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết hoà âm cho ban Cát Trắng trình diễn. Trong khi đó bài "Thương Yêu" được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín viết tặng cho bạn đời của ông. Bài hát mở đầu bằng câu "Xưa từ biệt nhau lên đường" tức lúc bà chỉ mới là người yêu của ông đã tiễn ông lên đường đi tù cải tạo, vẫn chưa biết ngày nào ông sẽ trở về. Ca khúc này sẽ được giọng hát "rất tình" của Trần Thái Hòa gửi đến người nghe, kể lại câu chuyện tình thủy chung của tác giả và bạn đời của mình. Ngoài ra Trần Thái Hòa cũng sẽ tăng thêm niềm thích thú cho người nghe khi ru họ vào cõi thơ nhạc tuyệt diệu qua ca khúc "Nguyệt Cầm" (nhạc Cung Tiến, thơ Xuân Diệu). Tiếng hát đầy kỹ thuật, nhưng cũng thật tình cảm của Mộng Thủy sẽ diễn tả ca khúc "Cửa Mùa Xuân" lời thơ Nhã Ca, nhạc Hồ Đăng Tín. Giọng ca giàu tình cảm của Phạm Hà sẽ đem lại những bâng khuâng khó tả cho người nghe qua ca khúc "Một Lần Yêu". Còn nhiều bài tình ca nữa, quí vị sẽ được nghe trong chương trình qua giọng hát của Bích Vân, Bích Liên, Thương Linh... Nói chung nhạc tình của nhạc sĩ họ Hồ không có những ca từ thống thiết quằn quại nhưng nói lên những tình cảm thiêng liêng chung thủy trong mối tình đôi lứa.

Chương trình Đàn Chim Tha Hương muốn giới thiệu đến quý vị phạm vi rộng lớn của âm nhạc Hồ Đăng Tín nên có rất nhiều ca khúc và những bài nhạc giao hưởng độc đáo.

Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017 tại Sài Gòn Performing Arts Center. Vé có bán trước tại Tú Quỳnh, nhật báo Viễn Đông (714- 379- 2851), trụ sở Ngàn Khơi (714- 531- 2773) và on line tại Bolsa Tickets. Mời quí vị đến nghe để có được một buổi chiều đầy tình tự dân tộc và quê hương mà lúc nào chúng ta cũng muốn hướng về.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT