Phóng Sự

Hội Trái Tim Bác Ái và những hoạt động từ thiện (kỳ 1)

Sunday, 03/03/2019 - 09:55:06

Các thành viên và thiện nguyện viên của Hội Trái Tim Bác Ái là những người đến từ nhiều tôn giáo khác nhau, cùng có tấm lòng sẻ chia, yêu thương, phục vụ, hăng say, nhiệt thành. Trong trái tim của họ luôn mong ước sẽ giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nữa.


Dược sĩ Mai (áo trắng, đội nón đỏ) đại diện Hội Trái Tim Bác Ái tặng quà giáng sinh cho trẻ. (Hình cung cấp)

Bài BĂNG HUYỀN

Hội Trái Tim Bác Ái tên tiếng Anh là Hearts of Charity Foundation (HCF) là một Hội Từ Thiện bất vụ lợi, có giấy miễn trừ thuế của chính phủ Hoa Kỳ, được thành lập từ năm 2008 do Dược sĩ Nguyễn Thị Mai, người sáng lập kiêm chủ tịch của Hội.

Dược sĩ Mai cho biết Hội không có trụ sở, thành viên của Hội có khoảng 10 người và rất đông các thiện nguyện viên chung tay giúp những hoạt động bác ái của Hội. Mọi người đều không có lương, những chuyến đi về Việt Nam để giúp người bất hạnh ở quê nhà, các thành viên và hội trưởng đều tự bỏ tiền túi mua vé máy bay, chi phí ăn ở.

Các thành viên và thiện nguyện viên của Hội Trái Tim Bác Ái là những người đến từ nhiều tôn giáo khác nhau, cùng có tấm lòng sẻ chia, yêu thương, phục vụ, hăng say, nhiệt thành. Trong trái tim của họ luôn mong ước sẽ giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nữa.

Dược sĩ Mai nói, “Chúng tôi chọn tên gọi Trái Tim Bác Ái, vì tôi nghĩ ở bên này có rất nhiều người có tấm lòng tốt, cùng hợp lại với nhau để làm việc bác ái. Vì mỗi người ai cũng có lòng bác ái, có người có nhiều, có người có ít. Vì vậy mọi người cùng làm việc bác ái với nhau, cùng có trái tim bác ái giúp người bất hạnh.”
 

Trường dạy giáo lý do Hội Trái Tim Bác Ái giúp xây dựng trong nước. (Hình cung cấp)

Chương trình tại Việt Nam

Từ khi thành lập đến nay, Hội Trái Tim Bác Ái thường xuyên gây quỹ qua các hoạt động như rửa xe, garage sale, tiệc gây quỹ mang tên Đêm Tình Thương tổ chức hằng năm. Tiền gây quỹ được Hội Trái Tim Bác Ái giúp đỡ những người bất hạnh, trẻ em mồ côi, khuyết tật, những người nghèo khổ, bệnh tật tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, Hội Trái Tim Bác Ái đã có những hoạt động từ thiện thông qua nhà thờ và nhà chùa tại những nơi hẻo lánh từ Nam, Trung, Bắc, như giúp Chùa Bồ Đề ở ngoài Bắc chuyên nuôi những trẻ bị bỏ rơi. Ở miền Trung thì phụ với Giáo Xứ Tà Nung, Đà Lạt, chuyên giúp đồng bào nghèo thiểu số, các trẻ em khuyết tật. Tại Pleiku, Kontum, hội đến hai ngôi chùa Bửu Sơn và Khánh Thiện, giúp gia đình nghèo tại đây gạo, thực phẩm và đèn năng lượng mặt trời cho gia đình nghèo người Thượng, và nhà thờ Nguyệt Biều ở Huế chuyên giúp các em gái lầm lỡ. Tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, Hội giúp các soeur dòng Đa Minh xây một trạm khám bệnh. Vì thiếu thốn điều kiện, một soeur ở đây vừa là phụ trách y tế vừa là y tá vừa là bác sĩ. Tại một trại phong cùi, đã giúp cho gia đình gạo, thực phẩm và đèn năng lượng mặt trời.
Tại Nghệ An, giúp giáo xứ Phú Long xây dựng những lớp học còn dang dở. Ước mơ của các thành viên của Hội là xây thêm nhiều trường học để các trẻ em nghèo tại đây được đi học.

Chương trình tại Mỹ

Không chỉ giúp người bất hạnh tại Việt Nam, ở Mỹ, Hội có những chương trình giúp đỡ cộng đồng như Hội Chợ Y Tế, khám sức khỏe, khám răng, tổ chức những buổi hội thảo giúp trẻ em bệnh tự kỷ… Phát quà Giáng Sinh cho các em tại nhiều nơi trong Quận Cam. Ngoài ra Hội còn tham gia vào các chương trình cứu trợ thiên tai, các công tác từ thiện tại địa phương và giúp những trường hợp bất thường xảy ra.
Dược sĩ Mai cho biết, “Số tiền gây quỹ của Hội được tôi và một số anh chị thành viên của Hội trực tiếp mang về Việt Nam. Chúng tôi tìm đến các nữ tu, linh mục, và ni cô trong vùng để có được những chỉ dẫn và trợ giúp mà không qua một đại diện nào khác của chính quyền. Không chỉ thực hiện những chương trình từ thiện tại Việt Nam, Hội Trái Tim Bác Ái còn thực hiện những chương trình tại Little Saigon.
“Trong những năm qua Hội đã tổ chức những hội chợ y tế với hàng chục gian hàng của bạn bè thân hữu. Bên cạnh đó là những buổi hội thảo về bệnh tự kỷ, cứ hai tháng một lần, và thường được tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. Riêng về hội chợ y tế, Hội luôn có sự cộng tác của các bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ và các chuyên viên y tế đang làm việc tại các bệnh viện lớn ở Nam California qua các dịch vụ khám bệnh, đo áp suất máu, đo độ đường trong máu, khám răng, đồng thời tư vấn về thuốc men và sức khỏe cho mọi người, không lấy một chi phí nào. Tôi may mắn có được sự đồng hành của bạn bè thân hữu trong ngành y và mạnh thường quân khắp nơi hỗ trợ.”

Hằng năm Hội Trái Tim Bác Ái sẽ tổ chức ít nhất là một chuyến đi về Việt Nam để giúp các trẻ em khuyết tật dưới nhiều hình thức khác nhau. Không hoạt động đơn độc, Hội còn phối hợp với các tổ chức hội đoàn khác để hoạt động của hội thêm phong phú và có thể giúp các em khuyết tật tại Việt Nam nhiều hơn nữa. Ví dụ như Hội kết hợp với các Hội khác như Operation Smile, Hope For Tomorrow... Hội từng phối hợp cùng VHOG (Vietnamese Harley Owner Group do luật sư Đỗ Phủ sáng lập) tổ chức ngày diễn hành mô tô tại khu vực Little Sài Gòn gây quỹ vào năm 2009.

Noi gương thân phụ

Dược sĩ Nguyễn Thị Mai cho biết khi còn sống, ba cô rất thích giúp đỡ người nghèo, thích bênh vực những người yếu đuối. Khi gia đình cô vượt biên đến đảo cuối năm 1979. Ba cô đi tới đâu cũng đều được tin tưởng, vì tính của ông rất tốt, luôn dấn thân giúp đỡ mọi người.

“Khi ở đảo, ba được mời vào ban phát gạo của đảo và bầu làm trưởng ban phát gạo. Mỗi khi phát gạo, ba phát hết cho mọi người trước, rồi mới phát cho người nhà chúng tôi. Nhiều khi đến phiên người nhà thì gạo không còn đủ nên nhận được ít hơn những người được phát trước đó. Ở đảo được 10 tháng, khi đại diện Mỹ phỏng vấn ba, đã đồng ý cho gia đình chúng tôi qua Mỹ, lúc đó là năm 1980, tôi tròn 6 tuổi.
“Gia đình tôi gồm có 9 người, 6 anh chị em tôi và ba mẹ cùng với một người cháu của ba. Từ nhỏ tôi đã nhìn thấy hình ảnh ba giúp đỡ người này, người kia nên luôn lưu lại trong đầu tôi. Tôi nhớ hoài vào dịp giáng sinh, có một gia đình người Mỹ muốn làm cho một gia đình được hạnh phúc nhân lễ giáng sinh tại một trung tâm dạy ELS của cộng đồng, khi đó mẹ đang học ESL ban đêm (ban ngày đi làm ở nhà hàng của người ta) trong một trung tâm, nên những người tại đó đã chọn mẹ tôi, có lẽ vì mẹ có gương mặc hiền lành, phúc hậu.

“Khi đó gia đình tôi nghèo lắm thuê một chỗ ở chỉ có hai phòng mà gia đình tôi ở gồm tất cả 9 người, thêm với gia đình người chú là 3 người nữa, thêm một gia đình khác ở chung. Gia đình người Mỹ tới nhà, khi đó tôi đi lễ buổi đêm lúc 10 giờ ra, về nhìn thấy quà được bày ra hết cả phòng. Có thể nói giáng sinh năm đó gia đình tôi sung sướng vô cùng. Kỷ niệm nhớ hoài không bao giờ quên. Vì kỷ niệm này mà khi lập ra Hội, tôi đã tìm đến các ân nhân bảo trợ những món quà để dành tặng cho các em vào dịp lễ giáng sinh.”

Nhắc lại cơ duyên lập ra Hội, Dược Sĩ Mai kể, “Trước năm 2008, anh trai tôi về Việt Nam, vợ chồng anh trai tôi đi thăm nhiều nơi và có chụp rất nhiều hình khi đi từ Bắc, Trung, Nam. Anh đem hình về đưa tôi xem, tôi nhìn thấy những đứa trẻ lem luốc, chân không có dép, đi chân không. Nhìn thấy vậy, tôi không cầm lòng được. Khi đó ba tôi chưa mất, ba tôi chỉ đang bệnh thôi. Tôi có nói ý định muốn lập ra Hội Từ Thiện được ba khuyến khích. Nhưng đó chỉ mới chớm nghĩ thôi, chưa rõ ràng.

“Sau khi ba tôi mất (năm 2008) tôi đã quyết định lập ra Hội để tưởng nhớ đến ba, vì ba tôi lúc còn sống, luôn thích giúp đỡ người nghèo khổ. Lần đầu tiên tôi tổ chức tiệc gây quỹ ngay tại Quán Bún Ban Mai (8890 Bolsa Ave, Westminster), là quán của gia đình mở ra, buổi gây quỹ mở ra từ sáng đến chiều ngày Chủ Nhật, chỉ có một tô bún và chai nước thôi. Mà buổi gây quỹ rất thành công. Khoảng gần 80 mấy người đến ủng hộ. Người này ăn xong rời đi, người khác vào. Hầu như toàn người quen hoặc khách của quán. Tiền thu được không trừ chi phí, mẹ tôi ủng hộ bằng cách nấu bún thịt nướng để phục vụ. Gây quỹ lần đó khoảng $4,000 đồng. Khi đó còn có ban nhạc là hai vợ chồng anh Đông, và những người bạn của tôi đến hát giúp vui, họ vừa giúp vui và đóng góp tiền để gây quỹ nữa.”

Dược sĩ Mai nói, “Khi ba tôi mất, ba có trăn trối lại thay vì những người quen đến tặng vòng hoa, thì hãy lấy số tiền đó tặng cho người nghèo. Nên số tiền của mọi người đến viếng đám tang ba khoảng hơn $4,000, cộng với tiền gây quỹ, tổng cộng lại gần 10 ngàn đồng, tôi đã mang về Việt Nam lần đầu tiên. Khi tôi rời Việt Nam chỉ mới 6 tuổi, đến lúc tôi về tôi hơn 30 tuổi rồi. Chuyến đầu tiên tôi về rất nhiều bỡ ngỡ. Tôi đi cùng vài anh chị em trong nhóm, là những bạn bè có tấm lòng hướng đến người nghèo, lúc đó chưa chính thức lập ra Hội Trái Tim Bác Ái, vẫn đang làm giấy tờ để lập Hội.”

Nhắc lại chuyến đi về Việt Nam lần đầu tiên, Dược sĩ Mai kể, “Khi đó chúng tôi cũng chẳng biết tìm đến đâu để giúp, chỉ biết là đi ra phía Bắc, Lạng Sơn, Cao Bằng. Giờ nghĩ lại thấy lúc đó thật ngờ nghệch, chẳng có kế hoạch gì hết. Mang một đống đồ chơi bên này đem về, mua giày dép bên này để cho, mua chocolate, quần áo. Nhưng chúng tôi ngố đến mức mua đồ đem về bị trả tiền phí vận chuyển. Thay vì đem tiền về bên đó mua đồ đem tặng thì hay hơn.

“Bấy giờ anh Tuấn quen chúng tôi ở bên này, chỉ cho chúng tôi về bên đó, tìm đến chùa Bồ Đề ở miền Bắc và nhà thờ tại Lạng Sơn. Khi chúng tôi tìm đến chùa Bồ Đề chuyên nuôi trẻ em bị bỏ rơi. Nhìn thấy Chùa nằm gần bờ sông, mà sân chùa không có hàng rào, nên rất nguy hiểm cho các em. Chúng tôi hứa sẽ giúp xây dựng hành rào ở đây để các em có sân chơi. Chúng tôi tìm giúp nhà dòng Phao Lô ở Huế và đến Lạng Sơn để tặng giày dép cho các em. Vì bạn tôi làm ở nhà thương nhi đồng (nhà thương CHOC), giúp tôi mua tận gốc loại giày cho con nít mang, rất mềm, tặng các em, các em thích lắm.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT