Người Việt Khắp Nơi

Hội Truyền Thống Phát Diệm mừng bổn mạng

Wednesday, 11/10/2017 - 09:24:54

“Dụ ngôn vườn nho của Chúa Giêsu không những là lời lời cảnh báo cho những người Do Thái đương thời mà đây cũng là lời cảnh báo cho tất cả mọi người Kitô hữu.” (Trọn bài giảng này được đăng trên trang B2 trong cùng số báo hôm nay).

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - Hội Truyền Thống Phát Diệm tại Nam California do TS Phạm Kim Long làm Hội Trưởng, vừa tổ chức họp mặt mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi, Bổn Mạng tại hội trường Trung Tâm Công Giáo Việt Nam vào sáng Chủ Nhật, ngày 8 tháng 10, 2017.

Linh Mục Giuse Trần Văn Kiểm, Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo, Linh Hướng của Hội và cũng là đồng hương Phát Diệm đã chủ tế thánh lễ. Sau khi công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthew, LM Trần Văn Kiểm đã nhắc nhở giáo dân về dụ ngôn Vườn Nho mà Chúa đã nói thật rõ ràng:


Phương Đình Nhà Thờ Chính Tòa Phát Diệm. (Ảnh tài liệu)

“Vườn nho của Chúa là dân tộc Israel, dân tộc đã được Thiên Chúa chọn gọi một cách đặc biệt, để qua dân tộc này, muôn dân, muôn nước được đón nhận ơn cứu độ của Chúa. Nhưng trong suốt dòng lịch sử của ơn cứu độ, ông chủ vườn nho chính là Thiên Chúa đã không hài lòng vì những người tôi tớ gian ác và bội tín, đã được trao cho trọng trách trông coi vườn nho, đã không làm cho vườn nho sinh hoa kết quả, mà còn tìm hết mọi cách để ngăn cản những sứ giả mà Chúa đã sai tới với họ.

“Dụ ngôn vườn nho của Chúa Giêsu không những là lời lời cảnh báo cho những người Do Thái đương thời mà đây cũng là lời cảnh báo cho tất cả mọi người Kitô hữu.” (Trọn bài giảng này được đăng trên mục Đạo và Đời, xin bấm vào đây).

LM cũng nhắc nhở giáo dân hàng ngày hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi, vì kinh Mân Côi là sứ điệp của Đức Mẹ, là lời ngợi khen Đức Mẹ đẹp ý Chúa nhất. Sau đó, LM Trần Văn Kiểm chia sẻ với mọi người về một số kỷ niệm ở Phát Diệm, về việc lễ Bổn Mạng của giáo phận Phát Diệm, về tinh thần đạo đức, sùng kính Mẹ Mân Côi của giáo dân Phát Diệm. Cha Kiểm cũng kể câu chuyện ngài từ Hoa Kỳ về thăm Đức Giám Mục Phát Diệm.

Sau thánh lễ, TS Phạm Kim Long thay mặt giáo dân trong Hội Truyền Thống Phát Diệm ngỏ lời cám ơn Cha Linh hướng và mọi người tham dự thánh lễ, và mời mọi người ở lại hội trường dùng tiệc mừng.
Hội Truyền Thống Phát Diệm được thành lập vào ngày 17 tháng 7, 1989 tại Nam Cali với mục đích qui tụ giáo dân Phát Diệm để cùng nhau sinh hoạt, liên kết nhau, giúp nhau sống đạo và sống tinh thần bác ái, đoàn kết, chia sẻ buồn, vui tại xứ người. Hàng năm mọi người có dịp hội ngộ vào ngày lễ Bổn Mạng, trước là để hiệp dâng thánh lễ tôn vinh Đức Mẹ Mân Côi, sau là để cầu nguyện cho gia đình, cộng đồng và cho Giáo Hội Mẹ Phát Diệm cũng như cho quê hương Việt Nam.


Giáo dân Phát Diệm chụp ảnh lưu niệm với cha Linh Hướng Trần Văn Kiểm. TS Nguyễn Kim Long, Hội Trưởng ngồi phía trước cha Kiểm. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Phát Diệm là một Giáo Phận nổi tiếng trong các giáo phận Công Giáo Việt Nam. Được Đức Thánh Cha Gregorius XVI ký sắc lệnh ngày 27 tháng 3, 1846 phân chia giáo phận Tây Đàng Ngoài thành hai giáo phận, một vẫn giữ nguyên tên cũ giáo phận Tây và giáo phận mới tên Nam. Vùng đất Phát Diệm lúc đó có bốn xứ với số giáo dân: Phúc Nhạc 10,600; Yên Vân 1,598, Bạch Bát 3,842 và Đồng Chưa 4,000 thuộc giáo phận Tây do Đức Cha P.A. Retord Liêu coi sóc. Ngày 3 tháng 12 năm 1924, các giáo phận được đổi tên theo địa bàn hành chánh, nơi đặt Tòa Giám Mục, nên giáo phận Thanh đổi thành Giáo Phận Tông Tòa Phát Diệm. Ngày 11.6.1933 Đức Giáo Hoàng Pio XI đặt Đức Cha G.B Nguyễn Bá Tòng là Giám Mục đầu tiên coi sóc giáo phận Phát Diệm, khởi điểm cho hàng giáo phẩm Việt Nam. Ngày 24.11.1960, Sắc Chỉ Venerabilium Nostrorum thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, và nâng các giáo phận hiệu tòa ở Việt Nam lên hàng chính tòa. Giáo Phận Phát Diệm thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội, Đức Cha Phaolo Bùi Chu Tạo được bổ nhiệm làm Giám Mục chính tòa Phát Diệm đầu tiên.

Theo lịch sử Giáo Hội Công Giáo VN, Giáo Phận Phát Diệm với diện tích 1,786.77 Km2. Dân số 905,985 trong đó có 144,564 giáo dân. Giáo phận có 9 Giáo Hạt và 65 giáo xứ; 40 Linh Mục, 30 Chủng Sinh; 83 Nữ tu và 1,069 giáo lý viên (thống kê năm 2004). Ngày nay chắc chắn số giáo dân cũng như linh mục, tu sĩ nam nữ đã gia tăng rất nhiều.

Giáo phận Phát Diệm rất nổi tiêng với công trình kiến trúc độc đáo nhất là quần thể nhà thờ Chính Tòa Phát Diệm do linh mục Phêrô Trần Lục (thường gọi cụ Sáu Trần Lục) xây dựng trong thời gian linh mục làm chính xứ Phát Diệm (1875 – 1899). Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm một Phương Đình nguy nga và số nhà thờ được xây dựng vào các năm khác nhau: Nhà Thờ Lớn (1891), Nhà Thờ Thánh Giuse (1896), Nhà Thờ Thánh Phêrô(1896), Nhà Thờ Đá (1883), Nhà Thờ Trái Tim Chúa Giêsu (1889), Nhà Thờ Thánh Rôcô (1895) và một số công trình kiến trúc khác như ba hòn núi giả: Núi Sọ là sa bàn mô phỏng cảnh Chúa bị hành hình, Hang đá Belem và Hang Đá Lộ Đức và công trình tượng Chúa Giêsu trên hòn đảo nổi lên chính giữa hồ trước quần thể nhà thờ chính tòa.

Đặc biệt nhà thờ Đá là công trình vô cùng độc đáo. Vào thời gian đó (1883) làm gì có phương tiện xe cộ, tàu bè, cần cẩu, máy móc để chở nguyên vật liệu, vậy mà cha Trần Lục đã đem được những khối đá nặng hàng 20, 25 tấn từ cách xa vài chục cậy số về đục đẽo thành những viên đá đẹp và vận chuyển lên cao xây thành nhà thờ kính Trái Tim Đức Mẹ. Điểm đặc biệt nhất làm kinh ngạc giới kiến trúc sư thế giới, là việc kỹ thuật làm nền móng giữa một bãi sình lầy như thế mà xây lên một quần thể rộng lớn, cho đến nay chưa hề bị lún, bị suy suyển chứng minh cho thấy tài năng, trí sáng tạo của cha ông tổ tiên chúng ta tài tình như thế nào.
Trong dịp kỷ niệm 100 năm nhà thờ lớn Phát Diệm, Đức Cố Giám Mục Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, Giám Mục Xuân Lộc trong bài giảng tại nhà thờ chính tòa GP Phát Diệm ngài đã nói, “Muôn đời cảm tạ Chúa, đó chính là tâm tình đang tràn ngập trong tâm hồn của tất cả chúng ta từ muôn phương tuốn về nơi đây, trong ngày mừng kỷ niệm bách chu niên xây dựng Nhà Thờ Lớn Phát Diệm. Phải, đang khi mắt chúng ta chiêm ngắm Ngôi Thánh Đường Phát Diệm như một kỳ quan lịch sử, như một công trình văn hóa nghệ thuật với lối kiến trúc đặc biệt, thì tâm hồn chúng ta trước hết và trên hết, cảm tạ Cháu vì đây là một “Chứng Tích Của Niềm Tin.”

Phát Diệm cũng có nhiều di tích lịch sử như Cố Đô Hoa Lư, dưới triều Đinh và Tiền Lê (968-1010) cách nay hơn 1000 năm Hoa Lư là kinh đô sáng chói của đất nước mang tên Đại Cồ Việt, Hoa Lư cách Ninh Bình 14 km.Đền Vua Đinh tức Đền Thượng ở làng Trường Yên. Đền vua Lê nằm trong làng Trường Yên cách đd62n vua Đinh 500 mét. Phát Diệm có hang Tam Cốc gần Bích Động, có động Địch Lộng, Thiên Tôn, Liên Hoa.
Về danh nhân có Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) vừa có công bảo vệ đất nước, mở rộng bờ cõi, khẩn hoang lập ấp đáp đê lấn biển ở các Huyện Tiền hải (Thái Bình) Kim Sơn (Ninh Bình) và hai Tổng Hoành Thu, Ninh Nhất ở Giáo Thủy và Hải Hậu.

Giáo phận Phát Diệm còn nổi danh với Dòng Mến Thánh Gía. Hiện nay Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm gồm hàng ngàn nữ tu có mặt phục vụ khắp nơi trên thế giới, nên người dân Phát Diệm rất hãnh diện về quê cha đất tổ của mình dù đang sống tại hải ngoại.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT