Phóng Sự

Hội từ thiện Hand to Hand, tay nối tay mang hạnh phúc đến cho người nghèo (kỳ 2)

Sunday, 20/01/2019 - 08:56:49

Bà Hoàng Bích là bạn của bà Tiên Dung, cho biết, “Tôi hay đi chùa làm công quả như rửa chén, dọn dẹp vào cuối tuần, tôi có hỏi chị Tiên Dung có biết chổ nào làm từ thiện thì giới thiệu để tôi đi làm với. Chị chỉ tôi tôi đến Hand to Hand hơn 6 tháng nay rồi.

Bài BĂNG HUYỀN

Tặng thức ăn cho người vô gia cư

Shelter thường chỉ cung cấp chỗ ở cho người vô gia cư, chứ không có cho thức ăn, nếu không có những nhà hảo tâm đến tặng thức ăn thì người vô cư trong Shelter (trung tâm tạm trú cho người không nhà cửa) sẽ bị đói ngày hôm đó. Muốn đến tặng thức ăn cho người vô gia cư trong Shelter, phải làm đơn xin phép một năm và luật bắt buộc người đem thức ăn đến cho người vô gia cư phải là một Hội Từ Thiện. Vì muốn tặng thức ăn cho người vô gia cư trong Shelter, Hội Từ Thiện phải có giấy phép của sở vệ sinh thực phẩm (Health Department License) để bảo đảm thức ăn đúng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh.
 

Thùy Strickland đang chuẩn bị các món trái cây để phát cho người vô gia cư. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bữa ăn trưa do Hội Từ Thiện Hand To Hand Relief Organization mang đến Courtyard Homeless Shelter (400 W. Santa Ana Blvd, Santa Ana) phục vụ cho người vô gia cư tại đây vào thứ Ba hằng tuần (từ 12 đến 1 giờ trưa), cùng giờ vào trưa thứ Tư (tuần thứ ba trong tháng) và trưa Thứ Năm (tuần thứ nhất và tuần thứ tư trong tháng), luôn được các thành viên và thiện nguyện viên nấu nướng vô cùng khéo léo, đậm đà. Thực đơn mỗi lần đem đến đều có thay đổi, để người ăn không bị nhàm chán và luôn cảm thấy ngon miệng.
Thức ăn mỗi lần mang đến luôn luôn có hơn mười món mặn, như thịt bò, thịt heo, trứng cuộn phô mai, cá, chả giò. Có cơm trắng, cơm chiên, mì Ý, cháo dinh dưỡng, rau, khoai tây. Có 4, 5 loại nước uống như cà phê sữa đá, sữa đậu nành, nước trái cây, bánh kẹo, trái cây tươi ngon, để người vô gia cư lựa chọn thích món nào thì được phục vụ theo kiểu buffet.

Các thành viên và thiện nguyện viên luôn nở nụ cười thân thiện và tận tình múc vào hộp thức ăn cho mỗi người vô gia cư những món ăn nào họ thích. Khi họ không đủ tay để cầm hộp thức ăn quá đầy, còn phải cầm ly nước trái cây, ly cà phê sữa đá, trái cây tươi, bánh thì luôn có sẵn thiện nguyện viên giúp họ mang đến tận bàn ăn để họ thưởng thức.
 

Một mạnh thường quân ủng hộ mền tặng người vô gia cư khi họ nhận phần ăn trưa. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Sự niềm nở, nhiệt tình thân thiện của những người phục vụ và những lời cảm ơn, những lời cầu chúc “xin Chúa chúc phúc cho bạn,” những lời khen tặng “những món ăn này ngon lắm, tôi rất thích,” “Quý vị thật dễ mến,” “Quý vị thật tốt bụng” từ những người được phục vụ, đã xóa nhòa phần nào khoảng cách giữa người "tặng" và người "nhận," giúp mỗi con người như sát lại gần nhau hơn.
 

Thiện nguyện viên đang bưng các món ăn để lên xe để đi đến trung tâm vô gia cư. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Ngoài bữa trưa, vào những tháng cuối năm, mùa đông lạnh giá, có những nhà hảo tâm biết được việc làm của Hand To Hand, nên họ đi cùng với Hội và mang đến mấy trăm đôi vớ hay mấy trăm cái mền để tặng cho người vô gia cư trong thời gian phục vụ bữa ăn trưa.
 

Ông Tống Quốc Linh tình nguyện tại Quán Chay Từ Thiện Hand to Hand mỗi ngày. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Những thành viên đến từ nhiều hoàn cảnh và công việc khác nhau, có người theo đạo Chúa, có người đạo Tin Lành, có người là Phật tử, đạo thờ ông bà. Họ thực sự là một gia đình và cứ lặng lẽ góp mỗi người một chút lửa để tạo ra những phép màu lớn, viết lên những câu chuyện cổ tích cho biết bao người cần sự quan tâm. Có nhiều người có mặt thường xuyên vào những hôm Hội đi phát thức ăn để phụ giúp, hoặc có những người có mặt đều đặn mỗi ngày tại Quán Chay Từ Thiện của Hội để giúp việc không công tại quán. Họ không ngại đường xá, dù đã lớn tuổi hay vẫn là thanh niên, mỗi người một việc nhưng tất cả đều vui vì chữ Từ Thiện mà đến, mãi đẹp với cái tình của sự yêu thương.

Quán Chay Từ Thiện Hand to Hand (9098 Bolsa Ave, Westminster, mở cửa mỗi ngày từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối), Hand to Hand Outlet and Thrift Store (14351 Euclid Street, Garden Grove, mở cửa mỗi ngày từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối) và quầy hàng chợ trời của Hand To Hand ở đại học cộng đồng Golden West College (mở cửa từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều) hai ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật quầy C1 C2 (vào thứ Bảy) và G1, G2 (vào Chủ Nhật), mở cửa từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều trong cả hai ngày.
 

Một mạnh thường quân của Hand to Hand ủng hộ 500 cái mền tặng cho người vô gia. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Ba nơi này có thể hoạt động được là nhờ vào các thành viên, các thiện nguyện viên của Hội. Họ làm việc không lương, vì Hội không có đủ chi phí mướn người làm. Họ không chỉ đóng góp công sức, mà còn bỏ tiền túi để phụ giúp thêm những đóng góp của những nhà hảo tâm cho Hội. Cũng nhờ có những người góp công, người góp của nên những bữa phát thức ăn của Hội tặng cho người vô gia cư mới có thể duy trì đều đặn 500 phần thức ăn hằng tuần suốt bao năm qua. Chưa kể Hội còn tặng quần áo, đồ dùng, thức ăn cho người vô gia cư, người nghèo khi họ tìm đến Quán Chay Từ Thiện, Hand to Hand Outlet and Thrift Store và Hội còn phải trả tiền thuê mặt bằng hằng tháng, mua thực phẩm để chế biến các món ăn tại Quán Chay Từ Thiện với giá bình dân cho những người có ít tiền nhưng muốn ủng hộ cho Hội.

Tâm tình tại Quán Chay Từ Thiện

Ông Trần Quốc Hiệp, là thiện nguyện viên của Hand To Hand khoảng 3 năm nay, kể rằng lúc trước ông đi ngang qua Quán Chay Từ Thiện Hand to Hand ghé vô ăn thử, khi biết Hội cần giúp, nên ông đến làm thiện nguyện viên tại Quán Chay Từ Thiện mỗi ngày.

Ông Hiệp nói, “Tất cả mọi người làm việc tại Quán Chay Từ Thiện đều là thiện nguyện viên không có lương, đến giúp mọi việc để Quán Chay Từ Thiện hoạt động. Dù chúng tôi làm việc tại đây không có lương, nhưng có lương của ông Trời cho. Công việc nào cũng có vui có buồn, nhưng nghĩa cử lớn lao của người làm từ thiện thì buồn cũng thành vui. Cực cũng thành sung sướng. Tôi nghĩ nước Mỹ đã cưu mang những người Việt Nam cho nên cá nhân tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó để trả ơn lại cho nước Mỹ. Thứ hai nữa là mình hướng đến tha nhân. Đây cũng chính là của cô Hương, anh Bảo hay những người ở đây, các thành viên của Hội cũng vậy thôi.”


Từ bên trái là Tiên Dung (đội nón kết), Mum Trương, và Hoàng Bích đang sẵn sàng cung cấp món ăn cho người vô gia cư. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Ông Trần Quốc Hiệp nói rằng, vì thấy Hand To Hand có lòng thương những người vô gia cư, nên ông gia nhập và gắn bó suốt hơn ba năm qua. Vì ông cũng nhìn lại bản thân mình và theo ông nghĩ, những người tới xứ Mỹ này ở, trên một phương diện nào đó, họ đều là những người homeless. Chứ không phải những người trong Shelter mới là người vô gia cư. Mà homeless với homeless không thương nhau thì làm sao.
Theo ông Hiệp, “Nước Mỹ nhờ những cha cố hành hương hồi xưa đi qua đây, chịu đau khổ, chịu tử vì đạo, mới cho mình dậm chân trên xứ Mỹ này. Nếu mình vì lý do gì mình không có thương những người vô gia cư, là mình không có nhớ đến tổ tiên của họ. Mình phải trả ơn nước Mỹ, việc làm từ thiện giúp tha nhân là việc chung.”

Ông Hiệp cho biết, “Những người vô gia cư không phải là những người khốn khổ. Mình không làm gì cho họ, thì vẫn có người khác làm, không cần phải đợi đến mình. Mình đừng nghĩ rằng mình cho những người đó. Khi chúng tôi mang thức ăn đến Shelter, chúng tôi quan niệm ai cần thì chúng tôi phục vụ, chứ không phải chúng tôi đến để bố thí. Tôi cũng có tìm hiểu những người vô gia cư, có những người ăn học, trí thức, chưa chắc học vấn hay sự khôn ngoan của mình bằng những người đó đâu. Có những người có trình độ cao, có những người từng có tiền của, nhưng có thể vì lý do vợ chết, hay chồng chết, hay biến cố gì đó, nên họ không muốn ở nhà, họ thích sống lang thang. Ở trong Shelter, tôi thấy có nhiều người cao thượng lắm. Khi chúng tôi phát đồ ăn, có những người đứng một góc để cho người khác lại lấy trước, rồi mới tới họ. Đừng nên nghĩ những người vô gia cư là những người xấu xa.”
 

Các thiện nguyện viên đang bưng các món ăn để lên xe đến nơi phân phát cho người vô gia cư. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Ông Tống Quốc Linh là thiện nguyện viên của Hội khoảng vài tháng nay. Ông kể, “Tôi đi ăn cơm chay tại Quán Chay Từ Thiện, biết Hội làm những công việc tốt và cần các thiện nguyện viên làm những công việc trong quán và đi phát cơm cho người vô gia cư, nên tôi tham gia. Tôi là tài xế xe, mỗi sáng chạy cho hãng Live taxi, sau đó đến Quán Chay Từ Thiện làm những công việc vặt trong quán. Tôi sống độc thân, cha mẹ thì mất rồi, các anh chị thì cũng lớn hết rồi, nên tôi không vướng bận người thân, có thể dành thời gian của mình để phụng sự những việc thiện nguyện tại Quán Chay Từ Thiện của Hand to Hand. Tôi giúp công việc trong quán mỗi ngày. Thỉnh thoảng khi đi phát thức ăn tại Shelter cần người theo giúp, thì tôi đi, vì thường thì các thiện nguyện viên đi phát thức ăn tại Shelter khá đông. Thời gian mỗi ngày tôi đến quán giúp mọi việc trong quán, từ rửa chén, dọn dẹp, bưng bê.”
 

Nhật Phượng (bên phải) đang phụ giúp sắp xếp thức ăn chuẩn bị phục vụ cho người vô gia cư (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Đối với ông Linh, “cuộc sống hằng ngày nếu mình chỉ lo miếng cơm manh áo cho đời sống của mình không, thì có vẻ mình ích kỷ quá. Mình thấy nếu vậy, thì cuộc sống không còn ý nghĩa nữa. Nếu theo Chúa thì mình phải có ơn cứu độ, mà theo Phật thì mình phải được giải thoát, để được vậy thì mình phải có sự cộng tác với những người chung quanh, chứ không phải mình đi một mình. Đây chính là điều đưa tôi đến là thiện nguyện viên gắn bó với Hội.”

Bà Tiên Dung là một Phật tử, ăn chay trường, nên đến ăn chay mỗi ngày tại Quán Chay Từ Thiện để ủng hộ Hội và trở thành thiện nguyện viên từ lúc Hội mới lập ra. Bà chia sẻ, “Hồi đầu mới phát cơm cho người vô gia cư, có mấy sư cô nấu đồ chay, từ từ có thêm đồ mặn như hiện nay. Tôi thấy việc tặng thức ăn cho người vô gia cư hay người nghèo tại Quán Chay Từ Thiện này rất có ích cho những người nghèo khổ. Những ai không có tiền, cứ vào đây ăn miễn phí đều được tiếp đón. Khi đi theo các anh chị của Hand to Hand tặng thức ăn cho người vô gia cư tại shelter ở thành phố Santa Ana, tôi vui lắm. Tôi thường đứng phục vụ những món như rau, hay cơm trắng, khoai tây, vì tôi ăn chay trường nên tránh phục vụ mấy món thịt cá. Mỗi lần chúng tôi đến, những người vô gia cư ở đây rất mừng. Họ cho biết thích nhóm chúng tôi nhất vì thức ăn, thức uống, trái cây, bánh ngọt rất nhiều, đầy đủ và ngon miệng. Tôi có đồ gì dư trong nhà, tôi thường soạn ra và đem đến tiệm Hand to Hand Outlet and Thrift Store để Hội bán lại, lấy tiền để Hội mua thức ăn đến cho người vô gia cư.”

Bà Hoàng Bích là bạn của bà Tiên Dung, cho biết, “Tôi hay đi chùa làm công quả như rửa chén, dọn dẹp vào cuối tuần, tôi có hỏi chị Tiên Dung có biết chổ nào làm từ thiện thì giới thiệu để tôi đi làm với. Chị chỉ tôi tôi đến Hand to Hand hơn 6 tháng nay rồi.

“Ngày thường tôi sống ở nhà con gái tại Anaheim Hills, trông cháu ngoại cho con gái đi làm, đến chiều thứ Hai thì về đây ở nhà em gái, để thứ Ba đến Hand to Hand đi tặng thức ăn cho người vô gia cư. Tối thứ Ba con gái chở về nhà lại để giữ con giùm con gái. Vì con gái nghỉ làm ngày thứ Ba, nên mới có duyên đến giúp cho Hội vào mỗi thứ Ba hằng tuần. Cuối tuần tối thứ Sáu thì tôi về đây để đi chùa và làm công quả trong chùa. Tối Chủ Nhật về lại nhà con gái. Tôi thấy mình nghỉ hưu rồi, thời gian rảnh ở nhà buồn lắm, muốn làm việc có ý nghĩa với đời, giúp được gì thì giúp. Nhờ vậy dù đã 67 tuổi nhưng tôi vẫn thấy mình còn trẻ, khỏe. Nếu sau này có thêm thời gian, tôi sẽ đến giúp cho Hand to Hand thêm giờ, vì thấy rằng mình còn khỏe, còn làm được những việc gì có ý nghĩa cho đời thì sẽ cố gắng hết khả năng.”

Bà Mum Trương, 77 tuổi, mới biết Hand to Hand vài tháng nay, bà có mặt hằng tuần vào thứ Ba và Thứ Tư, thứ Năm trong buổi phát thức ăn cho người vô gia cư của Hội. Bà nói bà muốn thông qua việc thiện nguyện với Hội đến tặng thức ăn cho người vô gia cư là cách để cảm ơn nước Mỹ, người dân Mỹ đã cưu mang gia đình bà và những người Việt nói chung.
 

Thiện nguyện viên Trần Quốc Hiệp đang phát những hộp đựng thức ăn cho người vô gia cư. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bà Mum Trương nói, “Khi tôi đến Shelter, tôi muốn đem tình thương của mình trao cho họ. Những lần đi như vậy, tôi vui thì có vui, nhưng có lúc thấy tội nghiệp họ lắm, vì tôi biết có những người trước khi là người vô gia cư họ cũng rất giàu có, nhưng gặp điều gì đó không may, khiến họ trở thành người vô gia cư. Tôi sống ở Midway City, đi xe bus đến Quán Chay Từ Thiện để phụ việc này việc kia, rửa chén, cắt thịt, cắt hành, cần làm gì thì tôi làm hết, vì tôi vẫn còn khỏe. Đến giờ đi phát thức ăn tại Shelter, tôi đi theo mọi người. Khi múc thức ăn cho họ, tôi thấy người nào trẻ thì tôi múc cơm nhiều hơn chút, vì tôi phụ trách phần múc cơm, còn những người lớn tuổi thì tôi múc vừa phải, rồi hỏi họ cần thêm nữa không? Nếu họ nói không thì thôi, nếu muốn thêm thì tôi múc thêm cho họ. Những hôm mưa gió, tôi vẫn đón xe bus để đến Quán Chay Từ Thiện cùng đi phát thức ăn với mọi người.”

Bà Mum Trương luôn quan niệm nếu biết tạo phước đức thì ngày sau có gặp chuyện gì không hay, sẽ có người khác giúp mình. Bà có con gái nuôi, cứ nhìn thấy người vô gia cư lang thang ngoài đường là con gái bà mua cho họ thức ăn, nước uống, và tặng thẻ mua đồ ăn 10 đồng, 5 đồng để họ mua đồ ăn khi họ đói. “Tôi và con gái không cho họ tiền, vì sợ họ lấy tiền đó để mua chất gây nghiện, chúng tôi thường mua thẻ đồ ăn tại các tiệm thức ăn nhanh của Mỹ tặng họ, để khi nào họ đói, họ vào mấy tiệm đó họ mua đồ ăn.”

Bà Nhật Phượng, là thiện nguyện viên của Hand to Hand. Mỗi lần đến Shelter, mọi người đi chung với nhau (khoảng vài chiếc xe van), bà thường đảm nhận phần tài xế lái xe. Bà thường đến Quán Chay Từ Thiện vào thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm hằng tuần hơn 8 giờ sáng để phụ nấu thức ăn để 11 giờ cùng mọi người đem đồ ăn đến Shelter phục vụ cho người vô gia cư.

Bà Nhật Phượng chia sẻ, “Tôi rất vui khi đi phục vụ người vô gia cư. Cuộc đời vô thường lắm, giống như mình để dành phước cho mình, khi mình làm việc thiện thì chẳng may mình có rời đi cõi này, mình cũng biết nơi đến của mình sắp tới. Mong là những anh chị nào rảnh, không nhất thiết phải đi mỗi tuần, hãy đến Quán Chay Từ Thiện để phụ mỗi người một tay.”

Bà Thùy Strickland là thiện nguyện viên của Hand to Hand được vài tháng, bà rất vui khi đi phát thức ăn cho những người vô gia cư. Bà tâm sự, “Tôi thỉnh thoảng giúp tiền cho Hội, nhưng giúp nhiều nhất là giúp công, tôi thường phụ trách phát trái cây hoặc nước uống khi đến Shelter. Ở đời mình cho thì không bao giờ mất, khi người ta vui, thì mình cũng vui. Tôi đã nghỉ hưu và ông xã thì mất 9 năm rồi, nên tôi thường đến Quan Chay Từ Thiện vào thứ Ba hoặc thứ Năm, từ 9 giờ 30 sáng để phụ giúp trong bếp, rồi đi theo các anh chị đến nơi ở của người vô gia cư để phục vụ bữa trưa cho họ. Đến nơi, nhìn thấy họ được bữa ăn ngon, đầy đủ, họ vui, mình mừng lắm. Thành ra mưa gió gì cũng đi hết. Rất mong mọi người biết đến chương trình từ thiện của Hand to Hand thật đông, cùng tham gia với chúng tôi.”

Bà Liên Nguyễn đã về hưu, mới gia nhập là thiện nguyện viên giúp việc tại Quán Chay Từ Thiện Hand to Hand khoảng hơn một tháng nay. “Tôi chỉ đến Quán Chay Từ Thiện để giúp công việc tại quán vào thứ Ba, thứ Năm hằng tuần. Tôi chưa đi phát thức ăn tại Shelter. Tôi cũng như các thiện nguyện viên khác, làm đủ các việc trong quán. Tôi thấy không khí ở đây giống như trong gia đình. Khi làm tại đây, tiếp xúc với nhiều người, lại thấy mình làm công việc hữu ích nên rất vui. Tinh thần mình vui thì mình cũng thấy khỏe hơn. Tôi mong muốn các bạn, các anh chị, quý vị có thời gian rảnh, hãy tìm đến những hội thiện nguyện như Hand to Hand để mình giúp đỡ bằng công sức và tìm niềm vui cho chính bản thân mình.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT