Đạo và Đời

Hôm nay 12 tháng 7 Giáo Hội Công Giáo kính nhớ Nữ Thánh Ane Lê Thị Thành

Sunday, 11/07/2021 - 10:23:59

Ngày 19.6.1988 bà đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II phong Hiển Thánh cùng 116 vị khác được phúc Tử Đạo tại Việt Nam.





Bài THANH PHONG

 

Trong số 117 vị Thánh Tử Đạo tại Việt Nam được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II phong Hiển Thánh vào ngày 19.6.1988 có một phụ nữ duy nhất là bà Thánh Ane Lê Thị Thành (1781 – 1841) mà hôm nay toàn thể Giáo Hội kính nhớ Ngài. Đây là niềm tự hào và vinh dự của người phụ nữ Công Giáo Việt Nam. Vinh dự và tự hào về điểm gì? Chúng tôi xin lần lượt trình bày về cuộc sống đạo đức thánh thiện, một người mẹ gương mẫu và trên hết là sự trung thành với Chúa đến hơi thở cuối cùng dù phải chịu đòn vọt, tra tấn dã man cũng không sờn lòng. Chính quan Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh nổi tiếng là “Hùm Xám tỉnh Nam Định” cũng đành bất lực không thuyết phục được bà bỏ đạo, chối Chúa.

Theo lịch sử ghi trong sách “Điển Ngữ Các Thánh” do LM Hồng Phúc C.Ss. R biên soạn và sách “Thiên Hùng Sử 117 Hiển thánh Tử Đạo VN” do CDCGVN San Jose ấn hành, bà Ane Lê Thị Thành sinh năm 1781 tại làng Bái Điền, Huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa. Ngay lúc còn thơ ấu cô đã theo mẹ về quê ngoại là làng Phúc Nhạc, một giáo xứ lớn của địa phận Phát Diệm. Năm 17 tuổi cô kết hôn với anh Nguyễn Văn Nhất, người cùng xã, hai vợ chồng sống rất hạnh phúc và sinh được hai trai, bốn gái. Người con trai đầu lòng đặt tên là Đê. Theo phong tục địa phương thời ấy, người ta thường gọi cha mẹ bằng tên con đầu lòng nên mới có tên ông Đê, bà Đê. Ngoài việc sống yêu thương nhau, hai ông bà còn chú tâm dạy dỗ, giáo dục con cái. Hai người con gái của bà đã xác nhận trước Ủy Ban Điều Tra Án Phong Thánh cho bà Ane Lê Thị Thành. Cô Lucia Nụ khai: “Mẹ chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục chúng tôi. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, dạy cách tham dự thánh lễ, dạy xưng tội và rước lễ. Người luôn nhắc nhở chúng tôi năng xưng tội, rước lễ. Có những lúc chị em chúng tôi lơ là, người thúc giục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi gia nhập Hội Con Đức Mẹ và vào Ban Thiếu Nữ thưa kinh ở nhà thờ.” Một người con gái khác, cô Anna Năm cũng xác nhận: “Song thân chúng tôi chỉ gả các con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn, thân mẫu tôi thường đến thăm và khuyên bảo những lời tốt lành. Có một lần người dạy tôi: “Tuân theo ý Chúa con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui lòng nhận thánh giá Chúa gửi cho.” Người cũng thường khuyên vợ chồng tôi “Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ.”Với các đức tính đó bà Ane Lê Thị Thành xứng đáng là tấm gương sáng về đạo hạnh cho các bà mẹ Công Giáo.

Con đường Tử Đạo: Ông Bà Đê có lòng bác ái hay thương và giúp người nghèo khó, hoạn nạn. Hai ông bà cũng sốt sắng giúp đỡ các linh mục trong thời cấm đạo. Hai ông bà dành một khu nhà đặc biệt làm nơi trú ẩn cho các linh mục thừa sai. Tháng 3 năm 1841 có ba linh mục thừa sai đến làng Phúc Nhạc. Cha Berneux Nhân ở nhà ông Tổng Phaolo Thức, cha Galy Lý ở nhà ông Trùm Cơ, cha Thành ở nhà bà Đê và một cha ở nhà người khác trong làng. Năm đó là đời vua Thiệu Trị. Cha Thành bị một người theo ngài muốn lập công để được thưởng tiền nên mật báo tin các linh mục trú ẩn cho quan Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh. Đích thân quan Tổng Đốc chỉ huy 500 quân lính đến bao vây làng Phúc Nhạc vào sáng ngày Lễ Phục Sinh 14.4.1841. Quan truyền tập trung giáo dân lại để quân lính lục soát từng nhà.Hai cha Thành và Ngân may mắn trốn thoát kịp. Cha Nhân vừa dâng lễ xong vội rời nhà trọ sang trốn trên gác bếp nhà phước Mến Thánh Giá, nhưng vô tình để gấu áo lòi ra ngoài kẽ ván nên bị bắt trước tiên. Cha Lý được ông Trùm Cơ đưa sang vườn nhà bà Đê ở sát bên. Bà Đê chỉ cho cha đường mương khô ở sau vườn cạnh một bụi tre, bà dặn cha: “Xin cha ẩn dưới rãnh này. Đức Chúa Trời gìn giữ thì cha thoát, bằng không cha và con đều bị bắt.” Nói xong bà cùng con gái Lucia Nụ lấy rơm và cành khô che phủ lên. Nhưng quân lính đã trông thấy cha chạy qua vườn nhà bà, nên họ đến bắt cha Lý và bà Đê, chủ nhà. Ông Trùm Cơ, bốn hương chức trong làng và hai nữ tu Mến Thánh Giá là Anna Kiêm và Ane Thanh cũng bị bắt. Tất cả bị trói mang gông điệu ra đình làng. Nhà bà Đê bị lục soát, thóc lúa, đồ dùng, tiền bạc đều bị lính lấy hết. Khi bị bắt, bà Đê rất sợ hãi, nhưng khi điệu bà ra đình làng thì gương mặt bà lại vui tươi không còn vẻ sợ sệt gì nữa.

Các người bị bắt đều bị áp giải về Nam Định. Họ phải đi suốt đêm rất cực nhọc. Bà Đê sức yếu, không chịu nổi gông quá nặng, phải có người nâng đỡ nhiều lần.. Tới thành Nam Định bà bị giam chung với hai nữ tu. Sáu ngày sau ra trước công đường, quan tòa bắt bà chối đạo, bà đáp: “Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời.” Các quan truyền cho lính đánh đòn bà. Lúc đầu lính đánh bằng roi, sau dùng củi lớn quật vào chân bà. Bà không nản lòng. Khi chồng vào thăm, bà nói với chồng: “Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp sức nên tôi không cảm thấy đau đớn.” Lần thẩm vấn thứ hai, thứ ba, thấy bà Đê vẫn một lòng trung kiên, quân lính được lệnh vừa đánh vừa lôi bà bước qua Thánh Giá. Nhưng bà sấp mình xuống đất kêu lớn tiếng rằng “Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin vào Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh để cưỡng bách con đạp lên Thập giá.” Vẫn không khuất phục được bà, lần kế tiếp ra tòa, quan cho lính buộc túm tay áo bà lại rồi thả rắn độc vào trong áo, nhưng bà Đê đã giữ được bình tĩnh cách lạ lùng. Bà đứng yên không nhúc nhích nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra. Các quan truyền đánh bà dữ hơn nữa rồi giam trong ngục. Bà đã kiệt sức đi không nổi phải có người dìu. Một nhân chứng tên Đang về sau cho biết “Bà Ane Đê bị đánh đập tàn bạo đến nỗi thân mình bà đầy máu mủ. Tuy vậy, bà vẫn vui vẻ, và còn muốn chịu khó hơn nữa.” Quả thật, bà Đê đã thể hiện trọn vẹn mối phúc thật thứ tám: Tin yêu Chúa Tể muôn trùng – Tan vàng nát ngọc chữ trung một lòng.”

Cô Lucia nụ đến thăm mẹ trong ngục, thấy y phục thân mẫu loang lổ máu, cô thương mẹ khóc nức nở, bà an ủi con “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc? Bà còn khuyên : “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng.”

Ngoài những cực hình tra tấn và ăn uống kham khổ, bà còn phải chịu thêm bệnh kiết lỵ. Hai nữ tu săn sóc bà hết sức tận tâm, các linh mục lén đến thăm, ban bí tích giải tội, xức dầu và giúp bà. Trong giờ hấp hồi, người ta thường nghe bà cầu nguyện: “Lạy Chúa! Chúa đã chịu chết vì con, con hết lòng theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con.” Cuối cùng bà dâng lời sau hết: “Giêsu Maria Giuse! Con phó linh hồn và thân xác con trong tay Chúa, xin ban ơn cho con được tuân theo ý Chúa trong mọi sự.” Bà Ane Đê đã về nhà Cha trên trời trong tinh thần thánh thiện ấy. Hôm đó là ngày 12.7.1841, sau 3 tháng bị giam cầm hy sinh vì đức tin. Bà hưởng thọ 60 tuổi.

Theo tục lệ, người lính cho đốt ngón chân bà để biết chắc nạn nhân không còn sống. Họ tẩm liệm thi hài vào quan tài do nhà chung đem tới, rồi an táng tại pháp trường Năm Mẫu. Sáu tháng sau, giáo hữu cải táng về Phúc Nhạc.

Ngày 02 tháng 5 năm 1909, Đức Giáo Hoàng Pio X đã suy tôn Chân Phước cho bà Ane Lê Thị Thành, và ngày 19.6.1988  bà đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II phong Hiển Thánh cùng 116 vị khác được phúc Tử Đạo tại Việt Nam.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT