Thế Giới

Hôm nay kỷ niệm 75 năm ngày Đồng Minh đổ bộ Normandie (D-Day)

Wednesday, 05/06/2019 - 06:59:28

Cách nay đúng 75 năm vào rạng sáng ngày 6 tháng 6, 1944 quân đội đồng minh đã đồng loạt đổ bộ lên bờ biển Normandie của Pháp để tiêu diệt quân phát xít Đức dưới quyền thống lãnh của Adolf Hitler đang toan tính làm bá chủ châu Âu trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Năm 1980, 1990 và 1994, Bưu Điện Hoa Kỳ đã phát hành Phong Bì & Tem kỷ niệm cuộc đổ bộ Normandie. (Trích bộ sưu tập Tem của Thanh Phong)


Bài THANH PHONG

Cách nay đúng 75 năm vào rạng sáng ngày 6 tháng 6, 1944 quân đội đồng minh đã đồng loạt đổ bộ lên bờ biển Normandie của Pháp để tiêu diệt quân phát xít Đức dưới quyền thống lãnh của Adolf Hitler đang toan tính làm bá chủ châu Âu trong Đệ Nhị Thế Chiến. Trước nguy cơ này Khối Đồng Minh gồm các nước Hoa Kỳ, Anh, Canada cùng với quân kháng chiến của Tiệp Khắc, Ba Lan, Bỉ, Hòa Lan, Na Uy và Pháp tổ chức cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử lên bờ biển Normandie để tiêu diệt quân Đức Quốc Xã, giải phóng cho nước Pháp và toàn châu Âu.
Tổng Tư Lệnh quân đồng minh là Đại Tướng Dwight D. Eisenhower, sau trở thành vị Tổng Thống thứ 34 của Hoa Kỳ. Lực lượng đổ bộ gồm Hải, Lục, Không Quân. Lục Quân có 150,000 quân do Đại Tướng Bernard Montgomery (Anh quốc) chỉ huy. Hải Quân có 6,900 tàu chiến và 4,100 xuồng đổ bộ dưới quyền chỉ huy của Phó Đô Đốc Bertram Ramsay (người Anh). Không Quân có 12,000 máy bay do Thiếu Tướng Trafford Leigh Mallory (người Anh) chỉ huy. Không Quân đã sử dụng 10,000 tấn bom; 14,000 phi vụ thả dù quân và trực tiếp không chiến.
Về phía Đức Quốc Xã, Hitler cử ba Tướng là Rundstedt, Rommel và Dollmann thống lãnh các đội quân Đức phòng thủ các cứ điểm trên đất Pháp. Kế hoạch đổ bộ có tên là Overlord. Dưới quyền tổng chỉ huy của Tướng Eisenhower. Ông đã dùng kế đánh lừa quân Đức bằng cách tập trung quân tại Pas-de-Calais. Tướng Rommel của Đức đã nhận ra điều đó và báo cáo cho Hitler, nhưng ông không tin Normandie sẽ là nơi quân đồng minh đổ bộ mà tin chắc đồng minh sẽ đổ bộ vào Pas-de-Calais.

Mặc dù vậy, quân Đức cũng dùng những vật cản như chĩa ba bằng gỗ cứng có gài mìn, chĩa ba bằng bê tông có thể chọc thủng thân các tàu hay xà lan đổ bộ cắm trên bãi biển Normandie. Biết được điều này, quân Anh và Mỹ đã sử dụng chiến xa A2VE và DD có dụng cụ rà mìn, phá nổ các vật cản, lấp các hố sâu để các xà lan đang từ biển Manche lao đến.


Phong Bì & Tem kỷ niệm cuộc đổ bộ Normandie năm 1980. (Trích bộ sưu tập Tem của Thanh Phong)

 

Theo kế hoạch, ngày đầu tiên quân đồng minh phải chuyển đến bờ biển Normandie 50,000 quân, 15,000 chiến xa, 2,500 xe quân sự di chuyển được trên các địa hình phức tạp, 3,000 khẩu pháo và 10,000 xe các loại . Hai ngày sau sẽ đổ bộ thêm 5 sư đoàn tác chiến và 10 ngày sau tăng lên 18 sư đoàn. Tổng cộng là 39 sư đoàn với 2 triệu quân lính. Kế hoạch Overlord được giữ bí mật.

Ở phía Tây giao cho Sư đoàn số 4 của Mỹ cập vào bờ biển Utah. Sau đó liên lạc với lính dù đổ bộ xuống làng St. Mère-Eglise ở bờ biển Omaha. Vị trí này vô cùng hiểm trở vì vách đá cao, súng máy của Đức bố trí từ trên cao nã xuống, xe tăng của Mỹ bị lún nên ngay ngày đầu quân Mỹ thiệt hại rất nặng.

Ở mạn Đông, Sư đoàn 50 Bộ Binh của Anh đổ bộ lên bờ biển Gold cũng vấp phải hỏa lực mạnh mẽ của quân Đức. Tại bờ biển Juno, Sư Đoàn 3 Bộ Binh của Canada tiến lên bị hỏa lực của quân Đức nhưng nhờ những chiến xa của Anh có tên là “Lũ Hề” giúp đưa quân Canada vào bờ.


Phong Bì & Tem kỷ niệm cuộc đổ bộ Normandie năm 1990. (Trích bộ sưu tập Tem của Thanh Phong)

 

Trong lúc đó, 4,000 tàu Hải Quân và xà lan đổ bộ xuất phát từ cảng Plymouth và Newhaven của Anh tiến đến điểm tập trung ngoài khơi có tên gọi là Picadilly Circus. Từ đây các tàu và xà lan chia thành bốn tuyến, tỏa ra 10 kênh nhắm thẳng vào bờ Normandie. Hỗ trợ cho cuộc chuyển quân của Hải Quân có hai nhóm: Lực Lượng Đặc Nhiệm (Task Force) do Đô Đốc Kirk (Mỹ) với 3 Thiết Giáp Hạm, 10 Tuần Dương Hạm, 35 Khu Trục Hạm và nhiều tàu chiến nhỏ khác được trang bị đại bác và hỏa tiễn.

Lực lượng tác chiến thứ hai dưới quyền Đô Đốc Hoàng Gia Anh Sir Phillip Vian với ba Thiết Giáp Hạm, 13 Tuần Dương Hạm và 44 Khu Trục Hạm. Hải Quân đồng minh còn có nhiệm vụ tiếp tế lương thực, quân trang, quân dụng cho các đơn vị chiến đấu. Về Không Quân, 7500 chiến đấu cơ được đặt dưới quyền chỉ huy của Tướng Leigh Mallory (Không quân Hoàng Gia Anh).

Các sư đoàn 3 của Anh, sư đoàn 3 của Canada và sư đoàn 50 của Anh dưới quyền chỉ huy của Tướng Dempsey (Tư Lệnh Tập Đoàn số 2 Anh Quốc), Sư đoàn 1 và 4 của Mỹ dưới quyền chỉ huy của Tướng Bradley (Hoa Kỳ) được lệnh đổ bộ trước bình minh sáng ngày 6/6/1944. Có 4,000 tấn bom đã được 3,500 pháo đài bay trải thảm ngăn đường tiến lui của quân Đức.


Phong Bì & Tem kỷ niệm cuộc đổ bộ Normandie năm 1994. (Trích bộ sưu tập Tem của Thanh Phong)

 


Đến chiều ngày 6.6.1944 quân đồng minh đã tiến đến làng Sainte Mere-Eglise sau khi gặp sự kháng cự mãnh liệt của quân Đức. Đến chiều ngày 8 tháng 6 cuộc đổ bộ đã thành công vững chắc, quân đồng minh đã bắt liên lạc được với nhau và đẩy lùi quân Đức, chiếm trọn 56 km bờ biển với chiều sâu vào đất liền từ 8 đến 16 km.
Chiến dịch Overlord được xem là thành công với yếu tố bất ngờ khiến quân Đức trở tay không kịp. Tuy nhiên cuộc chiến sau đó phải kéo dài đến ngày 25.8.1944 mới đánh tan quân Đức và kết thúc số phận của Đức Quốc Xã.

Tổng kết về cuộc đổ bộ Normandie của đồng minh: Ngày đầu có 155,000 quân, ngày 24.7.1944 tăng lên 1,332,000 quân. Ngày 21.8.1944 tăng 2,052,229 quân. Tổn thất: Hoa Kỳ 29,000 thương vong; 106,000 bị thương hoặc mất tích. Anh Quốc: 11,000 tử thương, 54,000 bị thương hoặc mất tích; Canada: 5,000 tử vong, 13,000 bị thương hoặc mất tích. Pháp: 12,200 thường dân tử vong, bị thương hoặc mất tích. Về phía Đức Quốc Xã có 23,019 tử vong, 67,060 bị thương; 198,616 mất tích hay bị bắt.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT