Thế Giới

Hôm nay, người Mỹ gốc Việt họp tại Tòa Bạch Ốc, bàn về nhân quyền

Vanessa White/Viễn Đông Monday, 05/03/2012 - 12:06:13

Tất cả các công dân Mỹ và những dân cư nào ủng hộ nhân quyền đều được yêu cầu bày tỏ sự hỗ trợ của mình bằng cách ký tên vào bản thỉnh nguyện ấy.

Vanessa White/Viễn Đông
(tường trình từ Washington D.C.)


Phái đoàn không đi dự cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hôm nay, 5-3-2012, đang được hướng dẫn
để gặp gỡ tại Công Trường Lafayette gần Tòa Bạch Ốc. Hình chụp tại khách sạn Marriott
Courtyard ở Arlington, Virginia, đêm 4-3-2012 - ảnh: Vanessa White/Viễn Đông

WASHINGTON D.C. – Những hoạt động tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam đã khởi sự từ lâu rồi, nhưng mới đây có thêm một động lực đặc biệt, đó là một bản thỉnh nguyện thư đòi phải có 25.000 chữ ký, được thu thập cho đủ trong vòng 30 ngày. Vậy mà mới bước sang ngày thứ tư, thì số lượng chữ ký đã vượt lên quá mức yêu cầu.
Tính từ hôm 7-2-2012, khi bản thỉnh nguyện của ông Trúc Hồ từ Đài Truyền Hình SBTN xuất hiện trên trang mạng “We the People” của Tòa Bạch Ốc, đã có trên 114.000 chữ ký được thu thập, đề nghị chính phủ Tổng Thống Obama “ngưng việc mở rộng mậu dịch với Việt Nam, bất chấp gây thiệt hại cho nhân quyền”. Các tổ chức của cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã lập ra những trạm trên khắp nước Mỹ, để cho các sinh viên và những người chuyên môn thông thạo hai ngôn ngữ Anh Việt tới phụ trách công tác tình nguyện, giúp đỡ cho những ai trong cộng đồng gặp trở ngại trong việc ký tên mình vào bản thỉnh nguyện ấy trên mạng Internet. Kết quả của công việc của họ đem lại số lượng lớn những chữ ký như thế đã dẫn tới việc một phái đoàn, khoảng chừng trên 100 người Mỹ gốcViệt từ khắp Hoa Kỳ, sẽ tới họp tại Tòa Bạch Ốc hôm nay, 5-3-2012, đệ trình cho các giới chức chính phủ Obama một bản in của thỉnh nguyện thư trên mạng.
Thỉnh nguyện thư này lưu ý rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã mở một “cuộc đàn áp tàn bạo” chống lại những nhà hoạt động tranh đấu bảo vệ nhân quyền, từ năm 2007 đến nay, và tống giam những người như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, một vị cao tăng được đề cử lãnh Giải Thưởng Nobel Hòa Bình, Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà viết blog Điếu Cày, và nhạc sĩ Việt Khang. Sự phẫn nộ của cộng đồng và những người ủng hộ đã phát xuất từ chuyện Hoa Kỳ xem xét tiếp tục đẩy mạnh quan hệ mậu dịch với Việt Nam, bất chấp nhiều vụ ngược đãi vi phạm nhân quyền của Việt Nam.
Cùng với những vòng thương thuyết tiếp tục diễn ra, chung quanh thỏa thuận Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP), mà nội dung là nhằm mở rộng hoạt động mậu dịch giữa chín quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam, thì Mỹ cũng đang thương lượng, để cho phép Việt Nam được bao gồm trong Quy Chế Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Cập (GSP), nhờ vậy Việt Nam sẽ được hưởng những mức thuế nhập cảng thấp hơn, khiến cho việc buôn bán trở nên bớt tốn kém và dễ dàng hơn giữa hai nước.
Bản thỉnh nguyện thư viết: “Chúng tôi khẩn thiết thỉnh cầu Tổng Thống tạo thế cân bằng đối với ước vọng của Việt muốn gia nhập thỏa thuận Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương và Quy Chế Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Cập, để buộc phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện tất cả những người nào bị bắt giữ hoặc bị cầm tù vì tranh đấu bênh vực nhân quyền. Xin hãy chứng tỏ cho thế giới biết rằng Hoa Kỳ đặt tự do lên hàng đầu”.


Phái đoàn sẽ đi vào Tòa Bạch Ốc hôm nay, 5-3-2012, đang được hướng dẫn về thủ tục và
trình tự của cuộc họp. Hình chụp tại khách sạn Marriott Courtyard ở Arlington,
Virginia, đêm 4-3-2012 - ảnh: Vanessa White/Viễn Đông

Sự ủng hộ của cộng đồng, những điều kỳ vọng
Ông John Alles – một người cư ngụ ở tiểu bang North Carolina bảo trợ và ủng hộ những người Thượng từ Việt Nam sang tị nạn ở Mỹ, và cũng là một nhà cố vấn cho Tổ Chức Nhân Quyền Người Thượng Cao Nguyên (MHRO) cùng đi với phái đoàn đến Washington – nói với nhật báo Viễn Đông rằng Hoa Kỳ mang một món nợ rất lớn với những người Thượng, vốn là những người sắc tộc thiểu số Việt Nam từng hy sinh tính mạng, khi họ sát cánh chiến đấu với Hoa Kỳ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam.
Ông Alles nói thêm rằng trong số những vụ ngược đãi nhân quyền của mình, nhà cầm quyền Việt Nam đã giam giữ khoảng 455 tín đồ Cơ Đốc người Thượng trong trại tù Nam Hà, vì tôn giáo mà họ gia nhập, cũng như vì sắc tộc của họ. Nêu ra một điều trớ trêu, ông Alles nói tiếp rằng mặc dù Hoa Kỳ được xây dựng trên “những quyền tự do quí giá về dân chủ, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo”, nhưng người Mỹ “đại diện cho một điều, lại bán ra một điều khác”, bằng cách tăng cường quan hệ mậu dịch với những nước như Việt Nam, vốn là một quốc gia “hoàn toàn thiếu quan tâm” về cách thức họ đối xử với những người ủng hộ bênh vực nhân quyền, hoặc với dân nghèo và những người sắc tộc bản địa.
Mặc dù MHRO và những tổ chức khác từ lâu nay vẫn dấn thân chống lại những vụ vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo tại khu vực Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam, ông Alles cũng công nhận rằng đơn thỉnh nguyện này mở rộng trọng điểm tập trung ra để kích thích ý thức và hành động của cộng đồng rộng lớn hơn của những người Mỹ gốc Việt. Ông Alles nói với Viễn Đông: “Chúng ta phải tiếp tục gây áp lực ở Washington, và trong cộng đồng quốc tế, rằng các nhân quyền của những người này, cũng như của những sắc tộc bản thổ của Việt Nam, đều phải được tôn trọng. Chúng ta không nên tham gia vào những quan hệ hợp tác mậu dịch nào, mà trong đó có việc hành hạ tra tấn và giam cầm những con người vì duy trì những giá trị (Mỹ) mà bị đối xử như vậy”.
Ông Alles nói tiếp rằng các giới chức chính phủ Hoa Kỳ, tòng sự tại thủ đô Washington D.C., lúc này nên biết rằng việc tiếp tục tăng cường mậu dịch với Việt Nam sẽ không cải thiện được thành tích nhân quyền nước này. Ông cũng nói thêm rằng quan hệ ấy chưa bao giờ đem lại hiệu quả với Trung Quốc, và khi Việt Nam được xóa tên ra khỏi danh sách những quốc gia đáng quan ngại (CPC) trong năm 2006, thì trong thực tế tình hình nhân quyền của Việt Nam lại càng tồi tệ hơn nữa.
Ông Alles đặt ra vấn nạn: “Là những người hết sức trân trọng quyền tự do ngôn luận và quyền thờ phượng theo cách mình muốn, những người Mỹ chúng ta làm sao lại bằng lòng được với chuyện chính phủ chúng ta đặt đồng Mỹ kim và mậu dịch lên bên trên tính cách thiêng liêng của tính mạng và tự do?”.
Hiện thời những chữ ký vào thỉnh nguyện thư vẫn đang được tiếp nhận. Tất cả các công dân Mỹ và những dân cư nào ủng hộ nhân quyền đều được yêu cầu bày tỏ sự hỗ trợ của mình bằng cách ký tên vào bản thỉnh nguyện ấy. - (VW)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT