Pháp Luật

Hôn nhân tan vỡ: Hủy Bỏ Hôn Nhân, Ly Thân, hay Ly Dị?

Thursday, 27/10/2011 - 08:53:44

Khi cuộc sống hôn nhân không có hay không còn hạnh phúc, bạn có những chọn lựa nào? Câu trả lời sẽ tùy vào hoàn cảnh của mỗi người, do những ảnh hưởng về tâm lý của gia đình cũng như của xã hội, của tôn giáo, v.v..

LS. Trần Khánh Hưng

Khi cuộc sống hôn nhân không có hay không còn hạnh phúc, bạn có những chọn lựa nào? Câu trả lời sẽ tùy vào hoàn cảnh của mỗi người, do những ảnh hưởng về tâm lý của gia đình cũng như của xã hội, của tôn giáo, v.v.. Trong bài báo kỳ này, chúng tôi muốn nói về khía cạnh luật pháp của những cách chấm dứt hôn nhân: Hủy Bỏ Hôn Nhân (Nullity), Ly Thân (Legal Separation), và Ly Dị (Divorce).

* Hủy Bỏ Hôn Nhân (Nullity hay Annulment)
Nếu sau khi lập gia đình chỉ một vài tuần, tôi thấy chúng tôi hoàn toàn không hợp nhau, và không thể có hạnh phúc, vậy tôi có thể xin annulment được không?
Thật ra thời gian sống chung không phải là yếu tố để quyết định bạn có thể hủy bỏ hôn nhân hay không.  Hôn nhân chỉ được hủy bỏ nếu quan tòa phán quyết là cuộc hôn nhân đó không có giá trị, trong những trường hợp sau:
- Song hôn (bigamy). Khi một trong hai người đang có gia đình thì họ không được quyền lập gia đình với người khác.
- Loạn luân (incest). Khi hai vợ chồng có liên hệ huyết thống với nhau, như anh chị em, hay cậu cháu, lấy nhau.
- Cưỡng ép (duress). Khi một người bị đe dọa hay bị cưỡng ép thành hôn.
- Lường gạt (fraud). Khi một người bị lường gạt. Thí dụ, người chồng sau khi lấy vợ mới khám phá là người vợ trước đây là người đàn ông.
- Không có khả năng hoàn tất quan hệ hôn nhân (inability to consummate the marriage). Chẳng hạn người vợ sau khi lập gia đình mới khám phá là người chồng không có khả năng quan hệ luyến ái. 
- Vị thành niên (under age). Một trong hai người còn trong tuổi vị thành niên khi lập gia đình.
- Bệnh tâm thần (insanity). Sau khi lập gia đình mới khám phá là người phối ngẫu bị bệnh tâm thần.
Khi hôn nhân được hủy bỏ bằng cách này thì cuộc hôn nhân coi như chưa bao giờ có, và vì vậy, bạn cũng sẽ không thể đòi tiền trợ cấp vợ chồng (spousal support). Tuy nhiên, bạn sẽ được quyền lập gia đình ngay sau khi quan tòa chấp thuận hủy bỏ hôn nhân. Ngoài ra, nếu bạn nộp đơn xin hủy bỏ hôn nhân vì một trong những lý do kể trên, thì dù đơn của bạn được quan tòa chấp thuận, thì bạn cũng không xin được đối phương trả luật sư phí cho bạn. 

* Ly Dị (Divorce)
Trong khi hủy bỏ hôn nhân (Nullity) là để chứng minh cuộc hôn nhân không hề có, Ly Dị là để chấm dứt hôn nhân (termination of marriage). Sau khi ly dị, bạn có quyền tự do lập gia đình với người khác. Để làm thủ tục ly dị ở một quận trong tiểu bang California, bạn phải là thường trú nhân ở tiểu bang ít nhất là 6 tháng, và bạn phải là thường trú nhân ở quận mà bạn nộp đơn ly dị ít nhất là 3 tháng, tính tới ngày bạn bắt đầu thủ tục ly dị. 
Những lý do có thể đưa đến ly dị là:
- Hai người có những bất hòa không thể cứu vãn (irreconcilable differences).
- Người phối ngẫu bị bệnh tâm thần (incurable insanity) khi đơn ly dị bắt đầu nộp và ít nhất là cho đến khi quan tòa xét xử.

* Ly Thân (Legal Separation)
Phần đông trước khi quyết định ly dị, hay trong khi tiến hành thủ tục ly dị, nhiều người muốn sống riêng. Ngay cả trong trường hợp bạn không có ý định quay trở lại với người phối ngẫu nữa, đây cũng chỉ là  permanent separation. Trong thời gian này, nếu người phối ngẫu của bạn mang thêm nợ nần vì nhu cầu sinh sống (necessity of life) thì bạn vẫn có thể bị một phần trách nhiệm của những món nợ này. Nếu bạn muốn chấm dứt những trách nhiệm về luật pháp với người phối ngẫu thì bạn phải tiến hành thủ tục ly thân (legal separation).
Thông thường, ly thân là cách giải quyết cho những cặp vợ chồng không muốn chung sống với nhau nữa, nhưng cũng không muốn ly dị, có thể vì lý do tôn giáo, hay tài chánh, chẳng hạn trong truờng hợp một người bị bệnh tật, và họ có thể mất bảo hiểm nếu họ ly dị. Ngoài ra, ly thân cũng là một cách giải quyết tạm thời cho những cặp vợ chồng muốn ly dị, nhưng chưa hội đủ điều kiện thường trú như  đã đề cập.

* Những điểm tương đồng giữa Ly Thân và Ly Dị
- Những lý do để ly thân cũng giống như trong trường hợp ly dị.
- Ly thân cũng đòi hỏi những thủ tục để được tòa phán quyết, như trong trường hợp ly dị.
- Tài sản cộng đồng sẽ chấm dứt khi thủ tục ly thân hoàn tất.
- Hai bên  có thể đồng ý, hay xin tòa phán quyết, những vấn đề về tài sản, thăm nuôi, cấp dưỡng cho con cái hay cấp dưỡng cho vợ chồng, như trong trường hợp ly dị.
- Sau khi ly thân hay ly dị, hai người sẽ không phải săn sóc cho nhau, cũng như  không có những trách nhiệm về luật pháp của một cặp vợ chồng.

* Những điểm khác biệt giữa Ly Thân và Ly Dị
- Không như ly dị, ly thân không chấm dứt hôn nhân, và vì vậy, bạn không có quyền lập gia đình với người khác.
- Bạn không phải hội đủ điều kiện thường trú để bắt đầu thủ tục ly thân.

* Nếu tôi muốn ly thân mà chồng tôi muốn ly dị thì sao?
Theo luật của California, nếu bạn muốn ly dị, bạn không cần phải có sự đồng ý của người phối ngẫu, hay cần phải chứng minh là người kia có lỗi, bạn vẫn có thể đơn phương nộp đơn ly dị. Tuy nhiên, nếu bạn muốn ly thân thì phải có sự đồng ý của người kia. Vì vậy, trong trường hợp bạn muốn ly thân, nhưng người phối ngẫu của bạn muốn ly dị thì quan tòa sẽ cho phép ly dị.

Đây chỉ là một số tóm lược những vấn đề liên quan đến ly dị. Mọi thắc mắc và tham khảo về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran) qua số điện thoại (714) 839-4077   hoặc E-mail tại  davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA  92683.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT