Chuyện Nước Pháp

Hợp xướng ca ngợi Hòa Bình sau Chiến Tranh (hết)

Wednesday, 29/07/2015 - 09:01:52

Dàn nhạc Brass Band (B.B.) phụ họa hợp xướng gồm 29 người thành lập năm 2004 có 2 phụ nữ hiếm hoi và trưởng ban tên Francis Schaeffer. Sử liệu ghi dàn nhạc B.B. đầu tiên thành lập tại Anh quốc năm 1830 chủ yếu trong khu vực có nhiều mỏ than.

  Nguyễn Thị Ngọc Diễm


            

Trong kỳ báo vừa rồi, tôi có nhắc lại nguyên nhân đầu tiên gây ra chiến tranh thế giới 1914-1918 tại Sarajevo, xứ Bosnie. Sẵn dịp để chúng ta nhớ lại cũng tại đây, một lần nữa đã nổ ra một trận chiến tương tự kéo dài 4 năm (1996-1999) làm nhiều quan sát viên quốc tế bi quan rất lo sợ sẽ có thế chiến thứ ba! Sau đó là cuộc chiến tại Kosovo, thuộc xứ Yougoslavie (tên cũ, nay là 7 nước nhỏ độc lập) ngấm ngầm từ năm 1989 và chấm dứt năm 1999. Hiện nay tình hình lắng dịu nơi đây nhưng tựu trung hòa bình vẫn còn non yếu, mong manh dễ vỡ với các nước Bosnie-Herzégovine, Croatie, Serbie, Slovénie, Monténégro, Macédoine và Kosovo tự trị.
Thế chiến thứ hai có nguồn gốc từ 3 cuộc chiến tranh :
1) ở Tây Ban Nha được xem như là nội chiến đẫm máu với 1 triệu dân chết oan.
2) Trung Hoa-Nhật Bản
3) Ba Lan bị Đức chiếm đóng.
Mồi lửa nói trên đưa tới trục phát-xít Đức-Ý-Nhật chống lại pheĐồng Minh. Có 61 quốc gia bị cuốn vào với 100 triệu quân lính, hơn 60 triệu người tử vong đa số là thường dân. Đồng Minh thắng trận sau khi Đức và Nhật đầu hàng vô điều kiện năm 1945. Sử liệu rất phức tạp và dài dòng nhưng khi chúng ta nhìn về căn bản của sự việc theo các phê bình gia quốc tế thì hai cuộc đại chiến I và II đều có lý do. Bađiểm chínhđược nêu lên :
l) Đối ngoại : khi 1 nước (nhỏ hay lớn) bị tấn công bởi quốc gia khác.
2) Đối nội : nước suy yếu, bạc nhược ; cai trị bởi chính quyền kém tài đức.
3) Người điều khiển quốc gia gần như là bị bệnh tâm thần khi muốn thu gồm thế giới về tay họ.
Hòa Bình, do Unesco chủ trương (Hội Đồng Thế Giới, Liên Hiệp Quốc) ngược lại với 3 điểm trên và khai triển thêm các giá trị nhân bản chính đáng cần được giáo dục dạy bảo ở nhà trường và xã hội là: sự ôn hòa, thảo luận, bàn cãi ; giải quyết ổn thỏa các cuộc tranh chấp tránh dùng bạo lực giữa cá nhân từng người, trong một hay nhiều nhóm và giữa các quốc gia. Hòa bình càng vững vàng khi để thực hiện được các điều trên là có sự phát triển kinh tế và xã hội đều hòa, tôn trọng tất cả các nhân quyền, nam nữ bình quyền, dân chủ thực sự trong suốt, trình độ hiểu biết đi đôi với lòng khoan dung rộng lượng và đoàn kết, tự do thông tin kèm theo tham gia phát biểu tư tưởng và học hỏi đạt kiến thức rộng, cùng nhau truyền tụng Hòa Bình và gìn giữ An Toàn Thế Giới. Chủ đề buổi lễ tưởng niệm xoay quanh “Bản Nhạc của Người Lính Có Vũ Khí (Messe de l'homme armé)”. Hình bìa bản chương trình khổ nhỏ dài 20 trang phô bày một cây kèn đồng với ống thổi phía dưới chiếc loa là họng súng lục phát ra lời nhắn nhủ nói trên. Nhạc sĩ sáng tạo gốc người Anh ở xứ Galles (một trong 4 tiểu quốc hợp thành nước Anh, Wales) tên là Karl Jenkins. Ông sinh năm 1944, có bằng tiến sĩ về ngành nhạc ở đại học xứ Wales, là thành viên và người cùng sáng lập Viện Âm Nhạc Hoàng Gia. Một phòng học nơi đây mang tên ông để vinh danh nhạc sĩ tài ba. Năm 28 tuổi, ông là tay chơi trong ban nhạc rốc Soft Machine; sau này ông lãnh nhiều giải thưởng và huy chương từ Luân Đôn trao tặng. Người miền Đông Pháp đã chọn công trình soạn nhạc này vốn dĩ đã được trình diễn tại Nam Phi (ở đại học Johannesburg) và Karl Jenkins là vị sếp quốc tế đầu tiên điều khiển ban nhạc gồm 70 nhạc sĩ hòa tấu cho dàn hợp xướng (The Kingsway Choir) hát lên tác phẩm của chính ông viết ra. Ngoài ra, hãng máy bay du lịch hàng không Anh quốc Delta Air Lines, nhà kim hoàn nổi tiếng De Beers cũng đặt nhạc quảng cáo bởi ông.
Dàn nhạc Brass Band (B.B.) phụ họa hợp xướng gồm 29 người thành lập năm 2004 có 2 phụ nữ hiếm hoi và trưởng ban tên Francis Schaeffer. Sử liệu ghi dàn nhạc B.B. đầu tiên thành lập tại Anh quốc năm 1830 chủ yếu trong khu vực có nhiều mỏ than. Sau này, lan truyền khắp nước Anh rồi ra quốc tế; nó vào Pháp từ năm 1990 ở miền Bắc trước tiên gần Anh và hiện nay có mặt toàn quốc. Có bài hát viết bằng tiếng La Tinh thường nghe trong các buổi lễđạo ngày chúa nhật. Có bài bằng tiếng Anh dịch ra từ trường thi Ấn Độ hàng ngàn năm trước tên là Mahàbharàta kể lại cuộc chiến tranh khốc liệt giữa 2 nhánh người hoàng tộc của 1 gia đình vua chúa để chiếm đất gần sông Gange. Có bài thuộc về truyền thống Hồi giáo, vị đại diện mặc áo lễ trắng và cất lên tiếng hát ngân nga đặc biệt Ả Rập nghe thật trịnh trọng (Adhan, lời kêu gọi cầu kinh). Nhiều tác giả cổ điển người Anh cũng được trích dẫn và tác giả xứ khác. Bài hát bắt đầu và cũng là bài được trình diễn lại sau khi khán thính giả hoan hô nhiệt liệt lúc chấm dứt chương trình là bài “L'homme armé” (Người mang vũ khí) vốn là một bài hát cũ xưa của chính người Pháp bắt nguồn từ thế kỷ thứ 15. Đặc biệt, bài viết bằng tiếng Pháp nên nhiều người trong nhà thờ hiểu được trong tờ chương trình và phụ họa theo với toàn ban hợp xướng khiến cho không khí càng thêm long trọng và sôi động lạ thường, thật cảm xúc và khó quên lúc đó vì tôi cũng hát ké.
Người nghe bị lôi cuốn theo dòng suối nhạc gần như liên tục (với lời yêu cầu trước của vị giới thiệu là không vỗ tay mỗi bài cho đến khi hết) bắt đầu bằng bài “Người lính vũ trang (l'Homme armé)” với tiếng trống hùng hồn vang dậy cả nhà thờ nhưng có phần còn nhẹ nhàng với nhịp điệu nhà binh báo trước quân đội đang sắp tới đây. Không khí trầm hùng mang theo một thông điệp nghiêm khắc: quân địch phải sợ hãi vì đoàn chiến binh trang bị vũ khí đến tận răng đang tiến tới...
Sau đó là lời nhạc Ả Rập, nhạc Hy Lạp, nhạc Anh, nhạc Ấn ca tụng sinh mạng con người là thần thánh và duy nhất. Bài hợp xướng thứ 13 là lời nhắn nhủ tối hậu - sau khi các bài trước từ mào đầu đến cảnh tượng chiến trường khủng khiếp đầy xác chết qua đến bể nước mắt và sự hối hận của chiến sĩ sống sót tay còn đẫm máu - báo rằng Hòa Bình là đáng kể nhất cho thế kỷ thứ 21 (bản hợp xướng có đặc tính văn hóa thế giới viết năm 1999) với tựa đề “Better Is Peace”. Ban hợp xướng lên đến 200 người do nhiều hội ca đoàn lẻ tẻ khắp 4 vùng tạo thành miền Đông rộng lớn, tổng cộng là 12 tỉnh thành lớn nhỏ cùng hợp tác nên vé bán khá đắt.
Người ra về còn nhớ mãi những lúc tiếng chiêng do 2 chiếc loa tròn (chập chõa) chập vào nhau gầm lên khủng khiếp xen kẽ với tiếng trống khổng lồ vang dội làm giựt mình những cụ ông cụ bà nào đang lim dim thả hồn theo tiếng hát trầm bổng sắp ngủ gục. Không gian tràn ngập sự hùng tráng của tiếng kèn lớn (cornet de pistons) trầm trầm liên tục, dồn dập như thúc quân làm nền tảng căn bản hòa lẫn những tiếng kèn khác nhỏ hơn (trombone, clarinette) nằm ở tầng giữa và cao hơn hết là tầng “nhân loại” thực sự bằng tiếng ca thanh tao nữ giới chiếm đa số phụ họa nét viền feston do nam ca sĩ êm nhẹ tạo thành dòng suối tươi mát tượng trưng cho Hòa Bình trên hết trong bài cuối “Better Is Peace”!
Ảnh kèm: Người lính có vũ trang , nhạc sĩ sáng tác người Anh, chim bồ câu tượng trưng Hòa Bình, ban nhạc Brass Band.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT