Chuyện Nước Pháp

Hương Tết muộn Mậu Tuất 2018 vào cuối đông (kỳ 2, hết)

Monday, 26/03/2018 - 10:20:55

Họ là một nhóm nam sinh viên với cách ăn mặc thật đơn giản, áo sơ mi và quần tây gọn gàng; người thon gầy đúng với tuối tác và vóc dáng. Hẵn chờ đến mấy chục năm sau, như ông bạn chúng tôi tự thán rằng mình lên cả chục ký, sao quý vị trông chẳng thay đổi nhiều!

Bài NGỌC DIỄM

Nhờ có màn ảnh tường chiếu hình rọi lớn ra từ Youtube, quan khách ngồi chờ cũng thấy không sốt ruột cho lắm. Tuy là tập trung ánh mắt nhìn lên tường nhưng tôi vẫn thỉnh thoảng đổi chủ đích và thấy khách khứa chụp ảnh kỷ niệm riêng tư. Họ là một gia đình trẻ gồm cha mẹ và hai hậu duệ còn nhỏ xíu tuổi, đứa ẳm trên tay, đứa đứng cạnh bên, tùy theo cặp đến chụp hình. Họ là một nhóm nam sinh viên với cách ăn mặc thật đơn giản, áo sơ mi và quần tây gọn gàng; người thon gầy đúng với tuối tác và vóc dáng. Hẵn chờ đến mấy chục năm sau, như ông bạn chúng tôi tự thán rằng mình lên cả chục ký, sao quý vị trông chẳng thay đổi nhiều!

Ông này khoe có thằng con năm nay 26 tuổi mà giỏi kinh khủng. Cậu ta cao hơn bố hai cái đầu và cũng to con không kém, đang sắp sửa tốt nghiệp chuyên gia bác sĩ giải phẫu não bộ! Eo ôi, chúng tôi phục lăn, bởi mẹ cậu làm nghề quét dọn lau chùi (Tây gọi là femme de ménage), còn bố làm nhân viên kế toán về tiền lương. Không ít Việt kiều bên Pháp có con cái lớn lên đạt được sự nghiệp học vấn cao trong khi thế hệ cha mẹ vì không may mắn được dịp đào tạo trong bối cảnh nước giàu có và thanh bình. Tất cả mọi phương tiện đều được nhà nước chọn lọc để đào tạo nhân tài, bất kể nguồn gốc lý lịch di dân. Điều dĩ nhiên là khả năng của người thành công, chính họ cũng góp phần vào sự tự lập này bằng trí tuệ và sức lực riêng tư.


Một gia đình trẻ Pháp-Việt đề huề với hai bé lai kháu khỉnh. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Thế rồi, hai người trẻ tuổi trai gái bước lên bục tay cầm máy khuếch âm (micro). Cả hai thật kiên nhẫn, chờ tất cả mọi người ngồi vào bàn an tọa đầy đủ hết không còn ai đứng chụp hình kỷ niệm nữa. Và tuyên bố khai mạc đêm Gala Tết vui vẻ, được vỗ tay hoan hô. Cả hai giới thiệu các viên chức của chính phủ Pháp đã đến tham dự. Hai vị này đứng lên tại ghế ngồi của bàn mình và chào xã giao, một nam một nữ. Có thế thôi, và cả hai loan báo chương trình tổng quát sẽ tiếp tục ngay lập tức với phần múa Lân mào đầu.

Sau đó sẽ là lì xì cho trẻ em những phong bì màu đỏ theo tập quán phong tục. Tất cả quan khách sẽ cùng nhau tự phục vụ kiểu ăn buffet sau khi màn Múa Lân bắt đầu. Tiếp theo sẽ là các màn trình diễn văn nghệ. Trong khi các MC trò chuyện, nhà bếp tíu tít dọn mâm cỗ lên, bàn ăn lúc nảy nằm ngay chính giữa phòng liền được lấp đầy tràn thức ăn trông thật ngon lành đầy màu sắc tươi vui

 

Hai vị nam nữ giới thiệu chương trình từ đầu đến cuối, đôi MC. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

 

Thức ăn được đặt lên bàn theo kiểu tự phục vụ vừa chay vừa mặn. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

 

Cặp lân Mái và Trống với ông Địa cầm quạt đi theo điều khiển chúng. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Khi hai con lân từ bên ngoài phòng bước vào, khán giả vỗ tay và nhìn ngắm chăm chăm. Căn phòng nhỏ bỗng trở thành náo nhiệt vui vẻ hẵn lên nhờ Lân ông và Lân bà. Tôi ngồi ở dãy bàn đầu bên cánh tả nên thấy lân rất gần, gần lắm nên phân biệt được mỗi con có bốn chân mang giày ba ta. Thế nghĩa là có hai quân sư giả làm đầu và đuôi lân. Nghe MC báo tin trước đó đây là lân chuyên nghiệp đến từ thành phố Metz. Còn ông Địa có cây quạt đặc biệt mỗi lần ông xếp nó lại gây ra tiếng kêu “rắc” thật sắc nhọn và oai dũng làm lân xếp ve. Chỉ có một lúc hai con cùng xúm nhau nổi loạn là anh Lân trống màu đỏ đứng thẳng người trên hai chân gầm rú, chị Lân xanh lá cây cũng bắt chước theo.

Khán giả khoái chí và trông thấy rõ ràng hai người bên trong bồng nhau lên làm lân cao thêm mấy khúc, đầu sắp đụng trần nhà! Lúc ấy, ông Địa lùi ra xa, làm ra vẻ nhượng bộ. Nơi đây không có treo tiền thưởng vì sinh viên nghèo không dư địa. Tuy vậy, lân múa quá hay, lúc tiến lúc lùi, lúc bò sát đất lúc nhổm lên cao. Mấy phút trôi qua nhanh quá, lân ngừng múa là thiên hạ tiếc quá nhưng cũng phải vỗ tay hoan hô nhiệt liệt!
Khi lân đi rồi, hai vị MC mời các trẻ em lên sân khấu lãnh tiền lì xì năm mới. Lúc đó mới thấy đông đủ con nít lục tục đi lên từ từ và đứng cạnh nhau chụp hình bởi các phó nhòm. Bé nào còn bồng trên tay thì bố mẹ đưa lên sân khấu, chỉ có hai mống bé tý tẹo trong hình. Sau này lớn lên xem lại hình chắc chúng nó cũng chẳng ngờ hồi xưa còn bé giống y như vậy. Nghĩa là chưa có là “ai” cả. Lớn lên hoàn toàn làm người khác. Bé gái tương đương với bé trai.

 

Gần 20 em bé xinh xắn mặc áo dài hay áo đầm, đồ Tây lên lãnh lỳ xì. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Các em bé đi xuống rồi là hai vị MC liền mời dùng tiệc chay - mặn và thức uống. Cả ba thứ đều có in trong thực đơn: giò thủ, nem chay và mặn, cơm chiên Dương Châu, nộm bắp cải, bánh chưng, xôi, thịt kho tàu kèm trứng, gỏi cuốn chay; nước giải khát. Xà-lát hoa quả thơm phức hương trái cây. Không ghi trong thực đơn là những lát mứt gói thành kẹo trẻ em tha hồ bóc lấy. Dĩa nhựa nhỏ xíu, nên thực khách tới lui mấy lần mới đủ no bụng. Tuy vậy, trên bàn còn lác đác thức ăn. Món hoa quả cắt nhỏ dùng làm thức tráng miệng duy nhất rất thơm ngon nên hết veo, cũng như mấy cuốn nem hay chả giò gói thành hình que chữ nhật dẹp lép trông lạ hẳn đi.
Khi khách đã dùng tiệc xong, chương trình văn nghệ bắt đầu với màn múa quạt. Các cô gái chỉ có bốn người nhưng múa rất yểu điệu thục nữ, cô gái đứng gần bàn tôi nhất cũng là vũ nữ mềm dẻo nhất. Kết thúc là cảnh các cô cầm quạt hợp thành hình tam giác ngược trông thật đẹp.
 

Màn múa quạt dân gian duy nhất theo kiểu hiện đại. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Sau màn múa quạt là các võ sinh lên bục trình diễn nghệ thuật đánh đấm và có thanh đao. Khách mời chăm chú nhìn xem các em mặc quần áo đen, có cờ Pháp trên cánh tay áo và huy hiệu võ đường trên ngực, đai xanh, vàng, đỏ. Một cô gái duy nhất trong bọn, cô có màn múa biểu diễn riêng biệt một mình cũng như mấy nam võ sinh kia. Tôi đọc được tên Matteo, David, Tom... Màn hay nhất là khi các võ sinh xuống bục, đứng ngay trên sàn gạch biểu diễn màn bị địch tấn công thì trả đũa thế nào. Nhất là cô gái nhỏ người nhưng không hề bị thất thế, trái lại. Hoan hô nồng nhiệt, thật lạ lùng: khán giả nói chung và chúng tôi nói riêng không ai nghĩ tới đại họa khủng tặc một sát na nào cả! Không khí quá yên vui, quá an toàn nên chẳng có gì… lạ. Lúc chót ra về, tôi đi ngang anh vệ sỹ tư nhân được mướn canh gác với nụ cười tỉnh bơ xã giao đôi bên. Ồ, 100% bình thường và bình yên nơi đây mà.


Nhóm võ sinh trình diễn nghệ thuật Võ Việt Nam tấn công hay tự vệ (Ngọc Diễm/Viễn Đông)

Sau hai màn trình diễn thổi sáo, đơn ca, là “cái đinh” của buổi tiệc: các cô gái ra trình diễn mẫu áo dài. Tuyệt đẹp và trông rất thanh nhã là mẫu áo dài có tà sau nối dài kéo lướt thướt trên nền gạch. Ngược lại, lần đầu tiên tôi thấy tận mắt mẫu áo dài ngắn ngủn ngang đầu gối mà cô gái mặc nó trông vẫn rất dễ thương. Còn chiếc áo xẻ đùi một bên mà thôi và không có tay thì may thay nó không quá hở hang cho lắm nên trông cũng khá lạ mắt.


Kiểu áo lạ: xẻ một bên đùi không tay, ngắn tới đầu gối hở tay chân một nửa. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

 

Các cô gái mẫu xuất sắc dù không hề trang điểm nhà nghề. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Đặc biệt có hai tiết mục tủ làm khách mời rất thích thú tham gia. Thứ nhất là trò chơi múa sạp, sinh viên khôn ngoan dùng mấy cây tre giả bọc vải hồng giúp cho người nhảy (sai) không bị tre kẹp đau chân. Đây là điệu múa mà sinh viên Việt Nam du học nước ngoài từ Nam chí Bắc đều biết ứng dụng đưa lên sân khấu trình diễn vì người nước ngoài ai cũng ưa thích vừa xem vừa có thể tham gia. Ngày xưa, chúng tôi nhảy sạp trên sân khấu cao rộng cách xa khán giả; còn lúc này, lớp trẻ ngồi hẳn xuống sàn gạch và thay nhau đập cây cho mọi người xúm vô thử. Eo ơi, tuổi trẻ máu nóng, dân chúng vây quanh nhảy nhót theo điệu nhạc thật vui.

 

Nhảy sạp, trò chơi hấp dẫn khách cùng chơi đông đảo. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Thứ nhì là nhảy dây, thứ trò chơi con nít ngày xưa tôi và các nhóc tỳ mê lắm. Một trong các tấm ảnh tôi chụp được một sinh viên nhảy cao dễ sợ luôn.

 

Trò chơi nhảy dây ít người tham gia hơn nhảy sạp. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Giờ chót, sắp vãn tuồng ra về còn có trò kéo dây chia làm hai phe. Dây đứt thì bên kia thua, rốt cuộc cả bọn cùng té bò càng và cười hể hả.

 

Trò chơi kéo dây thi sức mạnh của hai phe. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

 

Người viết bài được chụp ảnh trước cả các phó nhòm khi sẽ chia tay. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Chúng tôi ra về mà lòng còn vui vẻ, lại thấy hy vọng loé lên là có thể chờ đợi không biết dù bao lâu đi nữa sẽ có sự thay đổi chế độ. Hạnh phúc thật sự đến từ hạnh phúc đơn sơ trong no ấm, hoà bình, vui chơi, sáng tạo…của toàn dân; không cho một thiểu số nào đó mà thôi. Khi Dân muốn là Trời muốn. (nd)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT