Đạo và Đời

Hy Sinh Phục Vụ

Wednesday, 21/10/2015 - 07:25:47

Hoặc sinh ra từ gia đình Công Giáo, hoặc do kết hôn với người có đạo (chiếm 80 -90% trong số người lớn theo đạo). Vậy thì việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam sau 50 năm không có kết quả là bao, nếu dựa vào các con số thống kê!

Bài Lm Joseph NGUYỄN THÁI

Linh mục Anton Nguyễn Ngọc Sơn, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng Giáo phẩm tại Việt Nam (1960-2010), đã viết bài “Nhìn lại sứ mạng truyền giáo trong 50 năm qua”, trong đó ngài cho rằng hiệu quả truyền giáo tại Việt Nam chưa cao. Nếu căn cứ vào các thống kê thường niên của HĐGMVN, con số tín hữu Công Giáo tại Việt Nam không gia tăng mà lại có chiều hướng thụt lùi: Năm 1960, số giáo hữu tại Việt Nam là 2.000.000/30,000.000 người, tỷ lệ 6,93%. Năm 2000, số giáo dân là 5.200.000/77.000.000 người, tỷ lệ 6,70%. Năm 2008, con số này là 6.100.000/86.100.000 người, tỷ lệ 7,18%. Năm 2014, tổng số giáo dân là 6.606.495/95.247.775 người, tỷ lệ 6,93%. Như vậy, kết quả là sau 55 năm (1960 - 2015), tỷ lệ dân số Công Giáo tại Việt Nam vẫn bằng nhau: 6,93%! Số tín hữu gia nhập đạo, tức chịu phép Rửa Tội, cho thấy thường do hai cách:

hoặc sinh ra từ gia đình Công Giáo, hoặc do kết hôn với người có đạo (chiếm 80 -90% trong số người lớn theo đạo). Vậy thì việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam sau 50 năm không có kết quả là bao, nếu dựa vào các con số thống kê!

Các bài đọc, đặc biệt bài Tin Mừng Mc 10, 32-45 cho chúng ta thấy thái độ rất nghịch thường của hai mẹ con hai anh em Giacôbê và Gioan. Đang lúc Chúa Giêsu can đảm đi lên Giêrusalem đón nhận những đau khổ và cái chết thì hai anh em Giacôbê và Gioan lại chỉ nghĩ tới cái lợi lộc, cái mình sẽ được hưởng thụ khi theo Chúa Giêsu. Chính vì thế, với não trạng của con người, với óc tính toán thiệt thua, hai anh em tiến đến bên Chúa Giêsu và thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10,37). Ở đây cả mẹ của hai ông cũng không hiểu gì về ý định của Thiên Chúa Cha đối với Chúa Giêsu: chịu đau khổ, chịu chết, sống lại để cứu chuộc nhân loại. Ước muốn này lẽ dĩ nhiên không chỉ riêng Giacôbê và Gioan mà còn là ước muốn chung của các môn đệ theo Chúa Giêsu. Các môn đệ chỉ nghĩ đến cái danh vọng bề ngoài chóng qua.

Chúa Giêsu nói với hai anh em con ông Giêbêđê: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? (Mc 10,38). Lời khuyên của Chúa Giêsu nhằm thức tỉnh những ai đi theo Ngài và trở nên những môn đệ rao giảng Tin Mừng của Chúa: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người (Mc 10,43).”

Mỗi người Kitô hữu phải là nhà truyền giáo, vì đó là bản chất của Giáo Hội. Khi nói về công việc truyền giáo, chúng ta thường nghĩ ngay đến việc loan báo Tin Mừng. Lời Chúa dạy chúng ta cái cách loan báo Tin Mừng bằng cuộc sống hy sinh, phục vụ: “Con người không đến để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người.” Mỗi người Kitô hữu phải kể về cuộc đời của Đức Giêsu cho anh chị em mình, không chỉ bằng lời nói mà bằng chính cuộc sống hy sinh, phục vụ của mình. Đó là lời loan báo Tin Mừng cụ thể nhất, sống động nhất và hữu hiệu nhất.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT