Thế Giới

Iran bắt đầu đưa thi thể từ máy bay xuống núi

Wednesday, 21/02/2018 - 08:19:26

Toàn bộ 65 người trên máy bay, trong đó có 6 thành viên phi hành đoàn, được cho là đã thiệt mạng. Chiếc ATR-72 gặp nạn, đã có tuổi đời 24 năm, vừa hoạt động trở lại vào 3 tháng trước, sau 6 năm nằm trong kho. Iran cáo buộc các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đã khiến nước này không thể mua máy bay mới.



TEHRAN - Thi thể 7 nạn nhân, trong vụ rơi máy bay Aseman Airlines ở Iran ngày 18 tháng 2, đã được đưa xuống núi Dena vào thứ Tư, trong khi thời tiết vẫn cản trở công việc tìm kiếm. "Đội đầu tiên đến hiện trường đã đưa một số thi thể nạn nhân xuống và giao cho cơ quan y tế ở chân núi,” ông Mohsen Momeni, giám đốc nhánh Isfahan của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ, cho biết. Đội cứu nạn đã tìm thấy thi thể 32 hành khách. Theo các nhân viên cứu nạn, thi thể của 15 người trong số này vẫn còn nhận dạng được. Nhiều thi thể còn lại bị chôn vùi dưới băng tuyết. Hộp đen của máy bay vẫn chưa được tìm thấy. 
Thời tiết lạnh giá, lớp tuyết dày 2 mét, và địa hình núi non hiểm trở, đã gây khó khăn cho nỗ lực tìm kiếm trong những ngày gần đây. Khoảng 7 trực thăng và gần 100 nhân viên cùng với những người leo núi vẫn đang cố gắng tìm kiếm ở khu vực máy bay rơi.
Máy bay ATR-72 của hãng hàng không Aseman Airlines gặp nạn ngày 18 tháng 2, đâm vào sườn núi Dena, tây nam Iran. Toàn bộ 65 người trên máy bay, trong đó có 6 thành viên phi hành đoàn, được cho là đã thiệt mạng. Chiếc ATR-72 gặp nạn, đã có tuổi đời 24 năm, vừa hoạt động trở lại vào 3 tháng trước, sau 6 năm nằm trong kho. Iran cáo buộc các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đã khiến nước này không thể mua máy bay mới.

WHO công bố 10 dịch bệnh nguy hiểm nhất 2018
THỤY SỸ - Mỗi năm một lần, Tổ chức Y Tế Thế Giới WHO sẽ công bố danh sách những căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát thành đại dịch, hoặc chưa có biện pháp đối phó. Trong năm 2018, danh sách này có 10 căn bệnh, bao gồm: Sốt xuất huyết Crimean–Congo (CCHF), Ebola, Virus Marburg, Sốt Lassa, Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS-CoV), Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), Bệnh do virus Nipah và Henipavirus, Sốt thung lũng Rift, Zika, và bệnh X (dùng để chỉ một loại vi khuẩn chưa biết, có khả năng phát triển mạnh giống như dịch cúm Tây Ban Nha, từng khiến 50 triệu người tử vong)
Bên cạnh 10 căn bệnh nêu trên, WHO khuyến cáo mọi người cần cẩn thận trước bệnh đậu mùa, leptospirosis, Chikungunya, virus West Nile, dịch hạch và hội chứng sốt giảm tiểu cầu (SFTS). Ngoài ra, tổ chức này cũng kêu gọi các nhà khoa học nỗ lực nghiên cứu, phát triển các loại vaccine, đồng thời nhắc lại mức độ nghiêm trọng của tình trạng vi trùng có khả năng kháng kháng sinh.

Nhật tặng thùng phiếu cho bầu cử Cambodia
PHNOM PENH – Vào thứ Tư, chính phủ Nhật đã quyên tặng 10,000 thùng phiếu cho cuộc bầu cử 2018 của Cambodia. Đây cũng là sự hỗ trợ quốc tế đầu tiên cho cuộc bầu cử, sau khi Hoa Kỳ và Liên Âu tuyên bố tẩy chay sự kiện này vì Phnom Penh giải tán đảng đối lập. Các nhóm nhân quyền và thành viên đảng đối lập đã bị giải tán CNRP kêu gọi các nhà tài trợ nước ngoài, bao gồm cả Nhật, nên ngừng tài trợ Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia Cambodia.
Tuy nhiên, vào tháng trước, Nhật Bản, một trong những nhà tài trợ lớn nhất của cuộc bầu cử Cambodia, nói rằng nước này sẽ tiếp tục cung cấp các thiết bị liên quan đến bầu cử, cho cuộc tranh cử Thượng Viện trong tháng này, và cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7. Trong một buổi lễ vào thứ Tư, đại sứ Nhật tại Cambodia, ông Hidehisa Horinouchi, nói rằng Ủy Ban Bầu Cử Cambodia đang cần các thùng phiếu mới, để thay thế cho các thùng phiếu cũ được Tokyo tặng vào 20 năm trước.
Ông Horinouchi nói, các thùng phiếu là “biểu tượng của sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với nền dân chủ,” và ông hy vọng Cambodia sẽ có được một cuộc bầu cử “thể hiện mong muốn thật sự của người dân.” Các thùng phiếu do Nhật quyên tặng có giá trị tổng cộng khoảng $7.5 triệu Mỹ kim. Cambodia đang cần khoảng 30,000 thùng phiếu, và các thiết bị phụ thêm từ Trung Quốc dự kiến sẽ được gởi đến vào tháng 3. Bà Kem Monovithya, con gái lãnh đạo đối lập Kem Sokha đang bị cầm tù, cho rằng Nhật nên giải thích với người dân Cambodia lý do vì sao Tokyo vẫn hỗ trợ điều mà bà gọi là “một cuộc bầu cử giả tạo.”

Xe bus phản đối Brexit bị hư ngày khởi hành
LONDON – Một chiếc xe bus mang thông điệp phản đối Brexit đã gặp rắc rối vào hôm thứ Tư, sau khi bị kẹt trên một con đường hẹp ở trung tâm London, ngay trong ngày khởi hành. Các nhà vận động ủng hộ Liên Âu đã cho xe bus khởi hành từ bên ngoài quốc hội Anh, dự định thực hiện hành trình 8 ngày vòng quanh Anh quốc, mang theo thông điệp phản đối chính phủ London rút khỏi EU. Tuy nhiên, chiếc xe bus lớn màu đỏ, với dòng chữ “Brexit làm tiêu tốn 2,000 bảng Anh một tuần,” đã có một khởi đầu tệ hại, khi bị kẹt trên con đường nhỏ tại quận trung tâm Westmisnter.
Những người muốn Anh quốc ở lại EU đang kêu gọi chính phủ thực hiện bỏ phiếu công khai, đối với bất kỳ thỏa thuận nào đạt được với Brussels liên quan đến Brexit. Việc Anh quốc rời khỏi EU dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3, 2019. Những người phản đối Brexit đang cố gắng khởi động chiến dịch ngăn chận quá trình này, dù các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy người dân Anh không mặn mà lắm với việc đảo ngược Brexit.
Chiếc xe bus “chống Brexit” dự kiến sẽ ghé qua 33 địa điểm trong hành trình 8 ngày quanh nước Anh. Việc dùng xe bus để vận động công chúng không phải là ý tưởng mới. Vào trước cuộc trưng cầu dân ý tháng 6, 2016, những người ủng hộ Brexit đã cho in lên các xe bus công cộng dòng chữ “Brexit sẽ giúp Anh quốc tiết kiệm 350 triệu bảng mỗi tuần, để dùng cho Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia.” Chiến dịch này đã giúp phe Brexit chiến thắng với tỷ lệ 52% trên 48% trong cuộc trưng cầu dân ý.

Đức ca ngợi Macedonia cải tổ để gia nhập EU
BERLIN - Thủ Tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Tư đã ca ngợi các nỗ lực của chính phủ Macedonia trong quá trình cải tổ để gia nhập Liên Âu, đồng thời cũng nói rằng Macedonia và Hy Lạp hiện đã gần đạt được giải pháp cho tranh chấp tên nước giữa 2 quốc gia, vốn đã kéo dài suốt 10 năm. Trong cuộc họp báo chung tại Berlin với Thủ Tướng Macedonia Zoran Zaev, bà Merkel tán thưởng các cải tổ tư pháp và gia tăng minh bạch tại đất nước từng thuộc liên bang cộng hòa Yugoslavia. Bà Merkel coi đây là những điều kiện cần thiết để khởi sự đàm phán cho Macedonia trở thành thành viên EU.
Trong thời gian qua, Macedonia vẫn có tranh chấp tên nước với Hy Lạp, do chính quyền Athens tin rằng, việc lấy tên “Macedonia” cho thấy chính quyền Skopje có mưu đồ muốn chiếm một tỉnh trùng tên của Hy Lạp. Sự phản đối của Athens khiến Macedonia không thể gia nhập NATO và EU. Hai nước đã đồng ý gia tăng đàm phán trong năm nay để giải quyết tranh chấp, trước cuộc họp quan trọng của NATO vào mùa hè.
Macedonia rút khỏi liên bang Yugoslavia vào năm 1991, và được nhận vào Liên Hiệp Quốc năm 1993 với tên gọi tạm thời là Cộng Hòa Macedonia từ Yugoslav. Macedonia cũng được nhận vào Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dưới tên này. Trong tháng này, chính quyền Skopje nói họ sẵn sàng thêm một từ có yếu tố xác định về địa lý vào tên quốc gia, để giải quyết tranh chấp với Hy Lạp. Một số giải pháp được đưa ra bao gồm sử dụng tên “New Macedonia,” hoặc “Northern Macedonia.” Tuy nhiên, phe chủ nghĩa dân tộc ở Hy Lạp cho rằng, tên gọi của đất nước Balkan này hoàn toàn không được phép chứa từ “Macedonia.”

Venezuela chính thức ra mắt tiền ảo

CARACAS - Chính phủ Venezuela hôm thứ Ba đã ra mắt tiền kỹ thuật số quốc gia đầu tiên trên thế giới - đồng Petro, nhằm giúp nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái. Ban đầu, mỗi token có giá $60 Mỹ kim. Nước này dự định bán ra $2.3 tỷ Mỹ kim. Trên lý thuyết, đồng Petro được bảo đảm bằng dự trữ dầu thô và các kim loại quý của Venezuela, như vàng. Venezuela hiện là nước có dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới. Dù vậy, đồng Petro không cho phép nhà đầu tư sở hữu cổ phần trong mỏ dầu của Venezuela.
Một số nhà đầu tư cho rằng đây vẫn là sự cải tiến, và có thể rút đầu tư từ Trung Đông, châu Âu và châu Á chuyển về đây. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học lại khẳng định, đồng Petro không thể giải quyết nhiều vấn đề của Venezuela, như thiếu lương thực, sản xuất dầu mỏ lao dốc, và người dân ồ ạt di cư ra nước ngoài. Giới phân tích cũng chưa rõ nhu cầu đồng Petro sẽ ra sao và nhà đầu tư có thể bán ra bằng cách nào. Hiện tại, nhà đầu tư sẽ phải mua đồng Petro bằng các tiền tệ khác, trừ đồng bolivar Venezuela, vì đồng tiền này gần như chẳng còn giá trị sau lạm phát.
Venezuela hiện đang nợ khoảng $141 tỷ Mỹ kim. Tổng Thống Venezuela - Nicolas Maduro - đổ lỗi cho Hoa Kỳ và phương Tây vì “gây chiến tranh kinh tế” với nước này. Hồi tháng 8 năm ngoái, chính quyền Tổng Thống Donald Trump đã áp đặt thêm hàng loạt lệnh trừng phạt tài chính lên Venezuela, ngăn các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ mua thêm trái phiếu chính phủ Venezuela. Hồi tháng 1, Bộ Tài Chính Hoa Kỳ cũng cảnh báo người mua tiền ảo của Venezuela “có thể sẽ chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT