Thế Giới

Iran có thể khôi phục việc cường hóa Uranium

Tuesday, 08/05/2018 - 08:42:03

Nền kinh tế sa sút và nạn thất nghiệp tại Iran đã dẫn đến làn sóng biểu tình trên khắp nước này vào tháng 12 và tháng 1 vừa qua, khiến ít nhất 25 người thiệt mạng và gần 5,000 người bị bắt.

TEHRAN – Tổng Thống Iran Hassan Rouhani hôm thứ Ba khuyến cáo, nước này có thể tái khởi động việc cường hóa Uranium “mà không có trở ngại gì” trong vòng vài tuần, sau khi Tổng Thống Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, ông Rouhani nói các cường quốc khác tham gia hiệp ước vẫn có thể cứu vãn thỏa thuận này.
Khẳng định rằng hiệp ước hạt nhân là một thỏa thuận đa phương, ông Rouhani cho biết ông đã gởi Ngoại Trưởng Mohammad Zarif tới các nước cùng ký tên trong thỏa thuận, bao gồm Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, và Anh quốc. Tehran cũng hy vọng Liên Âu sẽ ban hành các đạo luật, để bảo vệ các công ty EU có liên hệ với Iran tránh khỏi sự trừng phạt của Hoa Kỳ. EU trước đây từng nói rằng họ sẽ cố gắng hết sức để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân.
Nhiều người dân Iran tại thủ đô Tehran và những nơi khác tỏ ra lo ngại về quyết định của Hoa Kỳ. Tỷ giá ngoại hối trên thị trường chợ đen hiện nay là 66,000 rial Iran đổi 1 Mỹ kim, cho dù chính phủ ấn định tỷ giá chính thức là 42,000 rial cho 1 Mỹ kim. Nhiều người dân nói rằng họ không thấy được bất kỳ lợi ích nào từ thỏa thuận hạt nhân. Nền kinh tế sa sút và nạn thất nghiệp tại Iran đã dẫn đến làn sóng biểu tình trên khắp nước này vào tháng 12 và tháng 1 vừa qua, khiến ít nhất 25 người thiệt mạng và gần 5,000 người bị bắt. Chính phủ Tehran bị cáo buộc đã dồn tiền cho quân đội và tài trợ các lực lượng phiến quân ở nước ngoài, thay vì dùng tiền để phát triển kinh tế.

Pháp dọa tiếp tục không kích Syria
PARIS - Lên tiếng trên radio vào thứ Ba, Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parley cho biết, nước này sẽ tấn công Syria một lần nữa, nếu xuất hiện bất kỳ thông tin nào cáo buộc chính phủ Damacus gây ra các vụ tấn công hóa học mới. “Mục tiêu của cuộc không kích nhằm vào Syria là để ngăn Tổng Thống Bashar Assad tái diễn vụ tấn công (hóa học) tương tự. Nếu chuyện này xảy ra, chúng tôi có thể cân nhắc biện pháp không kích một lần nữa,” Bộ Trưởng Parley nói.
Hồi đầu tháng 4, liên quân Mỹ, Anh, Pháp đã thực hiện vụ không kích bằng hơn 100 hỏa tiễn nhằm vào các mục tiêu tại Syria, sau khi cáo buộc quân đội nước này gây ra vụ tấn công hóa học khiến hàng chục người thiệt mạng tại thị trấn Douma, Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus. Trước đó 1 năm, Hoa Kỳ cũng đã bắn hàng chục hỏa tiễn nhằm vào căn cứ không quân tại Syria, để đáp trả cáo buộc tấn công hóa học tương tự.
Chính phủ Syria luôn phủ nhận các cáo buộc tấn công hóa học, cho rằng vụ tấn công này được giàn dựng bởi phương Tây. Syria và đồng minh Nga đã mời các chuyên gia của Tổ chức Cấm Vũ Khí Hóa Học tới thị trấn Douma để điều tra về cáo buộc tấn công hóa học.

Paraguay sẽ chuyển tòa đại sứ tại Israel
ASUNCION - Paraguay sẽ trở thành nước thứ 3 sau Hoa Kỳ và Guatemala chuyển tòa đại sứ ở Israel từ thành phố Tel Aviv tới Jerusalem. Các nguồn tin từ chính phủ Paraguay và Bộ Ngoại Giao Israel xác nhận, Paraguay sẽ chuyển tòa đại sứ tới thành phố Jerusalem vào cuối tháng 5, sau Hoa Kỳ và Guatemala. Tình trạng của Jerusalem là một trong những vấn đề nhạy cảm và gây tranh cãi trong cộng đồng quốc tế. Đây là địa điểm thiêng liêng của đạo Hồi, đạo Thiên Chúa và Do Thái, do Israel quản lý từ sau cuộc chiến năm 1967. Israel xem đây là một phần lãnh thổ của họ, đồng thời người Palestine cũng coi Jerusalem là thủ đô cho quốc gia tương lai.
Vào tháng 12, 2017, Tổng Thống Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và cho biết sẽ dời tòa đại sứ Hoa Kỳ ở thành phố Tel Aviv tới Jerusalem. Hành động của ông Trump khi đó đã bị các đồng minh Ả Rập và châu Âu phản đối, cho rằng quyết định này có thể làm tình hình khu vực thêm căng thẳng. Ngày 24 tháng 12, Guatemala trở thành quốc gia thứ 2 quyết định dời tòa đại sứ từ Tel Aviv đến Jerusalem. Ngoại Trưởng Guatemala Sandra Jovel cho biết, việc chuyển tòa đại sứ không phải do áp lực từ Hoa Kỳ, mà là “chính sách đối ngoại” của Guatemala trong quan hệ liên minh với Israel.
Trong thông cáo báo chí thứ Hai, Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng Thống Trump sẽ không tới Israel dự lễ khai trương tòa đại sứ mới vào ngày 14 tháng 5. Thay vào đó, phái đoàn Hoa Kỳ gồm Bộ Trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin, vợ chồng Đệ Nhất Ái Nữ Ivanka Trump và Jared Kushner, cùng các viên chức sẽ tham dự sự kiện này.

Putin: Tây Phương muốn trừng phạt Nga để cạnh tranh
MOSCOW – Vào thứ Ba, Tổng Thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, các lệnh cấm vận nhắm vào sản phẩm nhôm của Nga là nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho những nước ban hành lệnh trừng phạt này. Lên tiếng tại Hạ Viện Nga, ông Putin nói, “Các quy định của tổ chức Thương Mại Thế Giới WTO vẫn bị vi phạm thường xuyên. Các lệnh cấm vận hoàn toàn là do động cơ chính trị, và sẽ có thêm nhiều lệnh cấm vận nữa được ban hành, nhằm bảo đảm lợi thế cạnh tranh cho chính những nước ban hành các lệnh này.”
Ông Putin cho biết, Nga đang cạnh tranh với Hoa Kỳ để giành thị trường nông nghiệp tại Trung Quốc, và ông tin rằng trong bối cảnh Trung Quốc đang đối đầu thương mại với Hoa Kỳ như hiện nay, Bắc Kinh sẽ đóng cửa thị trường với Hoa Kỳ, và Nga sẽ có cơ hội thế chỗ. Vào tháng trước, Washington đã công bố một danh sách trừng phạt, nhắm vào nhiều cá nhân và công ty Nga, bao gồm cả hãng sản xuất nhôm lớn của Nga là Rusal và cổ đông lớn của hãng này là ông Oleg Deripaska.
Trước các nhà lập pháp Nga, ông Putin cho biết chính phủ của ông sẽ nỗ lực đa dạng hóa quỹ dự trữ ngoại tệ, do sự độc quyền của đồng Mỹ kim là không đáng tin cậy, và rất nguy hiểm đối với tài chính. Nga giữ 45.8% quỹ dự trữ ngoại tệ dưới dạng Mỹ kim, theo hồ sơ tính đến này 1 tháng 1, 2018, của ngân hàng trung ương nước này. Ngoài ra, ngân hàng Nga cũng dự trữ nhiều đồng tiền của các nước khác trong quỹ dự trữ quốc gia, với tổng trị giá $460.4 tỷ Mỹ kim. Một phần đáng kể của quỹ này cũng được giữ bằng vàng.

Bắc Hàn muốn tìm cách mở cửa không phận
SEOUL – Bắc Hàn đang muốn thiết lập các đường bay mới ngang qua Nam Hàn, cũng như mở cửa không phận cho các hãng hàng không nước ngoài trước cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Do Nam – Bắc Hàn chưa có đường liên lạc trực tiếp về hàng không, nên Bình Nhưỡng đã nhờ tổ chức Hàng không dân sự quốc tế ICAO chuyển lời cho Seoul. Bộ GiaoThông Nam Hàn xác nhận đã nhận được thông báo của ICAO về đề nghị của Bắc Hàn. "Chúng tôi đang xem xét thông báo của ICAO. Tuy nhiên trong thời điểm nhạy cảm hiện tại, chúng tôi không thể tiết lộ gì thêm,” một viên chức của Bộ nói.
Hãng hàng không duy nhất của Bắc Hàn là Air Koryo hiện chỉ có 3 đường bay quốc tế từ thủ đô Bình Nhưỡng đến Bắc Kinh, Liêu Ninh của Trung Quốc, và Vladivostok của Nga. Ý định thiết lập đường bay quốc tế được Bắc Hàn đưa ra trước cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6. Đề nghị này mang đến những thay đổi tốt cho ngành hàng không dân sự. Trước đây, các hãng hàng không luôn phải chuẩn bị đối phó với những vụ thử hỏa tiễn bất ngờ của Bắc Hàn mỗi lần bay gần bán đảo Triều Tiên. Chỉ riêng trong năm 2017, Bình Nhưỡng đã thực hiện 20 vụ thử hỏa tiễn.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT