Bình Luận

Iran phục hận

Monday, 06/01/2020 - 08:15:18

Trong lịch sử Mỹ, chưa bao giờ chính phủ Mỹ lên án chính phủ của một nước khác là chủ trương khủng bố; nhiều người cho là nếu gọi chính phủ Iran là khủng bố, thì cái nhãn khủng bố đó cũng có thể dán lên trán người Nga và người Do Thái.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Nhìn hàng trăm ngàn khuôn mặt căm hận của những người tham dự đám táng thiếu tướng Qassim Suleimani, tôi nghĩ là chính phủ Iran sẽ không thất hứa với khối quần chúng của họ -lời hứa phục thù việc Mỹ giết chết ông Suleimani bằng một trái hỏa tiễn bắn chính xác vào chiếc xe đang chở ông ra ngoài phi trường Baghdad.
Việc ông tướng Iran sử dụng phi trường Baghdad, trong lúc Mỹ vẫn còn 5,000 quân trú đóng trên lãnh thổ Iraq, và việc đám tang ông diễn hành tại thành phố Najaf, rất gần với thủ đô Baghdad, và vẫn nằm trong lãnh thổ Iraq, là hai chỉ dấu rõ rệt về tình trạng thân thiện giữa hai quốc gia đã từng bắn giết nhau trong một cuộc chiến tranh rất dài.
Việc Mỹ giết tướng Suleimani cũng ràng buộc chính phủ Iraq vào việc trả thù người Mỹ, và việc chính phủ Mỹ cấp tốc gửi Sư Đoàn 82 Nhảy Dù trở qua Iraq, cũng giúp tôi luận ra là Mỹ chờ đợi nhiều khó khăn sắp xảy ra tại đó.


Hàng trăm ngàn người Iraq tham dự đám tang tư lệnh dân quân Iraq ông Abu Mahdi al-Muhandis tại thành phố Najaf ngày 4 tháng 1, 2020. (Haidar Hamdani/AFP via Getty Images)

Việc người Iraq tham dự đám tang tướng Iran Suleimani nồng nhiệt đến mức đó, khiến người ngoại cuộc phải thắc mắc nêu lên câu hỏi "Người Iraq, đã thương tiếc Suleymani đến như vậy, thì người Iran còn quí trọng ông đến mức nào?"
Công ơn của Suleimani là giúp Iran đối đầu với Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh Iraq dài đã 18 năm trên lãnh thổ Iraq, mà không phải gánh chịu $1 đồng quân phí nào cả, không phải chôn cất một người lính Iran nào cả.
Bí quyết đó của Suleimani là 'proxy war' -Chiến Tranh Ủy Nhiệm-(CTUN); Iran giao tranh với Mỹ, nhưng Suleimani không để binh sĩ Iran trúng đạn Mỹ, không để lãnh thổ Iran hứng bom Mỹ; ông sử dụng lãnh thổ nước khác để hứng bom Mỹ, người mang quốc tịch khác trúng đạn Mỹ.
Ông là chỉ huy trưởng IRGC-QF (Islamic Revolutionary Guards Corps-Quds Force) Vệ Binh Hồi Giáo- Lực Lượng Quds (LLQ); LLQ hiện diện tại nhiều quốc gia như Syria, Iraq, Lebanon, Yemen, và Afghanistan.
Tại Afghanistan LLQ đang thương thuyết với Mỹ, nhưng vẫn cứ nhì nhằng, không ngã ngũ, để không cho Mỹ rút quân, dù Mỹ chủ trương rút bỏ bằng mọi giá; tại Yeman, lực lượng Huthi do Iran yểm trợ, liên tục đánh phá Saudi Arabia, đồng minh của Mỹ, tại Syria, quân Mỹ sau khi rút lui, bỏ mặc đồng minh Kurds, đang phải trở lại để đối phó với LLQ.
Nói cách khác LLQ -với nhân lực địa phương trang bị bằng vũ khí Iran- đang tạo căng thẳng tại nhiều quốc gia thân hữu của Mỹ khiến Mỹ phải viện trợ quốc phòng, và nhiều nơi còn yêu cầu Mỹ gửi quân giúp họ phòng thủ.
Hai nước đang nằm trong kế hoạch tấn công của LLQ là Ai Cập và Do Thái; người Ai Cập và người Pakistan đang được Iran võ trang và huấn luyện để trở thành LLQ - Lực Lượng Quds; những lực lượng đó càng tinh nhuệ, mức võ trang của họ càng mạnh, thì những nước bị họ chiếu cố càng có nhu cầu Mỹ trợ chiến, và yểm trợ cho họ.
Tại Iraq, lực lượng Arab Shiite còn có sức mạnh chính trị nữa; thành phần tín đồ Shiite chiếm đến 70% dân số Iraq, nên kiến trúc chính trị của Iraq cũng rập theo mẫu số 70 - 30 đó, và đó là lý do thủ tướng Iraq đang chính thức yêu cầu Mỹ rút quân ra khỏi lãnh thổ Iraq.
Không những không rút mà Mỹ còn đang cấp tốc tăng quân tại Iraq; nhưng dù tăng hay rút quân Mỹ vẫn yếu bớt đi vì không còn khả năng tập trung quân số nữa.
Mỹ cũng ý thức được tình trạng bất lợi đó, nên tổng thống Mỹ gọi lực lượng vệ binh Iran là Lực Lượng khủng bố quốc ngoại. Tổng tư lệnh Vệ Binh Cách Mạng là tướng Suleimani vừa bị Mỹ hạ sát; diễn biến đó đang khiến nhiều chính khách Mỹ chỉ trích ông Trump.



Trump mệnh danh Vệ Binh Cách Mạng là Lực Lượng khủng bố quốc ngoại.

Trump lên án Lực Lượng Quds (LLQ) là Lượng khủng bố quốc ngoại, thì Iran cũng lên án Quân Khu Trung Ương của Mỹ (United States Central Command) là một tổ chức khủng bố; quân khu này chịu trách nhiệm về tình hình Trung Đông.
Nhiều cán bộ quân sự và tình báo của Mỹ, kể cả đại tướng tổng tham mưu trưởng Joseph F. Dunford Jr., không đồng ý với tổng thống Trump về việc hạ sát tướng Suleimani; những người này cho là cái chết và cách ông ta bị giết tạo nguy hại cho người Mỹ đang sống trên lãnh thổ các nước khác, và cho những toán bán quân sự hoạt động dưới quyền của sở CIA.
Hai nhân vật đồng ý với ông Trump là Ngoại Trưởng Mike Pompeo và ông cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton; hai người đó chủ trương Mỹ cần có chính sách mạnh hơn để đối phó với Iran.
Ngoại Trưởng Pompeo nhắc lại việc năm 2000, cán bộ Iran huấn luyện nghĩa binh người Iraq, tín đồ Shiite, những hiểu biết căn bản về quân sự để chống Mỹ. Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng xác nhận 603 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng dưới tay những người dân quân đó.
Trong lịch sử Mỹ, chưa bao giờ chính phủ Mỹ lên án chính phủ của một nước khác là chủ trương khủng bố; nhiều người cho là nếu gọi chính phủ Iran là khủng bố, thì cái nhãn khủng bố đó cũng có thể dán lên trán người Nga và người Do Thái.
Trong trận chiến tranh với Iraq, có lúc Tổng Thống George W. Bush muốn thi hành nhiều biện pháp trừng phạt Iran, nhưng vì không muốn quá ôm đồm, ông Bush đã bỏ qua.
Nhiều lần Iran tuyên bố họ sẽ trở lại với việc chế tạo bom nguyên tử; họ chỉ nói cho vui thôi, không ai tin sẽ có ngày họ có khả năng hơn thua với Mỹ trên địa hạt đó.

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT