Thế Giới

Iraq: ISIS tự đánh sập Đền Thờ Lớn al-Nuri ở

Thursday, 22/06/2017 - 10:39:25

Vào đầu tuần này, quân đội Iraq đã tiến vào khu vực Cổ Thành, vùng cuối cùng còn nằm trong sự kiểm soát của ISIS ở thành phố Mosul. Việc ISIS bị đánh bại hoàn toàn ở Mosul sẽ đánh dấu cho sự sụp đổ của tổ chức này ở Iraq.



MOSUL - Các phiến quân ISIS hôm thứ Tư đã cho nổ bom Đền Thờ Lớn al-Nuri tại Iraq, nơi thủ lãnh của lực lượng này từng tuyên bố thành lập “triều đại” cách đây ba năm. Hãng tin Amaq của ISIS cáo buộc máy bay Hoa Kỳ không kích và phá hủy đền thờ lịch sử này ở thành phố Mosul. Tuy nhiên, quân đội Hoa Kỳ và quân đội Iraq đều phủ nhận cáo buộc. “Chúng tôi không tổ chức không kích vào khu vực này. Kẻ gây ra khung cảnh hoang toàn này chính là phiến quân ISIS,” phát ngôn viên của liên quân tại Iraq, Đại tá Không quân Hoa Kỳ John Dorrian, nói.
Quân đội Iraq cũng ra thông báo cho biết, “Lực lượng khủng bố IS tiếp tục gây ra một tội ác khi phá hủy đền thờ al-Nuri và tòa tháp lịch sử al-Hadba.” Đền thờ al-Nuri là nơi mà thủ lãnh của phiến quân ISIS, Abu Bakr al-Baghdadi, đã tuyên bố thành lập “triều đại” Hồi giáo, với “lãnh thổ” trải dài từ Iraq đến Syria, vào mùa hè năm 2014, sau khi chiếm Mosul. Đó cũng là lần đầu tiên al-Baghdadi xuất hiện công khai trước thế giới. Lá cờ đen biểu tượng của ISIS sau đó được treo tại tháp al-Hadba.
Vào đầu tuần này, quân đội Iraq đã tiến vào khu vực Cổ Thành, vùng cuối cùng còn nằm trong sự kiểm soát của ISIS ở thành phố Mosul. Việc ISIS bị đánh bại hoàn toàn ở Mosul sẽ đánh dấu cho sự sụp đổ của tổ chức này ở Iraq.

Dân số thế giới đạt gần 10 tỷ người vào năm 2050
GENEVA - Điều tra thường niên của Liên Hiệp Quốc cho biết, dân số 7.6 tỉ người hiện nay của thế giới sẽ đạt mốc 8 tỉ vào năm 2023, và sẽ tăng lên 9.8 tỉ vào giữa thế kỷ 21. Hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc (1.4 tỉ người) và Ấn Độ (1.3 tỉ người) sẽ sớm hoán đổi vị trí cho nhau vào khoảng năm 2024. Các nước còn lại nằm trong top 5 quốc gia đông dân nhất thế giới bao gồm Nigeria, Hoa Kỳ, và Indonesia.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư cũng chỉ ra khu vực có tốc độ tăng dân số nhanh nhất là vùng Sahara nhỏ thuộc Châu Phi. Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên tại khu vực này vượt xa phần còn lại của thế giới. Tới năm 2050, 7 trong số 20 nước quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ nằm ở Châu Phi. Ngược lại, Châu Âu sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng già hóa dân số do tỷ lệ sinh tự nhiên không đạt được mức sinh thay thế (mức sinh bảo đảm sự thay thế của thế hệ sau cho thế hệ trước, khoảng 2.1 con/phụ nữ). Tại Đông Âu, dân số các nước Ukraine, Ba Lan, Serbia, Bulgaria, Romania và vùng Baltic sẽ giảm 15%, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho hay.
"Tại các quốc gia gặp phải tình trạng tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số, người nhập cư sẽ là động lực chính cho việc gia tăng dân,” giám đốc cơ quan dân số Liên Hợp Quốc John Wilmoth nói. Đáng chú ý, tỷ lệ sinh tự nhiên thấp hơn mức sinh thay thế xảy ra ở 83 quốc gia, chiếm 46% dân số thế giới. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy tình trạng nam giới nhiều hơn nữ giới phổ biến trên toàn cầu (102 nam trên 100 nữ). Số người già trên 60 tuổi sẽ đạt 1 tỉ vào năm 2018, và 2 tỉ năm 2050. Độ tuổi trung bình của dân số toàn cầu là 30 tuổi.

Iran chuyển 1,100 tấn thực phẩm tới Qatar mỗi ngày
TEHRAN – Chính phủ Iran hiện đang vận chuyển 1,100 tấn thực phẩm tới Qatar mỗi ngày, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao Vùng Vịnh không có dấu hiệu hạ nhiệt. Ông Mohammad Mehdi Bonchari, giám đốc các cảng biển ở tỉnh Boushehr, cho biết mỗi ngày Tehran xuất cáng 1,100 tấn thực phẩm tới Qatar. Trong đó chủ yếu bao gồm các loại hoa quả và rau xanh. Ngoài ra, 66 tấn thịt bò đã được Iran chuyển sang Qatar, và nhà chức trách dự định sẽ xuất cảng thêm 90 tấn vào những ngày tới.
Trước đó, hôm 11 tháng 6, hãng hàng không quốc gia Iran khẳng định 5 máy bay chở 450 tấn rau quả đã lên đường sang Qatar, để giải quyết tình hình thiếu hụt lương thực ở quốc gia Vùng Vịnh này. Ngày 5 tháng 6, các thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập, và Bahrain đã tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời phong tỏa không phận, hải phận và đất liền.
Tehran đã thúc giục Qatar và các nước Vùng Vịnh đối thoại nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng ngoại giao. Hôm 20 tháng 6, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed Al Thani cho biết, nước này sẽ không đàm phán với các láng giềng, trừ khi các biện pháp phong tỏa được rút lại. Ông khẳng định Doha chưa nhận được bất cứ yêu cầu gì từ Ả Rập Saudi, UAE và Bahrain. Tuy nhiên, ông nói rằng, chỉ các vấn đề liên quan đến Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh mới có thể đàm phán, các nước không được phép can thiệp vào vấn đề nội bộ của Qatar.

Trung Hoa, Hong Kong, hai trung tâm hàng giả toàn cầu
BRUSSELS – Cơ quan Cảnh sát châu Âu Europol vừa công bố báo cáo khẳng định: “Năm 2015, Trung Hoa và Hong Kong là nơi xuất xứ của 86% lượng hàng giả toàn cầu, lên đến $396.5 tỷ Mỹ kim.” Theo cảnh sát châu Âu, mọi mặt hàng đều được làm giả, từ dầu gội đầu, pin, cho đến các thiết bị điện tử, quần áo hàng hiệu, dược phẩm... Mặt hàng được làm giả nhiều nhất là thuốc lá, chiếm 27% trong số 88,000 vụ gian lận được phát hiện ở châu Âu.
Quần áo và giày dép giả khiến các nước châu Âu thiệt hại $29 tỷ Mỹ kim và mất khoảng 363,000 việc làm, báo cáo cho biết. Với hệ thống đường sắt vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang châu Âu, nhà chức trách lo ngại hàng giả và kém phẩm chất sẽ thâm nhập thị trường châu Âu dễ dàng hơn. Viên chức châu Âu cảnh báo, hàng giả có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế và đem lại lợi nhuận bất hợp pháp cho các tổ chức tội phạm.
Đồng thời, hàng kém phẩm chất có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự an toàn của người tiêu thụ, bởi chúng được bán thẳng tới tay họ mà không được lực lượng quan thuế kiểm tra. "Tội phạm làm hàng giả thường sản xuất và vận chuyển rất nhanh, để đáp ứng xu hướng và nhu cầu của người tiêu thụ,” báo cáo của cảnh sát châu Âu cho biết. Báo cáo cũng nói thêm Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Singapore được coi là những địa điểm quan trọng của mạng lưới sản xuất và vận chuyển hàng giả vào châu Âu.

Thái Lan kéo dài quyền lực của quân đội thêm 20 năm
BANGKOK – Quốc hội Thái Lan, với nhiều thành viên do quân đội bổ nhiệm, vào hôm thứ Năm đã phê chuẩn dự luật cho phép chính phủ quân sự được tiếp tục duy trì các chính sách của họ, dù sau khi đã tổ chức bầu cử và chính thức từ bỏ vị trí cầm quyền. Dự luật mới cũng đề nghị thành lập một ủy ban chiến lược quốc gia, để giám sát các kế hoạch dài hạn của chính phủ trong 2 thập niên tới. Nhiệm vụ chính của ủy ban này là đặt ra các mục tiêu mới cho mỗi 5 năm, nhằm thúc đẩy sự phát triển xã hội, chính trị, và kinh tế.
Vào tháng 3 vừa qua, đại diện chính phủ Thái Lan từng nói rằng, việc cải tổ đất nước cần một chiến lược dài hạn 20 năm, để giải quyết các vấn đề như nạn tham nhũng, kinh tế trì trệ, tình hình an ninh, mà các chính phủ trước đây đã không thể kiểm soát. Quân đội Thái Lan đã nắm quyền điều hành quốc gia, sau cuộc lật đổ một chính phủ do người dân bầu lên, vào tháng 5, 2014. Quân đội cho biết một cuộc bầu cử sẽ được tiến hành vào năm tới, nhưng chưa xác định thời điểm chính xác.
Cựu Thủ Tướng Abhisit Vejjajiva, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông, nói rằng chính quyền quân sự lẽ ra nên hỏi ý kiến người dân trước khi phê chuẩn dự luật. Ông cho rằng, đạo luật mới sẽ chỉ làm phức tạp thêm công việc của chính phủ tương lai. Từ năm 2006 đến nay, Thái Lan đã liên tục rơi vào tình trạng bất ổn chính trị. Sau cuộc đảo chính 2014, quân đội đã ban hành một hiến pháp mới, để giới hạn quyền lực của các chính trị gia.

Hãng phụ tùng xe hơi Takata có thể sắp phá sản
TOKYO – Cổ phiếu của hãng phụ tùng xe hơi Takata của Nhật đã giảm hơn 50% vào hôm thứ Năm, sau khi có tin cho rằng hãng này đang sắp phá sản. Hãng Takata hiện đang đối mặt với nhiều vụ kiện và khoản chi phí khổng lồ để thu hồi sản phẩm, sau khi các túi hơi bị lỗi của hãng được cho là có liên quan đến 16 ca tử vong, xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.
Giá cổ phiếu Takata hiện nay chỉ còn chưa tới 1 phần tư mức giá vào một tuần trước đây, sau khi một tờ báo uy tín của Nhật đăng tin rằng hãng này sẽ tuyên bố phá sản và bán các tài sản còn lại cho một công ty Hoa Kỳ. Giới truyền thông còn đưa tin rằng, hãng Takata, vốn đang có khoản nợ lên đến hơn 1 ngàn tỷ yen, sẽ khai phá sản sớm nhất là vào thứ Hai tới. Các khách hàng lớn của Takata đều ủng hộ ý định khai phá sản này.
Hãng phụ tùng Takata và một số hãng xe khách hàng hiện đang đối mặt với nhiều vụ kiện, vì bị cáo buộc rằng họ đã biết về việc túi hơi có vấn đề, nhưng đã giữ im lặng. Nhiều triệu xe hơi của các nhãn hiệu lớn, bao gồm cả Toyota và General Motor, đã bị thu hồi vì nguy cơ túi hơi có thể gặp trục trặc và phát nổ, làm văng các mảnh kim loại nguy hiểm vào những người trong xe. Nguyên nhân của tình trạng này chưa được xác định, nhưng một số giả thuyết cho rằng, hóa chất được dùng trong túi hơi đã phản ứng với tình trạng môi trường, hoặc túi hơi đã bị thiết kế sai.

Nam Hàn: Chủ tịch tập đoàn nhìn nhận bà Park đòi hối lộ
SEOUL - Lãnh đạo tập đoàn lớn thứ hai Nam Hàn hôm thứ Năm thừa nhận trước tòa về cáo buộc tham nhũng, đối với cựu tổng thống Park Geun-hye. Ông Chey Tae-won, chủ tịch tập đoàn SK, thừa nhận việc bà Park đã đề nghị hối lộ để đổi lấy ưu đãi về chính sách. Tập đoàn SK lớn thứ 2 Nam Hàn, chỉ sau Samsung. Ông Chey là người đầu tiên có vai vế trong giới kinh doanh phải ra hầu tòa, liên quan đến bê bối của cựu tổng thống Nam Hàn. Ông là một trong 7 người đứng đầu các tập đoàn, mà bà Park có các cuộc gặp riêng hồi tháng 2 năm ngoái.
Chủ tịch SK cho biết, khi gặp bà Park gần Phủ Tổng Thống, ông đã đề nghị chính phủ chấp thuận một dự án sáp nhập công ty, một giấy phép dành cho cửa hàng miễn thuế, và yêu cầu thả trước thời hạn người anh của ông, vốn đang ngồi tù vì tội tham ô. Tuy nhiên, cựu Tổng Thống Park bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng các công ty đã tự nguyện đóng góp cho 2 ngân quỹ, mà theo bà là nhằm phát triển thể thao và văn hoá.
Một trong những trợ lý thân cận với bà Park, Ahn Jong-beom, người đã bị bắt, còn yêu cầu SK tặng thêm 8.9 tỷ won (gần $11 triệu Mỹ kim) vào 1 trong 2 quỹ do bà Choi Soon Sil, bạn thân của bà Park, quản lý. Tuy nhiên, SK trước đó đã tặng hơn 11 tỷ won cho các quỹ của bà Choi, nên đã bác bỏ yêu cầu này. Do đó, các đề nghị SK đưa ra đã bị từ chối.
Bà Park giữ im lặng khi ông Chey được hỏi trong phiên toà và bà Choi cũng có mặt. Bà Park và bà Choi bị đưa ra xét xử với cáo buộc nhận hàng triệu Mỹ kim tiền hối lộ từ các tập đoàn lớn, gồm cả Samsung. Nếu bị kết tội, bà Park sẽ phải ngồi tù ít nhất 10 năm, và tối đa là chung thân.


Tags #ISIS

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT