Văn Nghệ

Jazz is You! Jazz là Em! đặc sắc với ca sĩ Thùy Linh

Friday, 31/05/2019 - 05:41:00

Tối thứ Bảy, ngày 25 tháng 5, 2019, tại Viện Việt Học, Westminster ca sĩ nhạc Jazz Thùy Linh đã “gặp lại” khán giả Quận Cam trong đêm nhạc “Jazz is You! Jazz là Em!”


Các thành viên trong ban nhạc hòa tấu mở màn đêm nhạc Jazz is You! Jazz là Em! (Băng Huyền/ Viễn Đông)

 

Bài BĂNG HUYỀN

Tối thứ Bảy, ngày 25 tháng 5, 2019, tại Viện Việt Học, Westminster ca sĩ nhạc Jazz Thùy Linh đã “gặp lại” khán giả Quận Cam trong đêm nhạc “Jazz is You! Jazz là Em!” Chương trình được sự bảo trợ của Viện Việt Học, khán giả vào cửa tự do, đóng góp tùy hỉ. Đây là một trong những buổi diễn nằm trong tour Jazz is You! Jazz là Em để kỷ niệm 5 năm thành lập chương trình cùng tên và đêm nhạc này cũng ra mắt CD thứ nhì và là CD mới nhất vừa được hoàn thành của Thùy Linh sau hơn ba năm chăm chút. CD gồm nhiều bài nhạc quen thuộc và một số bản nhạc được sáng tác mang nét mới lạ với lối hòa âm gần gũi kinh điển của nhạc Jazz quốc tế.
Jazz is You! Jazz là Em được hình thành từ ý tưởng của ca nhạc sĩ Thùy Linh và nhạc sĩ Nguyễn Dự (cả hai sống tại Bắc California), với ước mong được phối hợp ca nhạc sĩ người Hoa Kỳ, ca nhạc sĩ sắc dân khác sống tại Hoa Kỳ và ca nhạc sĩ người Mỹ gốc Việt nhằm mục đích quảng bá và trình diễn nhạc Jazz thường xuyên hơn trong cộng đồng người Việt và các sắc dân khác. Jazz is You! Jazz là Em cũng là ca khúc được nhạc sĩ Nguyễn Dự sáng tác tặng cho Thùy Linh để hát trong đêm nhạc Jazz tổ chức trong dịp lễ Tạ Ơn năm 2013 ở San Jose.

 
Ca sĩ Thùy Linh trình diễn cùng ban nhạc. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Ca sĩ Thùy Linh

Thùy Linh đã tốt nghiệp đại học University of California, Berkeley với bằng cử nhân xã hội học, và bằng thạc sĩ ngành Bang Giao Quốc Tế tại đại học ở Washington, D.C. Jazz, một thể loại âm nhạc vốn đòi hỏi rất nhiều vốn sống, trí tưởng tượng, sự trải nghiệm, giàu ngẫu hứng. Là sự kết hợp một cách tuyệt vời giữa kỹ thuật, khả năng ứng tác và sáng tạo của người nghệ sĩ, đó cũng là nguyên nhân đem đến cho chị nhiều mê đắm với Jazz. Thùy Linh đã học hát Jazz và trở thành ca sĩ hát nhạc Jazz chuyên nghiệp, đứng cùng sân khấu với những nghệ sĩ nhạc Jazz người bản xứ. Cô được khán giả yêu nhạc Jazz người Mỹ tại San Jose, Bắc California yêu mến.
Đêm diễn “Jazz is You! Jazz là Em” tuần rồi, MC duyên dáng Bích Trâm là người đảm nhận phần điều hợp chương trình, giới thiệu các tiết mục đến các khán giả.

 
Nhạc sĩ kèn trumpet James Sherry (bên trái) và nhạc sĩ kèn harmonica Carlos Zialcita. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Các thành viên trong ban nhạc

Ngoài tiếng hát Thùy Linh là giọng ca chính trong chương trình, Jazz is You! Jazz là Em, lần này còn có giọng ca của Carlos Zialcita (người Mỹ gốc Phi Luật Tân, đến Hoa Kỳ từ năm 1958). Ông là người hát và chơi harmonica dòng nhạc Blues và Jazz. Ông là ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất lễ hội nhạc Jazz và nhà giáo dục tại vùng vịnh San Francisco trong nhiều thập niên và đã làm việc với nhiều nghệ sĩ, ban nhạc và sinh viên khác nhau (dạy ở Học Viện Cao Đẳng Cộng đồng Peralta, trợ lý cho giảng viên lớp Johnny Otis, ông cũng là cựu giảng viên tại Nhạc Viện Công Cộng Oakland). Zialcita là người sáng lập và giám đốc của Hội Nhạc Jazz Người Mỹ Gốc Phi Luật Tân San Francisco, được thành lập năm 2008.

Ban nhạc của đêm diễn có Arif Shakir, một nghệ sĩ piano và nhạc đệm tại Los Angeles. Anh được đào tạo bởi những nhạc sĩ tài năng như Billy McCoy, Kevin Toney, Lois Roberts, Dr. Dawn Norfleet và Harvey Estrada, chuyên sâu về piano cổ điển, biểu diễn và chuyên về nhiều phong cách như RnB, Phúc Âm (Godspel) và Jazz. Anh có hơn sáu năm kinh nghiệm giảng dạy, anh dạy piano tại The Harmony Project LA, Success Through the Arts Foundation, và nhận dạy kèm thêm cho một số học viên. Arif hiện là nghệ sĩ piano cho Nhà Thờ trên đường Willow, ở Long Beach, dưới sự chỉ đạo âm nhạc của Bà Bobette Jamison-Harrison. Arif còn biểu diễn thường xuyên với các nhạc sĩ nổi tiếng trên khắp khu vực Los Angeles.


Ca nhạc sĩ Thùy Linh và các nhạc sĩ trong ban nhạc. (Hình cung cấp)

Chơi trống trong đêm diễn là nhạc sĩ Don Littleton. Ông là một nhạc sĩ thuộc bộ gõ dòng nhạc blues, hip hop, reggae, và đặc biệt thành thạo tất cả các phong cách nhạc Jazz. Ông trình diễn thuần thục Cajón (trống hộp), Timbales, Trống Bẫy, Trống Bongo, Trống Conga, Maracas, Claves, Cuíca, Djembe, Shekere và các nhạc cụ gõ khác. Don đã sử dụng tài năng của mình trên nhiều bản thu âm, bao gồm cả EP đầu tay của ông mang tên 'Ghép ảnh', đó là sự hợp tác với anh trai của ông, Jeffery Littleton. Từng xuất hiện / biểu diễn trong quá khứ: BET on Jazz, Long Beach Jazz Festival (Được biểu diễn với huyền thoại Hank Crawford), Jazz tại Drew Jazz Festival (Được biểu diễn với huyền thoại nhạc jazz Stanley T Hiệnine), Lễ hội Blues Blues, Đại nhạc hội Jazz quốc tế Armenia với Gary Kesayan, 10 ngày tour du lịch Mexico, tour du lịch Nam Hàn ba tháng, xuất hiện trong các phim Phụ Nữ Nguy Hiểm và Câu Chuyện Richard Little. 

Ông Don Littleton được biểu diễn như một phần của dàn nhạc trong sản xuất sân khấu "Purlie" (Nhà Hát Pasadena) với sự tham gia của Loretta Devine. Đã hợp tác và biểu diễn cùng với Roberta Flack, Hank Crawford, Stanley Tflowine, Cannonball Add xưa, Pharoah Sanders và vô số nhạc sĩ Jazz và Blues đáng kính khác. Ghi âm: Anh em nhà Littleton sống với Bobby Watson- Ghép ảnh (Debut EP), David Dahlsten- Nghiên cứu trái tim của chính bạn, Karl Denson- Cá hồng đen, Rick Zunigar- Organ Trio, Roberto Miranda- KB's Studio ở Westwood…
Đêm nhạc còn có tiếng kèn trumpet của James Sherry. Ông là nhạc sĩ jazz kèn trumpet. Ông đã biểu diễn tại Orchestra Hall ở Chicago, Kennedy Center ở Washington, DC, Gold Coast ở Las Vegas và câu lạc bộ Jazz Hà Nội tại Việt Nam, cũng như trên khắp Hoa Kỳ, với Baltimore Symphony, các ban nhạc đường phố ở New Orleans, các lễ hội mariachi ở Chicago và trong các chuyến lưu diễn với Russ Morgan Orchestra. Là một nghệ sĩ độc tấu, anh cũng đã trình bày các buổi hòa nhạc ở Canada, khắp Đông Nam Á và một chuyến lưu diễn tại các nhà thờ Đức. Với hơn ba mươi năm kinh nghiệm giảng dạy, ông đã giảng dạy tại Đại học Johns Hopkins, Đại học Âm nhạc Mahidol ở Thái Lan và các trường công lập ở Chicago và Long Beach. Anh được đào tạo âm nhạc tại Đại học Yale và Nhạc viện Peabody thuộc Đại học Johns Hopkins, nơi ông nhận bằng tiến sĩ. Gần đây ông đã phát hành Rendez-Gnu: The ConCorDance Project, bản thu âm các tác phẩm Jazz của ông.


Nhạc sĩ chơi piano Arif Shakir (Hình cung cấp)

 

Thành công của đêm diễn không thể thiếu tiếng đàn Contrabass của nhạc sĩ Harvey L. Estrada (còn có tên là Anikulapo Kuti). Đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc cho đêm diễn “Jazz is You! Jazz là Em” lần này. Ông là nhà soạn nhạc / nhạc sĩ/ nhà giáo dục. Harvey L. Estrada đã biểu diễn và thu âm với nhiều nghệ sĩ khác như: Fela Anikulapo Kuti, Aaron Copeland, Chaka Khan, Stevie Wonder, Jonathan Butler, Isaac Hayes, David Pack, Yolanda Adams, Barbra Morrison, Sarah Vaughn, Billy Higgins, Horace Silver Otis Day và The Knight, Bruce Willis, Etta James, Billy Preston, Kanye West, George Clinton, Mary Wells, Herbie Hancock, Wayne Shorter, Kendrick Lamar. Ông làm việc như một nhà soạn nhạc cho Trò chơi điện tử, Phim, Truyền hình và các ngành công nghiệp giải trí đa phương tiện khác. Ông là giáo sư âm nhạc và là giám đốc của khoa âm nhạc thương mại tại El Camino College và Compton College.


Nhạc sĩ nhạc sĩ Don Littleton (Hình cung cấp)

Nét đặc sắc của Jazz và buổi diễn

Nhạc Jazz là thể loại nhạc có sức hút lạ kỳ bởi tính ngẫu hứng và phiêu linh. Tuy nhiên, người thích nghe Jazz trong cộng đồng người Việt thì vẫn chưa nhiều và còn ít người hiểu về nó thật sự. Ngay như trên thế giới, nhạc Jazz chỉ chiếm một con số rất khiêm tốn về lượng người nghe, và nhạc POP vẫn đứng đầu.
Tuy nhạc Jazz còn kén khán giả Việt Nam, nhưng với ca sĩ Thùy Linh, nếu không có những người bắt đầu và mở rộng hơn nhạc Jazz tới khán giả, người nghe sẽ bị đóng khung vào những dòng nhạc đã quá trở nên phổ biến. Đêm diễn thứ Bảy tuần rồi có khá đông khán giả người Việt, người Mỹ đến nghe nhạc và đã đóng góp ủng hộ cho ban tổ chức và CD của ca sĩ Thùy Linh.

Đêm diễn “Jazz is You! Jazz là Em” đã xóa tan khoảng cách khác biệt về văn hóa khi các nhạc sĩ trong ban nhạc cùng ca sĩ Thùy Linh thể hiện sự kết hợp ăn ý, tạo nên không gian nhạc Jazz với nhiều phong cách khác nhau.
Các ca nhạc sĩ của đã đưa khán giả phiêu lãng qua những ca khúc bất hủ của Jazz, Blues, nhịp điệu funk, nhịp waltz, nhịp đảo calypso, nhịp slow swing, ca khúc Việt Nam được hát theo thể điệu Jazz, Blues đầy mới mẻ. Biến đêm nhạc thành một bức tranh đa sắc, không có cảm giác nhàm chán, đơn điệu mà có nhiều cung bậc cảm xúc hơn, lúc buồn vui, khi trầm lắng sôi động, khiến khán giả đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Thành công của đêm nhạc là sự kết hợp khéo léo của các nhạc sĩ cùng ngẫu hứng trong tinh thần nghệ sĩ, cùng đồng cảm ở niềm đam mê âm nhạc. Họ chơi cho nhau nghe và cống hiến cho khán giả đầy ngẫu hứng tuôn trào, phiêu lãng qua các nhạc phẩm “sống” của mình. Họ đã kể lại một câu chuyện cũ nhưng theo một phong cách quyến rũ mới. Đó không phải là sao chép những gì được thực hiện trước kia, nhưng phục hồi những bài hát cũ để làm cho chúng tươi mới và có ý nghĩa trở lại.


Nhạc sĩ Carlos Zialcita (Hình cung cấp)

Jazz là gì?

Để giúp những khán giả chưa hiểu rõ về Jazz, ca sĩ Thùy Linh trong lúc trình diễn đã có vài dòng phác họa về nghệ thuật của nhạc Jazz kèm theo là phần minh họa của các nhạc sĩ trong ban nhạc tấu lên những đoạn nhạc giúp khán giả hình dung rõ hơn. Thùy Linh và ban nhạc đã chọn ca khúc Summertime để minh họa bằng nhiều phong cách hát và nhịp điệu khác nhau: ballad, swing, blues, bossa, rock để chứng minh cho khán giả thấy nhạc Jazz mang lại cảm giác TỰ DO nhưng các nhạc sĩ vẫn chơi theo nhịp với nhau. Nếu tiết tấu cổ điển thường là các dạng tiết tấu không quá phức tạp nghe thuận tai, thì nhạc Jazz luôn chú trọng các tiết tấu đảo phách, nghịch phách và được nhấn vào các phách nhẹ.

Qua phần minh họa này, đã giúp khán giả nhận ra rằng để nghe được nhạc Jazz không khó nhưng để hiểu được nó hay ở chỗ nào thì chẳng đơn giản chút nào. Lẽ dĩ nhiên điều này cũng có thể áp dụng với nhiều thể loại nhạc khác, nhưng đặc biệt đúng khi thưởng thức nhạc Jazz. Vì mỗi bản nhạc thể loại Jazz khi trình tấu đều khác nhau, nếu người nghe không biết thông thạo những bản nhạc kinh điển, những bản nhạc nền tảng thì rất khó đánh giá cái gì là mới, cái nào là hay, mới và hay ở điểm nào.


Nhạc sĩ Harvey L. Estrada (còn gọi là Anikulapo Kuti) đảm nhận giám đốc âm nhạc cho chương trình. (Hình cung cấp)

Giọng hát của Thùy Linh

Hát jazz đòi hỏi người hát phải có khả năng ứng biến với tác phẩm, tính ngẫu hứng cao, nắm chắc hòa thanh, sử dụng giọng hát như một nhạc cụ. Yếu tố Zazzy trong giọng hát của ca sĩ Thùy Linh thể hiện rất rõ với những luyến láy, cảm xúc. Chất giọng của Thùy Linh giàu biểu cảm, câu chữ được chị thả ra một cách rành rọt, rõ ràng. Khi chị hát giọng của chị hòa nhịp theo từng khúc ứng tác của các thành viên trong ban nhạc khá tốt, tạo nên một phong vị lạ lẫm. Thùy Linh đem lại thích thú cho khán giả khi cô hát Autumn Leaves bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Cô bắt đầu bài hát bằng cách đọc lời bài hát, giống như ngâm thơ, phần ngâm thơ được kèm theo máy tạo mưa / lục lạc và trống chũm chọe do nhạc sĩ James Sherry và Carlos Zialcita biểu diễn, để tạo ra một khung cảnh cát, biển và gió như đang ở ngoài thiên nhiên.

Với ca khúc La Vie En Rose, Thùy Linh mở đầu bài hát đọc lên câu thơ theo lối rubato solo (rubato là lối hát tự do, không theo nhịp của bài) chỉ với tiếng đệm piano của nhạc sĩ Arif Shakir và đã hát ca khúc này với đầy đủ ban nhạc trong nhịp điệu funk. Tạo cho tác phẩm một nét độc đáo riêng của Thùy Linh. Thùy Linh căng tràn cảm xúc khi cô hát Jaz is You! Jaz Là Em (Nguyễn Dự), ca khúc Love Me with All Your Heart (Yêu Em Với Tất Cả Trái Tim, lời Việt của Tuấn Dũng), ca khúc Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay (Đoàn Chuẩn- Từ Linh) được Thùy Linh hát theo nhịp slow swing đầy mới lạ.


Nhạc sĩ James Sherry (Hình cung cấp)

Ca khúc God Bless the Child (Billie Holiday & Arthur Herzog, Jr. in 1939) giọng hát theo phong cách gospel của Thùy Linh được dìu nâng bởi tiếng đàn piano của nhạc sĩ Arif Shakir giúp tác phẩm càng thêm thăng hoa. Và với ca khúc Jackfruit (quả mít) do chính Thùy Linh sáng tác nhạc dựa theo bài thơ của nữ thi sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương, lời ca khúc này do người bạn của cô là nhà thơ Bashou sáng tác. Mở đầu ca khúc, cô đọc lời bài hát, giống như ngâm thơ. Phần ngâm thơ được kèm theo máy tạo mưa, lục lạc và trống chũm chọe do nhạc sĩ James thực hiện, để tạo ra một khung cảnh rừng xa. Phần lời thơ bằng tiếng Việt viết thêm để Thùy Linh đọc trước khi hát ca khúc, do Quỳnh Mai Đỗ-rafe & Nguyễn Dự viết.

Riêng với ca khúc Crazy (Willie Nelson, lời Việt Nguyễn Dự) theo thể điệu Bluesy, là ca khúc được ca sĩ Thùy Linh sáng tạo đầy mới mẻ khi cô hát với đàn bass 6-dây và đàn Bầu Việt Nam. Vì không đủ tài chánh mời nhạc sĩ chơi đàn bầu trong tác phẩm này đã được đưa vào CD mới nhất của mình, người nhạc sĩ hiện đang sống tại Florida, nên Thùy Linh xin được hát ca khúc này trên nền nhạc thu sẵn. Tiết mục này giúp khán giả cảm nhận được sự sáng tạo vô bờ của người nghệ sĩ và đã nhận được những tràng pháo tay thích thú từ khán giả.


HạĐỏ BíchPhượng tay cầm CD mới nhất của Thùy Linh, có ca khúc Đến Vì Tình/ For Your Love của HạĐỏ BíchPhượng sáng tác. HạĐỏ đã ủng hộ ca sĩ Thùy Linh từ ngày đầu chương trình Jazz is You! Jazz là Em! (Hình cung cấp)

Phần trình diễn của các nhạc sĩ khách mời

Giọng ca của Carlos Zialcita hát một số ca khúc nhạc Blues với kiểu hát một chút ngược trong âm điệu, một chút phiêu trong bài hát, một chút buông thả, đã đem đến nhiều thích thú cho người nghe lúc cao hứng, lúc thì thầm, rất giàu cảm xúc. Và khi ông thổi kèn harmonica các tác phẩm Days of Wine n Roses, All Blues / Everyday I Have The Blues, Sugar (instrumental), You Dont Know What Love Is … thể hiện thật khéo léo trong từng nốt nhạc đầy cảm xúc khi solo, khi hòa cùng với ban nhạc hay lúc ứng tấu với tiếng kèn trumpet của nhạc sĩ James Sherry…

Nổi bật trong toàn bộ chương trình còn là phần chơi nhạc tuyệt vời của các nhạc sĩ trong ban nhạc với phong cách ngẫu hứng không ngừng của các nhạc sĩ khi họ biểu diễn cùng nhau phần hòa tấu. Âm điệu phối hợp giữa các nhạc sĩ trong ban nhạc khá công phu, cái tiết tấu Jazz mà các nhạc sĩ biểu diễn cùng nhau có sự tự do sáng tạo không giới hạn nhưng vẫn giữ được điểm thống nhất trong toàn bộ bản nhạc. Người nghe không thấy sự xáo trộn mà có cảm giác luôn ở trong trạng thái thăng hoa đến tột độ, nhất là qua những màn solo hết sức ngẫu hứng. Vì đặc thù của một đêm nhạc Jazz, sự cổ vũ của khán giả là điều tiên quyết và ảnh hưởng nhiều nhất tới phẩm chất của buổi diễn.


Ca sĩ Thùy Linh và MC Bích Trâm (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Vì nhạc Jazz không được trình bày theo một bản phối cố định nào mà luôn biến tấu dựa trên cảm hứng của nghệ sĩ mà cảm hứng đó lại được truyền từ chính khán giả của họ. Và quả thực, với sự tương tác qua lại đó giữa các nhạc sĩ và khán giả, đêm nhạc Jazz is You! Jazz là Em đã thành công với những màn solo, ứng tấu của các nhạc cụ với nhau đã mang lại cho khán giả một đêm thưởng thức âm nhạc thú vị!.

Những khán giả chưa có duyên nghe ca sĩ Thùy Linh hát hoặc đã từng nghe và muốn được nghe lại giọng hát của cô, xin hãy đến thưởng thức chương trình nhạc tại Cafe N Te (9430 Warner Ave., Fountain Valley, CA 92708, điện thoại (714) 965-4989) vào chiều thứ Bảy, ngày 15 tháng 6, 2019. Hoặc muốn ủng hộ CD mới nhất của Thùy Linh, xin hãy liên lạc địa chỉ email TLjazzbird@gmail.com.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT