Bình Luận

Joe Biden đối đầu Tập Cận Bình cách nào?

Monday, 05/04/2021 - 08:19:09

Trước thế kỷ 19, các hoàng đế Trung Hoa đóng vai “một mình một chợ” trên thế giới, lúc đó chỉ gồm miền Đông Á Châu.


Phó Tổng Thống Joe Biden đang nói chuyện với Phó Chủ Tịch Tập Cận Bình trong lần gặp gỡ tại Tòa Bạch Ốc ngày 14 tháng 2, 2012. Giờ đây hai nguyên thủ quốc gia là đối thủ, đang tìm cách giữ thế thượng phong trong lãnh vực tin học cho đất nước của họ. (Chip Somodevilla/ Getty Images)


Bài NGÔ NHÂN DỤNG

Trước thế kỷ 19, các hoàng đế Trung Hoa đóng vai “một mình một chợ” trên thế giới, lúc đó chỉ gồm miền Đông Á Châu. Chung quanh không có ai đáng gọi là đối thủ. Sang thế kỷ 21, các hoàng đế đỏ đang kích thích cho người Trung Quốc nuôi ý muốn tái lập địa vị bá chủ đó. Muốn vậy, phải làm sao cho Trung Quốc mạnh nhất thế giới! Tập Cận Bình đặt tên là “Trung Quốc Mộng.” Đó chỉ là một mánh lới để củng cố uy quyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Khi nào người dân lục địa còn say sưa giấc mộng bá chủ thế giới thì họ sẽ quên rằng họ đang phải sống dưới một chế độ độc tài đảng trị.

Muốn chống lại chiến dịch tuyên truyền mị dân của Trung Cộng, các nước khác phải chứng tỏ cho những người biết suy nghĩ trong lục địa thấy rằng “Trung Quốc Mộng” chỉ là một giấc mộng xa vời!

Trong thực tế, thế giới không thể tránh một cuộc chạy đua giữa Trung Quốc và các nước tự do dân chủ, mà nước Mỹ phải đóng vai dẫn đầu.

Cuộc tranh hùng mới khác hẳn cuộc “chiến tranh lạnh” trước đây 100 năm. Hồi xưa khi Mỹ và Nga kình chống, thế giới cắt đôi thành hai khối rõ rệt; vì ý thức hệ cộng sản và tư bản không thể sống chung; nhưng chỉ nhờ vũ khí hạch tâm có thể tiêu diệt cả hai bên cho nên không bên nào dám gây chiến. Bây giờ, Trung Quốc và Tây Phương vẫn tiếp tục mua bán với nhau. Cả hai cùng lo xây dựng quân lực hùng hậu, nhưng vũ khí mới không phải là bom đạn mà là cuộc chạy đua kinh tế.

Mặt trận gay go nhất nằm trong kỹ thuật tin học: Bên nào sẽ tiến nhanh hơn trong lãnh vực điện toán lượng tử (quantum computing), chất bán dẫn (semiconductors), hệ thống viễn thông 5G, trí khôn nhân tạo (AI, artificial intelligence)? Ai sẽ đóng vai cầm chịch cho thiên hạ theo khi xác định các tiêu chuẩn kỹ thuật mạng (internet standards)? Trung Cộng đang nỗ lực chạy thật nhanh trong các lãnh vực này vì họ biết đó là con đường quyết định thắng bại.

Tổng Thống Donald Trump đã tìm cách ngăn cản kế hoạch bành trướng kỹ thuật tin học của Bắc Kinh. Ông tấn công vào những nhược điểm của đối phương: Hạn chế việc bán các chất bán dẫn cho các xí nghiệp Trung Quốc, khuyến cáo các đồng minh ngưng xây dựng hệ thống 5G với công ty Huawei. Ông yêu cầu các công ty Mỹ ngưng mua các chất bán dẫn thế hệ cũ mà các công ty Trung Quốc đang xuất cảng với giá rẻ hơn. Đó là một chiến thuật “chặt chân” công nghiệp chất bán dẫn của Trung Cộng trước khi họ phát triển lên trình độ cao. Đồng thời, ông cũng cấm cung cấp chất bán dẫn mới nhất cho Huawei và các công ty khác của Trung Cộng.

Nhưng ông Donald Trump chỉ coi việc tấn công Trung Cộng bằng chất bán dẫn là trận chiến phụ trong chính sách ngăn chặn Trung Cộng bằng quan thuế. Ông coi quan thuế là thứ vũ khí mạnh nhất để buộc các nước phải theo Mỹ, vì Mỹ nhập cảng hàng hóa nhiều nhất. Khi thấy việc đánh thuế ào ạt trên hàng Trung Cộng không đạt kết quả, vì cán cân thương mại của Mỹ vẫn thâm thủng, kinh tế Trung Cộng không suy sụp, và các nhà nông Mỹ không bán được mùa màng vì bị Trung Cộng trả đũa, Tổng thống Trump mới tấn công trong lãnh vực tin học.

Hơn nữa, ông Trump còn sử dụng món võ này đối với cả các nước đồng minh của Mỹ, đánh thuế nhập cảng trên nhôm và thép mua của các nước khác, từ Nhật Bản đến Canada.

Chính phủ Mỹ cần chuyển hướng. Phải tái lập liên minh giữa các quốc gia dân chủ trên thế giới để ngăn đường bành trướng của Trung Cộng. Đặc biệt trong mặt trận kỹ thuật tin học, khi các nước dân chủ tiến bộ liên kết được với nhau thì hậu quả còn mạnh hơn các liên minh quân sự. Bởi vì những tiến bộ trong nền kinh tế hiện đại đã thay đổi từ bản chất, khác hẳn đời sống kinh tế cũ.

Ngay từ khi các máy vi tính ra đời rồi được nối liền thành mạng, lãnh vực kỹ thuật tin học đã tiến rất nhanh do sự cộng tác của rất nhiều người, nhiều viện nghiên cứu, nhiều công ty, trong một “môi trường mở cửa” chỉ có được nhờ chế độ dân chủ tự do. Hai yếu tố, cộng tác và cởi mở, cũng là căn bản của các xã hội tự do.

Từ lúc những máy vi tính to lớn hơn chiếc xe buýt tiến đến những PC để bàn và laptop, rồi sáng kiến nối các máy lại qua dây điện thoại, qua tới internet, có người nghĩ ra http, bày đặt ra www, cho tới Google, Twitter, bao nhiêu các đột biến là do những thanh niên làm việc với nhau bên ngoài các guồng máy có sẵn, nhiều khi chỉ vì họ thích bày trò nghịch ngợm. Những tiến bộ “nhảy vọt” trong tin học và mạng lưới do rất nhiều người đóng góp, hầu hết ở Mỹ và Âu Châu. Trong nền kinh tế tin học, tất cả đều do nhiều người, nhiều quốc gia cộng tác. Một nước Mỹ đứng một mình, cũng không thể đạt được những tiến bộ trong ba chục năm qua. Một nước sống dưới chế độ độc tài khép kín càng không thể! Cho nên Bắc Hàn có thể chế bom nguyên tử, chế hỏa tiễn bắn qua Thái Bình Dương, nhờ các sáng kiến của nước khác từ mấy chục năm trước, nhưng không thể nào xây dựng được công nghệ tin học.

Thử coi những con “chíp” nhỏ bé đang đóng vai trò quyết định cho kinh tế các nước chạy được. Những công ty sản xuất chíp nhiều nhất đặt ở Đài Loan và Nam Hàn. Họ dùng các khí cụ sản xuất được chế tạo ở Hòa Lan, Nhật Bản và Đức, vân vân. Cuối cùng, con chip được lắp ráp ở Trung Quốc. Nhưng việc vẽ ra mô hình cho các loại chíp tối tân nhất đến nay vẫn do các công ty Anh và Mỹ chiếm độc quyền, chưa ai thay thế được.

Các nước dân chủ, từ Canada, Âu Châu, qua Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Úc và nước Mỹ có thể liên kết để ngăn cản làn sóng bành trướng của Trung Cộng trong phạm vi kỹ thuật tin học tối tân. Các viện nghiên cứu, các công ty sản xuất sẽ cộng tác với nhau, các chuyên gia được tự do làm việc ở nước nào thích hợp. Trung Cộng, dù cố gắng cách nào cũng không tạo ra được môt môi trường như vậy. Hậu quả của sự cộng tác này còn lớn hơn liên minh quân sự. Cần phải cho dân chúng Trung Quốc nhìn thấy rõ cán cân lực lượng đó.

Chính phủ Mỹ vẫn giữ nguyên chính sách quan thuế đánh trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc của ông Trump. Bà Đới Kỳ (Katherine Tai), tân đại diện thương mại, đã nói rằng không ai dại gì cho đối thủ thoát một thứ đòn nặng! Ông Joe Biden cũng cần phải cho Tập Cận Bình và người dân Trung Quốc nhìn rõ thế mạnh của nước Mỹ, trước khi nói chuyện gì mới.

Bởi vì guồng máy tuyên truyền của Trung Cộng đang mô tả nước Mỹ thua kém về mọi mặt. Hơn 550,000 người Mỹ chết vì Covid-19, dẫn đầu thế giới - trong khi Trung Cộng giúp các nước khác thuốc chữa trị và chủng ngừa bệnh dịch. Quốc Hội Mỹ bị dân nổi loạn tấn công. Hai chục triệu người Mỹ thất nghiệp, nhưng các chương trình tái thiết kinh tế của hành pháp bị đảng đối lập bác bỏ. Chính phủ Mỹ phải xóa bỏ những hình ảnh xấu đó, trước khi ngồi xuống nói chuyện với Bắc Kinh.

Ông Joe Biden đã từng gọi ông Tập Cận Bình là một loại côn đồ, “a thug,” và chính sách của Trung Cộng đối với người Uyghur là “diệt chủng” (genocide). Ông phải chứng tỏ ông đã sử dụng một ngôn ngữ chính xác. Phải vạch rõ những hành động côn đồ của Trung Cộng ở Tân Cương, cấm đoán những người dân chủ Hồng Kông, những đe dọa của Trung Cộng đối với Đài Loan và các nước Đông Nam Á, đặc biệt là ở Biển Đông.

Lời nói phải đi đôi với hành động. Hạm đội Mỹ vẫn tiếp tục đi qua vùng Biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải. Trong tháng trước, ông Biden đã nói chuyện trực tiếp với các nhà lãnh đạo Úc, Nhật Bản và Ấn Độ. Bốn nước thuộc nhóm “Quad,” danh hiệu được dùng từ năm 2004 nhưng không có hoạt động, nhưng bốn nhà lãnh đạo mới công bố một bài về chính sách chung trên mọi vấn đề của thế giới. Trong bản văn này, họ còn nhấn mạnh, “Chúng tôi cùng nỗ lực bảo đảm vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hoạt động với tự do thông thương, đặt dưới những quy định của luật lệ quốc tế.” Lời tuyên bố này rõ ràng nhắm vào vùng Biển Đông nước ta.

Riêng việc ông tổng thống Mỹ, mới nhậm chức, triệu tập được một buổi họp Quad trên mạng đã là một tín hiệu cảnh tỉnh cho Tập Cận Bình. Bốn nước lại sắp tổ chức thao diễn quân sự chung tại Vịnh Bengal trong tháng này. Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ chính phủ Đài Loan, cảnh cáo các lời tuyên bố gây hấn của Bắc Kinh. Nếu xung đột xảy ra tại eo biển Đài Loan phải cho Bắc Kinh biết Nhật Bản sẽ phải giúp Mỹ, do hiệp ước an ninh hỗ tương Mỹ - Nhật vẫn còn hiệu lực.

Ông Biden phải giúp người dân Trung Quốc nhìn thấy rằng nước Mỹ không xuống dốc. Nước Mỹ sẽ vượt qua nạn Covid-19, sẽ kích thích nền kinh tế phục hồi nhanh với kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở. Sẽ đầu tư vào tin học, năng lượng mới, bảo vệ môi trường, đó là các ngành công nghiệp của tương lai. Quan trọng nhất là nước Mỹ sẽ tái lập liên minh giữa các nước tự do dân chủ, từ Âu Châu qua Ấn Độ, Nhật Bản, Úc. Khi người dân trong lục địa mở mắt ra, họ sẽ không còn bị mê hoặc bởi “Trung Quốc Mộng” của lãnh đạo đảng cộng sản nữa.
(Nguồn VOA Blog)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT