Bình Luận

Kabul không phải là Sài Gòn

Monday, 16/08/2021 - 08:20:32

Qua nay nhiều tác giả nghĩ rằng những gì đang xảy ra tại Kabul cũng giống như đã xảy ra tại Sài Gòn 30-4-1975, tuy nhiên đó chỉ giống nhau về hình thức.


Người dân A Phú Hãn tìm cách leo vào bên trong Phi Trường Quốc Tế Hamid Karzai, sau khi nghe tin đồn máy bay của các quốc gia khác đang di tản người dân ra khỏi thủ đô Kabul cho dù họ không có chiếu khán thứ Hai, ngày 16 tháng 8, 2021. (Getty Images)


Bài TRẦN TRUNG ĐẠO

Qua nay nhiều tác giả nghĩ rằng những gì đang xảy ra tại Kabul cũng giống như đã xảy ra tại Sài Gòn 30-4-1975, tuy nhiên đó chỉ giống nhau về hình thức.

Cuộc chiến tranh Afghanistan và chiến tranh Việt Nam khác nhau về kích thước và nhất là về bản chất.

Mục đích của Mỹ và đồng minh không phải để bảo vệ “Afghanistan Cộng Hòa,” tương tự như bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa mà là để đánh bại tổ chức khủng bố al-Qaeda do Osama bin Laden dùng Afghanistan như một hậu phương an toàn.

Theo tài liệu của Hội Đồng về Quan Hệ Ngoại Giao (Council on Foreign Relations) từ 1999 Liên Hiệp Quốc đã có ủy ban chuyên trách về tổ chức khủng bố al-Qaeda gọi là al-Qaeda and Taliban Sanctions Committee.

Sau biến cố 9/11, Tổng Thống George W. Bush quyết định tấn công nếu Taliban không giao nộp bin Laden và đồng đảng. Ngày 7 tháng 10, 2001 liên quân đồng minh trên danh nghĩa gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc, Đức, Pháp mở các cuộc oanh tạc phối hợp với các lực lượng chống Taliban đánh bật Taliban ra khỏi Kabul, tuy nhiên Osama bin Laden và lãnh tụ Taliban là Mullah Omar trốn thoát.

Cuối năm 2001, một chính phủ liên hiệp do Liên Hiệp Quốc và Iran bảo trợ do Hamid Karzai đứng đầu được thành lập. Mỹ ủng hộ. TT George W. Bush trong diễn văn tại Virginia Military Institute ngày 17 tháng 4, 2002 kêu gọi tái thiết Afghanistan. Nhưng cũng ngay sau đó, nội bộ phe đồng minh và NATO có nhiều điểm bất đồng. Chính phủ Karzai bị tố cáo tham nhũng và không chính danh vì không thắng đủ túc số 50 phần trăm trong cuộc bầu cử tổng thống 2009.

Những bất ổn chính trị tạo điều kiện cho Taliban phục hồi và chiếm một phần ba lãnh thổ Afghanistan. Bên cạnh đó, các vụ khủng bố bằng ôm bom tự sát gia tăng với một cường độ chưa bao giờ có trước đó. Tháng 5, 2014 Tổng Thống Barack Obama công bố một thời khóa biểu rút quân.

Tới phiên Tổng Thống Donald Trump. Vào tháng 8, 2017 ông cũng có ý định rút quân nhưng không muốn tạo một lổ hổng cho khủng bố tái phát. Dưới thời TT Trump, Mỹ tiến hành đàm phán với Taliban trên cơ sở Mỹ đồng ý rút quân và Taliban đồng ý không chứa chấp khủng bố đồng thời tham gia đàm phán giải quyết các vấn đề nội bộ của Afghanistan. Tháng 2, 2020, thỏa hiệp giữa Mỹ và Taliban được ký. Mỹ bắt đầu rút quân.
Ngày 14 tháng 4, 2021, Tổng Thống Joe Biden tuyên bố việc rút quân sẽ hoàn tất vào 9 tháng 11 2021 mặc dù trên thực tế, việc rút 600 sĩ quan và binh sĩ chiến đấu cuối cùng đã hoàn tất từ tháng 7, 2021.

Yếu tố khác nhau căn bản giữa hai cuộc chiến là nền cộng hòa.

Chế độ Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam được thiết lập trước khi Mỹ đưa quân sang Việt Nam và dù có Mỹ hay không, quân dân miền Nam vẫn chiến đấu và hy sinh cho nền cộng hòa non trẻ, cho khát vọng tự do.
Mục đích và lý tưởng tự do đó vẫn còn đang tiếp tục và sẽ tiếp tục cho tới khi nền cộng hòa được thiết lập không chỉ riêng cho miền Nam mà cho cả dân tộc Việt Nam.

Con đường đó có thể dài hơn con đường từ thủ đô Washington D.C. đến Kabul hay Baghdad, nhưng sẽ là con đường của niềm tin và hy vọng, của giấc mơ Việt Nam đang dần dần trở thành hiện thực.

Người Việt yêu nước sẽ tiếp tục vận dụng các yếu tố quốc tế vào cuộc vận động tự do dân chủ nhưng như bài học Afghanistan cho thấy dân chủ không phải là sản phẩm đóng thùng sẵn từ Washington D.C. mà bằng hy sinh xương máu của chính người Việt Nam.
(Nguồn Trần Trung Đạo Facebook)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT