Chuyện Nước Pháp

Kế hoạch đón nhận người mới đến nhập cư

Wednesday, 16/09/2015 - 11:24:22

Chúng ta hãy đến thăm thành phố Sarcelles, nơi được xem như là «nơi mẫu mực» trong việc đón tiếp thành công dân di tản nói trên với kinh nghiệm 1 năm trời.

Nguyễn Thị Ngọc Diễm

Vào ngày thứ Sáu, trùng với lễ kỷ niệm đã 14 năm qua khi 2 toà tháp Hoa Kỳ bị phá hoại (11 tháng Chín năm 2001) bởi giặc khủng bố, các vị Bộ Trưởng có trách nhiệm liên quan đến vấn đề tiếp nhận dân di tản vì chiến tranh đã cùng nhau họp khẩn cấp để đưa ra biện pháp giải quyết. 

Thật vậy, trong vòng 24 tháng họ sẽ đón vào thêm 20.000 người, kể như gấp ba con số đã có trước đó rất nhỏ giọt là khoảng 7000 từ khi tai họa bom đạn nổ ra    năm 2014 và tăng thêm cường độ khẩn cấp hàng ngày vào mùa hè này! Chúng ta sẽ có khái niệm về 10 quốc gia có dân di tản nộp đơn chính thức xin vào Cộng Đồng Châu Âu. Ngoài con số hàng trăm ngàn người, không kể được những trường hợp đi lậu, những dân lành bỏ mạng vì đắm thuyền; một số lớn kẹt lại trên đường di tản. Nói chung, chưa bao giờ người Châu Âu phải đối phó với một tình trạng di dân quá đông đảo như vậy kể cả nước Pháp nói riêng! Đây không phải là một chuyện tốt đẹp cho thế giới vì nguồn gốc chiến tranh dài hạn (nặng nề nhất là xứ Irak với đại họa chính là Daesh ngoài chiến tranh tôn giáo và nội bộ), cộng thêm vào thiên tai khô cằn lũ lụt… do tình trạng thay đổi khí hậu nhân tạo hâm nóng trái đất gây ra cũng đã quá lâu.

Nước có nhiều dân ra đi nhất là xứ Syrie (68200 người), Kosovo (58500), Afghanistan (37000), Albanie (25100), Irak (19100), Pakistan (12400), Erythrée (11300), Serbie (11100), Ukraine (9100), Nigéria (8500). Tại Pháp, 10 nước có di dân được nhận vào nhiều nhất vẫn là xứ Syrie. So sánh dân số 2 nước thì người Pháp đông gấp ba lần, nên con số tương đương người di tản Syrie/Pháp là 32 triệu người theo giả thuyết toán học!

Như vậy, chúng ta đã có con số khá chính xác là gần 260.000 người cho năm nay, 2015. Đất Pháp với diện tích lớn nhất Châu Âu (hơn nửa triệu cây số vuông) theo tiếng gáy ò ó o của chú gà trống – nhưng dân số lại thua « cô nàng » láng giềng Đức mắn đẻ hơn - chỉ nhận vào trước mắt khoảng 27.000, gần 1/10 tổng số nói trên. Tuy nhiên, còn phải lo lắng cho tương lai dài lâu của dân di tản kể cả dân bản xứ nên các thành phố lớn đều đáp lời kêu gọi của chính phủ (Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ) qua buổi họp mặt của 622 vị Đô Trưởng của Paris và những Thị Trưởng khác còn lại vào ngày thứ Bẩy 12 tháng Chín ở ngôi nhà Hoá Học (Trung tâm hội thảo). Chính phủ bày tỏ sự mong muốn góp phần tích cực của xã hội vào công cuộc giúp đỡ lớn lao này, trước mắt là nhận vào 1000 người thì phải có chỗ ăn ở cho họ. Vì thế, các vị công chức cầm đầu thành phố hay làng xóm nhỏ hơn đều được mời tới Trung tâm hội thảo để được giúp đỡ thêm phương tiện tài chính đồng thời kêu gọi hành động nếu có ai còn do dự hay lo âu. Thật là một cuộc thách đố lớn lao mà nước Pháp phải vượt qua khi trong nước đã có sẵn 1,7 triệu người đang  chờ đợi được có nhà ở tiện nghi. Bộ Nội Vụ (với công trường nổi tiếng Beauvau tương đương với điện Elysée là cách gọi tượng trưng) được sự trợ giúp của 3 nhiệm sở quan trọng Pháp là OFII (viết tắt của Di Dân và Hoà Nhập), DGEF (Chủ Đạo ngoại nhân) và Cảnh Sát đô thị Paris (PRIF). 

Cảnh sát đô thị Paris có nhiệm vụ đến kiểm soát các trung tâm cư trú dành cho dân di tản, xem xét coi có đúng chỉ tiêu vệ sinh, tiện nghi, còn dùng được hay đã quá cũ không xài được. Một vị trách nhiệm trong đoàn phát biểu ý kiến là may nhờ có sẵn các chỗ ở dành cho người du lịch xã hội (ở nhà dân cho mướn kiếm thêm tiền) nên mùa đông sắp đến không thành vấn đề. Cứ mỗi một chỗ ở thành hình trên đất thành phố tiếp đón là 1000 Âu Kim do chính phủ trợ giúp. Một gia đình gồm 4 người thì trợ cấp nhà ở là 4000 đồng ngay tức khắc. Những người nào có dư nhà cửa cho thuê sẽ được trả chi phí theo mức vật giá hiện tại. Ngoài ra, các « ân nhân » vô danh có thể nhận cho cư trú ngay trong tư gia nếu có đầy đủ điều kiện như con cái đã trưởng thành và lập gia đình ra riêng. Nhiều người Pháp hằng sản hằng tâm đã cứu giúp thành công như vậy làm giảm bớt chi phí cho chính phủ. Người « ở trọ » rất mang ơn và hội nhập tốt đẹp vào cuộc sống hàng ngày nhưng họ cũng tỏ ý luôn luôn sẵn sàng trở về cố hương một khi chiến tranh chấm dứt.

Tại eo biển Calais tiếp giáp Anh-Pháp thuộc xứ Pháp, có nhiều dân tỵ nạn lại tìm cách đến Anh và chê Pháp. Họ nói vì lý do có thân nhân đã đến đây sinh sống trước đó, vấn đề học và nói tiếng Anh thông thạo dễ hơn tiếng Pháp, xứ Tây nghe nói không có việc làm…

Chúng ta hãy đến thăm thành phố Sarcelles, nơi được xem như là «nơi mẫu mực» trong việc đón tiếp thành công dân di tản nói trên với kinh nghiệm 1 năm trời.

Đây là một thứ phố thị nho nhỏ ở ngoại ô thuộc hướng Bắc Paris, cách thủ đô chỉ có 15 cây số với diện tích là 8,45 km². Thị trấn này với 58.000 dân đã tiếp nhận khoảng 10 gia đình xứ Irak lúc đầu khi họ bị bọn Daesh tấn công gây chiến. Hiện giờ con số người tỵ nạn lên đến từ 200 đến 250 tại đây. Yalda Toma là một ca điển hình giữa những người theo đạo Thiên Chúa được quyền cư ngụ. Họ đặt tên nơi này là « thành phố hoán chuyển của dân Thiên Chúa giáo vùng Cận Đông ».

Toma nói rằng sau cùng, anh đã tìm được ngủ giấc yên lành sau khi chạy trốn bỏ xứ Irak (Daesh chiếm phố Karakoch)  mà đi năm 2014 qua đường hàng không và được vinh hạnh chào đón bởi Laurent Fabius, Bộ Trưởng bộ ngoại giao. Sarcelles đã có sẵn 8000 dân Cận Đông sùng đạo Chúa nên họ tương thân tương trợ hết mình cho đồng hương cùng cảnh ngộ. Vấn đề cần thiết trước tiên là tìm nhà ở hay phòng trọ mà dân di tản Irak đều có thân nhân hay người quen biết nhận vào thì sứ quán cho đi. Tuy vậy, chỉ là tạm thời rồi họ cũng phải tự xoay sở để độc lập vì một căn nhà có 3 phòng thôi mà chứa đến 12 người thật chật chội, chẳng hạn. Để có tiền trợ cấp, luật lệ Tây cũng quy định số người tối đa ở mỗi căn nhà.

Giới chức cao cấp ở Sarcelles phải biến đổi một phần nhà dưỡng lão dư chỗ thành trung tâm tạm cư cho dân di tản. Lý tưởng nhất là tập hợp họ ở gần nhau để không bị cô lập thái quá gây vấn đề tâm bệnh. Các thủ tục hành chính cũng rườm rà, lâu lắc như vào sổ An Sinh xã hội, nhập học, có giấy tờ tùy thân. Gay go nhất vẫn là tìm ra việc làm. Trên nguyên tắc, khoảng 9 tháng sẽ trôi qua là điều kiện thời gian chờ đợi tối thiểu để họ được quyền chính thức đi tìm việc làm sau khi khai rõ bằng cấp, nghề nghiệp đã làm ở xứ mình hoặc sẽ được huấn luyện ngắn hạn bởi giới chủ nhân ông cần người.

Toma vốn là nhân viên giảng dạy, giáo chức nhưng không biết tiếng Pháp nên vẫn còn bị thất nghiệp và phải tính đến con đường làm nhân công trong ngành chế biến thức ăn. Dân trí thức đỉnh cao Irak qua đây cũng bị vấn đề ngôn ngữ làm họ khó kiếm việc làm. Các viên chức trách nhiệm ở Sarcelles lưu ý chính phủ rằng không nên bỏ dân tỵ nạn xoay sở một mình trong «thiên nhiên» vì điều này sẽ làm nặng nề thêm những vấn đề sẽ có chắc chắn như công việc hành chính thêm giờ, trợ cấp tăng lên ngân quỹ sẽ thiếu hụt, cơ quan xã hội ngập việc…

Những lời tuyên bố của một số các vị thị trưởng Pháp đang cất công tìm mọi cách giúp người di tản như cho họ cư ngụ chính trong nhà mình một thời gian đầu khó khăn, sẽ làm chúng ta xúc động vì lòng từ tâm và rất thực tế như sau:

1.Chúng ta, trong cuộc đời mà không ai biết trước được, đều sẽ có thể trở thành dân di tản.

2. Không có nước nào trên thế giới mà không tránh được đến lúc phải tiếp đón dân ngoại quốc di cư qua xứ mình vì nhiều lý do chính đáng.

3. Lòng nhân ái cao thượng của xã hội văn minh con người là điều này.

4. Người tiếp đón và kẻ được nhận vào đều được lợi ích cho nhau. Có nhiều nhân tài xuất chúng ở Pháp có gốc gác là dân di tản.

5. Truyền thống cao quý của nước Pháp là đón nhận từ lâu những nạn nhân chiến tranh.

Tin tức buối sáng của đài truyền hình quốc gia số 2 Pháp phỏng vấn ông giám đốc Học Viện chuyên gia về các vấn đề di dân từ các xứ Á Rập cho biết tin tức khả quan là khối Âu Châu giàu mạnh (trừ các nước đi ngược đường lối và yếu kém nên từ chối nhiệm vụ như Hongrie, Bulgarie) vẫn có thể tiếp nhận họ tốt đẹp.

 
Thành phố Sarcelles ở ngoại ô Paris đón nhận tốt đẹp người di cư Irak

Nguyễn Thị Ngọc Diễm

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT