Bình Luận

Kế Liên Hoành của Vương Nghị thất bại

Thursday, 02/06/2022 - 09:08:40

Thời Chiến Quốc, Tô Tần bày ra kế hoạch liên kết các nước Hàn, Ngụy, Triệu, cùng chống nước Tần. Liên minh này,...


Ngoại Trưởng Vương Nghị của Trung Quốc (giữa) đang lạnh lùng bước đi trong lúc được Ngoại Trưởng Jeremiah Manele của Đảo Solomon (bên trái) tiếp đón tại Phi Trường Quốc Tế Henderson ở Honiara, Solomon ngày 25 tháng Năm, 2022. (Getty Images)


Bài NGÔ NHÂN DỤNG

Thời Chiến Quốc, Tô Tần bày ra kế hoạch liên kết các nước Hàn, Ngụy, Triệu, cùng chống nước Tần. Liên minh này, vào thế kỷ thứ ba trước Tây Lịch, gọi là “Hợp Tung;” vì gồm sáu nước chạy theo chiều dọc từ Bắc xuống Nam. Trương Nghi, khi làm tể tướng nước Tần đã thuyết phục các nước khác hợp tác phá Hợp Tung, từ nước Tần qua nước Tề chạy theo chiều ngang, hướng Tây Đông, nên gọi là kế “Liên Hoành”.

Ngày nay Mỹ cùng mấy nước Thái Bình Dương đã lập một liên minh gồm bốn nước nên gọi là Quad, do Nhật khởi xướng năm 2007, được phục hoạt năm 2017; với Mỹ, Ấn Độ, Úc. Mục tiêu của Quad là ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Cộng. Năm nay, Mỹ và Anh Quốc lại ký hiệp ước AUKUS giúp Úc làm tàu ngầm nguyên tử.

Từ Nhật xuống Ấn Độ và Úc theo hướng Bắc Nam, có thể coi Quad là thế “Hợp Tung” của thế kỷ 21. Tất nhiên, Trung Cộng phải lập kế đương đầu. Nhưng đi theo hướng Đông Tây thì không có những cường quốc quân sự. Lôi kéo các nước Châu Mỹ La Tinh kết quả sẽ rất chậm và không chắc chắn. Cho nên Trung Cộng đã cố thiết lập một thế “Liên Hoành” với những quần đảo rất nhỏ chạy ngang Thái Bình Dương.

Tuần trước, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đi một vòng tám “đảo quốc” trong vùng phía Nam Thái Bình Dương, trong 10 ngày. Ông đã ký một hiệp ước thương mại với nước Samoa. Ngày thứ Hai vừa rồi, ông đến Suva, thủ đô nước Fiji với hy vọng kết thúc bằng một hiệp ước “Viễn Tượng Phát Triển Chung” với 10 nước trong vùng (trừ quần đảo Palau, vẫn công nhận Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan). Hầu hết các hòn đảo này địa thế rất thấp, có thể bị nước biển tràn ngập nếu bầu khí quyển của địa cầu nóng hơn. Ông Vương Nghị đưa ra dự án viện trợ hàng triệu mỹ kim, hứa ký các hiệp ước cho phép các nước tự do bán hàng cho 1.4 tỷ dân Trung Quốc.

Nhưng cuối cùng kế hoạch “Liên Hoành” này không thành hình. Nhiều nước không tin vào thiện chí của Bắc Kinh. Ông Tiền Ba (Qian Bo), đại sứ Trung Quốc ở Fiji nói rằng 10 nước trong vùng đều muốn hợp tác với Trung Quốc trên nguyên tắc, nhưng ông biết vẫn có nhiều nước còn ngần ngại.

Kế hoạch “Liên Hoành” mới của Cộng Sản Trung Quốc bị tiết lộ vào cuối tháng Ba, 2022. Hãng thông tấn AFP cho biết Trung Cộng sắp ký một hiệp ước quân sự với quần đảo Solomons; mà hai bên đồng ý giữ bí mật. Theo tin AFP trên mạng, Solomons có thể mời cảnh sát và quân đội Trung Quốc đến giúp bảo vệ trật tự, cứu trợ thường dân và các “nhiệm vụ khác.” Trung Cộng có thể cho tàu thủy ghé bến.

Bản tin về hiệp ước bí mật gây chấn động. Năm 1942, quân đội Mỹ đã đánh chiếm đảo Guadalcanal, lớn nhất trong nhóm Solomons. Trận đánh thay đổi cuộc chiến ở Thái Bình Dương. Mỹ đã đẩy quân đội Nhật ra khỏi quần đảo, mở đường tiếp tế cho Úc và Tân Tây Lan, rồi từ đó tiến quân đánh Nhật trong vùng Nam Thái Bình Dương.

Điều gây chấn động nhất là bản thỏa ước bí mật mở đường cho Trung Cộng can thiệp vào nội bộ một quốc gia khác, theo thể chế dân chủ. Tháng 11 năm ngoái, dân quần đảo đã biểu tình bạo động, tấn công 3,000 kiều dân Trung Hoa ở đó. Trung Cộng đã giúp huấn luyện công an cảnh sát xứ này. Thủ Tướng Manasseh Sogavare xứ Solomons đang lo ngại sẽ bị dân lật đổ trong cuộc bầu cử sang năm, vì ông chống Úc. Một cuộc nghiên cứu dư luận năm 2021 cho thấy 91% dân chúng muốn liên kết với một nước tự do dân chủ hơn là với Trung Quốc.

Bản thỏa ước bí mật cho Trung Cộng đứng ra huấn luyện công an cảnh sát Solomons, tham dự bảo vệ an ninh trên mạng, nghiên cứu vẽ bản đồ đáy biển, và quyền khai thác các tài nguyên trên mặt đất cũng như dưới biển.

Các nước Mỹ và Úc đã phản ứng mạnh. Chính phủ Úc gửi hai người lãnh đạo ngành tình báo đến khuyên ông Sogavare đừng ký kết với Trung Cộng. Úc đã từng ký một hiệp ước với Solomons, được công bố minh bạch. Chính phủ Mỹ đã mở cửa lại tòa đại sứ ở Solomons, bị đóng cửa từ năm 1993, và gửi ông Kurt Campbell, đặc trách vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tới thăm các đảo quốc. Ông Campbell cảnh cáo nếu Trung Cộng gửi quân đến Solomons và thiết lập căn cứ hải quân thì Mỹ sẽ “phản ứng thích đáng.” Thủ Tướng Úc Scott Morrison cũng nói thẳng rằng hành động đó sẽ bị coi là vượt qua “giới hạn đỏ.” Trung Cộng phải vội vã cải chính rằng họ không dự định lập căn cứ quân sự ở Solomons.

Để lôi cuốn các đảo quốc về phía mình, bà Ngoại Trưởng Úc Penny Wong đã bay qua Fiji trong tuần trước, hứa hẹn sẽ hỗ trợ bảo vệ an ninh các đảo quốc mà không đòi hỏi một đáp ứng nào. Chính phủ Mỹ cũng mời các nước này tham dự một thỏa hiệp Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Cuối cùng ông Sogavare vẫn ký thỏa ước; nhưng không nói gì đến căn cứ quân sự. Hiện nay Trung Cộng chỉ có một căn cứ hải quân nước ngoài, tại Djibouti, vùng Trung Đông, từ năm 2017. Tình báo Tây phương cho biết Bắc Kinh đã xin năm nước khác cho đặc quyền này, từ năm 2018, nhưng không được. Hiện các công ty Trung Quốc đang điều hành một phần hay toàn thể 90 hải cảng trên thế giới nhưng chỉ dùng cho hàng hải dân sự. Trong ba năm qua Bắc Kinh đã điều đình bí mật với các nước Cam Bốt, Equatorial Guinea và United Arab Emirates (UAE), để được xây dựng căn cứ hải quân. Chưa ai thấy hải quân Trung Cộng ở Cam Bốt, và UAE đã ra lệnh ngưng việc thiết lập căn cứ ở bờ biển nước họ.

Sau cuộc vận động của Mỹ và Úc, lãnh tụ các đảo quốc lên tiếng. Tổng Thống Liên Bang Micronesia, ông David Panuelo, nói thẳng rằng ông nghi ngờ dự án ông Vương Nghị đưa ra có thể giúp Trung Cộng ảnh hưởng trên chính trị các nước trong vùng, kiểm soát các công nghiệp và cả nền kinh tế.

Ngoại Trưởng Soroi Eoe, nước Papua New Guinea, nói với AFP, “Chúng tôi muốn sẽ lo vấn đề an ninh của chính mình hơn.”

Thủ Tướng Frank Bainimarama xứ Fiji giải thích, “Ưu tiên của chúng tôi là tất cả các nước đều đồng ý.”
Samoa, Papua New Guinea và Micronesia đều không đồng ý. Cuối cùng ông Vương Nghị đến Fiji họp rồi trở về tay không.

Ông Vương Nghị nói vớt vát rằng các nước đã ký một “bản ghi nhớ” về sáng kiến xây dựng hạ tầng cơ sở trong chương trình “Nhất Đới Nhất Lộ.” Nhưng một “memorandums of understanding” thì không có giá trị ràng buộc nào như một hiệp ước.

Tuần trước, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã gửi một thông điệp, hứa hẹn Trung Quốc sẽ là một “hảo huynh đệ” với các đảo quốc. Thế là Tập Cận Bình cũng mang tiếng chịu thất bại cay đắng.
(Nguồn VOA Blog)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT