Hôm Nay Ăn Gì

Kẹo đậu phụng cho ngày lạnh

Thursday, 24/12/2020 - 06:59:20

Cái vị âm ấm, thơm thơm, ngọt sắc và vừa dẻo vừa bùi của kẹo đậu phụng, cho dù tuổi thơ hay người lớn, sự quyến rũ của nó chẳng thể giấu vào đâu.


(Tom/ Viễn Đông)

Bài TOM

Cái vị âm ấm, thơm thơm, ngọt sắc và vừa dẻo vừa bùi của kẹo đậu phụng, cho dù tuổi thơ hay người lớn, sự quyến rũ của nó chẳng thể giấu vào đâu. Kẹo đậu phụng, có lẽ tôi không được may mắn ăn những miếng kẹo đậu phụng thời trước 1975, bởi mỗi thời đại, mỗi miếng kẹo mang một âm vị, sắc thái tuổi thơ và cả hơi hướm văn hóa, sử lịch riêng. Nhưng dẫu sao, miếng kẹo đậu phụng thời tôi còn tấm bé cũng là một món ngon khó quên, hàm chứa cả thế giới thần tiên. Và may sao, hương vị kẹo đậu phụng cho đến hôm nay, vẫn ngon tựa ngày đó. Có lẽ vì vậy, mà giữa lúc này, tôi lại rủ quí vị cùng làm kẹo đậu phụng để nhâm nhi, uống nước trà.

Ở miền Trung mùa này đang là mùa tỉa đậu phụng. Những hạt đậu phụng giống mang về từ Tây Nguyên sẽ được tách vỏ, sàng sảy, tuyển chọn để mang ra đồng, tỉa từng hạt xuống đất và chờ đợi. Cho đến giữa tháng Chạp là mùa xới váng đầu tiên, người ta dùng cuốc tay nhỏ để cuốc nhẹ lớp mặt đất cho rễ cây thông thoáng, nhân đó, người ta cũng bón một chút phân NPK cho những vạt đậu kém dinh dưỡng và vun gốc cho cây đậu đứng vững. Nhiều người vãi thêm một nắm hạt cải, vải thật sưa vào vạt đậu, đến ra Giêng thì nhổ cải về phơi héo, muối dưa.

Giai đoạn làm cỏ, xới váng đậu phụng nếu diễn ra muộn do thời tiết lạnh mãi đến tháng Chạp, đất đai vẫn còn ẩm ướt thì cây đậu được gieo trồng trễ, đến giữa tháng Giêng người ta mới làm cỏ đậu, lúc này các món ăn bữa lửng (chừng 9 – 9 giờ 30 sáng) thường là bánh tét chiên, bánh tổ chiên, bánh da hoặc bánh in. Nhà nào sang hơn thì mời người nhổ cỏ, xới váng món bánh tét chiên cùng thịt heo muối hoặc thịt gà rô ti, cục nem, gói tré... Nhưng hiếm có nhà nào mời món này bởi nông dân thì ai cũng nghèo như nhau, chừng mồng mười tháng Giêng thì mọi thức quà Tết đã hết sạch. Người nào tiết kiệm hoặc nhín nhịn, dành dụm lắm mới có dư đòn bánh tét, ổ bánh tổ mà mời bữa lửng.

Nếu việc làm cỏ diễn ra vào giữa hoặc gần cuối tháng Chạp thì không ai có bánh tổ hay bánh tét, bánh in, bánh da để mời đâu, giỏi lắm thì kẹo đậu phụng. Mà kẹo đậu phụng của nhà nông cũng buồn tựa cuộc đời người nông dân, teo tóp, khô khốc và có gì đó bé mọn. Bởi đậu phụng dành làm kẹo là đậu phụng đã bị loại sau khi người ta tuyển chọn những hạt chắc, mẩy để mang trồng tỉa, những hạt bị loại này được tuyển chọn thêm lần nữa, bỏ các hạt bệnh, hạt khô, lép hoặc thối ra và bỏ vào túi nilon buộc kĩ tránh gió, đến khi cần thì mang ra dùng. Chỉ cần một bát đường đen hoặc một ký đường cát, nhưng dường như kẹo đậu phụng hợp với đường đen (đường táng, đường bát) hơn là đường cát. Chặt nhỏ bát đường, bỏ vào nồi, cho chừng nửa chén nước lạnh hoặc nước lọc, chỉ cần nước xấp xấp lưng nửa cục đường là đã đủ. Đun lửa nhỏ, cho đến bao giờ nước đường sôi, vớt lớp bọt bên trên.


(Tom/ Viễn Đông)

Nhớ để lửa thật nhỏ, chừng mười phút sau thì đường bắt đầu sôi bong bóng lớn và có nguy cơ tràn ra ngoài, lúc này cho toàn bộ những hạt đậu phụng sống (chưa rang) vào, dùng đũa sơ thật nhẹ, sơ qua (sơ nhiều đường sẽ tạo hạt, mất dẽo) cho đậu chìm xuống đường và tiếp tục đun lửa nhỏ, đến khi đậu nổ lép bép trong đường và bong bóng sôi lớn bằng trái quất thì múc cả đường và đậu chế lên bánh tráng. Ngày xưa vừa chế vừa quạt bằng quạt mo, còn bây giờ chỉ cần mở một cái quạt điện để bên cạnh thì trên cả tuyệt vời. Trong lúc chế đường và đậu lên bánh tráng, nhớ dùng đũa khều nhẹ các hạt đậu cho chúng nằm đều trên mặt bánh tráng, là đạt yêu cầu.

Nên nhớ, làm kẹo đậu phụng không ai làm bằng đậu đã rang chín. Vì khi đậu rang chín cho vào đường non đang sôi sẽ dẫn đến hạt đậu xốp, thậm chí cháy sém bởi nhiệt trong đường, rất khó ăn. Trong khi đó bỏ đậu sống vào thì đậu tự chín do nhiệt từ đường non và độ dòn, thơm của đậu sẽ cao hơn so với dùng đậu đã rang. Chỉ cần một bát nước chè xanh, một miếng kẹo đậu phụng là người nông dân đã có một bữa lửng (người từ Quảng Nam trở vào gọi là “uống nước nửa buổi,” người từ Huế trở ra gọi là “bữa lửng”).

Mùa màng thất bát hay bội thu thì với người nhà nông, bữa lửng bằng miếng kẹo đậu phụng, bát nước chè xanh, con nít người lớn xúm xít ngồi ăn, nếu con nít bận đi học thì người lớn dành phần, khi học về, con nít cầm miếng kẹo đậu phụng chạy ra vạt đậu, vừa ăn kẹo vừa ngắm người lớn làm việc, ngắm cỏ nội xanh ngát, những gương (nụ hoa) đậu phụng đầu tiên màu vàng cà rốt nhạt nở li ti… Cái cảm giác ấy thật khó tả. Mà hình như với con nít thôn quê hay thành thị, kẹo đậu phụng vẫn là món hấp dẫn, đậm đà, làm nhớ lâu. Và nói tới tuổi thơ, chắc ít nhiều có chút mùi vị kẹo đậu phụng trong đó.

Nói không ngoa, cho dù quí vị đã nếm các loại bánh hảo hạng, sô cô la đặc biệt với giá tiền cả trăm dollar mỗi thanh thì bạn vẫn có thể bẻ một miếng kẹo đậu phụng ngồi nhai và cảm nhận cái vị đậm đà Việt Nam của nó. Những ngày trời lạnh, sắp Noel, không chừng, làm một bữa kẹo đậu phụng nho nhỏ và ấm áp, gợi nhắc ký ức quê nhà và cũng gợi ra không khí, mùi vị quê hương trong đêm Thánh Vô Cùng.

Xin cầu chúc quí vị có một đêm Giáng Sinh ấm áp, tràn trề Hồng Ân và hi vọng rằng món kẹo đậu phụng góp thêm phần ý vị và tạo thêm niềm vui!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT