Hôn Nhân, Cuộc Sống

Kết hôn với công việc (kỳ 1)

Sunday, 11/09/2016 - 10:25:13

Và khi công việc kết thúc, họ thấy đau khổ. Họ cảm thấy như thể họ là người ngoài hành tinh, hay là những người lưu vong từ một xã hội càng ngày càng đánh giá sự cam kết và việc xác định căn tính với công việc lên trên mọi sự khác.

Lan không theo kịp trong hệ thống kế toán mới của công ty, bị sa thải mà cô cảm tưởng như bị ly dị với công việc mà mình thích nhất. (Getty Images)


(Đây là bài viết của bà Ilene Philipson, được lược dịch lại sau đây để trình bày một đề tài khá phổ biến trong thời đại hiện nay.)

“Tất nhiên là tôi có thương yêu gia đình tôi, nhưng không có gì có thể thế chỗ cho công việc của tôi!”
Đây là lần đầu gặp “Lan” trong văn phòng tâm lý trị liệu của tôi, và cô ấy giải thích cho tôi biết rằng cuộc đời cô đã chấm hết. Cô cảm thấy người chủ của cô đã phản bội cô; cô đã nghỉ việc vì cảm thấy bị tổn thương; cô không còn lý tưởng để sống nữa.

Tôi không ngạc nhiên. Trong bảy năm qua, tôi đã gặp hàng tá phụ nữ và đàn ông tìm kiếm liệu pháp tâm lý sau khi xảy ra một cuộc khủng hoảng tại nơi làm việc. Đối với họ, công việc không chỉ đơn giản là làm việc để kiếm tiền; hay chỉ là một phần quan trọng trong cuộc sống, đem lại mục tiêu phấn đấu.
Công việc chính là cuộc sống của họ.

Và khi công việc kết thúc, họ thấy đau khổ. Họ cảm thấy như thể họ là người ngoài hành tinh, hay là những người lưu vong từ một xã hội càng ngày càng đánh giá sự cam kết và việc xác định căn tính với công việc lên trên mọi sự khác.

Một trật tự trong công việc mới – mà điển hình nhất là các công ty kỹ thuật cao trong vùng Silicon Valley – đang tạo ra những kiểu văn hóa công ty cung cấp sự dấn thân tham gia, một cảm giác chung về mục đích, niềm vui, và những mối liên kết giữa các cá nhân đang ngày càng vắng mặt trong các gia đình và các cộng đồng ở bên ngoài nơi làm việc.

Khi ly dị , di chuyển nhà ở, tình trạng phân tán xã hội, và sự suy tàn của khu phố, cộng đồng, và việc tham gia của công dân tăng lên, thì càng ngày càng có nhiều người trong chúng ta đang quay sang nơi làm việc, để đáp ứng nhu cầu trước đây được lấp đầy bởi gia đình, bạn bè và hàng xóm. Chúng ta dùng nơi làm việc thế cho gia đình.

Xu hướng này là khó có thể cưỡng lại được. Giữa lúc một số nơi làm việc trở thành những khuôn viên cung cấp phòng tập thể dục, thực phẩm miễn phí, những bữa tiệc, các liên đoàn thể thao, câu lạc bộ cờ vua, và massage trị bệnh, xét về căn bản làm trống rỗng bãi cỏ xanh của ngôi làng và thay thế Main Street, thì không có gì đáng ngạc nhiên khi có thêm nhiều người trong chúng ta thích bỏ ra nhiều giờ đồng hồ ở nơi làm việc.

Trong trường hợp không có những thể chế đối kháng nâng đỡ duy trì chúng ta, hoặc đem một cái nhìn chuyện về cuộc sống nên được sống như thế nào và với mục đích gì, thì các công ty cung cấp một cảm thức về chuyện mình thuộc về về nhóm nào, và bản sắc riêng của cá nhân. Các huy hiệu logo và các khẩu hiệu của công ty bao quanh các nhân viên, và thấm nhiễm vào nền văn hóa của chúng ta, đều thường là tất cả những điều mà mọi người có thể bị đồng hóa, và coi như là của riêng họ.

Các quản đốc trở thành nhân vật đóng vai trò cha mẹ, nuông chiều và làm vui lòng con cái; các đồng nghiệp trở thành cộng đồng anh em, và các công ty nuôi dưỡng những ước vọng không được đáp ứng của chúng ta, bằng vô số những lời hô hào rằng “Chúng ta là một nhóm!” “Chúng ta là Số Một!” “Chúng ta là gia đình!”.

Tất nhiên, khuyết điểm trong tất cả những điều này là những người nắm quyền kiểm soát “gia đình” đều có thể cho chúng ta nghỉ việc, thay đổi công việc của chúng ta, sa thải các quản đốc của chúng ta, hoặc làm cho những điều kiện tại nơi làm việc trở nên hết sức khó chịu, đến nỗi người ta cảm thấy việc “ly dị” là điều đáng thích hơn so với việc lạm dụng tình cảm đang tiếp diễn.

Niềm ước vọng của chúng ta, muốn được kết nối với những người khác và làm việc hướng tới những mục tiêu chung, có thể làm cho chúng ta mù quáng không nhìn thấy một sự kiện là cuối cùng các công ty tìm kiếm lợi nhuận và quyền lực, cứ không phải là tìm kiếm gia đình và cộng đồng. Và nếu chúng ta đầu tư mọi nguồn năng lực, thời gian, và các nhu cầu tình cảm của chúng ta vào trong công việc, thường thì chẳng còn có được bao nhiêu để trông cậy, khi nơi làm việc không lo được cho chúng ta.

Gia đình khác của tôi

Nhân vật “Lan” biết điều này quá rõ. Là một người mẹ 39 tuổi có hai đứa con, trong phần lớn cuộc đời niên thiếu của cô, cô sống nhờ trợ cấp xã hội. Nhưng bất chấp sự khởi đầu khiêm tốn của cô, Lan đã học xong đại học, mua một ngôi nhà, và giữ vai trò một nhân viên kế toán trong một công ty kỹ thuật sinh học đang phát triển.

Cô yêu thích công việc của mình. Công ty của cô nhấn mạnh “tinh thần đồng đội”, và ông chủ của cô, một phó chủ tịch hội đồng quản trị, liên tục nói về chuyện công ty là “một đại gia đình.” Thực vậy, ca khúc không chính thức của công ty có tựa đề là “Chúng Ta Là Gia Đình” (We Are Family) của ban nhạc nữ Sister Sledge, một bài thường được hát chơi trong những buổi picnic và bữa tiệc của công ty.

Bill, ông chủ của Lan, luôn làm cho cô có cảm tưởng ông là một người đàn ông vô cùng đạo đức, có đầu óc công bằng, mà cô thường tìm đến để được khuyên nhủ về các vấn đề trong công việc. Cô cảm thấy được tôn trọng, và ông luôn luôn khen ngợi cô hết lời trong các cuộc đánh giá về công việc của cô. Cô thán phục ông, và tin cậy hoàn toàn vào phán đoán của ông, đến nỗi cô nói: “Ông ấy cứ làm cho tôi nhớ lại bạn thân thiết của mình. Khi ông có mặt ở đây thì mọi sự sẽ ổn thôi.”

Lan đang làm việc được ba năm thì một hệ thống kế toán mới bằng máy điện toán được đưa vào sử dụng. Cô thấy khó làm việc với hệ thống mới này, và coi nó là kém hơn so với các hệ thống trước đó. Nhưng khi cô bày tỏ những nỗi quan tâm của cô cho ông chủ, thì cô rất ngạc nhiên khi thấy ông không hoan nghênh ý kiến phản hồi của cô. Thay vì vậy, ông có vẻ bực bội khó chịu.

Dần dần ông chủ thay đổi thái độ đối với cô. Không còn là người đàn ông điềm đạm, nhân từ mà cô từng làm việc cho, ông trở nên gắt gỏng và hay chê bai. Giữa lúc sự thiếu kiên nhẫn của cô tăng lên khi cô đang cố làm quen với hệ thống máy điện toán mới. Những mục thường lệ làm tốn thời giờ của cô nhiều hơn, và cô thường ở lại trễ để giải quyết các trương mục trên hệ thống mới.

Cô bắt đầu bị đau đầu, và gặp phải những vấn đề sức khỏe khác liên quan đến căng thẳng thần kinh, trong số đó có chứng đau bụng, mà sau đó bác sĩ chẩn đoán là hội chứng viêm đại tràng co thắt. Một hôm ông chủ yêu cầu cô đưa cho ông ta một bản báo cáo mà cô chưa làm xong, cô cảm thấy mình bị chìm đắm.

Một hôm khác ông chủ của Lan đi vào văn phòng cô, tay nắm chặt một số báo cáo thanh toán hóa đơn của cô. Mặt ông đỏ bừng vì tức giận. Ông hét lên, “Cô có phải là người cho công việc này hay không?” Ông ném mớ giấy tờ vào cô và lao ra khỏi cửa.

Lan nói, “Tôi biết xảy ra chuyện rồi. Thế là hết.”
Tối hôm đó, Lan phải vào phòng cấp cứu ở bệnh viện, than phiền về chuyện bị tê và ngứa ran nơi cánh tay. Bác sĩ đề nghị cô xin nghỉ phép, và giới thiệu cô tới chỗ tôi để được đánh giá tình trạng tâm lý.
Khi gặp tôi, Lan được chuẩn đoán bị trầm cảm, chán nản với hoạt động xung quanh và phản ứng chậm chạp. Cô nói, “Tôi không còn là chính mình nữa. Công việc là tất cả đối với tôi và tôi thổi nó bay mất rồi. Thế là xong.”

Trong những tháng kế tiếp, Lan đã trở nên xa cách với cả hai đứa con và bạn trai cô sống chung. Cô dành rất nhiều thời gian chỉ nằm lì trên giường. Mặc dù cô biết rằng gia đình cô lo lắng về cô, và cảm thấy có lỗi về chuyện đó, cô nhấn mạnh rằng “gia đình khác, gia đình công việc của tôi đã biến mất. Không có lý do để ra khỏi giường vào buổi sáng.”

Ông chủ của cô là sợi dây dẫn chính yếu kết nối cô với cái “gia đình khác” ấy. Và chuyện ông ấy không bằng lòng về cô ấy dường như cắt đứt mối dây ràng buộc cô với cộng đồng lớn hơn của gia đình công ty.
(Còn một kỳ đăng thứ Hai tuần sau)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT