Người Việt Khắp Nơi

Kêu gọi biểu tình vì nhân quyền Việt Nam trước trụ sở Liên Hiệp Quốc 22/1

Friday, 11/01/2019 - 08:38:18

Ngày 3/12/2018, Bộ Ngoại Giao CSVN tuyên bố Việt Nam đã thực hiện được hơn 96% khuyến nghị nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, 100% các khuyến nghị về quyền kinh tế, xã hội, và văn hóa và sẽ báo cáo tại kỳ Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát Toàn Cầu (UPR) chu kỳ 3 của UNHRC vào ngày 22/1.

HOA THỊNH ĐỐN (VOA) - Một số hội đoàn và tổ chức của cộng đồng người Việt hải ngoại đang kêu gọi một cuộc biểu tình quy mô lớn tại Geneva để phản đối trình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Cuộc biểu tình dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22/1 đúng vào ngày tái xét duyệt định kỳ (UPR) của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đối với Việt Nam, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ.
Từ Úc Châu, Luật Sư Trần Kiều Ngọc, Chủ Tịch Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền, nói với đài VOA, “Mục đích của cuộc biểu tình ngày 22 tháng 1 là để lên tiếng về vấn đề vi phạm nhân quyền trầm trọng mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã gây ra trên quê hương của mình trong suốt mấy chục năm qua. Chúng tôi muốn nhân dịp Hội đồng Nhân quyền LHQ kiểm duyệt lại vấn đề nhân quyền của Việt Nam để lên tiếng chính thức trước diễn đàn quốc tế, lên án những điều bất nhân và tàn ác của cộng sản, những điều họ làm đều đi ngược lại quyền lợi của đất nước và dân tộc.”

Ông Ngô Hoàng Phong, người hỗ trợ và vận động cộng đồng người Việt tại Đức thực hiện cuộc biểu tình ngày 22/1, nói với VOA, “Chúng tôi thấy có một điều cần thiết và cấp bách để thành lập cuộc biểu tình để cho thế giới biết việc vi phạm nhân quyền trắng trợn của nhà cầm quyền Việt Nam, mà đối với họ, họ xem là bình thường.”

Trong cuộc biểu tình ngày thứ Ba 22/1, ban tổ chức có mời một số chính khách Âu Châu phát biểu. Ông Ngô Hoàng Phong cho biết thêm, “Cuộc biểu tình bắt đầu từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Chúng tôi đã vận động một số chính khách của Đức và Quốc Hội Âu Châu, trong đó có Chủ Tịch Liên Đoàn Chánh Án, các hội đoàn NGO, các trí thức, cũng như giới truyền thông. Chúng tôi kỳ vọng các cộng đồng Tây phương sẽ quan tâm và gây áp lực nhiều hơn đối với nhà cầm quyền Việt Nam.”

Luật sư Trần Kiều Ngọc cho biết thêm, “Nội dung chính sẽ có phần phát biểu của các tổ chức nhân quyền quốc tế, các chính sách Âu châu, các hội đoàn người Việt, lồng vào các khẩu hiệu và các bản nhạc đấu tranh. Cuộc biểu tình này do Phong trào Giới trẻ Thế giới vì Nhân quyền đóng vai trò trụ cột trong ban tổ chức nên cũng có phát biểu của một số các bạn trẻ có tinh thần hướng về quê hương.”

Ngày 3/12/2018, Bộ Ngoại Giao CSVN tuyên bố Việt Nam đã thực hiện được hơn 96% khuyến nghị nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, 100% các khuyến nghị về quyền kinh tế, xã hội, và văn hóa và sẽ báo cáo tại kỳ Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát Toàn Cầu (UPR) chu kỳ 3 của UNHRC vào ngày 22/1.

Từ ngày 11/12 đến ngày 14/12/2018, khi tham gia Hội Nghị Tiền Kiểm Điểm UPR lần thứ 32 (Pre-sessions of 32nd The Universal Periodic Review) tại Geneva, tổ chức VOICE, một NGO có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên tập hợp những người trẻ tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam, đã nêu ba trường hợp các nhà hoạt động trong nước bị chính quyền đàn áp, giam cầm là ông Trần Huỳnh Duy Thức (đang thụ án 16 năm tù), ông Hoàng Đức Bình (14 năm tù), và bà Trần Thị Nga (9 năm tù).

Vào tháng 9/2018, Liên Đoàn Nhân Quyền Quốc Tế (FIDH) đã lên tiếng chỉ trích bản dự thảo báo cáo quốc gia UPR cho phiên đối thoại tới của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này cho rằng báo cáo của Việt Nam ỉm đi các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và cố tình thông tin sai lệch cho cộng đồng quốc tế.
Trong một thông cáo báo chí hôm 3/1 kêu gọi tham gia và ủng hộ cho cuộc biểu tình tại Thụy sĩ, Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự ngay lập tức và vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm và các nhà hoạt động ôn hòa.

Các hội đoàn khác, trong đó có Liên Hội Người Việt Tị Nạn tại Đức và Âu Châu, cũng lên kế hoạch thực hiện cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền, vi phạm tự do tôn giáo, và Luật An Ninh Mạng tại trụ sở tòa nhà Liên Hiệp Quốc (Palas des Nations) vào chiều ngày 22/1.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT