Người Việt Khắp Nơi

Khai mạc Khóa Huấn Luyện & Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ thứ 33

Wednesday, 17/08/2022 - 01:57:52

Có nhiều thầy, cô ở rất xa như tận Na Uy, Pháp, Úc, Canada và nhiều tiểu bang Hoa Kỳ và nhiều, rất nhiều các thầy, cô từ San Jose, Riverside, San Diego, San Fernando.


Thầy Vũ Hoàng, Trưởng Ban Tổ Chức, đọc diễn văn khai mạc. (Thanh Phong/ Viễn Đông) 

 

Bài THANH PHONG

GARDEN GROVE - Khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm Kỳ 33, Hè 2022 do Liên Hiệp Các Trường Việt Ngữ Hải Ngoại tổ chức vào ba ngày 12, 13, 14 tháng 8 tại Coastline Community College, 12901 Euclid St, Garden Grove, California đã khai mạc vào lúc 6 giờ chiều thứ Sáu, ngày 12 tháng 8.

 

Khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm với chủ đề “Viết Đúng - Nói Hay Tiếng Việt” do thầy Vũ Hoàng làm Trưởng Ban Tổ Chức, thầy Đặng Ngọc Sinh, cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên, các thầy Trần Ngọc Dụng, Trần Chấn Trí, Nguyễn Văn Khoa làm Phó Ban đã tổ chức và sắp xếp chương trình thật chu đáo với nhiều tiểu ban khác nhau như Truyền Thông, Ẩm Thực, Trật Tự & Khánh Tiết, Tiếp Tân, Hướng Dẫn và Giới Thiệu Lớp Học, Kỹ Thuật và Điện Toán, Website/Zoom, Tu Thư và Tiểu Ban Hành Chánh. Mỗi tiểu ban gồm nhiều thầy, cô phụ trách, tất cả đều tích cực chu toàn trách nhiệm, mỗi thầy, cô giáo tham dự đều được cung cấp đầy đủ chương trình trong ba ngày huấn luyện cũng như danh sách các giảng viên cho khóa tu nghiệp, giúp đem lại hiệu quả rất cao cho khóa học.

 


Ban Tổ Chức Dâng Hương trước bàn thờ Tổ Quốc (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 

 

Ông bà ngày xưa có câu “Văn ôn, võ luyện,” thế nên nhiều thầy, cô trước đây đã từng dạy Trung, Tiểu Học tại Việt Nam, sau khi sang Hoa Kỳ, các thầy, cô lại hy sinh thì giờ dạy tiếng Việt cho các em, có thầy, cô đã dạy tiếng Việt tại hải ngoại ba, bốn mươi năm nhưng mỗi lần tổ chức khóa Tu Nghiệp Sư Phạm, các thầy, cô lại khăn gói lên đường. Có nhiều thầy, cô ở rất xa như cô Nguyễn Mai Thảo ở tận Na Uy, có thầy, cô ở Pháp, Úc, Canada và nhiều tiểu bang Hoa Kỳ như cô Hồ Thị Đậm từ Kentucky, cô Minh Thi từ Texas và nhiều, rất nhiều các thầy, cô từ San Jose, Riverside, San Diego, San Fernando.

 

Cảm động và thán phục nhất là các thầy cô Trần Huy Bích, Vũ Hoàng, Đặng Ngọc Sinh, Văn Tường, Trần Ngọc Dụng, Nguyễn Văn Khoa, mặc dù đều đã ở trên tuổi “Thất thập cổ lai hy” vẫn gắn bó với các Khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm từ ban đầu cho đến nay, và các thầy, cô trẻ hơn như các thầy Ngô Văn Quy, Nguyễn Văn Lành, Nguyễn Hồng Chi các cô Nguyễn Lâm Kim Oanh, Nguyễn Khoa Diệu Quyên, Trần Thị Sử, Thụy Vy, Nguyễn Liên Hương, Loan Anh, Huỳnh Trâm Anh, Phạm Đỗ Thiên Hương, Cindy Trần cùng nhiều thầy, cô khác đã hết sức tích cực trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam cho các em sanh trưởng và lớn lên tại hải ngoại.

 

Trong buổi khai mạc, thầy Ngô Văn Quy, Huynh Trưởng Cấp Tấn, Ủy Viên Nghiên Cứu và Huấn Luyện cho Gia Đình Phật Tử VN tại Hoa Kỳ đảm nhiệm vai trò “hoạt náo viên,” đã hướng dẫn các thầy, cô một số trò chơi vui nhộn và những bài hát có tính cách vừa chơi vừa học rất hay, để các thầy, cô có thể áp dụng khi dạy Việt ngữ cho các em.

 


Các thầy cô tham dự đang thực hành một trò chơi do thầy Ngô Văn Quy hướng dẫn. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 

Đúng 6 giờ tối, chương trình khai mạc với nghi thức chào cờ, mặc niệm và dâng hương trước bàn thờ Tổ Quốc. Thầy Vũ Hoàng đọc bài Văn Tế do Giáo Sư Trần Huy Bích, một vị giáo sư lão làng trong nền giáo dục nhân bản Việt Nam Cộng Hòa, thầy tốt nghiệp ban Việt Hán, Đại Học Văn Khoa Saigon và dạy Quốc Văn nhiều năm tại Việt Nam. Giáo sư Trần Huy Bích có bằng M.A. và PhD. tại University of Texas at Austin, giáo sư được trao nhiệm vụ phụ trách các tài liệu về Á Châu học (Asian students) và Trung Học tại thư viện trung ương Đại Học UCLA và USC. Giáo sư là một trong những giảng viên các Khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm từ ngày đầu tiên đến nay. Bài Văn Tế do giáo sư Trần Huy Bích soạn nói lên đầy đủ ý nghĩa và mục đích của các Khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm, là mẫu mực cho những ai đang tập tành viết Văn Tế. Thầy Vũ Hoàng trịnh trọng đọc:

 

 “Năm Nhâm Dần 2022, tháng 8, ngày 12 dương lịch, tại thành phố Garden Grove, tiểu bang California, Hoa Kỳ,

 

Trước anh linh quốc tổ và tiền nhân, Chúng con, thầy cô giáo các trường dạy tiếng Việt tại hải ngoại đồng thành kính dâng lời nguyện cầu:

 

“Cây có gốc mới thân cao, cành mạnh

Nước có nguồn mới bể rộng, sông sâu

Dân Việt Nam dù phân tán năm châu

Dòng Hồng Lạc vẫn kiên trung một Tổ.

 

 Kính thưa: “Nước Việt bốn ngàn năm hoa gấm, công tiền nhân dõi bước chưa quên – Dân Nam gần trăm triệu tinh anh, đài thế giới chen vai vẫn sáng –Tiếng ta vốn du dương uyển chuyển, âm nhịp nhàng cao thấp sáu thanh – Văn ta từng chải chuốt thanh tao, vẻ diễm lệ bừng tươi muôn sáng - Nay trong nước lu mờ gốc cũ, giọng dị kỳ, thô tục, ngô nghê – Nên cõi xa quyết giữ nền xưa, lời trong sáng, thanh tao, lịch lãm.

 

Hôm nay chúng con, thầy, cô giáo các trường dạy tiếng Việt ở hải ngoại: Từ Na Uy tới Canada, mang danh nghĩa hai đại châu Âu Mỹ, nửa vòng trái đất bay về - Từ Miền Đông qua Miền Tây, ôm nhiệt huyết nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, ngàn dặm đường trường tụ lại – Lưu lạc nhiều năm hải ngoại, hằng ưu tư con cháu chẳng quên nguồn – Lênh đênh ngàn dặm tha hương, vẫn kiên quyết hậu sinh bền nhớ cội – Dạy tiếng Việt để giữ gìn gốc Việt, mong đến ngày đất nước trùng hưng – Ôn sử Nam để trân trọng hồn Nam, tin ở buổi non sông khánh hội –Chọn tôn chỉ phân minh VIẾT ĐÚNG, dạy người sau mài miệt tháng năm – Bền phương châm tao nhã NÓI HAY, theo người trước điểm tô sông núi.

 

Nguyện Quốc Tổ linh thiêng phù trợ, dân Hồng Lạc sẽ đường quang ý rõ, đưa quê hương vững bước nhắm tương lai – Xin tiền nhân cảm ứng hộ trì, nước Việt Nam rồi biển lặng sông trong, giữa vinh dự sánh vai cùng thế giới.

 

Kính duy – Thượng hưởng.”

 


Giáo Sư Trần Huy Bích, vị thầy cao niên nhất và là người soạn bài Văn Tế với ý nghĩa vô cùng thâm sâu. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Sau bài Văn Tế, cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên giới thiệu quan khách và thành phần tham dự. Tiếp đến, thầy Vũ Hoàng, Trưởng Ban Tổ Chức có lời chào mừng và tuyên bố khai mạc Khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ thứ 33 trong tiếng vỗ tay vang rền. Sau lời phát biểu của một số quan khách, các MC giới thiệu Hội Đồng Quản Trị Liên Hiệp Các Trung Tâm Việt Ngữ Hải Ngoại, trong đó, thầy Nguyễn Văn Khoa là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị (Chairman), thầy Vũ Hoàng là Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành (President), thầy Đặng Ngọc Sinh (Phó Chủ Tịch Nội Vụ), cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên (Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ), cô Trần Thị Sử (Tổng Thư Ký) và một số thầy, cô khác giữ các chức vụ Trưởng Khối và đại diện Vùng.

 

Mặc dù Khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp chỉ có 3 ngày ngắn ngủi nhưng các tham dự viên được học hỏi nhiều đề tài khác nhau do các giảng viên giàu kinh nghiệm và khả năng sau đây phụ trách:

 

Thầy Trần Chấn Trí, cô Hứa Trần Kim, cô Huỳnh Trâm Anh, cô Nguyễn Lâm Kim Oanh, cô Debbie Phạm, thầy Mai Bùi, cô Cindy Trần, cô Holly Lê, cô Trần Minh Tâm, thầy Trần Ngọc Dụng, thầy Văn Tường, thầy Trần Huy Bích, cô Matsuda Xuyến Đông, thầy Nguyễn Văn Khoa, cô Đặng Quỳnh Hương, cô Trương Minh Túy, cô Nguyễn Ngọc Thanh, thầy Phạm Trần Anh, thầy Dương Thanh Phong, thầy Nguyễn Anh Hoàng, thầy Vũ Hoàng, cô Đặng Thơ Thơ, thầy Hoàng Cơ Định, thầy Ngô Văn Quy, cô Luyện Thị Vy, thầy Đặng Ngọc Sinh, Dr. Nguyễn Hy Vọng, cô Phạm Đỗ Liên Hương, cô Đỗ Quý Linh, cô Nguyễn Sophia, cô Phạm Từ Ái, thầy Trần Chí Hồng Tiên, thầy Nguyễn Trung Chánh, thầy Robert Nguyễn, Dr. Renae Bryant và cô Hoàng Huyền Vy.

 

Ngoài các đề tài chuyên môn giúp các học viên dạy các em Viết Đúng – Nói Hay Tiếng Việt còn có một số trò chơi tiêu biểu để các thầy, cô áp dụng trong khi dạy Việt ngữ. Cuối Khóa, các thầy, cô tham dự đều được trao một Phiếu Góp Ý, giúp ban tổ chức rút ưu, khuyết điểm cho kỳ tổ chức Khóa Huấn Luyện & Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ thứ 34 năm 2023.

 

Cô giáo Nguyễn Mai Thảo từ Na Uy (Norway) trả lời câu hỏi của Viễn Đông, cho biết, “Tôi sống tại Na Uy hơn 30 năm qua. Bên Na Uy cộng đồng Việt Nam chỉ có 25 ngàn người và sống rải rác ở nhiều thành phố, mỗi thành phố đều có một hay nhiều lớp tiếng Việt tùy theo ở thành phố đó nhiều hay ít các em. Ở thủ đô Oslo thì đông nhất và trước đây tôi đã từng dạy tiếng Việt cho các em Việt Nam bên đó. Năm 2019 tôi có tham dự Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm tại đây, và đây là lần thứ hai tôi trở lại. Sau khi dự khóa này về, tôi vẫn tiếp tục công việc như mình vẫn thường làm là nghiên cứu và tìm hiểu thêm làm thế nào để có thể dạy tiếng Việt một cách hữu hiệu hơn.”

 

Cô giáo Nguyễn Mai Thảo từ Na Uy sang tham dự đang trả lời câu hỏi của Viễn Đông. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 

Sau ba ngày tham dự, các thầy, cô lưu luyến chia tay ban tổ chức và hẹn gặp lại trong Khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm năm 2023.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT