Người Việt Khắp Nơi

Khen chê quanh chuyện khai thác mỏ vàng ở Haiti

Bạch Vân/Viễn Đông Saturday, 09/06/2012 - 11:03:50

Động đất xảy ra khi những mảng kiến tạo địa chất, mà người ta tin rằng đã hình thành nên những đường nứt sâu, làm cho các kim loại nóng chảy trồi lên trên bề mặt.

Bạch Vân/Viễn Đông

PORT AU PRINCE, Haiti – Để cung cấp tin tức cập nhật cho quí độc giả, về những điều kiện trong các quốc gia nghèo nhất ở khu vực Tây Bán Cầu, nhật báo Viễn Đông trở lại đưa tin về chuyện khai thác quặng vàng ở Haiti, giữa lúc có nhiều tin tức về những vụ phản đối chống lại việc khai thác khoáng sản ở những nơi khác.
Vào hôm 20-5-2012, Viễn Đông đưa tin về chuyện những khối lượng vàng, bạc, và đồng, trị giá lên tới 20 tỉ Mỹ kim, đã được tìm thấy ở Haiti, khi đảo quốc này đang xúc tiến thăm dò và khoan thử khoáng sản từ năm 2011. Việc tìm thấy những thứ kim loại quí hiếm này được coi là một sản phẩm của trận động đất mạnh 7,0 độ Richter tàn phá Haiti trong tháng 1 năm 2010. Động đất xảy ra khi những mảng kiến tạo địa chất, mà người ta tin rằng đã hình thành nên những đường nứt sâu, làm cho các kim loại nóng chảy trồi lên trên bề mặt.
Mặc dù Viễn Đông đã đưa tin rằng ít nhất có một công ty khai thác quặng mỏ lâu nay dẫn đầu việc thăm dò, Viễn Đông cũng đã tìm thấy rằng có hai công ty khai thác mỏ, một của Mỹ và một của Canada, đã được cấp giấy phép để khai thác quặng mỏ trên một phần ba trong tổng số diện tích đất ở miền Bắc Haiti. Với chuyện khai thác mỏ được dự trù bắt đầu trong 5 năm nữa, tin tức cho biết rằng chính phủ Haiti đang soạn thảo luật lệ để bảo đảm cho dân chúng Haiti hưởng được lợi ích, vì những khoản lợi tức thu được từ ngành kỹ nghệ khai thác hầm mỏ có thể được sử dụng vào việc xây dựng những đường lộ và trường học mới hơn, cũng như tạo ra những hệ thống cung cấp cho Haiti nước sạch hơn và giải quyết vấn đề nước thải, rác rưởi.
Tuy nhiên, những người chỉ trích việc khai thác mỏ ở Haiti lo ngại rằng trong thực tế các công ty khai thác quặng mỏ và các nhà đầu tư ngoại quốc đều sẽ hưởng được lợi nhuận nhiều hơn so với người dân Haiti. Trong phần tin tức trên tờ Democracy Now! số ra ngày 31-5-2012, nữ ký giả Jane Regan ở Haiti cho biết rằng sự kết hợp giữa tình trạng môi trường sinh thái của Haiti bị tàn phá, với chính phủ “thối nát tham nhũng bậc nhất” của nước này, sẽ không cho phép dân chúng Haiti nhìn thấy được nhiều phần lợi lộc đến tận tay mình. Bà Regan nói: “Hầu hết số vàng được đào lên sẽ đi thẳng một mạch về phía Bắc. Các công ty ngoại quốc này đã mua giấy phép để thăm dò hoặc để tiến tới việc khai thác đến cùng”.
Tuy nhiên, phần tin tức trên báo điện tử Democracy Now! cũng đăng tải những đoạn phim quay lại cảnh dân làng ở Haiti nói rằng họ hoan nghênh ý tưởng là các công ty ngoại quốc khai thác hầm mỏ đem lại công ăn việc làm cho Haiti, “Điều này sẽ như thể là Thượng Đế đích thân từ trên trời cao giáng xuống đất này vậy”.

Lược sử của Haiti

Haiti nằm ở vùng biển Caribbean, ở phía Tây của nước Cộng Hòa Dominica. Cả hai nước đều ở trên cùng một hòn đảo, được gọi là Hispaniola khi thực dân Tây Ban Nha tới đây. Việc Tây Ban Nha chiếm đất làm thuộc địa vào năm 1492 đã giết chết phần lớn dân số của những người bản thổ Taino ở Hispaniola, bằng cách đem tới hòn đảo này bệnh tật từ ngoại quốc, chiến tranh, và chế độ nô lệ. Để bổ túc lực lượng lao động xây dựng một thuộc địa, người Tây Ban Nha đã đem nhiều người Phi Châu sang Hispaniola để làm nô lệ.
Người Pháp cũng đến ở mạn Tây của hòn đảo này, gây ra cạnh tranh với Tây Ban Nha. Vào năm 1697, hòn đảo này được chia làm hai: một phần lãnh thổ phía Tây, tức vùng nói tiếng Pháp, là khu vực ngày nay được gọi là Haiti, trong khi đó ở phía đông, tức vùng nói tiếng Tây Ban Nha, là một phần của khu vực bây giờ gọi là Cộng Hòa Dominica.
Những cuộc nổi dậy của những người da đen tự do và nô lệ, trong khu vực ngày nay được gọi là Haiti, đã làm cho tất cả các thuộc địa của Pháp phải bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1794. Trong khi Pháp đã cố gắng để tái lập lại chế độ nô lệ trong khu vực hiện nay được gọi là Haiti, thì Haiti tuyên bố độc lập vào năm 1804, nhưng mãi đến năm 1825 thì người Pháp mới công nhận nền độc lập của Haiti.
Một phần của việc Pháp công nhận như vậy sẽ có nghĩa là Haiti phải trả tiền bồi thường cho nước Pháp vì những sự mất mát của Pháp về “tài sản”, bao gồm cả nô lệ, đất đai và máy móc dụng cụ. Việc Haiti bồi thường đã làm bãi bỏ một lệnh cấm vận thương mại, do Pháp, Anh, và Hoa Kỳ áp đặt trên đất nước này, thế nhưng Haiti đã phải mắc những món nợ với mức lãi suất cao, để trả đầy đủ trọn vẹn tiền đền bù cho Pháp. Haiti phải gánh chịu chuyện này cho đến năm 1947, và cho đến nay vẫn chìm ngập dưới hàng đống nợ nần kéo dài.

Phản đối khai thác khoáng sản
Giữa lúc có nhiều tin tức về chuyện tìm thấy vàng tại Haiti, và nước này có thể vươn lên khỏi cảnh đói nghèo, thì việc khai thác khai thác mỏ bạc ở một quốc gia Mỹ Châu La Tinh khác đang gây ra phản đối. Vào hôm 7-6-2012, hàng ngàn thổ dân bản xứ đã tụ tập biểu tình ở Bolivia, kêu gọi một công ty khai thác hầm mỏ của Canada hãy rời khỏi nước này. Báo Democracy Now! trích dẫn lại lời một người biểu tình nói, trong tháng 5 năm nay: “Các nguồn tài nguyên thiên nhiên đều thuộc về mỗi người và mọi người ở Bolivia, và chúng tôi muốn chính phủ phải tôn trọng những nguồn tài nguyên thiên nhiên ấy. Các công ty khai thác mỏ đã chà đạp lên và vi phạm các quyền của dân chúng”.
Cũng trong phần tin tức ấy, khi đề cập tới chuyện khai thác mỏ quặng ở Haiti, nữ ký giả Regan nói rằng bà đã tiếp xúc với một nông dân sống gần một khu vực có mỏ được khai thác, ông này nói với bà rằng mọi người trong cộng đồng của ông lo ngại rằng việc khai thác vàng có thể gây ra ô nhiễm cho sông suối. Trong lần đưa tin sơ khởi vào hôm 20-5-2012, về chuyện khai mỏ vàng tại Haiti, nhật báo Viễn Đông tường thuật rằng các thứ hóa chất được sử dụng trong việc khai thác mỏ, như cyanide và thủy ngân, có thể bị thải vào sông ngòi hoặc những ao hồ khe suối khác trong vùng. Ngoài những hậu quả gây ra trên môi trường sinh thái, bà Regan còn nói về chuyện những công ăn việc làm không tương ứng phù hợp, mà việc khai mỏ vàng sẽ đem lại cho dân chúng Haiti. Bà nói rằng trong một đất nước có 10 triệu người, thì hàng trăm việc làm được các công ty khai thác khoáng sản đề cao đều vẫn là không đủ vào đâu cả. - (BV)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT