Đạo và Đời

Khi người anh / chị em lỗi phạm đến ta

Thursday, 03/09/2020 - 06:51:22

Thông thường khi ai làm mất lòng ta, ta buồn bực và tìm người thứ ba để than thở hoặc nói xấu


(Getty Images)


Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG
​Thông thường khi ai làm mất lòng ta, ta buồn bực và tìm người thứ ba để than thở hoặc nói xấu, nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng ngày hôm nay mời gọi chúng ta thực hiện một công việc phi thường, đó là hòa giải với kẻ đã xúc phạm đến mình để không những phục hồi lại tình nghĩa giữa hai người với nhau, mà còn giữ cho tinh thần hiệp nhất trong cộng đoàn được nguyên vẹn.

​Theo Chúa Giêsu, công việc hòa giải gồm ba giai đoạn. Trước hết người bị xúc phạm tìm đến người đã xúc phạm mình, chỉ hai người với nhau, để làm hòa. Tinh thần hòa giải này đã được nhắc đến trong Cựu Ước như sau: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ không mang tội vì nó” (Lv 19:17). Hòa giải theo chiều hướng này thể hiện được tinh thần bác ái và xây dựng.

Nếu nỗ lực hòa giải riêng tư không thành, giai đoạn kế tiếp là nhờ vào sự trợ giúp của một vài người khác. Lý do không phải là để áp đảo tinh thần người kia, nhưng là để tiếp tục hòa giải cách quang minh chính đại và công bằng. Nếu người có lỗi vẫn ngoan cố không chịu hòa giải, thì cậy nhờ đến cộng đoàn. Đây là việc làm cần thiết bởi vì sự hỗ trợ của cộng đoàn sẽ giúp tránh được những chia rẽ và hận thù. Việc làm này không những có tác dụng tốt trong cộng đoàn các tín hữu, nhưng còn có thể thực hiện ở những tập thể khác như gia đình, bà con lối xóm, đội banh, và nơi làm việc, v.v., bởi vì nó sẽ ngăn chặn được những hằn thù và giữ cho tinh thần hiệp nhất được nguyên vẹn.

Nếu giai đoạn này vẫn chưa thành công, Chúa dạy chúng ta “hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.” Điều này không có nghĩa là ghét bỏ, lên án, hay khai trừ kẻ có lỗi, nhưng phải nhẫn nại với nó như cần phải nhẫn nại khi giúp người ngoại giáo và thu thuế hoán cải.

​Tiến trình hòa giải trong cộng đoàn nhấn mạnh đến sự cộng tác của mọi người, chứ không chỉ riêng người lãnh đạo. Quyết định chung của tập thể nói lên quyền cầm buộc hay tháo gỡ mà Chúa nhắc đến. “Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên rời cũng tháo gỡ.”

Theo nội dung của đoạn Tin Mừng, quyền hạn này khác với quyền tha tội mà Chúa đã ban cho các Tông Đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Ngày hôm đó Chúa thổi hơi trên các ông và ban quyền tha tội. Sự kiện này đã trở thành nền tảng cho Bí Tích Hòa Giải và khác với quyền tha tội được nhắc tới trong bài Tin Mừng ngày hôm nay. Cũng vẫn trong tinh thần hòa giải, điểm kế tiếp Chúa Giêsu đề cập đến, đó là nếu có hai người trong cộng đoàn cùng đồng ý về một cách thức giải quyết vấn đề, thì lời cầu xin của họ cho việc hòa giải sẽ được Chúa lắng nghe. Hai người ở đây có nghĩa là khi có số đông cùng đồng ý, đó là dấu chỉ có sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa cộng đoàn.

​Là người tín hữu, ai trong chúng ta cũng đều sống trong một cộng đoàn và cùng thờ phượng chung với những tín hữu khác. Không nhiều thì ít, cũng có những lúc chúng ta làm mất lòng nhau. Chúa hiểu điều đó vì chúng ta là những con người bất toàn với những ý muốn khác nhau. Chúa không trách chúng ta, nhưng Ngài muốn chúng ta cần phải tôn trọng tinh thần hiệp nhất trong cộng đoàn qua tiến trình hòa giải để mọi người có thể nhận biết chúng ta là môn đệ Ngài.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT