Mẹo Vặt

Khổ nạn vì chuột nhắt phá phách

Friday, 29/08/2014 - 01:36:48

Lần trước, câu chuyện về cuộc khổ nạn của ông Cả Đẫn được đưa lên “nhật trình” để làm chứng cho một trong vô vàn công dụng của tinh dầu. Hôm nay, Hằng lại xin tòa soạn cho em thêm cơ hội để nói về một thứ khổ nạn khác. Đó là khổ nạn do đám chuột nhắt gây ra,

Vũ Hằng



Mặc dầu không ưa chuột, nhưng nhiều người không đành lòng nhìn con chuột bị nghiến trong bẫy sắt

Lần trước, câu chuyện về cuộc khổ nạn của ông Cả Đẫn được đưa lên “nhật trình” để làm chứng cho một trong vô vàn công dụng của tinh dầu. Hôm nay, Hằng lại xin tòa soạn cho em thêm cơ hội để nói về một thứ khổ nạn khác. Đó là khổ nạn do đám chuột nhắt gây ra, mà nhà bếp là nơi thường hay bị chúng tấn công hơn cả. Từ một ngõ ngách nào đó trong nhà hoặc từ ngoài vườn vào nhà, chúng chờ lúc vắng người là nghênh ngó đi ra để “xơi” chung đồ ăn với người nhà, gặm nhắm cho nát những bao bì gói thực phẩm, và rút đi sau khi đã để lại rất nhiều “viên” lổn nhổn (như viên…. cứt chuột) để báo cho khổ chủ biết về sự xâm lăng của chúng.




Có một loại tinh dầu là khắc tinh của chuột. Tại sao không thử xem?
Đối phó với đám âm binh này, chúng ta được bầy cho khá nhiều cách, như bẫy, đánh bả, dùng keo dính, dùng âm thanh, dùng lực rung…. Xem ra thứ nào cũng hiệu quả, và thứ nào cũng … không hiệu quả. Sở dĩ có chuyện lạ đời như vậy là vì lũ chuột – chưa nói tới kiến, gián nhện… - rất tinh khôn. Chúng có thể len vào bẫy, khều khều miếng mồi, và khi linh cảm thấy có gì nguy hiểm là bỏ đi. Thậm chí, chúng có thể ngồi chễm chệ trên nóc cạm rỉa mồi, mà không làm bung cạm.

Nếu có cái cạm nào may mắn, thì hình ảnh con chuột bị nhốt bên trong cạm, lồng lộn cuống cuồng tìm đường thoát hoặc bị đè nghiến dưới những thanh sắt kẹp lại làm mủi lòng … khổ chủ. Nhiều người không biết làm gì với con chuột tù binh, đành phải nhắm mắt đưa nó ra vườn để … thả.

Nói tới chuyện đánh bả, tức là cho chuột ăn mồi pha thuốc độc để tự chết thì… lại còn khốn nạn hơn là cứ để nó sống mà phá phách. Là vì, chúng có thể chết trong góc nhà, trong hộc tủ, dưới gầm bếp, gầm tủ lạnh... ở rất nhiều chỗ khác mình không biết, nhưng chúng có thể chui vào được. Cho đến khi chúng trương sình lên, bốc mùi hôi thối, làm ô nhiễm không khí cả nhà thì ai cũng biết là điềm chẳng lành, nhưng tìm được chỗ con chuột nằm hóa kiếp chắc chắn không phải là chuyện dễ dàng. Nói tóm lại, không nên xài phương pháp này, nó không là giải pháp mà là quấy pháp thì đúng hơn.



Những nùi bông cũng có thể được việc, nếu được nhúng vào một thứ tinh dầu…

Thế còn nuôi mèo để bắt chuột? Nói lòng ngay, chó mèo ở xứ Mỹ nuôi để làm cảnh (thú cưng mà), chứ còn dùng vào công việc như dọn đống phế thải từ ruột em bé, xin đừng gọi chó, bắt chuột xin đừng gọi mèo…. Hằng đã từng nhìn thấy một con mèo cong đuôi chạy dài khi nhìn thấy chuột mà ôm bụng cười hoài.

Hôm nay, xin góp với bạn một ý khác: Dùng tinh dầu! Thật vậy, có một loại tinh dầu rất thích hợp cho việc này là bạc hà (peppermint). Được biết là mắt chuột không tinh, nhưng mũi chuột rất thính. Mùi Peppermint vốn rất mạnh và có chứa chất Menthol. Khi con chuột gặp luồng hơi peppermint, cái mũi thính của nó bị choáng, và đẩy nó ra xa. Đó là điều đã được kiểm chứng theo kinh nghiệm “hiện trường”. Nếu bạn cũng muốn thử áp dụng xem, xin làm theo cách đơn giản này:

- Lấy vài nùi bông gòn, mỗi nùi được xịt vài giọt tinh dầu Peppermint, rồi đặt ở những chỗ mình nghi là nơi thường xuyên lui tới của chuột, như hộc tủ, góc nhà, góp bếp, gầm tủ lạnh... Nếu nhà có lỗ hổng thông ra ngoài trời, đặt ngay nùi bông gòn tẩm Peppermint tại đó. Kết quả nhiều phần sẽ đến ngay chiều tối hôm đó, và sáng hôm sau, bạn không còn tìm thấy những viên cứt chuột tròn ở đâu nữa.

- Cũng có thể pha tinh dầu Peppermint với nước theo tỷ lệ 10 nước-1 dầu, rồi bỏ vào bình xịt nhỏ: Xịt ở các khe kẽ quanh nhà, nơi chuột hay lui tới.

- Nếu muốn thí nghiệm, bạn có thể rải nùi bông gòn ở một phòng, và không rải ở các phòng khác để xem kết quả khác biệt ra sao.

- Tuy nhiên, mùi bạc hà sẽ dần dần nhạt đi với thời gian. Vì thế, sau chừng một tuần lễ mình nên thay nùi bông gòn mới. Mấy bác có kinh nghiệm bảo rằng có thể chừng 2, 3 tuần mới phải thay nùi một lần.

Cùng với việc dùng Peppermint để đuổi chuột, mình phải giữ gìn sạch sẽ bếp nước, không để đồ ăn vương vãi trên mặt quầy bếp; Và tìm cho ra những lỗ hở bên hông nhà, rồi bịt kín lại để phong tỏa đường ra vào của chuột.

Bản thân chúng ta cũng có thể hơi khó chịu với mùi bạc hà lúc đầu. Nhưng thế nào chăng nữa, tinh dầu không phải chất hóa học, nó không thể gây ra những tác hại dị ứng trên cơ thể hoặc để lại di chứng cho sức khỏe. Trái lại, tinh dầu Peppermint có nhiều ích lợi trong khoa vị hương liệu pháp. Trong lúc vừa đuổi chuột, tinh dầu Peppermint lại còn giúp hệ tiêu hóa, giảm căng thẳng, trợ hô hấp…. Không lợi đầu này thì lợi đầu khác, không bổ ngang cũng bổ dọc, dùng Peppermint chắc chắn không sợ uổng công phí của.

Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT