Hôn Nhân, Cuộc Sống

Khổ vì anh chồng "gia trưởng"

Sunday, 30/04/2017 - 06:01:13

Từ ngày sang sống chung với anh, mọi chuyện trong nhà đều một tay anh lo liệu. Anh nói mua xe cho tôi. Vì hơi thấp người, tôi chọn chiếc SUV để nhìn đường cho dễ. Anh cản, nói phụ nữ phải chạy xe sedan cho nó thanh lịch. Trời, tôi lái chứ có phải anh lái đâu!

Bài ĐOAN TRANG

Quen nhau từ khi anh còn ở Việt Nam. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc cho đến khi anh về cưới hỏi và đưa tôi sang Mỹ sinh sống. Cuộc sống mới ở nơi đất lạ quê người khiến thời gian đầu tôi có phần hơi lệ thuộc vào anh. Nhưng ngày qua ngày, tôi càng nhận ra anh là một người chồng gia trưởng, rất độc đoán.


Nên bình tĩnh, kiên nhẫn khi phải đối phó với một người chồng nóng tính. (Getty Images)

Chồng là người quyết định

Cả hai chúng tôi đều là người học thức. Chồng tôi là kỹ sư chế tạo máy, làm việc cho hãng máy bay Boeing. Tôi tốt nghiệp đại học ngân hàng, khi sang Mỹ học lại để lấy thêm bằng đại học tại Mỹ, rồi may mắn có được việc làm trong một nhà băng lớn.

Từ ngày sang sống chung với anh, mọi chuyện trong nhà đều một tay anh lo liệu. Anh nói mua xe cho tôi. Vì hơi thấp người, tôi chọn chiếc SUV để nhìn đường cho dễ. Anh cản, nói phụ nữ phải chạy xe sedan cho nó thanh lịch. Trời, tôi lái chứ có phải anh lái đâu!

Việc tìm trường cho tôi học lại, anh cũng lo tuốt. Thật ra tôi đã tìm hiểu trước là mình sẽ nộp đơn vào trường nào, nhưng khi sang đây, anh lại chở tôi đến một trường khác, cách xa nhà đến 30 phút lái xe freeway, thay vì trường tôi tìm chỉ cần chạy 15 phút đường local là tới. Đúng như tôi dự đoán, thời gian đầu chưa quen với đường xá bên này, những khi phải lái xe một mình đi học, nhiều lúc tôi chỉ muốn khóc vì đi lạc đường freeway.

Chân ướt chân ráo, chưa quen với cuộc sống mới cũng như phương pháp học tập mới, tôi kết bạn ở trường. Đó là những cô gái hiền lành, dễ mến, học giỏi. Một lần xe bị hư, gọi phone cho anh không được, tôi nhờ một bạn gái đưa về nhà. Biết chuyện, anh la lối om sòm, nói rằng lần sau thì phải chờ cho đến khi liên lạc được với anh, chứ không tự ý làm như vậy.

Tôi tốt nghiệp được hai tháng thì mang thai. Thật ra tôi muốn đi làm một thời gian để có kinh nghiệm, vì dù mang thai tôi vẫn thấy khỏe mạnh để có thể đi làm. Nhưng anh không cho, nói rằng chuyện gia đình, con cái là quan trọng nhất, rồi yêu cầu tôi ở nhà cho đến ngày sanh nở. Tôi cố gắng chịu đựng cho đến khi con được hơn một tuổi thì nộp đơn xin đi làm, khi mà đã thuê được người chăm sóc cho con. Thật ra quyết định này của tôi cũng không được anh đồng ý, nhưng tôi đưa ra lý do phải kiếm tiền để phụ anh trang trải chi phí.

Nhà thêm người, ngôi nhà hai phòng trở nên chật hẹp, tôi ngỏ ý muốn đổi sang nhà ba phòng cho thoải mái. Khả năng tài chánh có, nhưng mãi đến hơn một năm sau ngày tôi đề nghị, anh mới đổi nhà. Ngày chuyển nhà, tôi mời vài người bạn đến chơi, nhân tiện khoe đứa con gái 3 tuổi xinh xắn, dễ thương. Nhưng khi từ sở làm về, mặt anh giận dữ, không nói nửa lời, đóng sập cửa phòng, làm tôi rất ngại với bạn bè. Tối hôm đó, anh giải thích lý do giận dữ là vì tôi đã mời bạn mà không hỏi ý kiến anh.

Khi có căn nhà mới, anh càng thể hiện “gia trưởng” nhiều hơn. Nhất nhất mọi chuyện trong nhà anh đều quyết định, ngay cả việc mua cái rèm cửa anh cũng chọn kiểu và chọn màu.

Vì ba mẹ tôi vẫn còn sinh sống tại Việt Nam, nên tôi muốn đưa cháu ngoại về thăm ông bà. Việc chọn thời điểm lấy vacation để đi Việt Nam tôi cũng phải lệ thuộc vào anh.

Nhiều lúc bực mình, tôi hỏi sao anh không cho tôi sự chủ động nào hết. Anh trả lời tỉnh bơ: “Chồng là người quyết định!”

Đi tìm sự tự do

Thật ra, anh là một người chồng tốt, người cha gương mẫu. Anh rất thương vợ, chiều con, chẳng bồ bịch gì cả. Tôi cũng một mực là con hiền, dâu thảo, chăm sóc không chỉ cho gia đình nhỏ bé của mình mà cho cả “đại gia đình” bên chồng.

Một hôm gia đình bên chồng có tiệc, trong lúc vui chuyện, một người chị của anh tiết lộ cho tôi biết trước khi lấy tôi làm vợ, anh cũng đã dự định cho một đám cưới với một cô gái xinh đẹp là bạn học thời sinh viên khi anh đã sang định cư ở Mỹ. Tôi nghe vậy thì ngạc nhiên, nên hỏi kỹ hơn, thì được biết lý do hai người không đến được với nhau là do cô gái kia hủy hôn khi nhận ra anh là người quá độc đoán. Theo chị chồng tôi, cô gái kia cũng rất giỏi giang, muốn quản lý mọi chuyện, nhưng vì gặp sự phản kháng của anh nên cuối cùng thì “đường ai nấy đi.”

Chợt nghĩ lại, tôi thấy mình đã lệ thuộc về anh quá nhiều. Thậm chí tôi làm trong nhà băng, nhưng vẫn xài chung thẻ với anh, vì anh không muốn tôi có thẻ riêng. Anh nói, “Em cần gì cứ xài thoải mái. Có nhu cầu tiêu pha gì lớn thì nói anh, anh đưa thêm cho.” Biết anh tốt tính, nhưng thật sự tôi rất khó chịu khi chẳng có gì riêng tư cho mình cả, như người mất tự do.

Công việc, rồi con trẻ chiếm hết thời gian của tôi, nhưng những lúc nghĩ đến người chồng gia trưởng, tôi rất chán nản, và từng nghĩ đến chuyện phải…ra riêng để có được sự tự do.

Không nói ra thì không ai biết. Thật ra trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều phụ nữ đang phải chung sống với người chồng gia trưởng. Hầu hết chị em đều không muốn mình cả đời gắn bó với người đàn ông chẳng bao giờ biết nhận sai và luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ. Nhưng không phải bất cứ cuộc hôn nhân nào với người chồng gia trưởng cũng có thể giải quyết được bằng việc ly hôn.

Bí quyết cho những người vợ có chồng gia trưởng

Làm sao để chung sống yên bình với người chồng gia trưởng? Các chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên cho những bà vợ lấy phải người chồng “gia trưởng” với các ý kiến như sau:

Luôn giữ bình tĩnh trong mọi trường hợp

Đàn ông gia trưởng thường rất hay nóng tính và tự cho mình là đúng trong hầu hết trường hợp. Nếu có sai, anh ta vẫn cố cãi để không nhận phần thua thiệt về mình. Vì vậy nếu bạn nổi cáu hoặc cãi lý với anh ta thì sẽ không đạt được hiệu quả gì bởi chồng sẽ chẳng lắng nghe bạn đâu. Vì vậy hãy cố gắng giữ bình tĩnh, nếu bạn cảm thấy quá bực hay ức chế thì có thể “xách xe” chạy đi đâu đó, hoặc chơi đùa với con trẻ để khuây khỏa nỗi lòng, giải tỏa cảm giác khó chịu. Nên chọn lúc cả hai vợ chồng đều bình tĩnh, thoải mái để nói về một vấn đề dễ gây tranh cãi.

Tự lập

Tự lập ở đây bao gồm cả về tài chính và tình cảm. Rất nhiều người vợ cho dù muốn từ bỏ ông chồng gia trưởng và bạo lực nhưng không thể làm được vì không tự chủ về tài chính. Đừng bao giờ có tư tưởng rằng nếu chồng kiếm nhiều tiền rồi thì bạn yên tâm ở nhà chăm con và dọn dẹp nhà cửa. May mắn cho những cô vợ có được công việc riêng, mà không phụ thuộc về tiền bạc với chồng. Khi sống phụ thuộc nghĩa là bạn đang đánh mất chính mình và làm tăng quyền lực của chồng lên.

Đừng im lặng, như không nóng vội

Nếu cảm thấy chán nản vì bạn đã góp ý mà anh ấy chẳng bao giờ chịu nghe lời, hoặc bạn đã nói và anh ấy phản ứng dữ dội thì cũng đừng vội bỏ cuộc. Im lặng và chịu đựng càng khiến cho bạn thêm stress. Đó là một sai lầm, bởi sự im lặng đã ngầm đưa ra thông điệp bạn đồng ý với mọi điều kiện của anh ấy. Hãy tranh đấu với tính gia trưởng của chồng bằng sự mềm dẻo khéo léo và cả kiên quyết của bạn nữa. Đừng nghĩ rằng khi “sống chung với lũ” nghĩa là bạn an toàn cho cuộc sống của bạn và con cái mình.
Bạn cũng đừng vội nản chí khi đã rất cố gắng mà anh ấy vẫn “chứng nào tật nấy.” Chuyện “cảm hóa” một anh chồng có tính gia trưởng rất cần thời gian. Điều quan trọng là không chấp nhận tính gia trưởng đó tồn tại thì bạn sẽ tìm được con đường đi cho cuộc hôn nhân của mình.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT