Bình Luận

Khoan dung nhi đồng di dân

Saturday, 03/12/2016 - 11:05:48

Căn cứ trên những yếu tố vừa nêu và góc cạnh nhân đạo của vấn đề, nên, mặc dù Quốc Hội Cộng Hòa bác bỏ, Tổng Thống Obama vẫn cứ ban hành quy chế DACA bằng sắc lệnh để bảo vệ những thanh thiếu niên được cha, mẹ đem vào lãnh thổ Hoa Kỳ ngày họ còn nhỏ.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Cái tựa bài báo “Khoan Dung Nhi Đồng Di Dân” dịch từ tên của một chính sách di dân được gọi là Deferred Action for Childhood Arrivals viết tắt là DACA. Chính sách này không được ấn định bằng một đạo luật do Quốc Hội thông qua, mà chỉ được ban hành bằng một sắc lệnh của Tổng Thống Barack Obama. Do đó tân tổng thống Donald Trump có thể hủy bỏ cũng chỉ bằng một sắc lệnh do ông ký.
Mục đích của ông Obama là khoan dung cho những đứa trẻ được cha mẹ đưa vào sống tại Hoa Kỳ từ lúc chúng còn nhỏ; và biện pháp khoan dung là được khoan hoãn trong thời gian hai năm không bị trục xuất ngay. Thời gian khoan hoãn có thể được tái tục mỗi hai năm.

Điều kiện để được hưởng quy chế khoan dung DACA là không được quá 16 tuổi ngày nhập cảnh, phải vào lãnh thổ Hoa Kỳ trước tháng Sáu 2007, phải đang đi học, phải tốt nghiệp trung học, phải là một quân nhân giải ngũ không vì phạm pháp, phải dưới 31 tuổi tính đến ngày 15 tháng Sáu 2015, không phạm tội hình sự hoặc tội vi cảnh nặng, và không là một đe dọa cho nền an ninh quốc gia.

DACA chỉ là biện pháp tạm hoãn trục xuất, không cấp cho người thụ hưởng một quy chế hợp pháp nào cả và cũng không phải là lộ trình đưa đến việc xin quy chế công dân Hoa Kỳ. Chính sách khoan dung được áp dụng vì những đứa trẻ này đã sống rất lâu trên lãnh thổ Hoa Kỳ, và đang là những cư dân tốt, không cần theo dõi quá đáng.

Mỗi năm có khoảng 65,000 học sinh cư trú bất hợp pháp tốt nghiệp trung học; nhưng dĩ nhiên đám thanh thiếu niên đó có thể bị tân chính phủ Hoa Kỳ trục xuất bất cứ lúc nào.


Sinh viên, học sinh thuộc thành phần DACA xuống đường đòi quyền được đi học.

Trung tâm tra cứu Pew Research Center ước lượng có khoảng 1.7 triệu thanh thiếu niên có đủ điều kiện được hưởng quy chế DATA. Tháng Sáu 2016 sở UCSIS (U.S. Citizenship and Immigration Services-Sở đặc trách quy chế Công Dân và Di Dân) nhận được 844,931 hồ sơ xin hưởng quy chế DACA; 741,546 đơn xin được chấp thuận (88%), 60,269 đơn bị bác (7%) và 43,121 đơn đang được cứu xét. Trên 50% người xin quy chế DACA đang cư ngụ tại California và Texas.

Tháng 11, 2014, Tổng Thống Obama ký sắc lệnh sửa đổi hai điều trong luật DACA, điều thứ nhất là những kiều dân nhập cảnh lậu vào Hoa Kỳ trước năm 2010, và điều thứ nhì là những kiều dân trên 31 tuổi cũng được cứu xét cho hưởng luật DACA.

Pew Research Center ước lượng tu chính này sẽ giúp khoảng 330,000 kiều dân có đủ điều kiện xin hưởng quy chế DACA. Tuy nhiên, một bản pháp lệnh của tòa án, ban hành ngày 16 tháng 2, 2016 ngăn cấm USCIS không được thi hành sắc lệnh này.

Không chấp nhận người mới, nhưng pháp lệnh này không gây ảnh hưởng cho việc thực hiện luật DACA, những người đang được hưởng quy chế đó vẫn có quyền tái tục xin khoan hoãn mỗi hai năm, và những người có đủ điều kiện vẫn có quyền xin gia nhập “dân số” DACA.

Một diễn biến mới xảy ra ngày 1 tháng 12 có triển vọng giúp dân DACA: bà Janet Napolitano tổng viện trưởng hệ thống 10 viện đại học trên tiểu bang California ra lệnh cho lực lượng cảnh sát phục vụ trong nội vi các trường thuộc University of California không cộng tác với Sở Di Trú trong việc trục xuất sinh viên DACA.

University of California hiện có 251,700 sinh viên, và 1.86 triệu cựu sinh viên hiện vẫn còn sống.


Bà Janet Napolitano ra lệnh cho cảnh sát học đường.

Bà Napolitano nhấn mạnh là bà sẽ “quyết liệt bảo vệ cuộc sống riêng tư và nhân quyền của mọi thành viên trong cộng đồng UC (University of California) và sẽ ra lệnh cho cảnh sát học đường không cộng tác với các cơ quan chính phủ liên bang thi hành luật di trú liên bang.”

Bà tổng viện trưởng xác nhận hiện UC đang có khoảng 2,500 sinh viên không có quốc tịch. Cùng một lúc với việc bà khẳng định lập trường bảo vệ sinh viên, hệ thống UC phổ biến bản công bố trong đó có câu, “Chúng tôi chưa biết chính phủ liên bang sắp tới sẽ áp dụng những chính sách nào, nhưng căn cứ vào những lời tuyên bố trong thời gian tranh cử và sau đó, chúng tôi cảm thấy cần khẳng định là UC sẽ hành động theo tín điều mà từ lâu chúng tôi vẫn tôn quý là mọi thành viên trong cộng đồng UC có quyền tự do làm việc, tự do học hành, và có quyền sống an toàn tại mọi trường UC.”

Cũng cùng ngày thứ Năm mùng 1 tháng 12, 2016, các giáo sư thuộc hai hệ thống Arizona State University và Northern Arizona University phổ biến việc họ chủ trương và khuyến khích mọi học đường khẳng định lập trường bảo vệ sinh viên, học sinh chống chính sách trục xuất của chính quyền Donald Trump.

Arizona State University Academic Council phổ biến một lá thư ngỏ đã có sẵn 1,300 chữ ký của giáo sư và sinh viên, rồi yêu cầu mọi người ký thêm nữa như một thỉnh nguyện thư. Điều thỉnh nguyện của họ là “sinh viên và học sinh thuộc bất cứ sắc tộc nào, tín ngưỡng nào, quy chế di dân nào cũng phải được quyền học cho đến lúc thành tài.”

Giáo sư Alberto Arenas, thuộc hệ thống UA (Arizona State University), nhận định, “Vì quan tâm đến cuộc sống và tương lai của sinh viên, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ luật DACA, và muốn đạo luật này được tái tục.”

Giáo sư toán học Marcy Wood tuyên bố, “Đa số chúng tôi thông hiểu nỗi lo sợ của sinh viên; tôi thấy thái độ của chúng tôi -cam kết bảo vệ sinh viên- giúp họ rất nhiều.”

Trong lúc đó trên 70 vị chủ tịch các trường đại học công giáo cũng ký tên cam kết bảo vệ những sinh viên thuộc quy chế DACA đang theo học trong hệ thống trường đạo. Đức Cha Michael Sheeran, ký trong lá thư ghi nhận, “nhiều nam, nữ sinh viên trong các trường đạo chúng tôi, là nạn nhân phải bỏ xứ ra đi vì nhũng loạn và bạo động.”


Jesuit Father Michael Sheeran, chủ tịch Association of Jesuit Colleges and Universities,

Trở lại với quy chế DACA; những người chống quy chế này chỉ trích Tổng Thống Obama đã tự ý ban phát quyền lợi cho hàng triệu người không phải là công dân Hoa Kỳ; trong những quyền lợi này có quyền được làm việc, quyền lái xe, quyền an sinh xã hội.
Những người bênh vực DACA cho là nuôi dưỡng thêm 750,000 người trẻ -đa số gốc Mễ- không hề là một gánh nặng cho dân tộc Hoa Kỳ 320 triệu người; hơn nữa nền văn hóa Hoa Kỳ họ đã hấp thụ, và những kiến thức học vấn họ đã thu nhận sẽ biến họ thành những công nhân thượng thặng, những chuyên viên tài ba, đắc dụng trong sinh hoạt kinh tế, xã hội, văn hóa của Hoa Kỳ.

Căn cứ trên những yếu tố vừa nêu và góc cạnh nhân đạo của vấn đề, nên, mặc dù Quốc Hội Cộng Hòa bác bỏ, Tổng Thống Obama vẫn cứ ban hành quy chế DACA bằng sắc lệnh để bảo vệ những thanh thiếu niên được cha, mẹ đem vào lãnh thổ Hoa Kỳ ngày họ còn nhỏ.

Nếu tổng thống đắc cử trục xuất cư dân DACA, thực hiện lời cam kết của ông trong lúc ứng cử, ông sẽ làm một số người Mỹ hả dạ, và tạo ra một số người Mỹ khác bất mãn.
Số người bất mãn chắc đông hơn số người thỏa mãn, và cảm giác bất mãn cũng mạnh hơn.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT