Đạo và Đời

Không làm việc ác, làm các việc lành

Wednesday, 28/03/2018 - 08:16:44

Trong một buổi dạo chơi, Bạch Cư Dị lúc này làm quan thứ sử đi ngang qua một cây đại thụ, thấy vắt vẻo trên cành cao là một vị tăng ngồi trong cái vòm giống như cái tổ chim. Vị tăng này có biệt danh là Ô Sào thiền sư , ô sào nghĩa là cái tổ quạ.

Bài THƯ VIỆN HOA SEN

Một bài kệ tiêu biểu, nói lên những điều cốt tủy của nhà Phật, đã được thốt lên trong cuộc gặp gỡ giữa thi hào Bạch Cư Dị, một nhà thơ danh tiếng thời nhà Đường bên Trung Quốc, và một vị sư Phật giáo có biệt danh là Ô Sào.

Bạch Cư Dị đậu tiến sĩ năm mới 27 tuổi, tính tình phóng khoáng, cương trực, nên những khi bàn bạc việc nước trong triều, ông thường làm vua và các quan bực bội, đã thế, mỗi khi thấy có việc oan khuất là xen vào giúp đỡ, đem lòng ngay thẳng để can gián vua mỗi khi thấy vua sai lầm.

Ông thường nói thẳng những điều ông thấy cần phải nói, cho nên vì thế mà có nhiều kẻ thù hãm hại, xàm tấu, khiến cho đường công danh cứ bị thăng trầm, có lần bị đầy ra tận Giang Châu làm chức quan tư mã. Thời gian này đã khiến ông tức cảnh sinh thơ.


“Không làm các điều ác, luôn làm các việc lành” thì đứa con nít cũng nói được, nhưng ông lão tám mươi chưa chắc làm được. (Getty Images)

Trong một đêm trăng nằm trên thuyền nơi bến Tầm Dương, vẳng nghe tiếng đàn tỳ bà vọng lại, hỏi ra mới biết khúc đàn buồn mênh mông vọng ra từ chiếc thuyền đậu gần bên, được gẩy lên từ ngón tay điêu luyện của một kỹ nữ nổi danh xuân sắc một thời, nay về già đành trôi qua ngày tháng bên người chồng lái buôn ham tiền bạc hơn nghệ thuật, quanh năm bôn ba xa xôi, để nàng buồn bã nơi bến sông nhớ về quá khứ.
Nhà thơ chạnh nghĩ tới hoàn cảnh mình bị giáng chức đầy ra nơi quê mùa hẻo lánh, tối ngày chỉ nghe tiếng chim kêu vượn hú, còn đâu những cảnh "khi xem hoa nở khi chờ trăng lên" khi xưa, cùng bằng hữu đàn ca thơ phú nơi Đế kinh ngày nào! Chạnh nghĩ tới nỗi niềm hiu quạnh nơi người, nơi mình, nhà thơ cảm tác bài Tỳ Bà Hành mà mỗi dòng, mỗi câu đều gợi lên nỗi buồn mang mang day dứt, len lén đi sâu vào lòng người, rất được giới văn nghệ Việt Nam thưởng thức.

Trong một buổi dạo chơi, Bạch Cư Dị lúc này làm quan thứ sử đi ngang qua một cây đại thụ, thấy vắt vẻo trên cành cao là một vị tăng ngồi trong cái vòm giống như cái tổ chim. Vị tăng này có biệt danh là Ô Sào thiền sư , ô sào nghĩa là cái tổ quạ.

Thấy lạ, Bạch Cư Dị ngẩng lên hỏi, “Sao Sư ngồi chỗ chênh vênh nguy hiểm thế?”
Ô Sào thiền sư nói vọng xuống, “Chỗ đại quan ngồi còn nguy hiểm hơn.”
Quan thứ sử nhìn lại chiếc kiệu của mình đang ngồi, ngạc nhiên, “Chỗ tôi đang ngồi có gì đáng ngại đâu?”
“Thưa, chỗ của đại quan là ở dưới vua mà trên các quan và trăm họ, vua thương thì quần thần ghét, được lòng dân thì mất lòng vua. Tính mạng của đại quan cùng thân quyến đều lệ thuộc vào lòng yêu ghét của vua, sự tật đố tỵ hiềm của bạn bè. Một chiếc ghế được kê trên đầu lưỡi của thiên hạ thì làm sao bì được với sự cứng chắc của cội cây này, phải không ạ?”

Nhà thơ nghe vị thiền sư nói thì lẩm nhẩm gật đầu rồi lại cất tiếng hỏi, “Sư nói cũng có lý, vậy Sư có thể dùng một câu ngắn gọn mà tóm tắt được tinh hoa của Phật pháp chăng?”
Thiền sư Ô Sào thủng thẳng, “Không làm các điều ác / Vâng làm các việc lành / Thanh tịnh hóa tâm ý / Đó là lời Phật dạy.”

Bạch Cư Dị trả lời, “Những lời ấy thì đứa con nít lên ba cũng nói được.”
Thiền sư mỉm cười, “Tuy con nít lên ba nói được nhưng ông lão tám mươi chưa chắc làm được đâu ạ.”
Sau này Bạch Cư Dị thường tới lui đàm đạo với các tu sĩ Phật giáo, từng thổ lộ tâm sự với bằng hữu, “Tâm tôi nhàn nhã nơi nhà Phật, chân tôi ngao du chốn Lão Trang.”
Ông cũng làm bài thơ nói về chí hướng của mình:

Ta bảy mươi mốt tuổi
Chẳng ham việc ngâm nga
Coi kinh mỏi con mắt
Làm phước sợ bôn ba
Lấy chi độ tai mắt
Cứ niệm A Di Đà
Đi niệm A Di Đà
Ngồi niệm A Di Đà
Dẫu việc chi gấp rút
Chẳng lìa câu Di Đà
Khuyên chúng trong pháp giới
Đồng niệm A Di Đà
Muốn thoát luân hồi khổ
Phải niệm A Di Đà.

Lời nhắc nhở của Bạch Cư Dị rằng phải siêng năng niệm A Di Đà chính là lời khuyến tấn chư Phật tử thực hành lời dạy thứ ba của đức Phật là “Thanh tịnh hóa tâm ý” vậy.

(Trích đoạn bài phát thanh “Không làm các điều ác, làm các việc lành” do Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen phụ trách)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT