Thế Giới

Khu chợ bán "đặc sản" thịt chuột ở Ấn Độ

Thursday, 03/01/2019 - 09:13:34

Một người bán hàng cho biết, họ thường mua lại chuột đồng từ các huyện lân cận như Nalbari và Barpeta. Những người nông dân đi săn con vật này vào ban đêm trong suốt mùa trồng trọt để ngăn chúng phá hoại ruộng lúa hoặc lá trà.

ASSAM - Vào mỗi Chủ Nhật hàng tuần, người dân Ấn Độ lại đổ xô về khu chợ ở làng Kumarikata, dọc biên giới Ấn Độ - Bhutan, để mua món thịt chuột yêu thích của họ. Ở đây, thịt chuột được bán nhiều hơn cả thịt gà, thịt heo. Nó được xem là thực phẩm truyền thống của một số dân tộc thiểu số ở bang Assam, đông bắc Ấn Độ.
Một ký thịt chuột có giá 200 rupee (khoảng $2.86 Mỹ kim), tương đương với giá thịt gà. Mỗi con chuột thường nặng gần 1 ký, được để nguyên hoặc đã được sơ chế. Các con chuột khi được mua về sẽ được nhúng nước sôi, làm sạch, và nấu với nước sốt cay, làm thành món ăn đặc biệt trong cuối tuần.
Một người bán hàng cho biết, họ thường mua lại chuột đồng từ các huyện lân cận như Nalbari và Barpeta. Những người nông dân đi săn con vật này vào ban đêm trong suốt mùa trồng trọt để ngăn chúng phá hoại ruộng lúa hoặc lá trà.
Họ đặt bẫy tre ở trước các lỗ hang. Ban đêm, chuột sẽ sập bẫy khi chúng ra ngoài kiếm ăn. Việc bắt và bán thịt chuột là một nguồn thu nhập khá cho những người nông dân nghèo. Một người nói, “Việc bán thịt chuột khá tốt, do chúng tôi có thể bẫy từ 10 đến 20 ký chuột trong một đêm để bán ngoài chợ.”

Người đàn ông thiệt mạng vì điện thoại phát nổ
RAJASTHAN – Một người đàn ông 60 tuổi ở Ấn Độ đã thiệt mạng sau khi chiếc điện thoại ông để trong túi áo bất ngờ phát nổ. Được biết, nạn nhân tên Kishore Singh, sống ở Chittorgarh, bang Rajasthan, Ấn Độ.
Người vợ cho biết ông Singh đã quên lấy điện thoại khỏi túi áo khi đi ngủ. Khoảng 2 giờ 30 sáng, bà thức dậy chuẩn bị đi làm sớm thì đột nhiên nghe tiếng nổ lớn trong phòng. Khi chạy vào, người vợ thấy ông Singh đang bốc cháy. Nạn nhân bị phỏng nặng và được đưa đi cấp cứu, nhưng các bác sĩ cho biết ông đã tử vong trước khi đến bệnh viện.
Thiết bị người đàn ông này sử dụng là điện thoại JioPhone, sản phẩm thuộc chương trình cung cấp điện thoại di động miễn phí do hãng viễn thông Ấn Độ Reliance Jio khởi xướng. Được chính phủ hỗ trợ, người dân nghèo ở nước này có thể mua điện thoại với giá gần như miễn phí. Ông Singh mua máy 2 tháng trước với giá chỉ khoảng $16 Mỹ kim. Hiện chưa rõ sản phẩm này có được sửa chữa hay thay pin trước khi vụ nổ xảy ra hay không.
Điện thoại Jio Phone ra mắt cuối năm 2017, là thiết bị di động hỗ trợ mạng 4G giá rẻ nhất trên thế giới. Hãng Reliance Jio được cho là đã bán hơn 50 triệu điện thoại tại Ấn Độ. Thành công của JioPhone biến Reliance Jio thành thương hiệu điện thoại lớn nhất tại quốc gia này.
Sau tai nạn của ông Singh, nhiều người dân trong làng ông đã bỏ dùng JioPhone và nói nó có phẩm chất rất kém. Nhà chức trách địa phương đã mở cuộc điều tra, trong khi hãng Reliance Jio chưa có bình luận gì về sự việc.

Trung Quốc khủng hoảng dân số do chính sách một con
BẮC KINH - Số trẻ em sinh ở Trung Quốc năm 2018 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 thập kỷ, báo hiệu thách thức kinh tế và xã hội mới. Theo hai nhà nghiên cứu Yu Fuxian, nghiên cứu viên Đại học Wisconsin-Madison, và Su Jian, nhà kinh tế học ở đại học Bắc Kinh, dân số Trung Quốc từng chiếm gần 1 phần 3 dân số thế giới, nhưng nhóm dân số đó đang trở nên già lão, tạo áp lực cho xã hội, do chính sách nhân khẩu học sai lầm.
Báo cáo gần đây cho thấy số trẻ em sinh ra ở Trung Quốc năm 2018 giảm xuống dưới 15 triệu, thấp hơn 2 triệu so với 2017. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với 20 triệu ca sinh mà cơ quan kế hoạch gia đình Trung Quốc từng dự đoán trong năm qua.
Hua Changchun, một nhà kinh tế học, tính toán rằng số ca sinh trên toàn Trung Quốc có thể dưới 14 triệu, và tỷ lệ sinh trung bình toàn quốc giảm 20%. Quá trình già hóa xã hội - thể hiện bằng việc tỷ lệ sinh giảm, nhóm người trong độ tuổi 20 tới 50 suy giảm và dân số lớn tuổi tăng - đã diễn ra ở Trung Quốc và dự kiến sẽ ảnh hưởng tới kinh tế.
Khi bãi bỏ chính sách 1 con được áp dụng nghiêm ngặt suốt hàng chục năm và khuyến khích sinh 2 con vào năm 2016, Trung Quốc từng dự đoán tỷ lệ sinh sẽ tăng. Tuy nhiên, sau nhiều thập niên quen với việc chỉ có 1 con, các gia đình Trung Quốc tỏ ra ngần ngại trước ý tưởng có thêm con.
Ren Zeping, chuyên gia kinh tế của tập đoàn bất động sản Evergrande, trong tuần này đã có bài viết nhắc nhở rằng Trung Quốc đang bước vào "cuộc khủng hoảng nhân khẩu học," do việc khuyến khích người dân sinh thêm con thất bại.

Du khách phải trả 'thuế tạm biệt' khi rời Nhật
TOKYO - Từ ngày 7 tháng 1, du khách nước ngoài và cả người dân Nhật Bản đều phải trả 1,000 yen ($9.19 Mỹ kim) tiền thuế tạm biệt (sayonara tax) trước khi ra khỏi quốc gia này.
Những người có quốc tịch Nhật Bản và khách du lịch nước ngoài phải trả một khoản tiền thuế tam biệt khi ra khỏi nước Nhật bằng máy bay hoặc tàu thủy. Trẻ em dưới 2 tuổi và hành khách quá cảnh, rời Nhật trong 24 giờ kể từ khi tới đây, sẽ không phải đóng thuế.
Thuế tạm biệt được hy vọng giúp Nhật thu về khoảng 43 tỷ yen/năm (khoảng $400 triệu Mỹ kim/năm). Khoản tiền này sẽ được dùng để cải thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ như lắp đặt các cổng nhận diện gương mặt, cũng như cung cấp hướng dẫn đa ngôn ngữ tại các công viên quốc gia hay địa điểm văn hóa. Nó cũng sẽ được dùng để thúc đẩy ngành du lịch Nhật Bản.
Trong những năm qua, lượng du khách đến Nhật Bản vẫn tăng đều, và con số này ước tính sẽ lên rất cao từ nay cho tới Olympic Tokyo 2020. Chính phủ Nhật hy vọng lượng du khách nước ngoài sẽ tăng từ 28.69 triệu trong năm 2017 lên 40 triệu trong năm 2020. Quốc Hội Nhật đã phê chuẩn một dự luật để kiểm soát việc sử dụng thuế tạm biệt đối với các dự án liên quan tới du lịch, nhằm đáp lại những lo ngại cho rằng nguồn tiền này có thể bị sử dụng sai mục đích. Thuế tạm biệt là loại thuế đầu tiên được phê chuẩn ở Nhật kể từ năm 1992. Loại thuế này đã được áp dụng ở Úc và Nam Hàn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT