Hoa Kỳ

Khủng hoảng tài chánh tại Trung Quốc chưa gây xáo trộn nền kinh tế California

Sunday, 17/01/2016 - 09:14:16

Nguy cơ lớn hơn cho nền kinh tế Hoa Kỳ và California sẽ xảy ra, nếu tình trạng biến động ở Trung Quốc tiếp tục khuấy đục Hoa Kỳ và các thị trường tài chánh toàn cầu trong một khoảng thời gian dài, gây bất ổn cho nền kinh tế rộng lớn hơn.

Tàu hàng hải CMA CGM Benjamin Franklin được neo tại thương cảng Los Angeles ở San Pedro. Tình trạng bất ổn tại Trung Quốc chưa ảnh hưởng đến hàng hóa xuất nhập cảng tại California. (Getty Images)

 

Tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chánh của Trung Quốc đã khiến cho chứng khoán toàn cầu nhanh chóng suy sụp trong tuần lễ đầu tiên của năm 2016, tăng thêm cho sự lo ngại từng có trong mấy tháng qua rằng sự suy yếu trong nền kinh tế lớn thứ nhì có thể gây một tác động liên hoàn trên toàn thế giới.
Những dấu hiệu của tình trạng suy yếu đã xuất hiện ở Hoa Kỳ. Một số cơ sở kinh doanh trên khắp California bắt đầu bị ảnh hưởng. Tiểu bang này là một trung tâm quan trọng đối trong thương mại và đầu tư giữa các quốc gia vùng Thái Bình Dương.

Các thương vụ bán trái cây và các loại hạt, vào dịp Tết Nguyên Đán trong tháng tới, hầu như chưa bắt đầu. Những đại công ty công nghệ như Apple Inc. bị rung chuyển bởi tin tức về tình trạng bất ổn. Các số liệu gần đây nhất về thương mại cho thấy khối lượng hàng hóa California xuất cảng sang Trung Quốc trong mùa thu đã giảm bớt 12.1% so với một năm trước đó.

Mặc dù có những điều gây thất vọng như vậy, các chuyên gia nói rằng nhu cầu đang chậm lại tại Trung Quốc chưa đủ sức làm xáo trộn nền kinh tế trị giá $2.3 ngàn tỷ của California. Chẳng hạn, khối lượng xuất cảng sang Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng quốc nội của Hoa Kỳ.

Ngược lại, tình trạng hoảng loạn ở ngoại quốc có thể làm tăng thêm đầu tư vào thị trường địa ốc hấp dẫn của California.

Nguy cơ lớn hơn cho nền kinh tế Hoa Kỳ và California sẽ xảy ra, nếu tình trạng biến động ở Trung Quốc tiếp tục khuấy đục Hoa Kỳ và các thị trường tài chánh toàn cầu trong một khoảng thời gian dài, gây bất ổn cho nền kinh tế rộng lớn hơn.

Người Trung Hoa lệ thuộc vào người Mỹ nhiều hơn so với người Mỹ lệ thuộc vào người Trung Hoa. California không cậy dựa nhiều vào xuất cảng. Xương sống của nền kinh tế là những người Mỹ tiêu thụ.
Một dấu hiệu của sức mạnh liên tục của những người Mỹ mua hàng là lưu lượng mạnh của hàng hóa nhập cảng thông qua các hải cảng Los Angeles và Long Beach, nơi phụ trách phần lớn hoạt động thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc. Một đợt tạm ngưng hoạt động một phần đã xảy ra vào đầu năm ngoái ở các hải cảng Duyên Hải Miền Tây, trong một tranh cãi về hợp đồng. Thế nhưng lưu lượng nhập cảng tại hai hải cảng tại Nam California trong năm ngoái chỉ sụt giảm một chút so với năm 2014.

Theo chiều hướng ấy, các nhà sản xuất tại Trung Quốc sẽ càng cậy dựa nhiều hơn vào việc xuất cảng sang Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới, vì nhu cầu trong nước của Trung Quốc có thể bị yếu đi.
Thế nhưng trong một thế giới ngày càng liên kết với nhau, một cuộc suy thoái kéo dài tại Trung Quốc có thể lan ra trên toàn cầu và trong các ngành kỹ nghệ.

Chẳng hạn, các công ty công nghệ cao đặt hy vọng vào sức tăng trưởng của Trung Quốc, để bù đắp cho những thương vụ trì trệ ở Tây Phương.

Công ty Apple đang chuẩn vị tăng gấp đôi số lượng các cửa hàng tại Trung Quốc, lên tới 40 tiệm trong năm nay. Đây là một trong số những lý do khiến cho nhiều nhà phân tích nghĩ rằng đến năm 2017 Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất của đại công ty công nghệ này.

Nhưng những bản báo cáo gần đây, về số lượng đơn đặt hàng iPhone giảm bớt từ các nhà cung cấp Trung Quốc, gây chú ý đến nguy cơ mà Apple đang phải đối diện. Các cổ phiếu của công ty này đã giảm bớt hai lần trong sáu tháng qua, cả hai lần đều là vì tin tức thảm hại về kinh tế Trung Quốc.

Các cơ sở kinh doanh khác, như Cisco Systems, Intel Corp., và Qualcomm Inc., đều thực sự có thể làm ăn khấm khá ở Trung Quốc, vì kích thước rộng lớn của nước này đem lại những cơ hội tuyệt vời.
Các công ty mới bắt đầu hoạt động cũng phải đối diện với rủi ro, nếu tình trạng biến động tại các thị trường Trung Quốc tiếp tục tràn vào hệ thống tài chánh Hoa Kỳ.

Ngoài ra các công ty dịch vụ công nghệ cao của Mỹ, như Airbnb và Uber, đều có thể làm ăn khá hơn trong một nền kinh tế đang xuống dốc tại Trung Quốc.

Airbnb nhận được sự tài trợ từ công ty GGV, cung cấp cho các du khách Trung Quốc một giá rẻ hơn để mướn phòng khách sạn. Uber đang lôi kéo những người tiêu thụ, bằng cách sử dụng khoản tiền đầu tư $1 tỷ để đưa ra những mức giá vé đi xe thấp hơn giá của các hãng cạnh tranh địa phương ở Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, thị trường địa ốc của miền nam California cũng đã được nhiều công ty Trung Quốc ưa chuộng. Những công ty này tìm một nơi an toàn hơn để đặt tiền của họ vào đó.

Tình trạng hỗn loạn của thị trường ở Trung Quốc làm cho nhiều người Trung Quốc giàu có đem tiền đi đầu tư ở ngoại quốc. Đó là tin xấu cho Trung Quốc, nhưng lại là tin mừng cho California và các thị trường khác, nơi mà người Trung Hoa muốn đầu tư vào.

Thật vậy, đối với một số cơ sở kinh doanh nghiệp, tình trạng kinh tế chậm lại ở ngoại quốc là một lý do quan trọng để xây dựng cơ sở kinh doanh của họ tại Hoa Kỳ.

Chẳng hạn như Landsea, một công ty Trung Quốc chuyên xây nhà, trong năm 2014 loan báo rằng họ sẽ đầu tư $1 tỷ vào thị trường gia cư của Mỹ.

Du lịch và giải trí là hai ngành kỹ nghệ lớn của California làm ăn phát đạt nhờ số lượng những người tiêu thụ Trung Quốc tăng lên. Cả hai ngành này đều chưa thấy những dấu hiệu của hoạt động bị chậm lại. Số lượng trung bình hàng tháng của các hành khách đến phi trường quốc tế Los Angeles, đi máy bay của ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc, đã tăng lên 8% trong năm 2015 so với số lượng năm ngoái.

Một tầng lớp trung lưu đang tăng lên, tạo ra một mức gia tăng trong việc xây dựng các rạp chiếu phim, ở các thành phố nhỏ trên khắp Trung Quốc. Nước này có thêm 9,000 rạp trong năm 2015, và theo dự đoán tốc độ sẽ không chậm lại trong năm nay.

Giới tiêu thụ Trung Quốc có thể bớt mua những mặt hàng tốn kém như xe hơi. Nhưng có lẽ họ không bớt mua vé xem phim, giá vé khá rẻ ở Trung Quốc. Ngành kỹ nghệ điện ảnh hưởng được sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc. Chính phủ xem điện ảnh là một động lực quan trọng thúc đẩy sức tăng trưởng.

Nhưng các nhà xuất cảng hàng hóa nông nghiệp ở California không làm ăn khấm khá được như vậy. Tại Meridian Growers, một công ty ở thành phố Clovis chuyên trồng và bán các loại hạt nut và trái cây khô, số lượng thương vụ bán hàng sang Trung Quốc đã giảm gần 60% trong năm ngoái, từ số lượng trong năm 2014.

Những người mua hàng ở Trung Quốc dường như thận trọng với việc mua quá nhiều mặt hàng, ngay cả trước dịp tết Tết Nguyên Đán, khi các loại hạt nut là một món quà được ưa chuộng. Công ty này thường thấy một đợt gia tăng trong số lượng thương vụ, trong tháng 10 và tháng 11, khi các công ty bán lẻ chuẩn bị cho dịp mừng tết.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT