Mẹo Vặt

Khuyết điểm của gạo đỏ

Tuesday, 05/07/2016 - 10:13:28

Một điểm quan trọng khác mà các thầy cô trong ngành dinh dưỡng phải báo động là: Gạo đỏ có chứa Arsenic với tỷ lệ gấp đôi gạo trắng.

Bài VŨ HẰNG

Ai cũng từng được nghe nhiều lời ca tụng gạo đỏ và những ích lợi của nó. Để chắc ăn, lần trước chúng ta đã dành hẳn một bài để đưa gạo đỏ lên mây xanh. Khiến cho các thầy cô giáo của Hằng phải lên tiếng … hãm phanh: Khoan, gạo đỏ cũng có những điều bất lợi của nó, mà nếu không biết để tránh thì thà ăn gạo trắng cho ngon miệng, khổ sở nuốt trôi những chén gạo đỏ cũng chẳng có ích lợi gì.

Có người báo động, chất xơ cám trong gạo lứt góp phần tạo ra chứng rò rỉ ruột (leaky gut).

Khuyết điểm của gạo đỏ: Phytates, Lectins và Arsenic

Mặc dầu có nhiều dinh dưỡng, nhưng gạo đỏ lai có những yếu tố phản-dinh-dưỡng như Phytates và Lectins. Sở dĩ gọi là “phản” bởi vì bộ tiêu hóa con người không thể “xài” được chúng. Đã vậy, chúng còn đeo bám những dưỡng chất ích lợi khác, không để cho cơ thể con người hấp thụ được những dưỡng chất ích lợi ấy. Rốt cuộc, gạo đỏ dù có nhiều dưỡng chất, nhưng nếu cơ thể chúng ta không hấp thụ được thì ích lợi của gạo đỏ chả còn gì. Tệ hơn nữa, những chất phản-dinh-dưỡng đó cũng bám luôn vào dưỡng chất của các thực phẩm khác, rồi lùa tất cả xuống ruột già, và phóng ra ngoài khi chúng ta đi thăm … rest room.

Một điểm quan trọng khác mà các thầy cô trong ngành dinh dưỡng phải báo động là: Gạo đỏ có chứa Arsenic với tỷ lệ gấp đôi gạo trắng. Có ai nghe nói Arsenic bao giờ không? Đó là một độc chất có trong nhiều loại thực phẩm, mà nếu được dùng đến một mức nào đó có thể gây ra những chứng bệnh ung thư, như ung thư gan, phổi, thận, và ung thư bọng đái….

Theo như các thầy cô trên mạng www.WebMD.com thì bị nhiễm ở mức độ cao, arsenic có thể làm chết người. Ở mức độ thấp, độc chất arsenic có thể dẫn đến ói mửa, hoặc chỉ là nhờn nhợn muốn ói, về lâu dài sẽ làm giảm hồng huyết cầu và bạch huyết cầu trong cơ thể nạn nhân. Tuy nhiên, các thầy chưa dám nói chắc về tác hại đối với những người chỉ hấp thụ arsenic ở mức độ rất thấp qua một thời gian lâu dài. Bác sĩ Ana Navas-Acien, chuyên gia nghiên cứu Arsenic, phát biểu: “Đây là một lãnh vực nghiên cứu mới, đòi hỏi nhiều nỗ lực sâu rộng hơn.”

Tầng cám và chất xơ

Ngoài ra, gạo đỏ có một khuyết điểm dính liền với những gì được coi là ưu điểm của nó. Ai cũng biết là, gạo đỏ còn giữ lại được tầng cám (bran) bọc bên ngoài. Tầng cám này chứa nhiều chất xơ, không tiêu hóa được, nhưng chạy thẳng vào ruột già, giúp ruột già dễ dàng cuốn lấy những “rác rến” từ dạ dầy thải ra, viên lại thành những “cục tròn, cục dài” rồi đẩy xuống toa-lét. Hèn gì những lúc mình tiêu chảy, phóng ra toàn “phần mềm” hoặc đồ lỏng, chắc là vì không có chất xơ để … vo lại.

Tuy nhiên, cám là những vật thể nhỏ li ti nhưng sù sì và cứng chắc, chà sát lâu ngày trên thành ruột, chúng có thể trở thành một trong những nguyên nhân gây ra chứng “leaky gut” (hội chứng rò rỉ ruột). Các thầy cô giải thích: Vỏ cám có thể làm trầy, hoặc xé rách lớp màng trên thành ruột, khiến cho cho những mẩu đồ ăn chưa tiêu hóa, vi trùng, độc chất… có thể theo đó len ra ngoài, nhập vào dòng máu, gây ra những triệu chứng bệnh như dị ứng, rối loạn tâm thần, rối loạn hệ đề kháng….

Kể ra nghe thấy sợ, nhưng đó là lời các vị sư phụ, chứ Hằng không dám tự bịa đặt để làm cho các bạn đang ăn gạo đỏ phải ngưng đũa. Chả nói ai xa, chính ông Cả Đẫn nhà em cũng là khách hàng thường xuyên của những bữa ăn gạo đỏ. Bây giờ nếu ổng sợ mà bỏ bữa thì thực tình em không biết lấy gì đền lại. Để xem các thầy cô có cách gì để loại trừ những khuyết điểm kể trên, biến gạo đỏ lại trở thành một thực phẩm bổ dưỡng để chúng ta yên tâm “xực phàn.” Và nhất là, để Hằng khỏi xanh mắt kiếm thứ khác đền lại cho ông Cả Đẫn.

Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT