Tiêu Thụ

Kiếm tiền bằng thẻ tín dụng

Eric Trần Saturday, 03/03/2012 - 12:01:36

... chính nhà băng cấp thẻ tín dụng có thể hoàn lại cho bạn một phần tiền, gọi là Cash Back.

Eric Trần

Thẻ Tín Dụng (Credit Card) là thẻ mua hàng bằng cách mượn tiền của nhà băng. Xưa nay dùng thẻ này thì chỉ thấy mất tiền – tiền mua hàng, và cả tiền lãi nếu không kịp thời trả nợ đúng hạn… - chứ không ai nói kiếm ra tiền bao giờ. Chẳng lẽ thẻ tín dụng có điều gì đổi mới chăng? Đúng, qui tắc xài thẻ tín dụng vẫn như xưa, nhưng gần đây các nhà băng có một phong trào: Do sự cạnh tranh, họ thi nhau tặng cho chúng ta nhiều thứ quyền lợi, mà nếu không để ý chúng ta có thể để mất đi một cách dễ dàng.

Tiện lợi và quyền lợi khi dùng thẻ tín dụng

Sự tiện lợi trong việc dùng thẻ tín dụng khi mua bán, điều ấy chúng ta đã từng kinh nghiệm, chẳng hạn không cần mang theo tiền mặt lỉnh kỉnh, không cần chờ người bán thối lại các đồng xu nặng túi, có thể mua hàng qua điện thoại, mua hàng trên Online, khi cần phải khiếu nại hoặc tranh chấp với người bán thì nhà băng luôn luôn đứng về phía người mua…
Nhưng đó mới là sự tiện lợi, chứ chưa phải là quyền lợi. Đúng vậy, dùng thẻ Credit Card để mua sắm, chúng ta được tặng thêm một số quyền lợi cụ thể như mua hàng với giá rẻ hơn, được bảo hành một thời gian lâu hơn, được hưởng tiền bảo hiểm nếu xảy ra tai nạn… Sau đây xin nói về một quyền lợi cụ thể: Mua hàng với giá rẻ hơn, cũng còn gọi là Cash Back.

Cash Back của thẻ tín dụng là gì?
Trên thị trường bây giờ, ngày nào chúng ta cũng nghe quảng cáo về đủ mọi mặt hàng, thứ nào cũng được giảm giá, hết On Sale rồi lại Discount… Là người mua, chúng ta hiểu rằng chỉ có người bán mới có thể giảm giá các sản phẩm của họ. Không ai có thể mặc cả với người bán là “Tôi mua bằng thẻ tín dụng, ông/bà có giảm giá thêm không?”. Nói như vậy, sợ rằng chúng ta sẽ nhận được câu trả lời ngược lại: “Không, tôi sẽ chạc thêm… tiền thuế!”. Đối với những nơi bán hàng như vậy, tốt nhất bạn nên xài tiền mặt. Nhưng với đa số cửa hàng khác, người bán không “ke” bạn trả bằng tiền mặt hay bằng thẻ. Nếu vậy, bạn nên trả bằng thẻ tín dụng! Bởi vì, tuy người bán không bớt thêm, nhưng chính nhà băng cấp thẻ tín dụng có thể hoàn lại cho bạn một phần tiền, gọi là Cash Back. Rốt cuộc, dù người bán giảm giá (discount) hay nhà băng hoàn lại tiền (cash back), thì món hàng vẫn được mua với giá rẻ hơn. Nhưng với Discount, bạn phải xuất tiền trong túi mình ra để trả cho món hàng, còn với Cash Back, thì đồng tiền trở về với bạn vào cuối tháng, giống y như đồng tiền mình kiếm ra vậy. Bạn sẽ thấy ghi rõ trên cái bill, trong một mục riêng biệt, số tiền bạn được lấy về là bao nhiêu, cùng với câu hỏi là bạn muốn dùng nó vào việc gì.
Vào thời điểm mọi người đang đi khai thuế như lúc này, chúng ta có thể nói, Cash Back cũng giống như Tax Refund, tức là tiền thuế được trả về. Mặc dù đó chính là tiền của mình đã đóng ra nay lấy về phần nào, nhưng ai cũng có cảm giác sung sướng hể hả như vừa được Sở Thuế tặng tiền để xài chơi vậy.

Phải làm gì để có Cash Back tối đa?

Giống như khi đi khai thuế, ai cũng muốn tìm một văn phòng kế toán giúp mình lấy tiền về nhiều nhất (biggest tax refund), thì khi dùng thẻ tín dụng, bạn nên tự hỏi: Dùng thẻ này có được cash back không? Bao nhiêu phần trăm?
Có nhiều thẻ cho khách hàng hưởng Cash Back, nhưng cũng có nhiều thẻ khác chẳng hề nhắc gì tới cái vụ này. Vậy khi dùng thẻ tín dụng, bạn phải xem lại cho kỹ, cái thẻ này có cho Cash Back không.
Nhưng câu hỏi khó nhất là: Điều kiện hưởng cash back như thế nào? Thông thường, vì muốn khách hàng luôn lưu tâm đến việc dùng thẻ của mình, nên nhà băng không đưa ra một qui luật thống nhất. Trái lại, họ làm cho nó ra… phức tạp, hoặc đúng hơn, có vẻ như một trò chơi. Chẳng hạn: Trong 3 tháng từ tháng Giêng đến tháng Ba năm 2012, nhà băng Chase cho 5% Cash Back, nếu mua hàng tại Amazon.com. Trong cùng thời điểm (tháng Giêng tới tháng Ba) nhà băng Discover lại cho 5% Cash Back nếu mua dùng thẻ Discover để mua xăng. Còn điều kiện về Cash Back của thẻ tín dụng Bank of America có giống như vậy không? Chắc chắn là lại khác!
Quyền lợi Cash Back thường thay đổi theo từng tam cá nguyệt (3 tháng một lần) và theo từng mặt hàng. Nhà băng muốn bạn theo dõi để luôn luôn duy trì sự quan tâm. Sự theo dõi này đối với giới tiêu thụ chúng ta thực chẳng mất bao nhiêu công phu, mà có thể đưa lại những phần thưởng rất đáng khích lệ.
Một trường hợp cụ thể:
Xin kể các bạn nghe một chuyện vui: Tháng vừa qua, Eric có dịp mua một hàng lớn trị giá 7.000 Mỹ kim. Tại một cửa hàng địa phương, món hàng được giảm giá còn 6.500 Mỹ kim, nhưng cộng thuế lại thành 7.000 Mỹ kim như cũ. Tìm kiếm qua những đại lý trên mạng, Eric tìm được một sản phẩm y hệt, bán với giá 7.000 nhưng không tính thuế, và có bảo đảm “90 days money back guarantee” (90 ngày dùng thử, không hài lòng hoàn tiền lại), một thứ guarantee mà cửa hàng địa phương không đưa ra. Eric muốn tiến xa hơn bằng cách đưa giá của cửa hàng địa phương và đòi đại lý trên mạng… match (bán với giá tương đương để cạnh tranh). Đại lý đồng ý bán với 6.500 Mỹ kim, không tính thuế, không tính công chuyên chở lắp ráp lại có kèm theo guarantee như trên. Eric đi thêm bước thứ hai, bằng cách đồng ý trả tiền một lúc thay vì trả trong 6 tháng. Đại lý đồng ý, bớt thêm 100 Mỹ kim. Lục lại trong số thẻ Credit mình có, Eric kiếm được cái thẻ cho 2% cash back, nên đã dùng nó để trả tiền mua món hàng này, và được bớt thêm 130 Mỹ kim nữa. Tóm lại, với một món hàng mà người khác trả 7.000 Mỹ kim, Eric chỉ phải trả $6270.
Lần sau, chúng ta sẽ tìm hiểu cách dùng “Cash Back” như thế nào để đưa cái quyền lợi ấy xa thêm một bước nữa.

Erictran15751@yahoo.com


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT