Thế Giới

Kim Jong-un gặp Tập Cận Bình lần thứ 3

Tuesday, 19/06/2018 - 08:46:26

Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố "mong muốn Bắc Hàn và Hoa Kỳ thực hiện những kết quả thu được sau hội nghị giữa hai lãnh đạo.” Ông Tập và ông Kim cũng nói chuyện về tình hình phát triển quan hệ Trung - Triều, cùng tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

BẮC KINH – Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un vào chiều thứ Ba đã gặp Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân Dân ở thủ đô Bắc Kinh, chỉ một tuần sau khi có cuộc họp lịch sử với Tổng Thống Donald Trump. Trong cuộc họp với chủ tịch Trung Quốc, ông Kim Jong-un đã gởi lời cảm ơn và ca ngợi nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cũng như vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.
Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố "mong muốn Bắc Hàn và Hoa Kỳ thực hiện những kết quả thu được sau hội nghị giữa hai lãnh đạo.” Ông Tập và ông Kim cũng nói chuyện về tình hình phát triển quan hệ Trung - Triều, cùng tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, cho biết chuyến thăm của Kim Jong-un "sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ Trung - Triều, tăng cường giao tiếp chiến lược và tạo điều kiện thuận lợi cho hòa bình, ổn định khu vực.”
Ông Kim Jong-un tới Trung Quốc giữa lúc Hoa Kỳ và Nam Hàn tuyên bố dừng các cuộc tập trận chung vào tháng 8, theo lời hứa của Tổng Thống Trump sau hội nghị ở Singapore, nhằm hỗ trợ đàm phán phi hạt nhân hóa với Bắc Hàn. Giới chuyên gia cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim cũng cho thấy lợi ích chiến lược của hai bên. Kim Jong-un cần Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ, trong khi ông Tập Cận Bình hy vọng duy trì ảnh hưởng ngoại giao đối với Bình Nhưỡng.

Nổ điện tại ga tàu điện ngầm ở London
LONDON – Một vụ chạm điện đã gây ra một vụ nổ nhỏ tại ga tàu điện ngầm ở thủ đô London, Anh quốc, vào chiều thứ Ba, khiến 5 người bị thương. Nhà chức trách cho biết sự việc có vẻ như không liên quan đến khủng bố. “Hiện trường đã được kiểm tra bởi các chuyên gia,” Sở cảnh sát London cho biết. “Nguyên nhân vụ nổ là do một mạch điện bị chạm. Cảnh sát và các viên chức giao thông vẫn đang hợp tác để điều tra đầy đủ về sự việc.” Vụ nổ xảy ra ở nhà ga Southgate, ở phía tây bắc London, và không có ai bị thương quá nghiêm trọng. Theo nhà chức trách, 3 người đã được chữa trị tại hiện trường, và 2 người được đưa vào bệnh viện, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Iran cản trở OPEC tăng sản lượng dầu
VIENNA - Đại diện chính phủ Iran hôm thứ Ba nói rằng, tổ chức các nước sản xuất dầu OPEC nhiều khả năng sẽ không thể đạt được thỏa thuận về sản lượng dầu trong cuộc họp tuần này. Đây là dấu hiệu cho thấy Tehran có thể sẽ đối đầu với Ả Rập Saudi và Nga, hai nước đang vận động để tăng sản lượng dầu dần dần từ tháng 7, đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của thế giới. Tổ chức OPEC sẽ họp vào thứ Sáu để thương lượng chính sách, trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc đang kêu gọi giảm giá dầu và hỗ trợ nền kinh tế thế giới bằng cách khai thác thêm dầu thô.
Ả Rập Saudi, lãnh đạo trên thực tế của OPEC, và Nga, một nước sản xuất dầu dù không thuộc OPEC, đã đề nghị tăng lượng khai thác, trong khi các thành viên khác của OPEC như Iran, Iraq, Venezuela, và Algeria, đều phản đối ý kiến này. Trong cuộc họp báo tại Vienna, nơi diễn ra cuộc họp OPEC, Bộ Trưởng Dầu Mỏ Iran, ông Bijan Zanganeh, nói rằng ông không tin các nước sẽ đạt được thỏa thuận trong phiên họp sắp tới. Ông Zanganeh nói: “OPEC không phải là một tổ chức nhận chỉ thị từ Tổng Thống Donald Trump, và cũng không phải là chi nhánh của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ.”
Ông Zanganeh cho biết ông sẽ rời Vienna vào thứ Sáu, trước khi OPEC mở cuộc họp với các nước sản xuất dầu không phải là thành viên. Bộ trưởng Iran cũng thêm rằng, việc giá dầu tăng cao hiện nay chủ yếu là lỗi của Washingon, nơi đã áp đặt lệnh trừng phạt lên các thành viên OPEC là Iran và Venezuela. Nhu cầu nhiên liệu thế giới đã tăng mạnh trong 2 năm qua, với tốc độ tăng mỗi năm khoảng 1.5%. Lượng tiêu thụ dầu của thế giới dự kiến sẽ đạt 100 triệu thùng 1 ngày vào năm tới.

Trung Quốc hứa viện trợ quân sự cho Cambodia
PHNOM PENH – Chính phủ Trung Quốc đã hứa viện trợ quân sự hơn $100 triệu Mỹ kim cho Cambodia, theo Bộ Quốc Phòng Cambodia cho biết hôm thứ Ba. Sự việc cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa Bắc Kinh và Phnom Penh, một chính phủ đang bị cáo buộc phá hoại nền dân chủ trước cuộc bầu cử vào tháng tới. Đảng cầm quyền của Thủ Tướng Hun Sen dự kiến sẽ chiến thắng dễ dàng trong cuộc bầu cử vào ngày 29 tháng 7, sau khi Tối Cao Pháp Viện nước này đã giải tán đảng đối lập chính CNRP vào tháng 11 năm ngoái, theo yêu cầu của chính quyền.
Ngân sách viện trợ quân sự từ Trung Quốc được công bố bởi Bộ Trưởng Quốc Phòng Wei Fenghe, người đang có mặt tại Phnom Penh để dự hội nghị quân sự Trung Quốc – Cambodia, trong chuyến thăm từ ngày 16 tháng 6 và sẽ kết thúc vào thứ Tư. Theo Bộ Quốc Phòng Cambodia, ông Wei đã hứa sẽ viện trợ hơn $100 triệu Mỹ kim để dùng cho bất cứ yêu cầu nào của Phnom Penh, ngoài ra, quân đội hai nước cũng sẽ tổ chức cuộc tập trận chung Dragon Gold một lần nữa vào năm tới.
Trung Quốc hiện là nhà tài trợ lớn nhất của Cambodia hiện nay, và ủng hộ cho chính phủ của Thủ Tướng Hun Sen, người đã cai trị đất nước Đông Nam Á suốt 33 năm qua. Việc Cambodia cấm các đảng đối lập hoạt động đã bị chỉ trích bởi Hoa Kỳ, Liên Âu, và nhiều nước khác. Đáp lại, ông Hun Sen cáo buộc Hoa Kỳ hỗ trợ đảng CNRP để lật đổ chính phủ của ông. Cambodia đã đình chỉ vô thời hạn các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ, nhưng lại tổ chức tập trận chung với Trung Quốc 2 lần kể từ năm 2016.

Đại sứ Trung Quốc kêu gọi Úc chấm dứt tâm lý Chiến Tranh Lạnh
CANBERRA - Đại sứ Trung Quốc tại Úc đã kêu gọi chấm dứt tâm lý Chiến Tranh Lạnh, vốn đang gây căng thẳng cho quan hệ hai nước, vào vài tuần sau khi Bắc Kinh cáo buộc Canberra gây mâu thuẫn ngoại giao. Trong bài diễn văn tại Hội đồng thương mại Úc – Trung Quốc tại Canberra vào thứ Ba, Đại Sứ Cheng Jingye nói, Trung Quốc và Úc “cần giao thiệp nhiều hơn, giảm bớt thành kiến, và nhìn nhận các chính sách kinh tế chính trị của đối phương từ một góc nhìn tốt hơn, giảm bớt tâm lý Chiến Tranh Lạnh.”
Ông Cheng thêm rằng, Trung Quốc “không bao giờ can thiệp vào vấn đề nội bộ, và lại càng không bao giờ tìm cách xâm nhập vào chính phủ nước ngoài.” Bình luận của ông Cheng cho thấy sự tức giận của Bắc Kinh, sau khi Thủ Tướng Malcolm Turnbull vào tháng 12 năm ngoái nói rằng, việc Trung Quốc can thiệp vào ngành truyền thông, các trường đại học, và cả chính trường Úc, chính là nguyên nhân thúc đẩy Canberra soạn thảo các dự luật cứng rắn chống lại sự can thiệp của nước ngoài.
Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào tháng trước chỉ trích Canberra cố tình gây căng thẳng, và một số hãng xuất cảng của Úc nói rằng hàng hóa của họ đã bị gây khó dễ tại các cảng Trung Quốc. Dự luật của Úc, dự kiến sẽ được quốc hội bỏ phiếu trong tháng này, sẽ cấm các đảng chính trị nhận tài trợ từ nước ngoài, và yêu cầu mọi cá nhân và tổ chức hoạt động vì lợi ích của thế lực nước ngoài đều phải ghi danh với chính phủ và tiết lộ các mối liên hệ của họ.

Thủ Tướng Malaysia khuyên các nước giảm bớt chiến hạm trên biển Đông
KUALA LUMPUR - Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Thủ Tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng, cách thực tế để duy trì hòa bình trên biển Đông là giảm bớt hiện diện của các chiến hạm, và thay thế bằng các tàu tuần tra nhỏ. Vị thủ tướng 92 tuổi nói, không nên có quá nhiều chiến hạm trên biển Đông, vì “chiến hạm sẽ gây căng thẳng.” Theo ông Mahathir, “một ngày nào đó, một người nào đó sẽ phạm sai lầm và gây ra xung đột, các chiến hạm có thể bị tổn thất, dẫn đến chiến tranh, và không ai muốn thấy điều này.”
Đây là những bình luận đầy đủ nhất của ông Mahathir về vấn đề tranh chấp lãnh hải trên biển Đông, kể từ khi ông trở thành thủ tướng sau khi đánh bại ông Najib Razak trong cuộc bầu cử ngày 9 tháng 5. Chính phủ trước đây của cựu Thủ Tướng Najib đã bị chỉ trích vì làm suy yếu vai trò của Malaysia tại biển Đông, nơi đang bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn, cạnh tranh không chỉ với Malaysia, mà còn có Đài Loan, Indonesia, Philippines, và Việt Nam.
Malaysia chiếm đóng ít nhất 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, bao gồm cả đảo san hô Swallow Reef, nơi nước này có một căn cứ hải quân nhỏ. Biển Đông đang trở thành khu vực có nhiều nguy cơ xung đột, do sự hiện diện quân sự của Trung Quốc và các nước khác tại đây. Thủ Tướng Mahathir tin rằng, sự hiện diện của các chiến hạm là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình trên biển Đông. Nói về lập trường của Malaysia tại biển Đông, ông Mahathir cho biết chính phủ của ông chỉ muốn tiếp tục nắm giữ các đảo mà nước này hiện đang kiểm soát.

Nga chuẩn bị trả đũa thuế nhôm và thép của Hoa Kỳ
MOSCOW – Chính phủ Nga dự kiến sẽ đánh thuế nhập cảng đối với một số hàng hóa từ Hoa Kỳ, để đáp trả việc Washington đánh thuế 25% với sản phẩm thép đến từ nước ngoài. Bộ Trưởng Kinh Tế Nga Maxim Oreshkin hôm thứ Ba tuyên bố, nước này sẽ đánh thuế nhằm vào những mặt hàng của Hoa Kỳ mà Nga có sản phẩm nội địa tương đương. Ông khẳng định hành động này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế vĩ mô của Nga.
"Vì Hoa Kỳ vẫn sử dụng các biện pháp bảo hộ dưới hình thức thuế nhập cảng tăng thêm đối với nhôm, thép và từ chối bồi thường thiệt hại cho Nga, chúng tôi sẽ sử dụng các quyền tại Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO, và đưa ra biện pháp cân bằng thương mại với hàng nhập cảng từ Hoa Kỳ,” ông Oreshkin nói. Theo Bộ Kinh Tế Nga, danh sách hàng hóa Hoa Kỳ bị đánh thuế sẽ được công bố trong vài ngày tới. Hồi cuối tháng 5, Moskva đã thông báo cho WTO về việc có thể đánh thuế đối với hàng hóa Mỹ có tổng trị giá $537.6 triệu Mỹ kim mỗi năm.
Tổng Thống Donald Trump ra lệnh đánh thuế 25% cho thép, 10% với nhôm nhập cảng hồi tháng 3, để giải quyết tình trạng nhôm, thép giá rẻ tràn ngập thị trường. Sắc lệnh thuế này chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, đối thủ thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ, nhưng các đồng minh châu Âu của Washington và nhiều nước khác cũng không tránh khỏi thiệt hại.

Nổ trên tàu hộ vệ của Nam Hàn, 1 binh sĩ thiệt mạng
SEOUL - Một binh sĩ Hải quân Nam Hàn đã bị thương nặng và qua đời, sau một vụ nổ trên tàu hộ vệ đang tập trận ở ngoài khơi bờ biển phía nam nước này vào thứ Ba. Vụ nổ được cho là xảy ra đúng lúc binh sĩ này đang tháo lắp đạn từ một khẩu súng nòng 30 ly, để chuẩn bị cho cuộc tập trận bắn đạn thật. Sự việc xảy ra trên tàu hộ vệ Masan, trọng tải 1,500 tấn, đang tập trận bắn đạn thật tại hải phận ngoài khơi thành phố Tongyong, thuộc tỉnh nam Gyeongsang.
Viên chức Hải quân Nam Hàn cho biết, binh sĩ thiệt mạng là hạ sĩ quan tên Lee, 21 tuổi. Người này được đưa tới bệnh viện bằng trực thăng, nhưng vẫn không thể cứu chữa do bị thương quá nặng ở đầu. Nguyên nhân chính xác của sự việc sẽ được điều tra ngay sau khi tàu Masan cập cảng thành phố Changwon, miền nam Nam Hàn.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT